Xung quanh việc 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vacxin:

Có nên tiêm phòng cho trẻ sơ sinh?

10:49 | 24/07/2013

3,506 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cho đến nay, nguyên nhân gây ra cái chết cho 3 trẻ sơ sinh sau khi tiêm vacxin phòng ngừa viêm gan B ở Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, Quảng Trị vẫn chưa được kết luận chính xác. Xung quanh vấn đề này, câu hỏi mà dư luận đặt ra một cách bức thiết là: đối với trẻ sơ sinh trong vòng 24 tiếng đầu chào đời, có nên tiêm phòng vacxin hay không?

>> Bé 3 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm vắc-xin

Sự việc xảy ra vào sáng ngày 20/7, khi 3 bé sơ sinh con của anh Hồ Văn Hang, trú tại bản 7, huyện Hướng Hóa và của anh Nguyễn Đình Đạo, ở khóm Đông Chín, thị trấn Lao Bảo… được các y tá tiêm phòng viêm gan B. Mỗi cháu chỉ tiêm cách nhau khoảng 10 phút. Nhưng sau khi tiêm chưa đầy 20 phút, cả 3 bé sơ sinh đều có biểu hiện tím tái, khó thở rồi tử vong.

Nguyên nhân ban đầu được giới y khoa nhận định: có thể do sốc phản vệ hoặc do vacxin hay quy trình tiêm không chuẩn… của các y tá. Tuy nhiên, trên cơ sở khoa học cũng như kinh nghiệm thực tế thì các nguyên nhân nói trên đều khó thuyết phục.

Bởi theo các chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vacxin viêm gan B là một vacxin lành tính, tỷ lệ tai biến, tử vong sau tiêm cực kỳ thấp.

Gia đình đưa trẻ sơ sinh tử vong về chôn cất.

Nếu tính từ năm 2007, xảy ra ca tai biến đầu tiên thì đây là lần thứ 2 có ca bệnh bị tai biến do vacxin viêm gan B. Hơn nữa, cũng trong 2 lô vacxin đã tiêm cho 3 trẻ sơ sinh ở Quảng Trị, đã có 600 nghìn liều được sử dụng trên toàn quốc và tính đến thời điểm này, ngoài 3 bé bị tử vong, không có trường hợp tai biến nào xảy ra.

Do đó, nói vacxin  là nguyên nhân chính gây nên cái chết cho 3 bé sơ sinh thực sự chưa đáng tin cậy.

Càng khó tin hơn khi cho rằng các bé bị sốc phản vệ. Vì theo bác sĩ Nguyễn Diệu Linh, Phó trưởng Khoa Sơ sinh, Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh, dựa trên “cơ chế” sốc phản vệ, phải là những đối tượng đã có sức đề kháng mới xảy ra tình trạng này. Còn đối với trẻ sơ sinh, cơ thể còn “trắng trơn” thì rất khó xảy ra sốc phản vệ.

Đối với nguyên nhân: quy trình tiêm hay lưu giữ vacxin cũng tương tự. Người ta vừa phát hiện ra trong quá trình rà soát lại quy trình, lưu giữ vacxin, có một khoảng thời gian khoảng 3 tiếng, Bệnh viện bị mất điện dẫn đến tủ lạnh, nơi lưu giữ vacxin cũng bị mất điện. Vậy điều này có ảnh hưởng đến chất lượng vacxin?

Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị khẳng định: “Việc bảo quản vacxin trong điều kiện nhiệt độ từ 2-8 độ C có thể bền vững trong 4 năm, từ 20-25 độ C, độ bền vững giảm xuống còn 4 tháng. Còn trên 37 độ C có thể bền vững 4 tuần và ở nhiệt độ 45 độ C, độ bền vững kéo dài trong vài ngày. Như vậy, việc mất điện trong 3 tiếng đồng hồ, việc lưu giữ vacxin trong tủ lạnh sẽ không bị ảnh hưởng tới chất lượng”. Nhiều chuyên gia y tế cũng đồng tình với quan điểm của ông Thành.

Đoàn công tác của Bộ Y tế rà soát lại quy trình tiêm chủng.

Còn về quy trình tiêm, mặc dù, kết luận của Bộ Y tế có sai phạm như không triển khai tiêm phòng tại phòng tiêm riêng mà lại thực hiện ở phòng bệnh, song điều này cũng không thể gây hậu quả nghiêm trọng như đã xảy ra do quy trình tiêm là tiêm bắp, thao tác đơn giản, hơn nữa người trực tiếp tiêm cho 3 cháu bé là nữ hộ sinh đã có thâm niên hơn 20 năm công tác. Cho nên y tá khó có thể là nguyên nhân khiến 3 bé sơ sinh tử vong.

Vậy, nguyên nhân do đâu? Đây thực sự đang là vấn đề không chỉ đối với Sở Y tế Quảng Trị mà còn của ngành y tế nói chung.

Hiện nay, Bộ Y tế đã cử một đoàn công tác tới Quảng Trị gồm Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur để tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết cho 3 trẻ sơ sinh bắt đầu từ quy trình tiêm, lưu giữ thuốc đến chất lượng vacxin… Cùng với quá trình này, 2 lô vacxin đã tiêm cho 3 bé đã tạm dừng sử dụng trên toàn quốc. Trước mắt, đoàn công tác của Bộ Y tế tạm thời kết luận: “3 trẻ sơ sinh tử vong do sốc phản vệ nhưng chưa rõ nguyên nhân”.

Tuy nhiên, trước kết luận nói trên, những người làm  mẹ và chuẩn bị làm mẹ rất hoang mang với câu hỏi: “Không biết có nên cho con tiêm phòng hay không?”.

Bác sĩ Nguyễn Diệu Linh, Phó trưởng Khoa Sơ sinh, Viện Bảo vệ Bà mẹ và trẻ sơ sinh khẳng định: “Tiêm chủng mở rộng là công tác cực kỳ thành công của ngành y tế tính cho đến nay.

Để được như vậy là cả một quá trình phấn đấu, lao động không biết mệt mỏi của các nhà y khoa. Và thực tế hiệu quả của công tác tiêm chủng mở rộng này là biết bao căn bệnh được đẩy lùi như uốn ván, bạch hầu, ho gà, lao… ở trẻ em.

Đối với viêm gan B, tỷ lệ mắc bệnh giảm đáng kể nhất là khi trẻ được tiêm phòng ngay trong giai đoạn đầu đời.

Có một nghiên cứu cho thấy, đối với trẻ được tiêm phòng trong vòng 24 tiếng đầu tiên chào đời, tỷ lệ viêm gan B thấp hơn nhiều so với trẻ được tiêm chủng sau 7 ngày sơ sinh. Cho nên, việc nào ra việc nấy. Việc tiêm phòng cho trẻ nên duy trì và phải tiêm đủ mũi”.   

Anh Trịnh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc