Đèn lồng phố Hội - Nét đặc trưng của một đô thị cổ

13:30 | 13/02/2024

1,472 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đèn lồng Hội An, vật dụng đã có mặt từ hàng trăm năm trước, đủ lâu để trở thành nét đặc trưng của một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn. Để rồi những người con xa xứ hay du khách chỉ vài lần ghé qua, khi nhìn thấy chiếc đèn lồng đều mường tượng, nhớ về quê nhà, nhớ về phố Hội.
Đèn lồng phố Hội - Nét đặc trưng của một đô thị cổ
Khắp các phố phường tại TP Hội An, không khó để bắt gặp hình ảnh chiếc đèn lồng

Giữ nghề đèn lồng hơn 400 năm tuổi

Gần nửa thiên niên kỷ trôi qua, đô thị cổ ở hạ lưu sông Thu Bồn, vẫn âm thầm lưu giữ cho mình những giá trị lịch sử. Đâu đó trong “hơi thở của thời gian”, nghề làm đèn lồng đã hơn 400 năm tuổi, vẫn bền bỉ tồn tại, tạo nên nét đặc trưng của phố Hội.

Có mặt từ khoảng thế kỷ XVII, “ông tổ” của nghề làm đèn lồng Hội An (Quảng Nam) được cho là ông Xã Đường, chuyên làm đầu lân và lồng đèn cho những đêm hội của thành phố. Từng là thương cảng giao lưu, mua bán của đa quốc gia trong nhiều thế kỷ trước, vì vậy, đèn lồng phố cổ Hội An được người dân nơi đây học hỏi cách làm và cải tiến qua thời gian để có được sự đa dạng mẫu mã, phục vụ cho du lịch và thị hiếu của khách hàng.

Ở Hội An, có hơn 30 xưởng sản xuất và hơn 200 cơ sở kinh doanh đèn lồng. Làng nghề đèn lồng không chỉ mang ý nghĩa gìn giữ văn hóa, làng nghề cổ mà còn tạo công ăn việc làm cho đông đảo những người dân của Hội An.

Đèn lồng phố Hội - Nét đặc trưng của một đô thị cổ Đèn lồng phố Hội - Nét đặc trưng của một đô thị cổ

Bà Nguyễn Thị Liên (56 tuổi, ngụ phường Cẩm Châu, TP Hội An) - một trong những người thợ làm nghề đèn lồng với hơn 10 năm kinh nghiệm - chia sẻ: “Nhờ có nghề làm đèn lồng, nên nhiều người dân của Hội An vẫn bảo đảm được công ăn, việc làm và hơn hết là góp phần gìn giữ những giá trị của một làng nghề cổ truyền đã có từ lâu của thành phố, một nét văn hóa và dấu ấn đặc trưng của phố cổ Hội An”.

Qua thời gian, những chiếc đèn lồng được biến tấu với nhiều phiên bản về mẫu mã và chất lượng. Đèn lồng truyền thống có phần khung từ gỗ và tre, nhưng để sử dụng lâu bền hơn, nhiều người lựa chọn đèn lồng có khung sắt. Đèn lồng sau khi được hoàn thiện, sẽ được đưa đến khắp các tỉnh, thành trên cả nước theo đơn đặt hàng. Để rồi từ đây, khi nhìn thấy đèn lồng, ai nấy đều nhớ về Hội An, không chỉ là những người con xa xứ mà còn là những kỷ niệm của du khách khi đã một lần đặt chân đến phố cổ trăm tuổi.

Đèn lồng phố Hội - Nét đặc trưng của một đô thị cổ
Những chiếc đèn lồng đa sắc màu, hình dáng được bày bán như một hình thức hoài niệm về TP Hội An

Nhiều năm qua, lĩnh vực thủ công, nghệ thuật dân gian là thế mạnh nổi trội được Hội An tập trung bảo tồn và phát huy. Đối với nghề làm đèn lồng của Hội An, thành phố luôn định hướng trở thành nét đặc trưng qua nhiều chương trình đặc sắc. Từ năm 1998, thị xã Hội An lúc bấy giờ đã chủ trương xây dựng thương hiệu “Đêm Rằm phố cổ” để tạo nét riêng và điểm nhấn cho phố Hội. Đến ngày nay, chương trình “Phố đèn lồng Hội An” được tổ chức vào những ngày 1, 14, 15 âm lịch và thứ Bảy hằng tuần tại sông Hoài (một nhánh của sông Thu Bồn) tạo nên nét đặc trưng riêng. Cùng với đó, mỗi người dân làm nghề đèn lồng cũng thực hiện kết hợp du lịch, tổ chức không gian trải nghiệm làm đèn lồng…, qua đó tạo sự thích thú và quảng bá sâu rộng đèn lồng Hội An đến với nhiều người và nhiều nơi.

