5 năm, dấu ấn một chặng đường tiền tệ
***
Bây giờ nghĩ lại tình hình kinh tế đất nước vào cuối năm 2010 và sang năm 2011, mà thấy sợ lạnh sống lưng: Những cơn điên loạn của vàng; lạm phát tăng từng tháng, và cứ lồng lên như con ngựa đứt dây cương; hàng loạt tổ chức tín dụng lao vào làm ăn chộp giựt, đi đêm, móc ngoặc với nhau... Quả bóng tài chính tiền tệ có nguy vỡ được tính theo từng ngày.
Dẫn lại vài con số để bạn đọc thấy: lạm phát năm 2011 tăng cao ở mức 18,13%; mặt bằng lãi suất cho vay ở mức 20-25%/năm, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) vi phạm trần lãi suất huy động, sử dụng lãi suất để cạnh tranh. Thanh khoản của nhiều TCTD gặp khó khăn, lãi suất liên ngân hàng có thời điểm lên tới trên 30%/năm, tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ hệ thống. Tỷ giá thường xuyên biến động và chịu sức ép tăng cao, dự trữ ngoại hối Nhà nước sụt giảm mạnh. Thị trường vàng thường xuyên biến động và là nhân tố gây bất ổn thị trường ngoại hối, tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô. Nhiều TCTD vi phạm nghiêm trọng các quy định về tiền tệ, ngân hàng.
Trước những diễn biến không thuận lợi của nền kinh tế, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặt mục tiêu giai đoạn 2011-2015 là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội đi đôi với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, thực hiện tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Trên cơ sở bám sát chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xác định và kiên trì theo mục tiêu xuyên suốt là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD.
Nói có tính chiến lược thì có vẻ “đơn giản”, nhưng thực ra, để làm được điều này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã phải có những quyết sách cực kỳ chính xác, linh hoạt, thậm chí cực kỳ cứng rắn.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Hà Nội |
Với phương châm: Phải điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. NHNN đã kết hợp hài hòa giữa điều hành theo khối lượng và giá cả (giữa điều hành lượng tiền cung ứng và điều hành lãi suất) để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối; hỗ trợ tích cực thanh khoản và quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD; đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa trong việc huy động, sử dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế, kiểm soát lạm phát và tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhờ vậy, tổng phương tiện thanh toán được kiểm soát ở mức thấp hơn so với các năm trước, nhưng phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế và góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát theo chủ trương của Đảng và mục tiêu cụ thể của Quốc hội, Chính phủ. Đồng thời, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (GDP bình quân giai đoạn 2011-2014 tăng khoảng 5,7% và dự kiến năm 2015 đạt trên 6,5%).
Bên cạnh đó, NHNN đã điều hành lãi suất chủ động, linh hoạt, đạt được mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý trong khi vẫn đảm bảo kiểm soát được lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ.
Với việc điều hành lãi suất chủ động, linh hoạt, có định hướng rõ ràng, NHNN đã thành công trong việc giảm mạnh mặt bằng lãi suất, đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay chỉ bằng khoảng 40% cuối năm 2011 và thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006, góp phần hỗ trợ giảm chi phí vốn vay của doanh nghiệp và hộ dân. Tính kỷ luật thị trường tiếp tục được tăng cường, tạo điều kiện để NHNN từng bước nới lỏng trần lãi suất huy động bằng VND, hiện chỉ duy trì trần lãi suất đối với kỳ hạn dưới 6 tháng nhưng mặt bằng lãi suất thị trường vẫn ổn định, không có sự xáo trộn và chấm dứt hiện tượng sử dụng lãi suất để cạnh tranh không lành mạnh, lôi kéo khách hàng giữa các TCTD. Đường cong lãi suất đã được hình thành ngày càng rõ nét, tạo điều kiện cho các TCTD huy động vốn với kỳ hạn dài hơn, ổn định kinh doanh và giúp cho việc phân bổ vốn hiệu quả hơn trong nền kinh tế.
NHNN đã đề ra và thực hiện các giải pháp tín dụng linh hoạt phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vốn vay ngân hàng; triển khai các chính sách tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực để hỗ trợ các TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo chủ trương của Chính phủ, hỗ trợ công tác an sinh-xã hội.
Trên cơ sở mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả giai đoạn 2011-2015 và từng năm được Quốc hội thông qua, NHNN xác định mức tăng trưởng tín dụng từng năm phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, tăng trưởng GDP, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo đó, thực hiện giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD theo mục tiêu chung là dưới 20% trong năm 2011, từ năm 2012 đến nay thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo các nhóm, trong quá trình thực hiện, có rà soát và linh hoạt điều chỉnh tăng cho một số TCTD có nhu cầu và có điều kiện mở rộng tín dụng an toàn.
Một biện pháp cực kỳ quan trọng nữa là NHNN đã chỉ đạo triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp đột phá nhằm ổn định tỷ giá, tăng tính thanh khoản ngoại tệ cho thị trường, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước và từng bước ổn định thị trường vàng.
Nếu như trước đây tỷ giá thường xuyên biến động, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của các nhà đầu tư thì từ cuối năm 2011 đến nay, thị trường ngoại hối và tỷ giá đã cơ bản ổn định, thị trường ngoại tệ tự do đã được thu hẹp. Thanh khoản thị trường ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Vai trò dẫn dắt điều phối thị trường của NHNN ngày càng thể hiện rõ. Tại một số thời điểm, tỷ giá và thị trường ngoại tệ có xáo trộn chủ yếu do yếu tố tâm lý như sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam, việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc điều chỉnh giảm giá liên tiếp đồng Nhân dân tệ và khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ dự kiến điều chỉnh tăng lãi suất trong năm 2015... nhưng đã nhanh chóng ổn định sau các biện pháp điều hành đồng bộ của NHNN, kết quả là không xảy ra tình trạng dịch chuyển từ VND sang ngoại tệ, vàng.
Việc NHNN điều chỉnh giảm lãi suất huy động USD xuống mức thấp hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi bằng VND và siết chặt hơn hoạt động cho vay bằng ngoại tệ đã thể hiện quyết tâm của NHNN trong việc từng bước chuyển dần quan hệ huy động-cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua-bán ngoại tệ, giảm sức ép tín dụng bằng ngoại tệ và rủi ro liên quan đến chênh lệch giữa các loại tiền của hệ thống ngân hàng. Vị thế và lòng tin vào VND ngày càng được củng cố.
Tình trạng đô la hóa đã giảm mạnh. Nhờ tỷ giá ổn định, tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế giảm, giúp NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng mạnh dự trữ ngoại hối Nhà nước, góp phần tăng tiềm lực tài chính và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Các giải pháp điều hành tỷ giá của NHNN trong thời gian qua được Chính phủ và các Tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế đánh giá là phù hợp và kịp thời, phát huy cao nhất những tác động tích cực, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta.
Việc dẹp loạn thị trường vàng được coi là thắng lợi cực kỳ ngoạn mục của NHNN. Để làm việc được việc này, đòi hỏi lãnh đạo NHNN phải có “thần kinh thép”, bởi lẽ, việc làm chưa từng có trong tiền lệ đã đụng chạm đến túi tiền của 13 ngàn ông chủ hiệu vàng.
Đến bây giờ, vàng không còn là thứ được người dân đưa vào dự trữ như xưa, và tình trạng “vàng hóa" cơ bản đã được chấm dứt.
Việt Nam là nước nhập khẩu vàng và chịu nhiều ảnh hưởng từ yếu tố tâm lý, tập quán nắm giữ vàng của người dân. Trong suốt một thời gian dài trước đây, thị trường vàng Việt Nam luôn biến động bất thường và là nhân tố gây bất ổn thị trường ngoại hối, tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô. Trước bối cảnh đó, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ về quản lý thị trường vàng, từ năm 2011, NHNN đã khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng, đồng thời khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện và phối hợp với các Bộ, ngành, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu đúng và đồng thuận với chủ trương quản lý vàng của Đảng, Nhà nước; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm các vi phạm.
Với các biện pháp quyết liệt triển khai từ cuối năm 2011 đến nay, công tác quản lý thị trường vàng đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Đến nay thị trường vàng đã được sắp xếp lại một cách cơ bản; trật tự, kỷ cương trên thị trường đã được xác lập, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân đã được đảm bảo; vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường vàng đã được nâng cao; toàn bộ quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng đã chuyển hoàn toàn sang quan hệ mua, bán vàng; tình trạng "vàng hóa” trong nền kinh tế đã từng bước được ngăn chặn; tình trạng sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán về cơ bản đã được chấm dứt, sức hấp dẫn của vàng miếng đã giảm đáng kể, cung cầu vàng miếng chuyển dịch từ trạng thái thiếu hụt nguồn cung sang xu hướng cân bằng, một phần nguồn vốn nhàn rỗi bằng vàng trong nền kinh tế đã được chuyển hóa thành tiền theo đúng chủ trương huy động nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù thị trường vàng thế giới biến động phức tạp nhưng thị trường vàng trong nước tương đối ổn định, không còn tình trạng người dân đổ xô đi mua vàng như giai đoạn trước đây; biến động của giá vàng trong nước không ảnh hưởng đến sự ổn định của tỷ giá, thị trường ngoại hối và kinh tế vĩ mô.
Từ đầu năm 2014 đến nay, NHNN không phải sử dụng ngoại tệ để can thiệp bình ổn thị trường vàng; không cấp phép cho các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ tự điều tiết.
(Còn tiếp)
Như Thổ
-
Tin tức kinh tế ngày 2/12: Thu ngân sách nhà nước vượt 6,3% dự toán
-
Chương trình "Khuyến mại tập trung quốc gia 2024": Ưu đãi lên tới 100%
-
Vùng Đông Nam Bộ: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế “2 con số”
-
Tin Thị trường: Giá khí đốt quay đầu giảm mạnh
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bà Rịa - Vũng Tàu chủ động, đi đầu trong phát triển ngành Logistics