Cuộc quyết đấu giữa 2 cơ quan tình báo KGB và CIA (Phần 3)
Với thế hệ Burton Gerber, không phải tất cả điệp viên KGB đều là gián điệp nhị trùng, và nếu khéo léo, hoàn toàn có thể sử dụng họ được. Tay điệp viên KGB cuối cùng làm việc cho CIA mà không bị Angleton nghi ngờ là đại tá Oleg Penkovsky.
Là một trong những điệp viên quan trọng nhất trong lịch sử CIA thời chiến tranh lạnh, Penkovsky đã giúp nội các Kennedy vượt qua cơn khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Tham vọng Gerber được Giám đốc CIA Richard Helms hậu thuẫn bằng cách tăng cường nhân lực bộ phận gián điệp Liên Xô.
![]() |
Lidia - Hiệu trưởng trường đào tạo tình báo (BKG) mang quân hàm đại tá |
Một trong những người như vậy là David Blee, từng lưu dấu tay tại châu Á khi tổ chức cuộc đào thoát từ Ấn Độ sang phương Tây cho Svetlana (con gái Josef Stalin). Trước khi được Richard Helms yêu cầu làm việc trong bộ phận gián điệp Liên Xô, David Blee là Chỉ huy trưởng CIA bộ phận Cận Đông...
Chỉ huy sở CIA, Langley, bang Virginia, 8.45, ngày 14-6-1985. Paul Redmond vào phòng Gerber. Trên bàn, có bức điện vụ bắt Paul Stombaugh tại Moscow. Cạnh đó, Redmond thấy món quà tạm biệt của một nhân viên CIA từng làm việc tại Moscow gửi tặng Gerber.
Đó là ống tuýp thép đen được uốn cong đặt trên bệ gỗ. Một đầu ống thép treo lủng lẳng quả cầu đen. Nhìn món quà lưu niệm của những người từng phục vụ chiến dịch nghe trộm tại Moscow, Redmond bất giác nhớ đến GTTAW – mật danh chương trình nghe lén của CIA tại Moscow - với thiết bị nghe trộm cài trong đường hầm nối Moscow và Krasnaya Pakhra, nơi có viện nghiên cứu vũ khí hạt nhân tại Tây-Nam thủ đô Liên Xô.
Trong nhiều năm, Mỹ nghe tất tần tật liên lạc giữa các khoa học gia làm việc tại đây với sĩ quan quốc phòng Liên Xô, khi bắt tín hiệu truyền bằng sóng vi ba. Tuy nhiên, cuối thập niên 1970, Liên Xô lập đường hầm và chôn hệ thống cáp liên lạc.
Khi không còn bắt được tín hiệu, vệ tinh do thám Mỹ dò tìm hệ thống liên lạc mới và phát hiện dấu hiệu xây dựng dọc theo trục lộ chính giữa khu nghiên cứu và Moscow.
Những cuộc băng trắng
Ảnh vệ tinh cho thấy thêm có nhiều lỗ nhỏ dọc theo đường, hẳn nhiên là lỗ hầm để người ta có thể sửa chữa dây cáp nếu chúng hỏng. Cùng Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), CIA thực hiện kế hoạch gài thiết bị nghe trộm trong hệ thống cáp ngầm trên.
![]() |
Điệp viên tình nguyện Tolkachev bị KGB bắt năm 1985 |
Năm 1979, Jim Olson là nhân viên CIA đầu tiên chui vào lòng Moscow gài máy nghe lén. Sau đó, CIA và NSA chế tạo thành công chiếc “vòng cổ” có thể bắt được tín hiệu liên lạc mà không cần đấu trực tiếp thiết bị vào dây cáp.
Từ đó, gián điệp Mỹ liên tục, trong thời gian định kỳ, đến một con đường làng vắng, nơi đặt thiết bị ghi âm để lấy băng về. Màn nghe lén tiến hành suôn sẻ 5 năm. Mùa xuân 1985, khi đến lấy băng, một trong những đồng nghiệp của Paul Stombaugh phát hiện dấu vết lạ và hoảng hốt bỏ đi.
