Chuyện ghi ở trạm cơm chay miễn phí ngày giáp Tết

09:00 | 09/02/2013

1,118 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Những tưởng, chỉ ở những thành phố lớn mới có những quán cơm từ thiện giá rẻ như quán cơm 2.000 đồng, quán cháo 1.000 đồng... Ấy vậy mà, tại một huyện nghèo của tỉnh An Giang, từ hơn 1 năm nay đã có một quán cơm chay miễn phí dành cho tất cả mọi người...

Ấm lòng những mảnh đời khốn khó

Những ngày giáp Tết, quán cơm chay Phước Thiện (thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) nhộn nhịp lạ thường. Chỉ trong buổi trưa, hàng trăm lượt người tấp nập ra vào để thưởng thức những món cơm chay tại trạm này. Điều đặc biệt hơn, người dân ở các nơi đổ về đây ăn uống đều không phải mất tiền. Tất cả đều được miễn phí.

Ý tưởng mở trạm cơm có từ những tháng giữa năm 2011. Các Mạnh Thường Quân thành lập trạm cơm chay ấp ủ mong muốn giúp đỡ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong vùng no ấm hơn. Những ngày đầu, trạm cơm chay còn ít người biết đến. Dần dà, tiếng lành đồn xa, chẳng mấy chốc, người người ở khắp nơi đã tìm đến đây để dùng bữa. Ước tính, mỗi ngày trạm cơm tiếp khoảng 1.000 lượt thực khách.

Hằng ngày, gần 1.000 lượt người dân được ăn miễn phí tại trạm cơm chay Phước Thiện.

Nhiều dân nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã có một cuộc sống đỡ vất vả hơn nhờ những bữa cơm chay miễn phí ấy. Tiếp chuyện tại trạm cơm, vợ chồng anh Vũ và chị Xuân nói như muốn nghẹn lời: “Nhờ có quán cơm mà anh chị đã có dư chút đỉnh tiền để nuôi con ăn học”. Anh Vũ cho biết, vợ chồng anh chuyên bán vé số dạo ở khu vực thị trấn Phú Mỹ. Cứ đến bữa cơm trưa và tối, anh lại tìm về trạm cơm để dùng bữa. Đều đặn hằng ngày, hai vợ chồng lại đưa nhau đến trạm cơm.

Chỉ sau một năm, cả 2 vợ chồng có dư được khoảng hơn 20 triệu. Nhờ được ăn cơm chay miễn phí nên vợ chồng anh Vũ mới có thể dư được khoản tiền ấy. Cuộc sống gia đình của 2 vợ chồng đã vơi đi vất vả và con cái đã được đến trường, không phải lo nghỉ học giữa chừng vì thiếu tiền học phí.

Buổi trưa, nhiều lượt học sinh ở tận những vùng sâu vùng xa, lặn lội ra thị trấn Phú Mỹ để học không còn phải lo cảnh bụng đói đến trường vào buổi chiều. Em Tùng (học sinh trường THPT Chu Văn An) chia sẻ, nhà em cách trường đến 20 cây số. Đạp xe đi đi về về cả một quãng đường xa như vậy riết một thời gian dài, gia đình Tùng đã tính đành phải cho em ở trọ tại thị trấn cho thuận tiện việc học và đảm bảo sức khoẻ. Các khoản chi phí khác bắt đầu phát sinh. Tiền học phí, tiền trọ, tiền tiêu xài hằng ngày cứ như “bao vây” lấy cậu học sinh ở vùng đất nghèo của tỉnh An Giang. Gia đình Tùng không khá giả gì, cha mẹ làm nông nghiệp nên khoản tiền chi tiêu gửi cho em cũng có giới hạn. Nhiều lúc, Tùng đã nghĩ đến chuyện phải nghỉ học đễ đỡ khó cho gia đình.

Thời điểm vất vả đó, Tùng vừa vào học năm lớp 10. Cũng trong lúc này, trạm cơm chay mở ra, Tùng nghe bạn bè nói trạm cơm cho ăn miễn phí ngày 2 bữa, vậy là em lại tìm đến. Hằng ngày, nhờ có trạm cơm mà Tùng không còn phải lo lắng đến chuyện để bụng đói đến lớp và yên tâm hơn khi bước chân vào lớp học.

Rau, củ, quả được các Mạnh Thường Quân cung cấp thường xuyên để quán hoạt động gần 2 năm qua.

Những ngày đầu lập trạm cơm miễn phí

Ông Trần Văn Xuân (SN 1950, ngụ xã Phú Hưng, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), thành viên của trạm cơm chay Phước Thiện nhớ lại: “Những ngày đầu mới thành lập trạm rất vất vả, có những lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc nhưng được sự ủng hộ của bà con xa gần và cứ thế, trạm cơm Phước Thiện đã tồn tại cho đến hôm nay”. Để trạm cơm được hoạt động hợp pháp, các thành viên phải nghĩ cách xin được giấy phép đăng ký kinh doanh.

Sau khi có được giấy phép hợp lệ, trạm cơm bắt đầu cho người dân nghèo dùng bữa miễn phí. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp, trạm cơm chỉ phải đóng thuế cho nhà nước với mức tượng trưng 50 ngàn đồng mỗi tháng. Nhiều Mạnh Thường Quân ở các vùng lân cận thấy trạm cơm hoạt động hiệu quả nên không ngại ngần ủng hộ gạo, rau, củ quả và các gia vị.

Những người dân lao động nghèo tìm đến trạm cơm chay miễn phí để có bữa ăn no đủ hơn.

Ông Xuân kể, các thành viên thành lập trạm cơm đều là những người có cơ sở đất đai và nuôi trồng sản xuất nên việc quyên góp giúp đỡ cho người nghèo không gặp nhiều khó khăn. Trong quán, hơn 60 nhân viên và phụ bếp được thay phiên nhau đến quán để phục vụ cho bà con nghèo. Họ đến thành từng đợt và chia nhau góp công cho quán hoạt động xuyên suốt gần 2 năm qua.

Nghe nói đến chuyện quán cơm được cấp phép hoạt động kinh doanh nhưng không bán mà cho ăn miễn phí tưởng chừng không ổn. Mang chuyện này đến UBND huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) để tìm hiểu, ông Huỳnh Trọng Nam, Phó Chánh Văn phòng huyện cho biết: “Trạm cơm trên hoạt động hoàn toàn hợp pháp và có giấy phép kinh doanh hẳn hoi”.

Đặt câu hỏi với đại diện của huyện về việc: “Vì sao trạm cơm đăng ký kinh doanh mà cho người dân ăn miễn phí liệu có phù hợp không?’, ông Nam cho rằng: “Việc trạm được cấp phép kinh doanh nhưng cho ăn miễn phí là chuyện của trạm cơm, miễn không làm chuyện vi phạm pháp luật là được”.

Tâm niệm của ông Xuân cũng như những Mạnh Thường Quân tại trạm cơm mong muốn, được chuyển đổi hẳn giấy phép của trạm cơm thành “quán cơm từ thiện” thay vì được cấp phép “hoạt động kinh doanh” như hiện tại. Những người làm công việc thiện nguyện muốn đưa trạm cơm về đúng bản chất thực vốn có của nó để được phục vụ miễn phí tốt hơn cho người nghèo và san sẻ khó khăn đời thường với những phận người khốn khó.  

Hưng Long