Công an nhân dân trong bảo vệ an ninh quốc gia thời kỳ đổi mới

07:03 | 18/08/2015

12,303 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Công an Nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2015), Báo Năng lượng Mới xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an.

Thượng tướng - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưởng

Những cuộc đối thoại của tướng Nguyễn Văn Hưởng với các phái đoàn Mỹ (Kỳ 1)

Những cuộc đối thoại của tướng Nguyễn Văn Hưởng với các phái đoàn Mỹ (Kỳ 1)

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân, Báo Năng lượng Mới - PetroTimes xin đưa lại những cuộc đối thoại của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng với các phái đoàn Mỹ.

Khi nói tới cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh của lực lượng Công an nhân dân trong thời kỳ đổi mới, nghĩa là nói đến cuộc đấu tranh bảo vệ các thành quả của cách mạng trong điều kiện tác động mạnh mẽ của sự chuyển đổi về quan điểm, đường lối chính sách…

Đặc biệt trong bối cảnh tình hình đất nước ta đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề sau cuộc chiến tranh và những tác động của cơ chế điều hành quan liêu bao cấp, sau khi Liên Xô và hệ thống XHCN ở Đông Âu đã sụp đổ, trong khi đó Trung Quốc coi ta là thù địch, nước ta bị cô lập trên trường quốc tế.

Trong hoàn cảnh đó, Mỹ và các nước phương Tây đã tìm mọi cách để xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN ở nước ta với hy vọng như đã làm được với Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu diễn ra đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Tình hình lúc đó có thể thấy, về chính trị, ta gần như bị cô lập, đời sống của nhân dân ta gặp muôn vàn khó khăn; về kinh tế, ta đứng trước nguy cơ mà có lúc Đảng ta đã ví “chẳng khác gì ngàn cân treo sợi tóc”.

Công an nhân dân trong bảo vệ an ninh quốc gia thời kỳ đổi mới
Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an

Trước tình thế “sống còn” đó, Đại hội VI năm 1986 của Đảng đã quyết định phải chuyển hướng đường lối xây dựng và bảo vệ đất nước ta và công cuộc đổi mới được đặt ra từ đó - với nội hàm “đổi mới tư duy, đổi mới phong cách lãnh đạo…”.

Tuy nhiên, phải đến Đại hội Đảng lần thứ VII thì nội dung đổi mới của Đảng mới được xác định rõ hơn về đường lối đối nội, đối ngoại để hướng tới và thoát khỏi sự bao vây, cô lập và từng bước hội nhập quốc tế; với phương châm Việt Nam là bạn với các nước - trước hết là các nước ASEAN và tiến tới là bình thường hóa quan hệ ngoại giao với các nước lớn là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, củng cố quan hệ đặc biệt với Lào, Campuchia và bạn bè truyền thống.

Chính sách đối nội cũng có sự thay đổi quan trọng khi chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế nhiều thành phần, chấp nhận đầu tư nước ngoài để huy động mọi nguồn lực xây dựng đất nước; môi trường chính trị, xã hội cũng có những bước thay đổi tích cực khi Đảng ta tiếp tục coi trọng và thúc đẩy hòa hợp dân tộc sau chiến tranh, có cách nhìn mới đối với những người tham gia chế độ ngụy quyền trước đây; đồng thời chủ động ban hành nhiều chính sách quan trọng về tôn giáo - dân tộc, về cư trú, về xuất nhập cảnh, về đoàn tụ gia đình...

Đường lối đổi mới trên tiếp tục được Đảng và Nhà nước ta không ngừng bổ sung và hoàn thiện trong các kỳ Đại hội VIII, IX, X, XI. Có thể nói, toàn bộ mục tiêu đổi mới của Đảng và Nhà nước ta là nhằm xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Công an nhân dân trong bảo vệ an ninh quốc gia thời kỳ đổi mới
Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng kiểm tra một đơn vị cảnh sát cơ động của Công an Hà Nội

Trải qua hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, cũng là 30 năm Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và giành được nhiều thành quả vĩ đại. Đảng và Nhà nước ta đã có được những đánh giá đầy đủ về những thành tựu của 30 năm thực hiện đường lối đổi mới - những thành quả mà ai cũng có thể dễ dàng thấy được, khi nước ta từ một nước nghèo đã vươn lên thành một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, nhiều lĩnh vực xuất khẩu đã đứng tốp đầu của khu vực, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nước ta đã có vị thế quan trọng đóng góp vào ổn định tình hình chính trị quốc tế và khu vực; độc lập, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững, tình hình an ninh chính trị tiếp tục ổn định, bầu không khí dân chủ trong các giai tầng xã hội ngày càng được mở rộng, đất nước được sống trong hòa bình để xây dựng và phát triển.

Những thành quả trên đây là kết quả của sự phấn đấu không ngừng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhưng trên hết phải khẳng định rằng ngành Công an đã đóng góp một công sức không nhỏ vào những thành tựu đó. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã tin tưởng giao cho lực lượng công an trọng trách bảo vệ, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội - điều đó cũng có nghĩa là phải giữ được ổn định đất nước và bảo vệ được thành quả lao động của nhân dân. Đây là nhiệm vụ vô cùng to lớn và đầy thử thách, cam go nhưng cũng rất vẻ vang, tự hào đối với toàn lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.

Điểm lại chặng đường hơn 30 năm thực hiện nhiệm vụ nói trên, toàn lực lượng công an nói chung và lực lượng an ninh nói riêng đã và đang phải đối mặt với biết bao nhiêu nguy cơ, thách thức đến cả từ bên ngoài và phát sinh từ bên trong. Song tất cả những ai đã trải qua thời gian đó đều có thể đánh giá rằng, đã có sự chống phá rất quyết liệt nhằm mục tiêu gây mất ổn định chính trị, tạo dựng lực lượng đối lập tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ chính trị ở nước ta. Chúng cũng triệt để lợi dụng chính sách đổi mới, mở cửa, hội nhập, tận dụng mọi cơ hội để thâm nhập vào nước ta để tiến hành hoạt động phá hoại trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực...

Mặt trận đấu tranh bảo vệ an ninh khi đó vừa phải đấu tranh với cuộc chiến tranh gián điệp ở biên giới phía Bắc, vừa phải đấu tranh với các toán biệt kích vũ trang xâm nhập bí mật ồ ạt qua biên giới Lào và Campuchia, vào khu vực Tây Nguyên và các tỉnh Tây Nam Bộ, vừa phải đối phó với các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị mưu đồ lập đảng phái đối lập, kích động quần chúng biểu tình bạo loạn ở các vùng tôn giáo và dân tộc miền núi.

Đặc biệt ta phải đối phó với các âm mưu, hoạt động thông qua hợp tác về giáo dục đào tạo, cải cách luật pháp, chống tham nhũng… để diễn biến chuyển hóa nội bộ ta.

Công an nhân dân trong bảo vệ an ninh quốc gia thời kỳ đổi mới
Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng kiểm tra công tác an ninh tại Hội nghị APEC (2005)

Trong điều kiện bùng nổ công nghệ thông tin ngày nay, việc kẻ xấu tận dụng mạng Internet tấn công vào các cơ quan trọng yếu của Đảng và Nhà nước, các cơ sở kinh tế quan trọng và hệ thống tài chính, ngân hàng của nước ta; tận dụng mạng xã hội tấn công vào vai trò lãnh đạo của Đảng, xuyên tạc, bôi nhọ các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước - nguy hiểm hơn là chúng tận dụng các sự kiện nhạy cảm về chính trị, kinh tế, chủ quyền lãnh thổ để kích động và hướng dẫn cho quần chúng biểu tình, bạo loạn ở các thành phố lớn…

Có thể nói, mặt trận đấu tranh bảo vệ an ninh trong điều kiện và hoàn cảnh mới là rất phức tạp, khó lường khi đối tượng đấu tranh diễn ra hằng ngày trên các lĩnh vực, vừa công khai - vừa bí mật, vừa hợp tác - vừa đấu tranh, vừa mang tính chất địch ta - vừa mang tính chất nội bộ… đã và đang gây một áp lực, nguy cơ đe dọa lớn cho hoạt động của mọi ngành, mọi lĩnh vực.

Nhờ công cuộc đổi mới, chúng ta đã vượt qua và làm thất bại âm mưu và những hoạt động phá hoại trong và ngoài nước - giữ vững an ninh chính trị trong mọi tình huống, góp phần ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội để phát triển đất nước.

Những chiến công của lực lượng an ninh đã và đang mang một tầm vóc chiến lược vì đã chủ động ngăn chặn và làm thất bại mọi chiến dịch phá hoại lớn của kẻ thù, trong từng giai đoạn cách mạng; ảnh hưởng của công tác an ninh đối với đối phương còn rất lâu dài, nó thầm lặng nhưng “ăn mòn” đối phương.

Tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết này tôi không nêu ra những chiến công cụ thể mà lực lượng an ninh đã đạt được trên các lĩnh vực để tuyên truyền như những lĩnh vực khác mà chỉ điểm qua một số chiến công mà lực lượng an ninh trong nhiều năm qua đã công bố công khai.

Đó là: chúng ta đã bắt và tiêu diệt gọn hàng trăm toán gián điệp, biệt kích xâm nhập phá hoại với hàng ngàn tên, ngăn chặn kịp thời các hoạt động phá hoại, khủng bố của chúng.

Chúng ta đã phá hàng ngàn tổ chức nhen nhóm của số tàn dư chế độ cũ, phục hồi với đủ danh xưng khác nhau để tiếp tay cho các hoạt động từ bên ngoài; chúng ta đã ngăn chặn, bắt xử lý nhiều phần tử phản động lưu vong được các cơ quan đặc biệt nước ngoài hỗ trợ xâm nhập vào trong nước qua đường hợp pháp để tiếp tay cho số cơ hội chính trị lập các nhen nhóm, đảng phái đối lập, đồng thời làm thất bại nhiều kế hoạch của chúng…

Bên cạnh đó, lực lượng an ninh, tình báo cũng đã chủ động phát hiện và ngăn chặn kịp thời nhiều kế hoạch tình báo gián điệp của cơ quan đặc biệt nước ngoài xâm nhập nước ta bằng mọi phương thức; đã vô hiệu hóa hàng trăm tên, trong đó có nhiều tên chui vào nội bộ hoạt động nội gián.

Gần đây, lực lượng công an với vai trò nòng cốt đã tích cực và đi đầu giải quyết tình hình phức tạp trong nông thôn, trong tôn giáo, dân tộc, giải quyết nhiều điểm nóng, nhiều cuộc biểu tình, trong đó có cuộc bạo loạn tại các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam Bộ những năm đầu thế kỷ XXI, góp phần ổn định tình hình ở các vùng chiến lược, các thành phố lớn.

Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng, lực lượng công an bằng nhiều kênh thông tin đã đưa ra được các dự báo tình hình kịp thời tham mưu cho Đảng và Nhà nước mở rộng hoạt động đối ngoại và lựa chọn đối tác, nhất là đối với các nước lớn và ASEAN.

Đồng thời, tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành tham mưu cho Đảng, Nhà nước xử lý các vấn đề khác biệt về dân chủ, nhân quyền do các nước phương Tây đòi hỏi và áp đặt, nhất là lĩnh vực tự do tôn giáo, “những người bất đồng chính kiến”, tự do ngôn luận trong báo chí... từng bước đã thu hẹp sự bất đồng giữa ta và các nước phương Tây trên lĩnh vực này.

Đáng kể nhất, là việc Mỹ đã buộc phải đưa Việt Nam ra khỏi các nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo - CPC vào năm 2006. Theo đó, lực lượng an ninh cũng đã góp phần quan trọng trong việc tranh thủ thu hút và duy trì nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, mở rộng hoạt động ngoại giao nhân dân, nhất là các chương trình phục vụ cho đời sống dân sinh, xóa đói giảm nghèo.

