Đền Voi Phục chỉ còn 1 "cụ muỗm"

11:00 | 12/10/2014

1,359 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cây muỗm thứ 8 trong quần thể 9 cây di sản tại đền Voi Phục (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) đã “ra đi”.

>> Số phận 9 "cụ muỗm" ở đền Voi Phục

Đền Voi Phục chỉ còn một

Một cây muỗm mới được đốn hạ để đảm bảo an toàn cho ngôi đền và người dân xung quanh

Năm 2010, thành phố Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) và thành phố Hà Nội đã gắn biển cây di sản cho 9 cây muỗm có niên đại gần 1.000 năm tuổi ở đền Voi Phục. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, các cây này có dấu hiệu bị sâu bệnh, “già yếu” và chết.

Một cây muỗm có niên đại gần 1000 năm, là một trong số 9 cây muỗm trong di tích đền Voi Phục đã chết từ hồi đầu năm vừa mới được hạ xuống, di chuyển đi nơi khác. Lý do được đưa ra để giải thích cho cái chết của cây đại muỗm này là vì “tuổi cao sức yếu”, sâu bệnh.

Trao đổi với phóng viên PetroTimes, ông Nguyễn Văn Tùng – Trưởng Ban Quản lý di tích đền Voi Phục cho biết, cây muỗm mới được hạ xuống nằm trong khuôn viên của đền và đã có dấu hiệu bị bệnh, chết từ hồi đầu năm.

Ông cũng cho biết, sau khi được công nhận là cây di sản (năm 2010), đền Voi Phục được trùng tu, tôn tạo lại vào tháng 3/2011. Việc trùng tu được Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ giao Ban quản lý dự án quận làm đầu mối thực hiện.

Trong quá trình tu bổ, đã phát hiện 2 cây muỗm bị nấm xâm hại, có sâu đục thân và cứ thế các cây muỗm chết dần chết mòn. Chỉ trong vòng 4 năm sau khi được gắn biển cây di sản, đến nay đền Voi Phục đã mất đi 8 “cụ muỗm”.

Sự việc bắt đầu từ tháng 8/2012, ban đầu các cây có dấu hiệu rụng lá, cây khô. Sau khi cây muỗm chết, ông Tùng đã xin ý kiến của Công ty Công viên cây xanh và Sở Xây dựng cho phép được hạ cây xuống, tránh tình trạng cây chết khô, làm hỏng cảnh quan của ngôi đền cổ.

Đền Voi Phục chỉ còn một

Ông Tùng ngắm nhìn cây muỗm duy nhất còn sống

Đến khoảng giữa năm 2013, những cây muỗm bệnh còn lại được điều trị nên có tiến triển tươi tốt nhưng đến tháng 11/2013, 3 cây muỗm bị rụng lá và chết khô dần.

Nói về cây muỗm mới được hạ xuống cách đây vài hôm, ông Tùng tâm sự: “Sau khi cây có dấu hiệu bị bệnh, chúng tôi có nhờ các chuyên gia trong Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tư vấn chữa trị cho cây. Sau đó cũng có các chuyên gia nước ngoài đến bơm thuốc, điều trị nhưng cây vẫn chết. Cây chết thì chúng tôi phải xin ý kiến được hạ cây xuống. Cách đây khoảng 5 hôm đã có người đến hạ cây”. Ông Tùng cũng cho biết, các cây hạ xuống được Công ty cây xanh Hà Nội thu hồi về.

“Sau khi các cây muỗm chết, chúng tôi đã kiến nghị lên Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trồng thay thế các cây muỗm đã chết. Thành phố cũng có quyết định giao Công ty cây xanh trồng lại cây nhưng đến nay Công ty này vẫn chưa trồng một cây nào”. – ông Tùng nói.

Tuy nhiên, ông Tùng cũng bày tỏ trăn trở, với các cây di sản tại đền Voi Phục, chỉ được công nhận nhưng lại không có phương pháp chăm sóc nên khi cây chết chẳng có ai chịu trách nhiệm.

“Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chỉ công nhận 9 cây muỗm là cây di sản còn phương pháp chăm sóc thì họ chỉ nói là sẽ giúp đỡ. Đến khi cây có dấu hiệu bị bệnh, họ cũng mời chuyên gia đến thăm khám, mất 60 triệu nhưng sau đó cây vẫn lụi tàn và chết.”

Hiện ở đền Voi Phục chỉ còn một cây muỗm nằm bên ngoài khuôn viên đền, sát nhà một người dân vẫn xanh tốt. Điều chắc chắn rằng cây muỗm này, ít được quan tâm, chăm sóc trực tiếp từ ban quản lý so với những cây muỗm ở trong đền. Nhưng ngược lại, cây muỗm này cũng không bị ảnh hưởng từ quá trình trùng tu, tôn tạo đền.

Dẫu biết, các “cụ muỗm” tại đây đã “tuổi cao, sức yếu” nhưng tại sao trước khi trùng tu, tôn tạo đền, cây vẫn xanh tốt mà sau khi trùng tu, tôn tạo “các cụ” lại lần lượt “ra đi”?.

Có hay không việc trùng tu, tôn tạo đền ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của các cây di sản ở đền Voi Phục?

Vì sao các cây muỗm tại đền Voi Phục chết sau khi được công nhận cây di sản?

Ai là người phải chịu trách nhiệm về việc này?

PetroTimes sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

>> Số phận 9 "cụ muỗm" ở đền Voi Phục

Xuân Hinh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc