9 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2012

11:00 | 28/12/2012

1,186 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chuyển giao quyền lực ở các nước lớn, tranh chấp lãnh hải, những vụ bê bối của chính khách cấp cao và tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn là những sự kiện đáng chú ý trong năm 2012.

1. Bầu cử và chuyển giao quyền lực

Ngày 5/3, Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga công bố Vladimir Putin giành thắng lợi áp đảo trong cuộc chạy đua vào Điện Kremlin nhiệm kỳ 2012 - 2018. Đây là lần thứ 3 ông Putin được bầu vào vị trí lãnh đạo cao nhất của nước Nga.

Ngày 1/4, nhà hoạt động chính trị Aung San Suu Kyi được bầu vào Quốc hội Myanmar sau 15 năm bị giam giữ. Cùng với kế hoạch cải tổ nội các mạnh mẽ của Tổng thống Thein Sein, Myanmar thực hiện nhiều cải cách mở cửa nền kinh tế và trở thành điểm sáng mới của châu Á.

Ngày 6/5, Francois Hollande giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, hứa hẹn sẽ bắt đầu chống lại các chính sách thắt lưng buộc bụng.

Ngày 6/11, ông Barack Obama đã tái đắc cử và trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ. 

Ngày 15/11, Trung Quốc chính thức tuyên bố ông Tập Cận Bình được bầu vào vị trí Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, thay thế cho ông Hồ Cẩm Đào, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Quân ủy Trung ương.  

Cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản trước thời hạn diễn ra hôm 16/12 đã đem về chiến thắng cho hai đảng liên minh là Dân chủ Tự do (LDP) và Công Minh (NKP), mở đường cho Chủ tịch LDP, cựu Thủ tướng Shinzo Abe, trở lại chiếc ghế Thủ tướng Nhật Bản.

Ngày 19/12, ứng cử viên của đảng bảo thủ cầm quyền Park Geun-hye đã giành chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử tổng thống và trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc.

2. Tranh chấp lãnh hải bao trùm châu Á

Châu Á đang trở thành điểm nóng của thế giới trong năm qua với sự “tề tựu” của các cường quốc trên thế giới gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Nga. Những tranh chấp lãnh hải giữa hầu hết các quốc gia trong khu vực, như giữa Trung Quốc với các nước ASEAN, giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản, Nga và Nhật là lý do khiến tình hình an ninh tại châu Á “nóng lên” suốt trong năm 2012 và dự báo sẽ còn tiếp tục trong năm sau.

3. Thảm sát ở Mỹ và vấn đề súng ống

Vụ thảm sát kinh hoàng tại một trường tiểu học ở Mỹ hôm 14/12 khiến 28 người thiệt mạng, 20 trẻ em tuổi từ 6 đến 7 và 8 người lớn, bao gồm cả hung thủ, đã khiến nước Mỹ và cả thế giới bàng hoàng. Một lần nữa việc quản lý súng ống vốn “xưa như trái đất” lại nổi lên như một đề tài thời sự ở Mỹ. Trong một động thái xoa dịu dư luận, Tổng thống Obama hứa sẽ chấm dứt những bi kịch như thế này và tạm thời cho thành lập một lực lượng chuyên kiểm soát súng do Phó tổng thống Joe Biden đứng đầu.

4. Kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn

Nhìn chung, gam màu chủ đạo của kinh tế thế giới năm 2012 vẫn là màu xám. Châu Á vốn là động lực tăng trưởng của thế giới cũng gặp nhiều khó khăn với xuất khẩu suy giảm. Các nước Mỹ Latinh cũng bị ảnh hưởng nhiều từ Mỹ và Eurozone. 

Hoạt động sản xuất trên toàn cầu liên tục suy giảm với sự trì trệ của những “đầu tàu” như Mỹ, Trung Quốc, Đức.

5. Triều Tiên phóng vệ tinh thành công

Ngày 12/12, Triều Tiên phóng thành công tên lửa mang vệ tinh đã được đưa vào quỹ đạo.

Hôm 13/12, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã ra tuyên bố lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên - hành động mà Tổng thư ký LHQ

Ban Ki-moon và nhiều nước khác chỉ trích là “khiêu khích” và vi phạm các nghị quyết của cơ quan này.

6. Khủng hoảng Syria

Cuộc khủng hoảng Syria đã leo thang xuyên suốt năm 2012 khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục mạnh tay trấn áp quân nổi dậy và người biểu tình trong nước.

Hơn 35.000 người Syria đã thiệt mạng kể từ khi khủng hoảng bùng phát năm 2011. Bạo lực bùng phát vào tháng 3/2011 sau khi một nhóm học sinh bị bắt và bị tra tấn vì hưởng ứng Mùa xuân Arập, kêu gọi chấm dứt chế độ hà khắc ở nước này.

7. Palestine được Liên Hiệp Quốc công nhận là nhà nước

Ngày 30/11/2012 đã trở thành ngày trọng đại đối với toàn dân tộc Palestine sau khi Liên Hiệp Quốc ra quyết định công nhận Palestine là nhà nước độc lập.

Với 138 phiếu thuận trên 9 phiếu chống và 41 phiếu trắng, tương đương hơn 2/3 số phiếu cần thiết theo quy định, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chính thức nâng quy chế của Palestine lên “nhà nước quan sát phi thành viên”.

8. Bê bối trong giới chính khách

Vụ án Bạc Hy Lai có thể coi là vụ bê bối chính khách đình đám nhất năm 2012. Kết cục, Bạc Hy Lai bị khai trừ ra khỏi đảng và đang đối mặt với một cuộc điều tra mở rộng với tội danh tham nhũng, lạm quyền, nhận hối lộ và quan hệ bất chính với phụ nữ. Vợ ông bị tuyên án tử hình “treo”, còn Vương Lập Quân cũng bị kết án 15 năm tù.

Tại Mỹ, ngày 9/11, Giám đốc CIA, David Petraeus cũng từ chức vì ngoại tình, chấm dứt sự nghiệp nổi bật khi từng giữ vai trò chủ chốt trong các cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan. Tình nhân của ông Petraeus là cô Paula Broadwell, 40 tuổi, người viết tiểu sử cho ông. Trước đó, 11 thành viên của Sở Mật vụ Mỹ cũng bị đuổi việc vì liên quan đến bê bối tình dục với gái mại dâm ở Colombia khi họ tháp tùng Tổng thống Obama đến dự Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ.

9. Thế giới chào đón “Ngày tận thế”

Ngày 21/12 năm nay được nhắc đến là “Ngày tận thế” theo lịch của người Maya. Nhiều nơi trên thế giới đã tổ chức “đón nhận” ngày này với đủ kiểu hoạt động khác nhau, từ nghi lễ chính thống của người Maya cho tới nhiều trò nhảm ở một số nước.

Mặc dù đã có nhiều đồn đoán từ rất lâu trước đó, nhưng “Ngày tận thế” đã trôi qua mà thế giới không suy vong như những kịch bản được nhiều người vẽ ra trước đó. Nhiều người nhân dịp này “hốt bạc” nhờ kinh doanh lời đồn nhưng cũng có khối kẻ phải vào tù vì tuyên truyền cho ngày tận thế.

H.Phan

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc