Ai cứu sân khấu thoát cảnh “chợ chiều”?

16:47 | 24/08/2017

869 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã qua thời hoàng kim “nhà nhà thích xem kịch”, ngày nay, điện ảnh, gameshow đang dần chiếm được sự quan tâm và tình cảm của khán giả, khiến sân khấu chung rơi vào cảnh “đìu hiu chợ chiều”, nhất là kịch nói. Để cứu sân khấu khỏi tình trạng khán giả… toàn người nhà, cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa, không chỉ riêng các nghệ sĩ. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với đại diện các nhà hát kịch tại Hà Nội.  
ai cuu san khau thoat canh cho chieu

NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội: Phải thay đổi chính bản thân mình

Có thể nói, sân khấu nói chung, kịch nói nói riêng càng ngày càng khó khăn vì rất nhiều câu chuyện liên quan đến tài chính, quảng bá, truyền thông, khán giả... Ngoài ra, sân khấu còn bị lép vế so với các hình thức giải trí khác như phim ảnh, truyền hình... Mỗi bộ phim có thể lôi kéo hàng nghìn người tới rạp chiếu, nhưng sân khấu thì khác. Sân khấu của Nhà hát Kịch Hà Nội được đánh giá là rộng rãi nhưng cũng chỉ có 500 chỗ ngồi, những sân khấu khác như Cung Việt-Xô cũng chỉ 800-1.000 chỗ.

Cần khẳng định, kịch nói vẫn có rất nhiều vở hay, hằng năm, riêng Nhà hát Kịch Hà Nội có nhiều vở có chất lượng nghệ thuật cao. Nhưng chọn được kịch bản rồi, dàn dựng xong rồi, điều quan trọng là làm gì để đưa vở kịch ấy đến với công chúng và công chúng tiếp nhận tác phẩm ấy ra sao?

Khi không có khán giả, không có nguồn thu thì sân khấu sẽ càng khó khăn hơn. Nhiều người cứ tưởng nghệ sĩ giàu có chứ thực ra đâu phải vậy, đồng nghiệp của tôi ở nhà hát đa phần đều sống cuộc sống rất bình dị từ đồng lương ít ỏi. Nhiều người làm nghề 10 năm rồi mà lương mới có 3,4 triệu đồng/tháng. Đồng lương như vậy cộng thêm tiền bồi dưỡng mỗi đêm diễn 100-200 nghìn đồng thì làm sao mà sống tốt? Thế nhưng họ vẫn yêu nghề, vẫn nỗ lực cho tác phẩm.

Sau năm 2019-2020, các đơn vị nghệ thuật công lập sẽ phải tự chủ hoàn toàn, phải tự tìm các nguồn kinh phí để bảo đảm cuộc sống cho diễn viên. Nếu sân khấu phía Nam gặp khó khi xã hội hóa thì sân khấu ở phía Bắc còn khó gấp bội khi tiến hành tự chủ, vì đa phần đã quen được bao cấp, sống theo nếp cũ. Khi phải “tự lực”, theo tôi, điều cần làm là phải tìm cách để phát huy nội lực từ mỗi cá nhân, mỗi nghệ sĩ.

ai cuu san khau thoat canh cho chieu
Một cảnh trong vở “Ai là thủ phạm” của Nhà hát Tuổi trẻ

Những năm qua, Nhà hát Kịch Hà Nội đã động viên các nghệ sĩ sát cánh cùng ban lãnh đạo để quảng bá kịch. Tôi huy động mọi người quảng bá trên website, facebook của nhà hát và facebook cá nhân, để khán giả biết tới kịch mục của nhà hát, biết về vở diễn và các diễn viên tham gia. Nhà hát cũng có dàn diễn viên được khán giả quen mặt, biết tên và mến mộ như NSND Hoàng Dũng, NSƯT Minh Hòa, Thu Hà, Minh Vượng, Tiến Đạt, Kiều Thanh, Công Lý, Hồng Đăng, Chí Nhân... Vì thế, “kênh” quảng bá này cũng mang lại hiệu quả nhất định.

Quan điểm của Nhà hát hiện nay là phải thay đổi chính bản thân mình. Rõ ràng, khán giả tìm đến kịch nói hay bất kỳ loại hình nghệ thuật nào khác chủ yếu để giải trí, vì thế nếu chúng ta đặt tiêu chí giải trí sau các tiêu chí khác như định hướng, thẩm mỹ thì rất khó thu hút khán giả. Người ta phải biết tới vở kịch, phải thích thú với nó thì mới tới nhà hát xem kịch và khi ấy, các yếu tố về giáo dục, định hướng, thẩm mỹ... trong vở kịch mới tác động đến người xem.

ai cuu san khau thoat canh cho chieu

NSND Lê Khanh - Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: Khuyến khích làm nhiều tác phẩm xã hội hóa