Sau thời gian khá dài cân nhắc và bàn tính giữa văn phòng CIA tại Moscow với Langley, CIA quyết định cử một điệp viên sắp hết hạn làm việc tại Moscow đến lấy băng. Tay điệp viên trở về an toàn, không mất một sợi tóc.
Tuy nhiên, niềm vui trở thành cảm giác xấu hổ hụt hẫng. Toàn bộ băng đều “trắng”, làm như ai đó đã xóa sạch hoặc đơn giản là chúng được thay vào bằng băng trắng (đến nay, CIA vẫn còn mù tịt về vụ trên và không hiểu tại sao)...
Điệp viên hai mang
Khi Gerber viết, Paul Redmond tiếp tục nghĩ mông lung. Đầu tiên là GTTAW và kế đó xảy ra vụ Sergei Bokhan, mới hai tuần trước. Bokhan – đại tá GRU (Cơ quan Quân báo Liên Xô) – làm việc cho CIA 10 năm, với mật danh GTBLITZZARD.
Năm 1978, trong chuyến công tác đầu tiên đến Hy Lạp, Bokhan thông báo với CIA rằng có một thanh niên Mỹ vào Tòa Đại sứ Liên Xô tại Athens, đề nghị bán cẩm nang tuyệt mật về vệ tinh do thám KH –11. Thông tin từ Bokhan đã giúp Mỹ bắt được cựu nhân viên CIA William Kampiles (bán tài liệu trên với giá 3.000 USD).
Năm 1984, trong chuyến công tác Athens lần hai, Bokhan tiết lộ rằng một điệp viên Hy Lạp có quan hệ với giới thầu quốc phòng đã cung cấp GRU dữ liệu kỹ thuật về tên lửa Stinger. Thất thoát thông tin về Stinger sẽ là đòn đau điếng cho Lầu Năm Góc, do Stinger là vũ khí cầm tay bắn máy bay hiện đại nhất của quân đội Mỹ thời điểm đó.
Đang làm việc đắc lực cho CIA, ngày 21-5-1985, Bokhan bất ngờ nhận được điện từ tổng hành dinh GRU, yêu cầu về Moscow trong vòng vài ngày thay vì đến kỳ nghỉ phép tháng 8 cùng năm. Bokhan được thông báo rằng cậu con trai 18 tuổi Alex đang gây rắc rối tại Học viện Quân sự Kiev.
Trước đó vài hôm, Bokhan đã gọi điện cho anh vợ tại Kiev, biết rằng Alex không hề gây sự cố nào. Có gì bất ổn chăng? Moscow đánh hơi được hành động phản bội của Bokhan? Để bảo đảm an toàn, Bokhan được CIA bí mật đưa sang trốn tại Virginia (Mỹ).
GTTAW, Sergei Bokhan và bây giờ là sự cố Paul Stombaugh. Một, hai, rồi ba... Trùng hợp chăng? Chắc là không – Paul Redmond nghĩ. Từng nắm vị trí chỉ huy trưởng CIA bộ phận gián điệp đặc trách Liên Xô-Đông Âu, Redmond cũng lê mòn gót tại Zagreb, Kuala Lumpur, Athens và Cyprus...
Trầm ngâm, Redmond tin rằng có thể James Jesus Angleton không điên khùng và lẩm cẩm như được tưởng, người luôn cho rằng chắc chắn ít nhất một tên điệp viên nhị trùng nào đó đang trà trộn vào hàng ngũ CIA. Có điều, Angleton chỉ sai khi phán đoán đó là ai, làm gì, lúc nào và ở đâu...
(Còn tiếp)
Thiên Phú
-
Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 16 luật, pháp lệnh mới được thông qua
-
Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump điện đàm
-
[VIDEO] Tổng Bí thư Tô Lâm: Chính quyền phải đổi mới tư duy, cách làm và tác phong phục vụ nhân dân
-
Tổng Bí thư Tô Lâm: "Quản lý, quản trị đều phải tốt"
-
1/7/2025: Ngày hội non sông và bước ngoặt lịch sử