Điểm gửi xe "chặt chém" khách sắm Tết
Quanh khu vực chợ hoa, cây cảnh trên các tuyến phố, trung tâm thương mại Vincom (Hà Nội), hàng chục điểm trông giữ xe tự phát đua nhau treo biển trước cửa nhà dân. Mỗi điểm đều có vài ba nhân viên ghi vé, dắt xe cho khách. Để gửi xe, khách sắm Tết đều phải mất 15.000 đồng.
Móc ví trả 15.000 đồng tại một bãi ngã tư Bà Triệu – Đoàn Trần Nghiệp, chị Thuận, ở phố Đại Cồ Việt (Hà Nội) cho biết: "Mọi ngày tôi hay gửi ở những điểm này giá 5.000 đồng nhưng hôm nay họ thu gấp ba. Ngày Tết tôi cũng không muốn đôi co…".
Điểm trông xe ngay cạnh chợ hoa Hàng Lược ngang nhiên mọc dưới lòng đường.
Không riêng gì các bãi xe tự phát chặt chém khách sắm Tết, nhiều bãi xe "mẫu" được tổ chức theo hình thức "khoán quản" của thành phố cũng thu quá giá. Dọc các tuyến phố: Hàng Ngang, Hàng Đào... xe xếp kín một bên đường, giá đồng hạng 5.000 đồng. Nhiều điểm gửi xe khác khu vực phố cổ những ngày giáp Tết giá leo thang 10.000 đến 15.000 đồng.
Tại khu vực ngã tư Hàng Mã - Hàng Rươi - Hàng Lược chật ních người sắm Tết. Do vỉa hè được tận dụng để bày hàng phục vụ khách tham quan mua sắm cho nên đoạn giữa ngã tư được "biến thành" nơi trông xe. Móc ví lấy 15.000 đồng trả cho nhân viên trông giữ xe, bị cô bạn đi cùng thắc mắc, anh Tùng (ở Thanh Xuân) cười: "Ngày Tết gửi ở đâu chẳng thế".
Bạn Ngô Thị Thanh sinh viên năm 4 (ĐH Quốc gia Hà Nội) phải bấm bụng gửi xe với giá vé 15.000 đồng/lượt để vào hội chợ ở phố cổ mua đồ.
“Bây giờ gần Tết đi chợ gửi được xe là may mắn rồi. Vào phố, mất đến nửa giờ đồng hồ mới tìm được chỗ gửi xe. Biết tăng giá như thế này là bất hợp lý nhưng chẳng lẽ không đi chợ nữa mà quay về”, Thanh cho biết.
Nhiều điểm trông xe hốt bạc trong những ngày cận Tết.
Giá vé chỉ ghi 2.000 đồng mà thu cao gấp nhiều lần.
Trong khi đó, tại chợ Đồng Xuân, mặc dù tại bãi có treo biển quy định giá trông giữ xe máy là 2.000 đồng nhưng khách vào gửi xe đều phải trả 15.000 đồng.
Bên cạnh việc giá gửi xe tăng cao hơn ngày thường, các điểm trông xe còn trông theo giờ, chọn khách, khách nào vào gửi xe cũng được hỏi những câu hỏi như: “Đi vào chợ làm gì”, “Đi bao lâu”… Mà nguyên nhân của những câu hỏi đó chính là để tính giá vé xe sao cho “hợp lý”, nếu khách đi vào chợ lâu sẽ không nhận gửi xe mà còn cho biết đã hết chỗ.
Khi bị khách thắc mắc, nhân viên trông giữ xe trong chợ Đồng Xuân, bãi gửi phố Cao Thắng trả lời: "Ngày thường thu 5.000 đồng, Tết nhất nên anh em phải thu thêm chứ. Nhân viên điểm trông xe này giải thích rằng do địa điểm gửi xe hạn chế mà người dân gửi xe nhiều dẫn đến điểm trông xe phải thuê thêm nhân viên, "quây" thêm bãi nên phải tăng giá để bù đắp chi phí…
Trao đổi với PV Petrotimes, vì sao để tình trạng điểm trông xe mọc dưới lòng đường, chặt chém khách, một đồng chí công an phường Hàng Mã giải thích, mặc dù tận dụng lòng đường trông xe, nhưng đây là giải pháp tình thế, nếu không thì chẳng có chỗ nào để xe cho người dân vui chơi, mua sắm.
Nguyễn Hoan
-
Quảng Nam: Hơn 305 nghìn lượt khách tham quan, lưu trú dịp Tết Nguyên đán 2024
-
Xin đừng để “Tết” thành một cái cớ
-
Đề xuất dựng các quảng trường ở bãi giữa sông Hồng
-
Hơn 312 nghìn ca cấp cứu trong dịp nghỉ Tết Quý Mão
-
Thị trường hàng hóa mùng 5 Tết Quý Mão: Chợ dân sinh sôi động, tăng kiểm soát thị trường xăng dầu
-
Ngày 6/8 hằng năm là Ngày An ninh mạng Việt Nam
-
Triển khai đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”
-
Bộ Công Thương: Tập huấn quy định về giảm phát thải và kiểm kê khí nhà kính tại miền Trung - Tây Nguyên
-
Xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão
-
Hội nghị Trung ương 10: Cho ý kiến về 10 nội dung thuộc 2 nhóm vấn đề chiến lược