Chỉ thị đặc biệt và 7 ngày "nước rút" để chặn đứng Covid-19 tại TPHCM

10:12 | 21/06/2021

590 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau gần 3 tuần giãn cách xã hội, diện mạo của TPHCM thay đổi từng ngày theo diễn biến dịch bệnh. Sự vắng vẻ, yên ắng tại khu vực trung tâm hay những khu phố náo nhiệt vốn là khung cảnh lạ lẫm trước đây nhưng dần trở nên quen thuộc với người dân thành phố.
Chỉ thị đặc biệt và 7 ngày "nước rút" để chặn đứng Covid-19 tại TPHCM

Những nhà hàng đóng cửa, những tấm bảng cho thuê mặt bằng được niêm yết phần nào cho thấy mức độ tổn thương đến nền kinh tế mà dịch Covid-19 mang lại. Tuy nhiên, trước ngày dịch bệnh được chặn đứng, mỗi hoạt động, giao tiếp đều tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh cho cả cộng đồng.

"Mỗi ngày, thành phố đều phát hiện những trường hợp nhiễm mới không rõ nguồn lây. Điều này chứng tỏ mầm bệnh đang âm thầm lây lan trong cộng đồng, chính những người chúng ta tiếp xúc hàng ngày có thể một ngày nào đó trở thành F0 hay chính chúng ta thành F0 lây nhiễm cho người xung quanh", Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cảnh báo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Chỉ thị đặc biệt và 7 ngày nước rút để chặn đứng Covid-19 tại TPHCM - 1
Chỉ thị đặc biệt và 7 ngày nước rút để chặn đứng Covid-19 tại TPHCM - 2

Là người theo sát công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn TPHCM, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã đưa ra những thông điệp cụ thể và mang tính định hướng cho thành phố trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4.

Tại buổi làm việc đột xuất với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM ngày 28/4, trước khi cả nước bước vào đợt nghỉ lễ dài, Phó thủ tướng nhấn mạnh chỉ cần một ca lây nhiễm trong cộng đồng xuất hiện thời điểm này, không chỉ ngành y TPHCM mà cả nước sẽ rất cực khổ khi tiến hành công tác truy vết các ca tiếp xúc.

Diễn biến thực tế cho thấy dự báo trên có phần chính xác với địa bàn TPHCM. Mật độ giao tiếp cao với các tỉnh, thành, số lượng lớn người quay trở lại thành phố sau kỳ nghỉ lễ, lực lượng tuyến đầu chống dịch phải căng sức kể từ khi những ca lây nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên được phát hiện trong đợt dịch.

Chính quyền thành phố đã ra quyết định giãn cách theo Chỉ thị 15 toàn địa bàn và áp dụng Chỉ thị 16 với 2 điểm dịch lớn là quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12.

Chỉ thị đặc biệt và 7 ngày nước rút để chặn đứng Covid-19 tại TPHCM - 4

Kết thúc 15 ngày giãn cách đầu tiên, thành phố đông dân nhất cả nước đã thành công trong việc khoanh vùng, dập dịch đối với chuỗi lây nhiễm điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng. Nhưng nỗi lo lớn dần xuất hiện với số lượng ca F0 không rõ nguồn lây ngày càng gia tăng, phát sinh thành nhiều chuỗi lây nhiễm khác.

Tại buổi họp với Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM ngày 14/6, Phó thủ tướng tiếp tục đưa ra thông điệp, công tác phòng, chống dịch của TPHCM chưa đạt kỳ vọng sau 2 tuần giãn cách. Nhiều chuỗi lây nhiễm khác đã xuất hiện trong cộng đồng trong thời gian này.

"Từ tình hình thực tiễn, tôi đồng tình rằng thành phố cần tiếp tục giãn cách xã hội với thời gian tùy thuộc vào diễn biến thực tế. Tôi lo rằng, thành phố chưa an toàn sau một tuần lễ nữa", Phó thủ tướng nhận định.

Trong 2 tuần giãn cách đầu tiên, TPHCM ghi nhận hơn 800 ca mắc mới được công bố. Chỉ trong 5 ngày áp dụng Chỉ thị 15 đợt 2, thành phố có hơn 600 ca mắc mới. Lượng bệnh nhân mắc Covid-19 ghi nhận trong 3 ngày gần nhất đều vượt quá con số 100.

Từ những ca chỉ điểm, ngành y đã truy vết và phát hiện 23 chuỗi lây nhiễm chưa rõ nguồn lây trên địa bàn từ ngày bắt đầu thực hiện giãn cách. Trong đó, nhiều bệnh viện, cơ sở y tế các tuyến đã có dấu hiệu bị SARS-CoV-2 xâm nhập.

Chỉ thị đặc biệt và 7 ngày nước rút để chặn đứng Covid-19 tại TPHCM - 5

Đối với chuỗi lây nhiễm điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, nhiều ca mắc mới vẫn được phát hiện dù đã hơn 20 ngày phát hiện ổ dịch.

Sáng 19/6, lần đầu tiên TPHCM ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới cao nhất trong toàn quốc. Số liệu ca mắc mới và những diễn biến thực tế khiến chính quyền thành phố hiểu rằng việc áp dụng Chỉ thị 15 trên toàn địa bàn không còn đủ sức nặng để khống chế, dập tắt dịch bệnh.

Chỉ thị đặc biệt và 7 ngày nước rút để chặn đứng Covid-19 tại TPHCM - 6

Ngày 18/6, TPHCM mới trải qua ngày thứ 4 của đợt giãn cách xã hội thứ 2, áp dụng Chỉ thị 15 trên toàn thành phố. Trước những diễn biến căng thẳng của dịch Covid-19, trên các trang mạng xã hội, thông tin về việc áp dụng Chỉ thị 16 toàn địa bàn xuất hiện. Tin đồn không chính thống được đưa ra bàn luận, chia sẻ trên không gian mạng khiến nhiều người bán tin bán nghi, chờ đợi những động thái, phát ngôn chính xác từ các cấp chính quyền.

Tối cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã lên tiếng bác bỏ những thông tin trên. Ông khẳng định dù dịch bệnh trên địa bàn có diễn biến rất phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của thành phố.

Tính riêng từ ngày 18/6 đến 19/6, ngành y thành phố ghi nhận 104 ca nghi mắc Covid-19. Điều đáng lo ngại, 32 trường hợp trong số đó được phát hiện qua việc xét nghiệm mở rộng bên ngoài khu phong tỏa tại quận Bình Tân.

Trong ngày 19/6, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và UBND TPHCM gần như không có thời gian nghỉ khi phải họp liên tục ít nhất 3 buổi về giải pháp phòng, chống dịch thời gian tới, tham khảo ý kiến các bộ, ngành Trung ương và thảo luận phương án triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Tại buổi họp đầu tiên diễn ra trong buổi sáng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, cho biết thành phố đang giãn cách theo Chỉ thị 15 với một số biện pháp tăng cường. Tuy nhiên, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều điểm mới khó lường và số ca mắc còn tăng trong những ngày tới.

Chỉ thị đặc biệt và 7 ngày nước rút để chặn đứng Covid-19 tại TPHCM - 8

"Việc siết chặt, nâng cao hơn mức độ các biện pháp phòng, chống dịch là phù hợp với yêu cầu và tình hình hiện nay để thành phố nhanh chóng kiểm soát dịch Covid-19, đặc biệt những chuỗi chưa rõ nguồn lây", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Chỉ đạo tại buổi họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu chính quyền thành phố cần có biện pháp kiểm soát, giảm bớt dòng người đến địa bàn. Ông Nên nhìn nhận việc nâng mức giãn cách xã hội tại thành phố là cần thiết.

"Quyết tâm trong một tuần tới, thành phố khống chế được dịch bệnh. Các trường hợp vi phạm trong phòng, chống dịch phải được xử lý để tạo kỷ cương trong quá trình thực hiện. Chúng ta chấp nhận hy sinh ngắn hạn để tạo lợi ích lâu dài", người đứng đầu Đảng bộ thành phố chỉ đạo.

Chỉ thị đặc biệt và 7 ngày nước rút để chặn đứng Covid-19 tại TPHCM - 9

Sau một ngày luận bàn, tìm giải pháp thích hợp nhất với diễn biến dịch Covid-19 TPHCM, 18h30 ngày 19/6, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã công bố về những giải pháp mới áp dụng trên toàn địa bàn. Không đơn thuần áp dụng Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 16 như quãng thời gian trước đó, UBND TPHCM đã ban hành chỉ thị riêng, dựa trên khung cứng những chỉ đạo cũ và siết chặt nhiều hoạt động cụ thể.

"Hoàn cảnh của chúng ta so với giai đoạn trước đã khác. Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 trước đó được áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Thành phố đang cân nhắc để đưa ra những quy định phù hợp nhất với hoàn cảnh hiện nay", Phó Chủ tịch UBND TPHCM thông tin tới báo giới.

Chính quyền thành phố đã thiết lập vùng phong tỏa tại ấp Tân Thới 2, Tân Thới 3, ấp Tân Thới Tây 1 (huyện Hóc Môn); khu phố 2, 3, 4 thuộc phường An Lạc (quận Bình Tân). Người dân sinh sống bên trong vùng cần áp dụng nguyên tắc ở yên tại chỗ, phải tuân thủ quy định về giãn cách.

Chỉ thị đặc biệt và 7 ngày nước rút để chặn đứng Covid-19 tại TPHCM - 11

Chỉ thị khẩn số 10 do Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong ký ban hành yêu cầu các loại hình dịch vụ kinh doanh không thiết yếu, các chợ tự phát cần dừng hoạt động. Người dân không tụ tập trên 3 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tuân thủ triệt để quy tắc 5K của Bộ Y tế.

Ngoài ra, TPHCM yêu cầu mọi người chỉ ra đường khi thật sự cần thiết, giữ khoảng cách tối thiểu 1,5 m tại các địa điểm công cộng. Chính quyền sẽ tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm công tác phòng, chống Covid-19.

Thời gian tới, những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, rất cao sẽ được phong tỏa, cách ly. Tất cả loại hình giao thông công cộng được tạm ngừng, các phương tiện cá nhân cần hạn chế.

Do tính chất cấp bách của tình hình thực tế, Chỉ thị số 10, văn bản hành chính đặc biệt của TPHCM, có hiệu lực ngay từ thời điểm ký ban hành.

Chỉ thị mới của chính quyền TPHCM đã vận dụng tất cả chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan Trung ương từ trước đến nay. Để giảm đến tối thiểu ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, thành phố sẽ khoanh vùng rộng nhưng phong tỏa hẹp với những địa bàn có khả năng bùng phát dịch bệnh.

Chia sẻ về lý do ra đời của Chỉ thị mới, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, thẳng thắn nhìn nhận trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, có những nơi, những chỗ còn làm chưa hiệu quả và chưa đảm bảo nghiêm. Trong một tuần tới, thành phố sẽ xốc lại tinh thần chống dịch của các đơn vị, đảm bảo kỷ cương và tránh mọi sai sót.

"Một tuần tới là thời gian được kỳ vọng để chặn đứng dịch Covid-19 tại TPHCM. Sau thời gian đó, chúng ta sẽ ngồi lại nghiêm túc rút kinh nghiệm, trường hợp không nghiêm túc phải xử lý ngay", ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.

Chỉ thị đặc biệt và 7 ngày nước rút để chặn đứng Covid-19 tại TPHCM - 12

Sau gần 3 tuần giãn cách xã hội, diện mạo của TPHCM thay đổi từng ngày theo diễn biến dịch bệnh. Sự vắng vẻ, yên ắng tại khu vực trung tâm hay những khu phố náo nhiệt vốn là khung cảnh lạ lẫm trước đây nhưng dần trở nên quen thuộc với người dân thành phố.

Những nhà hàng đóng cửa, những tấm bảng cho thuê mặt bằng được niêm yết phần nào cho thấy mức độ tổn thương đến nền kinh tế mà dịch Covid-19 mang lại. Tuy nhiên, trước ngày dịch bệnh được chặn đứng, mỗi hoạt động, giao tiếp đều tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh cho cả cộng đồng.

"Mỗi ngày, thành phố đều phát hiện những trường hợp nhiễm mới không rõ nguồn lây. Điều này chứng tỏ mầm bệnh đang âm thầm lây lan trong cộng đồng, chính những người chúng ta tiếp xúc hàng ngày có thể một ngày nào đó trở thành F0 hay chính chúng ta thành F0 lây nhiễm cho người xung quanh", Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cảnh báo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Từ ngày 27/4, TPHCM cùng cả nước trải qua đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4. Thời điểm ấy, toàn địa bàn TPHCM ghi nhận hơn 254 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.

Sau khi phát hiện những bệnh nhân đầu tiên liên quan đến điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, thành phố xác định đây là chuỗi lây nhiễm lớn, có khả năng lây lan mạnh trong cộng đồng. Toàn thành phố bước vào 15 ngày giãn cách xã hội đầu tiên, riêng quận Gò Vấp và một phường của quận 12 áp dụng biện pháp quyết liệt hơn là Chỉ thị 16.

Kết thúc 2 tuần giãn cách xã hội đầu tiên, TPHCM ghi nhận hơn 800 ca mắc Covid-19 mới. Điểm sáng trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại thành phố là cơ bản kiểm soát được chuỗi lây nhiễm lớn nhất từ trước đến nay liên quan điểm nhóm truyền giáo. Tuy nhiên, thách thức mới cho đô thị 13 triệu dân là số ca F0 trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây ngày càng tăng cao.

Bí thư Thành ủy TPHCM nhận xét, trong 15 ngày qua thành phố chấp nhận hy sinh để đẩy lùi dịch bệnh, nhiều diễn biến bất ngờ đã xảy ra. Lực lượng y tế tuyến đầu bị đặt trong trạng thái nguy hiểm, những sự lơ là, chủ quan đã liên lụy tới cả cộng đồng, nhiều chuỗi lây nhiễm chưa tìm ra được nguồn gốc.

Tuy nhiên, trung tâm kinh tế - tài chính lớn nhất cả nước không thể giãn cách, chậm nhịp trong thời gian quá dài. Để trở lại nhịp phát triển trước đây, thành phố cần những giải pháp, phương án quyết liệt để đẩy lùi dịch Covid-19 trong quãng thời gian ngắn nhất.

Chỉ thị đặc biệt và 7 ngày nước rút để chặn đứng Covid-19 tại TPHCM - 13

Theo Dân trí

MB góp thêm 10 tỷ đồng cùng Hà Nội chiến thắng COVID-19MB góp thêm 10 tỷ đồng cùng Hà Nội chiến thắng COVID-19
Quỹ vắc xin phòng Covid-19 đã có bao nhiêu tiền?Quỹ vắc xin phòng Covid-19 đã có bao nhiêu tiền?
VietinBank chung tay cùng TP. Hà Nội đẩy lùi dịch COVID-19VietinBank chung tay cùng TP. Hà Nội đẩy lùi dịch COVID-19

dantri.com.vn