Đối với Nhà hát Tuổi trẻ, để “lôi kéo” được khán giả, trước hết chúng tôi phải tự “cải tiến” chính mình. Nhà hát Tuổi trẻ đã và đang làm mới các vở kịch kinh điển theo nhiều thủ pháp nghệ thuật. Thay vì để khán giả ngồi tiếp nhận với sự thụ động, đạo diễn đã đưa nhiều thể loại nghệ thuật vào trong một vở kịch với cách kể chuyện mới làm cho các tiết mục trở nên khác lạ. Cùng một câu chuyện, nhưng mỗi người có cách, có nghệ thuật kể chuyện khác nhau, đó là sáng tạo, là thứ cần cho nghệ thuật.

Ví dụ, trong vở kịch “Ai là thủ phạm” và nhiều vở khác, đạo diễn rất muốn đưa nhiều thể loại nghệ thuật giao hòa với nhau, đây là sự khác biệt giữa cách kể chuyện cũ và mới. Cách kể chuyện cũ là loại hình nghệ thuật nào thì mình tuân thủ, mặc định đúng thể loại ấy. Còn cách kể chuyện mới, cách kể đương đại chính là sự xóa nhòa ranh giới giữa các thể loại và pha trộn nhuần nhuyễn các thể loại với nhau để làm mới tác phẩm, tạo sinh động, khác lạ, tận dụng tối đa mọi thể loại nghệ thuật hỗ trợ cho tác phẩm. Hiện nay, tính kịch được đưa vào tất cả các thể loại nghệ thuật khác, để tạo sự cao trào, xung đột, tạo sự hấp dẫn. Tất cả vì mong muốn có sự đột phá về thể loại, tránh cho khán giả phải xem lối kể chuyện cũ kỹ, đáp ứng đòi hỏi về nhu cầu, hiểu biết và “gu” của khán giả hiện đại.

Không gì kiêu hãnh bằng nghệ sĩ tự nuôi sống bản thân bằng chính nghề đã chọn. Ai cũng có nhiệt huyết, tâm huyết với nghề, nhưng đồng lương quá khiêm tốn, quá hạn hẹp. Nhiều nghệ sĩ tài năng đã phải “gác kiếm” vì phải lo cho cuộc sống riêng. Nhà hát cũng khích lệ các nghệ sĩ đi đóng phim truyện nhựa, truyền hình, cộng tác với các loại hình nghệ thuật khác để vừa được công chúng biết đến, vừa tạo sức ảnh hưởng, đồng thời cũng tăng thu nhập, nuôi cảm hứng sáng tạo.

Ngoài gói bảo trợ của Nhà nước, nhà hát luôn chủ động đi tìm những gói tài trợ, cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật xã hội hóa. Nếu cứ ngồi chờ được phân vai, được dựng vở trong gói tài chính bao cấp thì khó có cơ hội được biểu diễn, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ. Vì thế, nhà hát khuyến khích làm càng nhiều các tác phẩm xã hội hóa càng tốt. Nhờ đó, các nghệ sĩ ở nhà hát vẫn luôn tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết làm nghề.

ai cuu san khau thoat canh cho chieu

Nhà biên kịch Chu Thơm: Hạn chế "đứng trên sân khấu đọc thoại"

Để vực dậy sân khấu, theo tôi, vấn đề đầu tiên là phải rũ bỏ suy nghĩ “yếm thế”, rằng sân khấu đang bị lép vế trước các loại hình nghệ thuật khác.

Ở TP Hồ Chí Minh, nếu không có Thành Lộc, Ái Như, Hữu Châu, Minh Nhí, Hữu Lộc, Hồng Vân, Mỹ Uyên, Trịnh Kim Chi, Ốc Thanh Vân… thì khó có thể tạo nên tên tuổi của các sân khấu kịch miền Nam. Sân khấu Hà Nội đang quy tụ lượng nghệ sĩ “tinh túy” nhất của miền Bắc như Hoàng Dũng, Lê Khanh, Minh Hòa, Tiến Đạt, Quốc Khánh, Xuân Bắc… nhưng vẫn chưa biết cách tận dụng và xây dựng thương hiệu của mỗi cá nhân nghệ sĩ khi tạo điều kiện để họ có những vai diễn để đời.

Bên cạnh đó, các nhà hát cũng chưa có những vở kịch tạo nên thương hiệu khác biệt, tạo nên phong cách của riêng của mình. Sinh thời, NSND Trọng Khôi đã từng nói, đại ý: “Với một kịch bản, 10 sân khấu xã hội hóa làm khác nhau. Nhưng với 10 kịch bản khác nhau, 10 sân khấu miền Bắc làm na ná như nhau. Vì vậy, khán giả chỉ cần xem một nơi là hiểu hết”. Ngày nay nhiều sân khấu quá lạm dụng tiếng cười của hài kịch, quên mất cái hay của kịch là “trò nhời” nên thường cho diễn viên “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với nhau để chọc cười. Đó không phải là hài kịch, mà nói như các nghệ sĩ nổi tiếng Hồng Vân, Minh Nhí, đó là hành động kéo tụt văn hóa xuống.

Năm 2016, có 14 vở diễn kịch kinh điển được trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Còn trong những tháng đầu năm 2017, các vở diễn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, ca kịch… đã thu hút được số lượng khán giả đông đảo hơn.

Hiện nay không hiếm kịch bản hay để dựng vở, nhưng có một số nhà hát sợ làm những cái khó, cứ muốn làm hài cho dễ dựng, dễ cười, dễ có khách. Để dựng được vở kịch hay, bản thân người viết kịch bản và lãnh đạo nhà hát phải cùng nhau “đo ni đóng giày” cho từng diễn viên, để vai diễn vừa vặn, phù hợp và cùng vun trồng, vạch lá, tìm sâu của vở diễn để nâng cao chất lượng, thậm chí còn phải ngồi xem cùng khán giả để nghe ý kiến của họ về vở diễn. “Cờ ngoài, bài trong”, chắc chắn nhiều ý kiến của khán giả sẽ rất bổ ích, giúp ê-kíp dàn dựng chỉnh sửa để vở diễn vừa hấp dẫn vừa thấu tình, đạt lý.

Một việc nữa là cần tìm cách vận dụng tất cả các loại hình nghệ thuật như hát múa, âm nhạc, hình thể kết hợp cùng kịch nói. Đừng lo chuyện “tích hợp” các loại hình nghệ thuật vào kịch nói sẽ biến sân khấu thành “tạp kỹ” hay mất đặc trưng của loại hình. Muốn như vậy, phải có diễn viên giỏi hội tụ đủ các yếu tố thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần.

Đạo diễn, biên kịch của sân khấu cũng phải tạo ra “trò diễn”, bên cạnh “đất diễn” vốn có. Để đầu tư như vậy, phải mất rất nhiều trí lực, thời gian, công sức. Có những người viết 5-7 năm mới xong 1 vở, phải nung nấu, phải kỳ công, nghĩ ra nhiều “trò” đem đến cho khán giả. Các vở “Dạ cổ hoài lang”, “Người vợ ma” của sân khấu xã hội hóa diễn hàng nghìn suất vẫn có người xem, vẫn yêu thích, bởi chính “trò diễn” mà các nghệ sĩ mang lại cho khán giả.

Việc các nhà hát chưa “lôi kéo” được khán giả một phần là do đặc trưng khán giả vùng miền, thứ hai là do diễn viên chưa đủ “trò”, đạo diễn, biên kịch chưa thực sự “khai mở” được tài năng đa dạng của diễn viên, chưa hạn chế được việc đứng trên sân khấu đọc thoại, việc đầu tư kinh phí quảng bá chưa được chú trọng. Khái niệm “hữu xạ tự nhiên hương” giờ đây đã đứng bên lề của xa lộ thông tin rồi.

Ông Đào Đăng Hoàn - Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn: Sẽ khôi phục các vở kịch “vang bóng một thời”

ai cuu san khau thoat canh cho chieu

Trong tháng 8-2017, khán giả Hà Nội được thưởng thức chương trình “Những vở kịch còn mãi với thời gian” tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Trong đó, Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn 3 vở “Vòng phấn Kavkaz”, “Ai là thủ phạm”, “Công lý không gục ngã”. Nhà hát Kịch Hà Nội biểu diễn những vở “Cát bụi”, “Điện thoại di động”, “Bỉ vỏ”. Nhà hát kịch Việt Nam mang tới các vở “Kiều”, “Lão hà tiện”. Đoàn Kịch nói Công an nhân dân biểu diễn 2 vở “Bão của hoàng hôn”, “Quyết đấu giữa sương mù”. Nhà hát Kịch nói Quân đội biểu diễn vở “Dưới cát là nước”.

Theo Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Đào Đăng Hoàn, chương trình này thực hiện theo định hướng của Bộ VH-TT&DL, hướng đến các nhà hát trong cả nước có vở tốt, được khán giả đón nhận và yêu mến. Đây chỉ là một bước khởi đầu, sẽ có những chương trình nối dài với các vở diễn chất lượng cao, đồng thời khôi phục những vở kịch “vang bóng một thời” trước đây. Sau 5 nhà hát tại Hà Nội, lần lượt các nhà hát, các đoàn nghệ thuật trên cả nước sẽ đến biểu diễn tại Hà Nội trong các năm tiếp theo.

Vương Tâm