Qua đó, kịp thời tham mưu cho Đảng và Chính phủ giải quyết những vấn đề tiêu cực của các dự án chính phủ và phi chính phủ khi lồng nghép vấn đề kinh tế với mưu đồ chính trị nhằm chuyển hóa nội bộ ta. Như dự án: hỗ trợ cải cách hành chính và luật pháp, dự án mở rộng Internet ở địa bàn nông thôn… của Hoa Kỳ.

Những thành quả trên đây là biểu hiện đặc trưng nhất và có ý nghĩa làm thay đổi cục diện cuộc đấu tranh, chuyển từ thế bị động sang chủ động tấn công, đẩy lùi và làm thất bại các chiến dịch phá hoại của đối phương trong một thời gian dài, buộc chúng phải chuyển từ phương thức chống phá bạo động, khủng bố sang bất bạo động, chuyển từ bạo loạn lật đổ sang phương thức tác động tự diễn biến, tự sụp đổ mà đối phương đang thực hiện ở các nước Bắc Phi.

Có thể nói, việc giữ vững an ninh chính trị trong hơn 30 năm đổi mới đã minh chứng đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, lực lượng công an cụ thể hóa bằng các quan điểm, chính sách, phương thức hoạt động và các đối sách cụ thể trong từng giai đoạn.

Trước hết, lực lượng công an đã nắm bắt được tình hình, hội nhập được với bối cảnh và điều kiện mới của đất nước trên quan điểm “phát triển đất nước để đảm bảo an ninh và đảm bảo an ninh để phát triển đất nước” - nội hàm của an ninh quốc gia cũng được điều chỉnh hướng vào 3 trụ cột chính là bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ thể chế chính trị và bảo vệ quyền lợi quốc gia dân tộc và của nhân dân.

Trên cơ sở đó, ngay từ những năm cuối thập niên 80 và thập niên 90, Bộ Công an đã điều chỉnh đối tượng đấu tranh, tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh nội địa - giữ vững bên trong - mở rộng khối đoàn kết toàn dân, tranh thủ mọi lực lượng để phân hóa thu hẹp diện chống đối sau chiến tranh để lại. Đồng thời, bố trí lại lực lượng chuyên sâu trên từng lĩnh vực, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế - an ninh nội bộ; tăng cường chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho giám đốc công an các tỉnh, thành phố; tăng cường lực lượng cho cơ sở huyện, thị xã để kịp thời xử lý tình hình tại các địa bàn; thực hiện quy chế chỉ huy, chỉ đạo thống nhất từ Bộ xuống các địa phương.

Cơ chế đổi mới trên đây được vận hành đã chứng minh sự đúng đắn của nó - giúp cho Đảng ủy Công an Trung ương kiểm soát được tình hình, chủ động xử lý được các tình huống phức tạp đe dọa an ninh ở các địa bàn, tạo được trận địa an ninh vững chắc ở biên giới và trong nội địa.

Trong mấy năm gần đây, xuất hiện các yếu tố an ninh mới, đến mức đe dọa an ninh quốc gia như khủng hoảng kinh tế, thiên tai, môi trường, dịch bệnh và các loại tội phạm khủng bố, tội phạm công nghệ cao, ma túy… Lực lượng công an đã tăng cường nhiều biện pháp đấu tranh trên lĩnh vực này và coi đó là những nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đã chủ động tham mưu cho Đảng và Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách về an ninh mới, thể hiện ở các Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương về “Chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược bảo vệ Tổ quốc”; trên cơ sở đó đã cụ thể hóa đối tượng - đối tác, cụ thể hóa phương thức, biện pháp và đối sách với các hành vi xâm phạm an ninh.

Trong đó, biện pháp kinh tế, ngoại giao được bổ sung và nhấn mạnh trong tình hình mới và đã được ghi vào Luật An ninh và Luật Công an nhân dân; đối sách chính trị cũng được khẳng định xuyên suốt trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, lấy đối thoại làm trọng tâm để giải quyết các quan điểm sai trái, bất đồng.

