Chữa bệnh bằng… cầu cúng?

06:00 | 09/03/2014

1,094 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Có bệnh thì vái tứ phương”, chưa bao giờ câu nói ấy lại được tán thưởng nhiều như bây giờ, nhất là trong thời điểm mê tín hoành hành, cuồng tín lên ngôi như hiện nay.

Năng lượng Mới số 302

Chữa bệnh bằng cách… niệm thần chú

Ở xã Thành Công, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, có một “lang y” mà theo người dân ở đây “nức tiếng” điều trị bách bệnh trong khi phương pháp “chữa trị” lại chỉ đơn giản bằng cách… niệm thần chú và phun nước lã vào người bệnh hoặc gia súc bị bệnh. Vị “lang y” này tên là Nguyễn Đình Giang, 50 tuổi, gốc gác là thợ mộc, thợ xây đã “giải nghệ” để theo nghề “gia truyền” là trị bệnh. Tuy nhiên, cách trị bệnh “gia truyền” của ông nếu “liệt” vào Tây y, Đông y đều không phải mà một mình một kiểu như đã nói.

Ông Giang liệt kê với báo chí hàng loạt trường hợp ông đã chữa khỏi song đáng tiếc là những trường hợp đó không kiểm chứng được, chỉ là lời ông kể mà thôi. Ông kể, từ năm 14 tuổi, nhờ bố truyền nghề, ông đã biết chữa bệnh cho gia súc bị rắn cắn. Năm đó, có con trâu nhà hàng xóm bị rắn cắn, dưới sự hướng dẫn của bố, ông niệm thần chú vào nửa cốc nước trước khi cho nó uống. Uống xong, nọc độc phát tán, làm con trâu giảm bệnh. Nhưng để khỏi hẳn, còn phải niệm thần chú vào lá trầu không rồi hà hơi vào vết rắn cắn. Tính ra từ lúc niệm thần chú đến lúc trâu lành bệnh chỉ vài tiếng đồng hồ!?

Cô Tranh đang bắt tay chữa "bệnh"

Trường hợp khác ông Giang chữa khỏi bệnh là ông Bùi Văn Viển, cũng ở xã Thành Công, bị nghẹt thở, mặt tím tái, mắt trợn ngược chẳng hiểu vì lý do gì, chỉ biết lời con ông tường thuật lại: Sau khi đi nhổ mạ về, ông Viển nằm nghỉ trên giường thì bị như vậy. Ông Giang vội vàng đến nhà ông Viển, chẳng sử dụng một loại thuốc thang nào, lại chỉ niệm thần chú vào nửa cốc nước và đổ vào miệng ông Viển. Ông Viển hồi sức… sau vài tiếng.

“Ngạc nhiên” hơn cả là ông Giang “hô biến” được cả khối u của bà Bùi Thị Nga, mặc dù trước đó Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Thanh Hóa đã phẫu thuật nhưng không khỏi. Nhưng lần trị bệnh này khác mọi lần ở chỗ, ông Giang không niệm chú mà thôi miên vào nửa cốc nước rồi dùng miệng phun nước ấy lên bọc hạch của bà Nga. “5 tháng sau, không thấy hạch của bà Nga đâu, “lặn” hẳn”, ông Giang hồ hởi kể.

Chẳng biết những câu chuyện kể trên của ông Giang thực hư thế nào. Thế nhưng cũng có không ít người tìm đến ông để… chữa trị. Bằng chứng là bố của một bệnh nhi, đồng thời cũng là một dược sĩ cũng mang con đến chữa bệnh… khóc dạ đề. Khi được hỏi ông có tin việc chữa trị của thầy Giang không thì vị dược sĩ  này trả lời: “Thực ra tôi không tin lắm việc niệm thần chú, uống nước lã có thể chữa khỏi bệnh. Nhưng dân gian có câu “có bệnh thì vái tứ phương” nên tôi cũng làm theo thôi”.

