Cương quyết "trảm" tài xế nghiện ma túy

18:40 | 20/03/2014

1,061 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mới đây, Bộ GTVT ban hành công văn quy định về việc kiểm tra sức khỏe của tài xế taxi, xe tải, xe khách nhằm loại bỏ những người điều khiển “quan tài bay”.

Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu Sở Giao thông các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Y tế địa phương rà soát và khám sức khỏe cho toàn bộ lái xe kinh doanh vận tải đến hết ngày 30/4/2014.

Từ nay đến 30/4, ngành GTVT sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe đối với tất cả tài xế taxi, xe khách, xe tải…

Theo đó, Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải chủ động đăng ký khám sức khỏe cho lái xe, tuyên truyền nâng cao trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp. Tổng cục Đường bộ được giao theo dõi, tổng hợp tình hình và báo cáo Bộ trước 31/5 về số lượng lái xe không đủ sức khỏe và đánh giá các địa phương thực hiện tốt hoặc chưa tốt công tác khám sức khỏe cho lái xe.

Vấn đề quản lý sức khỏe tài xế là một “biện pháp” quan trọng góp phần hạn chế tai nạn giao thông. Vì vậy, cũng đã được quy định rất rõ ràng và đầy đủ trong nhiều văn bản luật. Cụ thể, theo quy định của pháp luật, ngay từ khi người dân muốn học để lấy bằng lái các phương tiện cơ giới, đều phải có giấy chứng nhận sức khỏe nộp kèm hồ sơ đăng ký. Và sau khi nhận bằng lái xe, thì các tài xế hành nghề đều phải được khám sức khỏe định kỳ. Do vậy, có thể nói chủ trương của Bộ GTVT và UB ATGT Quốc gia, nhằm siết quản lý sức khỏe lái xe, để đảm bảo ATGT, cũng là vấn đề đúng nhưng không phải là mới.

Lái xe container nghiện hút gây tai nạn đang là nỗi kinh hoàng cho người đi đường.

Có thể thấy, trước thực trạng nhiều vụ TNGT thảm khốc xảy ra, cơ quan chức năng đã phát hiện rằng ở nhiều tai nạn, có tài xế cầm vô lăng là những người nghiện ma túy. Thực tế, ma túy thường gây cho người nghiện những ảo giác, dẫn đến mất kiểm soát hành vi. Một nghi vấn đã được đặt ra, phải chăng không ít vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ việc tài xế phê ma túy?

Những tài xế nghiện đã bị ảo giác chi phối nên tự tin thái quá, phóng nhanh vượt ẩu, dẫn đến không xử lý kịp thời các tình huống ngoài thực tế, đã gây tai nạn? Chính vì vậy lần này Bộ GTVT đã “tổng kiểm tra” sức khỏe tài xế, cùng là việc đúng và cần thiết.  

Trao đổi với PV xung quanh chủ trương này, ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho rằng, việc khám sức khỏe cho tài xế có thể xem là một biện pháp để hạn chế TNGT.

“Bộ GTVT đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở GTVT các địa phương, phối hợp với Sở Y tế, cùng các cơ quan chức năng, thành lập những tổ liên ngành triển khai thực hiện. Bên cạnh việc các DN trực tiếp đăng ký đặt lịch khám sức khỏe, cho tài xế, thì các tổ liên ngành cũng sẽ tổ chức đột xuất xuống đơn vị để yêu cầu triển khai thực hiện.”

Cũng theo ông Nguyễn Văn Huyện, mặc dù việc khám sức khỏe đương nhiên sẽ khiến các DN vận tải hoặc người lao động sẽ mất thời gian, công sức, tiền bạc. Tuy nhiên, họ cũng đã ý thức được tầm quan trọng của việc này, nên đều ủng hộ chấp thuận.

“Về phía chủ DN họ rất lo sợ tài xế nghiện cầm vô lăng, nên khi tuyển lái xe ngoài việc xem xét giấy chứng nhận sức khỏe, chủ DN cũng còn xem xét kỹ ngoại hình của ứng viên, nếu phát hiện những dấu hiệu “bất thường” thì sẽ không tuyển dụng. Không ai dại gì giao một tài sản lớn cho những người không đủ tin cậy quản lý. Về phía tài xế, họ cũng thấy rằng nghề nghiệp của mình có những yêu cầu rất cao về sức khỏe, từ đó có ý thức trách nhiệm hơn, không chỉ với bản thân mà còn đối với cộng đồng. Việc “siết” quản lý sức khỏe, nếu làm nghiêm túc sẽ giúp tài xế tránh xa ma túy, như vậy trước hết là có lợi cho bản thân tài xế, nên họ cũng sẵn sàng hợp tác” – ông Nguyễn Văn Huyện cho biết. 

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội.

Trước đó, PetroTimes đã có bài viết đưa ra con số khiến nhiều người giật mình, ước tính trên toàn quốc có khoảng 10 đến 15% tài xế nghiện ma túy, đặc biệt là những tài xế chạy đường dài. Mới đây, Sở GTVT Hải Phòng, khi tiến hành kiểm tra cũng đã phát hiện hơn 200 tài xế trong máu có chứa chất gây nghiện, Sở GTVT Hải Phòng đã kiên quyết đình chỉ đối với các tài xế này, do không đảm bảo sức khỏe để điều khiển xe an toàn.

Từ “điển hình” của Hải Phòng, Bộ GTVT yêu cầu các DN, cá nhân kinh doanh vận tải phải tổ chức khám định kỳ cho những người điều khiển phương tiện cơ giới. Việc này là một chủ trương đúng đắn, cần thiết đã được dư luận rất quan tâm ủng hộ. Có thể thấy, đối với nhiều tài xế vận tải đường dài, do môi trường ăn ngủ sinh hoạt thường là trên đường, nếu không tự chủ sẽ dễ bị những tiêu cực cám dỗ, như ma túy, mại dâm… lôi cuốn.

Còn đối với các phượng tiện vận tải hoạt động tuyến ngắn, thì tài xế ít bị tác động bởi những yếu tố tiêu cực từ xã hội, so với tài xế đường dài. Do vậy, việc “siết” quản lý sức khỏe tài xế, được cho là vừa là giúp tài xế tránh xa những hiểm họa, đồng thời cũng là cách để đảm bảo ATGT.

Về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết: Thực tế việc kiểm tra sức khỏe tài xế thời gian qua đã bị cơ quan chức năng buông lỏng. Dẫn đến, giấy chứng nhận sức khỏe chỉ mang tính hình thức, qua loa chiếu lệ chứ không theo quy định của Bộ Y tế; không thực hiện theo mẫu Bộ Y tế đã quy định về khám sức khỏe đối với lái xe; không thực hiện khám sức khỏe định kỳ…  

“Mặc dù có quy định rõ ràng việc khám sức khỏe cho tài xế phải do trung tâm y tế đủ điều kiện mới được tiến hành, thế nhưng thực tế là tài xế hoặc chủ DN xin giấy khám ở đâu không quan trọng, miễn là có… dấu đỏ. Không khó để có thể đưa ra những ví dụ về các trường hợp cơ sở đào tạo, “bao” luôn cả việc “bán” giấy khám sức khỏe cho học viên, đã bị cơ quan chức năng phát hiện xử phạt. Điều đó đã minh chứng rõ ràng cho việc thực hiện chủ trương khám sức khỏe cho tài xế, trong thời gian qua đã không được thực hiện nghiêm túc.” – ông Bùi Danh Liên nói.

Theo ông Bùi Danh Liên, để khắc phục tình trạng trên theo đúng quy định của pháp luật, lại ít ảnh hưởng tới DN vận tải, cũng như người lao động, thì không cần yêu cầu tất cả tài xế đều phải có giấy chứng nhận trong đợt này. Cơ quan chức năng có lẽ chỉ nên tổng kiểm tra lại giấy khám sức khỏe của lái xe xem còn hiệu lực (theo quy định là 1 năm) hay đã hết; giấy chứng nhận sức khỏe có đúng là cơ quan có thẩm quyền quy định cấp hay không đúng? Nếu những trường hợp đủ điều kiện, còn thời hạn thì thôi, nếu hết hạn và chưa đúng quy định, thì yêu cầu họ bổ sung giấy khám sức khỏe vào hồ sơ để quản lý.

Thảo Phượng