Đèn lồng phố Hội - Nét đặc trưng của một đô thị cổ
Bà Nguyễn Thị Liên (ngụ phường Cẩm Châu, TP Hội An) làm đèn lồng phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024

Những điều thú vị về đèn lồng Hội An

Hội An từng là vùng thương cảng sầm uất nhất khu vực Đông Nam Á ở thế kỷ XVII, là nền văn hóa giao thoa, hội tụ của các nước lớn như Nhật Bản, Trung Quốc và nhiều nước phương Tây. Nhiều thương nhân người Hoa và người Nhật thường xuyên qua lại để buôn bán, họ mang theo những chiếc đèn lồng treo trước cửa. Qua thời gian, người Hội An tâm niệm, treo đèn lồng trước cửa để cầu sự bình an, may mắn cho gia đình. Từ đó, những chiếc đèn lồng lung linh, đa sắc được treo khắp các phố phường Hội An.

Để làm được những chiếc đèn lồng truyền thống, nghệ nhân làm nghề phải trải qua thời gian dài học việc để có thể cảm nhận và tạo ra hình dáng cân bằng, đối xứng của đèn. Với đèn lồng truyền thống làm bằng chất liệu gỗ, tre, bắt buộc phải ngâm kỹ qua nước muối để tăng thời gian sử dụng và tạo sự dẻo dai, dễ dàng uốn nắn hình dáng.

Đối với phần vải bọc ngoài, đèn lồng truyền thống của người dân Hội An thường được lựa chọn vải xoa hoặc lụa tơ tằm, gấm… để tăng độ lấp lánh và tuổi thọ. Việc dán phần vải bọc phía ngoài cũng cần sự khéo léo, tỉ mỉ để vừa có thể tạo hình, vừa gắn chắc chắn phần vải vào khung đèn. Sau khi gắn xong phần vải, người thợ sẽ dùng kéo cắt tỉa tạo hiệu ứng liền mạch cho đèn lồng. Hoàn thành một chiếc đèn lồng tùy theo kích thước mất thời gian trung bình khoảng 4 ngày, từ công đoạn làm khung đến khi hoàn thiện. Đèn lồng Hội An ngoài được chăm chút hình dáng còn không ngừng được sáng tạo với những câu văn, thơ hay những chữ Hán - Việt mang ý nghĩa tốt lành.

Đến hẹn lại lên, dịp cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là lúc các cơ sở sản xuất tăng cường nhân công để đáp ứng nhu cầu đèn trang trí ngày tết. Những người thợ làm nghề lại tất bật đôi tay để đưa đèn lồng đến với đông đảo người tiêu dùng, góp phần quảng bá về một làng nghề truyền thống, một nét đặc trưng của phố cổ Hội An. Và Hội An vẫn tiếp tục gìn giữ những giá trị văn hóa lâu đời, phố Hội vẫn ấm áp, lung linh ánh đèn lồng mỗi khi đêm về.

Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường Chất lượng đã công nhận 9 kiểu dáng của đèn lồng Hội An gồm đèn hình tròn, bát giác, lục giác, trái bí, củ tỏi, thùng, đu đủ, bánh ú, dù và một số hình thù đặc biệt như đèn lồng kéo quân, hình con cá, con rồng… Vậy là, những chiếc đèn lồng Hội An đã có cho mình một “danh phận”.

Phúc Nguyên

Petrotimes.vn

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Hầm chôn chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới

Hầm chôn chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới

(PetroTimes) - Nằm sâu 450m dưới lòng đất đảo Olkiluoto (Phần Lan), Onkalo - hệ thống lưu trữ và xử lý chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới sắp hoàn thành...