Một trong những nguyên nhân khác nữa đưa đến thành công trên mặt trận bảo vệ an ninh quốc gia là việc lực lượng công an đã chủ động hội nhập quốc tế, bằng việc mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ quan tình báo, phản gián và cơ quan phòng chống tội phạm các nước láng giềng (như Campuchia, Lào, các nước ASEAN), các nước có quan hệ truyền thống (như Nga và các nước Đông Âu), nối lại quan hệ với các cơ quan tình báo, phản gián, phòng, chống tội phạm của Trung Quốc. Thiết lập quan hệ với các cơ quan đặc biệt của Hoa Kỳ về phòng, chống khủng bố và chia sẻ thông tin về những vấn đề hai bên quan tâm - đây là bước đi được đánh giá có ý nghĩa chiến lược.

Từ mối quan hệ hợp tác này, ta đã xây dựng được lòng tin từ các nước, từng bước chia sẻ thông tin, khai thông bế tắc, tăng cường hợp tác, giảm đối đầu; cũng qua sự hợp tác này, ta đã nắm bắt được kịp thời những diễn biến của tình hình quốc tế và khu vực, để kịp thời tham mưu cho Đảng và Nhà nước hoạch định chính sách đối nội và đối ngoại phù hợp với diễn biến mới của tình hình.

Sự đổi mới của lực lượng công an cùng với những chiến công của mình đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; qua đó đã tạo được mối quan hệ phối hợp chặt chẽ trong hệ thống chính trị, với quân đội nhân dân và được nhân dân giúp đỡ, từ đó tham gia tích cực phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc; lực lượng công an nhân dân đã tạo được chỗ dựa vững chắc để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Do vậy, có thể kết luận rằng những chiến công của ngành công an cũng bắt nguồn từ sức mạnh này qua công cuộc đổi mới mà có.

Tôi không có ý dùng bài viết này để đề cao vai trò của lực lượng công an, mà chỉ nhằm minh họa một phần nào cuộc đấu tranh thầm lặng. Bởi trên thực tế, còn biết bao chiến công chưa được nhắc đến do yêu cầu của cuộc đấu tranh thầm lặng và lâu dài, nhưng lịch sử sẽ không bao giờ lãng quên. Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, chúng ta lại có dịp ôn lại truyền thống của lực lượng.

Khi nhắc đến những chiến công, chúng ta lại nhớ đến lớp cán bộ, những người lãnh đạo, chỉ huy và chiến sĩ đã chiến đấu quên mình để làm nên các chiến công hiển hách đó, vẫn còn nhiều cán bộ chiến sĩ vì cuộc đấu tranh bí mật, lâu dài nên chưa được nhắc tới tên tuổi của họ, chúng ta cần cảm ơn họ, tôn vinh họ, học tập họ ở tinh thần “tận trung với Đảng, tận hiếu với dân”, tất cả cuộc đời của họ là phục vụ cho lợi ích quốc gia, dân tộc, tất cả vì sự nghiệp bảo vệ an ninh của đất nước.

Những chiến công dù to lớn đến đâu cũng chỉ là để tôn vinh một thời quá khứ lịch sử, năm tháng sẽ qua đi, đất nước sẽ sang trang mới, nhiệm vụ bảo vệ an ninh của ngành Công an vô cùng nặng nề, phải đối mặt với nhiều thách thức và nguy cơ mới do tác động bất ổn của tình hình chính trị thế giới và khu vực; cùng những phức tạp mới nảy sinh từ trong nước, lợi dụng để chống phá, chuyển hóa chế độ chính trị nước ta.

Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, với bài học lịch sử đã qua, chúng ta đặt niềm tin tuyệt đối vào thế hệ lực lượng Công an nhân dân hiện nay, gồm những người lãnh đạo chỉ huy xuất sắc, có tri thức và được tôi luyện qua các cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt; có đội ngũ cán bộ chiến sĩ hùng mạnh, được đào tạo tinh thông nghiệp vụ, có tinh thần chiến đấu cao, lại được nhân dân ủng hộ, giúp đỡ, nhất định họ sẽ vượt qua được mọi khó khăn, thử thách, loại trừ được các nguy cơ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, bảo đảm vững chắc nền an ninh chính trị của đất nước.

N.V.H

Năng lượng Mới 449