“Thần dược” do “người âm” chỉ dẫn

Ở Thanh Hóa không chỉ có ông Giang mà còn có “thần y” Bùi Thị Hồng cũng chữa được… bách bệnh, kể cả những bệnh mà khoa học hiện đại bó tay như “con si-đa” theo cách gọi của bà Hồng. Trong khi, theo lời bà Hồng “phương thuốc thần kỳ” chữa bách bệnh ấy lại rất đơn giản: chỉ là 13 loại thuốc được “cô” lại thành viên to như hạt nhãn từ nhiều vị khác nhau, có loại thuốc chứa đến 90 vị. Viên càng chứa nhiều vị càng đắt tiền, cao nhất 200 nghìn đồng/viên. Còn rẻ nhất 3 nghìn đồng/viên. Đương nhiên viên chứa nhiều vị để trị bệnh trọng như xơ gan cổ chướng, “si-đa”, ung thư… Dựa trên bệnh mà viên thuốc điều trị, bà Hồng đặt tên cho mỗi loại thuốc một tên khác nhau mà thoạt nghe tưởng tân dược: nào là “ca-si-ro” để chữa xơ gan cổ chướng, “ách-zi-ma” để chữa cam phù, nào là: “pho-te-ta” chữa bọ cạp cắn, “ôxy” để rửa sát trùng vết thương.

Bà còn giới thiệu: “Người ta hay dùng ôxy già để rửa vết thương. Nhưng nước này xót, đau lắm. Còn nước của tôi không xót, lại còn “cầm” được cả máu”. Đây là loại nước bà tự chế có màu nâu đỏ từ những loại lá cây trên rừng. Các bài thuốc “thần dược” của bà cũng “bào chế” từ nguyên liệu ấy và một nguyên tắc cấm kỵ khi uống thuốc của bà Hồng là không được ăn thịt chó, gà, trâu, bò, ba ba, mắm cá, đặc biệt là không được tắm, dù thời gian điều trị kéo dài...

Tuy nhiên, điều đáng nói nhất, “ly kỳ” nhất ấy là những bài thuốc bà Hồng tự bào chế không phải xuất phát từ một bài thuốc dân gian, Đông y nào mà từ “người âm” truyền dạy. Bà kể: Một lần, đang ngồi một mình bỗng nhiên nghe thầm thì bên tai về các bài thuốc nam. Bà lớn tiếng hỏi xem có phải ai đến không thì không nghe thấy lời hồi đáp. Sau vài lần hỏi như vậy bà mới tự ngẫm ra: “Thôi chết rồi, chắc người âm về truyền nghề thuốc để cho mình trị bệnh cứu người”. Thế là từ đó, bà cứ lần mò theo lời “người âm” dạy bên tai từ việc tìm thuốc đến “bào chế” thuốc để “cứu nhân độ thế”. 

Bà bảo, có rất nhiều bệnh nhân từ khắp các tỉnh thành tìm đến bà để chữa bệnh. Như một chị tên Bắc ở Hà Nội, bị lây nhiễm “con si-đa” từ chồng, về tận nhà bà khẩn cầu cho thuốc trị bệnh. Vì lúc ấy, thuốc không sẵn có, thế là bà lên rừng tìm thuốc rồi mang về “điều chế” đưa cho bệnh nhân. Uống thuốc 5 tháng, “con si-đa” mất luôn, không còn chút nào trong máu!? Hay bệnh  nhân Bùi Thị Đường, bị cảm phong hàn, uống thuốc ở nhiều nơi không khỏi, về nhà nhà bà mua thuốc, uống trong 3 tháng, “tiệt” bệnh.

Chẳng biết câu chuyện của bà Hồng kể đúng sai ra sao, chỉ biết bà Hồng bị khiếm thị, mỗi lần đi tìm thuốc phải chống gậy lên rừng tìm.  Vậy việc một người mắt không sáng, lại chưa bao giờ “kinh qua” nghề y, chỉ nghe lời “thầm thì bên tai” của “người âm”, bà tìm thuốc thế nào, nhất là xác định hình dáng, mùi vị thuốc nam mà bà sẽ phải tìm? Bà lại còn kể: “Mỗi lần làm thuốc, tôi chỉ được ngồi một mình thì mới có tiếng thì thầm mách dạy. Nếu có ai ngồi nữa thì không sao nghe thấy được”.

Bụt chùa nhà không… thiêng?

Thật là những câu chuyện “hoang tưởng” của các bậc “danh y” như bà Hồng, ông Giang. Nếu các bậc tiền bối được coi là sư tổ của y học cổ truyền như: Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác… chắc sống lại cũng phải “bái lạy” những bài thuốc của họ! Còn một “danh y” nữa cũng không thể không kể ra đây mà thời gian qua đã làm xôn xao dư luận. Đó là “thần y” Phan Thị Tranh (hay xưng là cô Tranh), ở thôn Viên Du, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc chữa bách bệnh bằng cách… hát và bắt tay. Có trường hợp bị sẩy thai nhiều lần, đến gặp cô Tranh thì được cô phán: “Cứ nghĩ nhiều đến cô rồi đến đây cô bắt tay, nghe cô hát cùng với uống nước lá mát của cô là có thai ngay”.

Hay một bệnh nhân khác bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, bệnh viện không điều trị được phải trả về nhưng cô Tranh bảo: “Qua tay cô, khỏi ngay, trở về như bình thường”!? Thế nhưng oái oăm thay ở chỗ, người thân của cô Tranh như bố, mẹ, anh, em… cô lại không chữa được bệnh của họ nên mỗi khi đau ốm, họ toàn phải… đến bệnh viện hay cơ sở y tế. Mà cơ sở y tế chẳng phải đâu xa, ở ngay cùng xã của cô Tranh! Ông Vũ Đình Ngọc, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thanh Vân cho biết: “Bố mẹ đẻ và con cháu của bà Tranh đã nhiều lần phải ra trạm y tế xã để khám bệnh. Con dâu bà Tranh có thai nhưng thai bị ngược nên đã phải lên bệnh viện tuyến trên ở Hà Nội để điều trị dài ngày”. Thế nên việc điều trị bằng cách bắt tay, nghe hát của cô Tranh là hoang tưởng!

Có bệnh phải đến bệnh viện

Theo Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, trong lịch sử y học cổ truyền, chưa bao giờ có chuyện nước lã niệm thần chú lại chữa được bệnh. Nghe hát và bắt tay cũng vậy, điều đó phản khoa học, vô căn cứ và mang đậm màu sắc mê tín dị đoan. Còn “có bệnh vái tứ phương”, hiểu theo cách phải chữa trị theo cả những cách vô lối này là không đúng. Ở đây chỉ nên hiểu là các phương pháp có cơ sở khoa học, dù ở lĩnh vực đông y hay tây y hoặc những phương pháp điều trị hỗ trợ như tập dưỡng sinh, phục hồi chức năng…

Ngay GS.TS Ngô Đức Thịnh, một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, cũng nhận định, nếu coi tâm linh là một phương pháp điều trị bệnh không những lệch lạc so với bản chất của tâm linh mà còn là… cuồng tín. Tâm linh mang giá trị tinh thần thì chỉ có thể hỗ trợ cân bằng về tâm lý, tinh thần. Còn khẳng định nó có thể chữa trị bệnh như y học thì không bao giờ. Những phương thức chữa bệnh kể trên chỉ có thể là lợi dụng tâm linh để trục lợi dù ít hay nhiều. “Có bệnh phải đến các cơ sở y tế. Đó là của nguyên tắc chung đối với người bệnh”, GS.TS Ngô Đức Thịnh khẳng định.

Hương Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc