Bi kịch giá dầu và những nạn nhân (Kỳ 5):

Arập Xêút: “Gậy ông đập lưng ông”

07:00 | 21/04/2016

1,446 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cho dù Riyadh được xem là nhân tố cầm trịch trong cuộc chiến giá dầu, nhưng bản thân họ cũng bị thiệt hại nặng nề khi giá dầu sụt giảm kéo dài.

Là quốc gia có trữ lượng và sản lượng lớn nhất, lại giữ vị trí “trùm sò” trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), Arập Xêút bị thiệt hại nhiều nhất vì giá dầu sụt giảm trong gần 2 năm qua.

Nhưng khi giá dầu giảm vì cung cao hơn cầu, thay vì nghĩ đến việc giảm số cung để giữ giá hoặc nâng giá như nhiều thành viên OPEC đã yêu cầu thì Arập Xêút lại chọn chiến lược khác: Tiếp tục bơm dầu cho giá hạ thêm để các doanh nghiệp Mỹ áp dụng kỹ thuật “fracking” (nứt vỉa thủy lực) để khai thác dầu từ đá phiến sẽ không còn lợi nhuận, bị lỗ và phá sản.

Không chỉ Mỹ mà các đối thủ khác của Riyadh như Iran và Nga cũng sẽ bị vùi dập vì giá dầu giảm. Khi ấy, số cung sẽ giảm mà Arập Xêút vẫn giữ được thị phần của mình. Chiến lược này của Arập Xêút thực chất là cạnh tranh bằng cách phá giá.

arap xeut gay ong dap lung ong
Công nhân làm việc ở một mỏ dầu gần Riyadh, Arập Xêút

Ryadh từng tự tin cho rằng, họ có thể chống đỡ được kể cả khi giá dầu xuống mức 20USD/thùng nhờ dự trữ ngoại hối dồi dào đủ để bù cho phần thu từ giá dầu giảm, nhưng đến nay, tình cảnh của họ mới cho thấy rõ ra rằng “người tính không bằng trời tính”. Năm 2015, Arập Xêút ghi nhận thâm hụt ngân sách lên tới 98 tỉ USD mà nguyên nhân lớn nhất chính là do giá dầu ở mức quá thấp. Ngoài ra, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), doanh thu của vương quốc này đã thiệt hại 500 tỉ USD trong năm 2015 vì giá dầu giảm.

Doanh thu giảm ảnh hưởng tới các chương trình ổn định xã hội bằng ngân sách, đặc biệt là các khoản tài trợ mạng lưới xã hội, nhất là tại nơi sinh hoạt của cộng đồng thiểu số theo hệ phái Shia - sống trên khu vực nhiều dầu nhất ở miền Đông. Vụ Riyadh hành quyết một giáo sĩ người Arập Xêút theo hệ phái Shia vào đầu năm nay, ngòi nổ cho cuộc Chiến tranh lạnh với Iran hiện tại, cũng là một phần kết quả của cơn khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ giá dầu này.

Rõ ràng, toàn bộ nền kinh tế Arập Xêút đang bị tổn hại nghiêm trọng, kéo theo những bất ổn chính trị - xã hội không mong muốn.

Nhằm cứu vãn tình hình, giải nguy nền kinh tế, Riyadh đã và đang vận dụng mọi cơ hội để xoay hướng.

Biện pháp đầu tiên, Arập Xêút có kế hoạch thành lập một quỹ đầu tư công (PIF) trị giá ít nhất là 2.000 tỉ USD và một trong những sách lược huy động vốn là bán cổ phần của Công ty Dầu khí Saudi Aramco. Đây là hãng dầu khí lớn nhất thế giới, có trị giá hàng nghìn tỉ USD, sở hữu lượng dầu dự trữ lên tới gần 267 tỉ thùng, tương đương với gần 1/4 tổng số dự trữ của thế giới, lớn gần gấp 10 lần lượng dầu dự trữ của Exxon Mobil công ty dầu lửa có giá trị niêm yết lớn nhất thị trường. Sản lượng khai thác dầu hàng ngày của Saudi Aramco là 12,5 triệu thùng dầu, cao hơn cả sản lượng mỗi ngày của tất cả các công ty dầu lửa tại Mỹ cộng lại và đem lại 9/10 thu nhập cho Chính phủ Riyadh.

Theo Phó vương Mohammed bin Salman, Arập Xêút sẽ bán cổ phần Công ty Dầu khí Saudi Aramco vào năm 2017 hoặc năm 2018. Tiền thu về sẽ được sử dụng để phát triển các dự án ở trong, ngoài nước, biến hiệu quả đầu tư trở thành thu nhập chủ yếu của chính phủ chứ không phải là từ dầu mỏ nữa.

Bên cạnh đó, Arập Xêút cũng tính tới việc học tập Mỹ, xây dựng hệ thống “thẻ xanh” đối với lao động nước ngoài. Dự kiến kế hoạch này mỗi năm sẽ mang về thêm 10 tỉ USD cho Arập Xêút.

Cuối năm 2015, Arập Xêút đã phải phát hành trái phiếu để tăng thu ngân sách do giá dầu giảm. Ngoài ra, để giảm bớt khó khăn từ việc giá dầu mất giá, Riyadh cũng bắt đầu nâng giá xăng dầu và phí dịch vụ công cộng từ cuối năm ngoái. Hiện nay, chính quyền đang xem xét điều chỉnh trợ cấp, đánh thuế giá trị gia tăng, áp thuế đối với các mặt hàng xa xỉ phẩm, đồ uống nhẹ và cả năng lượng.

Đồng thời, kế hoạch chi tiêu công 2016 của Ryadh cũng đã phải cắt giảm 13,8% so với năm 2015. Nhưng theo dự báo của Ngân hàng Barclays, cho dù giảm được 13,8% chi tiêu, thì Arập Xêút vẫn có khả năng thâm hụt ngân sách tới 12,9% GDP trong năm 2016.

Không chỉ cắt giảm chi tiêu, Arập Xêút còn tăng sản lượng dầu để tăng nguồn thu. Số liệu của IEA cho thấy nước này khai thác hơn 10 triệu thùng dầu mỗi ngày trong quý 4-2015. Ngoài ra, việc số lượng giàn khoan hoạt động ở Arập Xêút chỉ riêng trong tháng 3 vừa qua là 127 giàn, tăng 50% kể từ khi giá dầu bắt đầu giảm vào giữa năm 2014 và tăng gần gấp đôi trong vòng 5 năm qua, theo ghi nhận của Công ty Dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes cho thấy “ông vua” này vẫn chưa có dấu hiệu từ bỏ chiến lược bảo vệ hoặc thậm chí tăng thị phần của mình.

Dù giúp Arập Xêút cải thiện ngân sách một phần, việc tăng sản lượng của Arập Xêút chắc chắn sẽ khiến tình trạng dư thừa nguồn cung dầu trên toàn cầu càng thêm phần tồi tệ. Sản lượng dầu toàn cầu được dự báo đạt mức khoảng 95 triệu thùng/ngày trong quý I/2016, trong khi tiêu thụ chỉ ở mức khoảng 94 triệu thùng/ngày.

Linh Phương

Năng lượng Mới số 515

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc