40 năm gắn bó cùng Thạch Hãn

07:54 | 30/04/2012

410 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã ngót nghét 40 năm, không năm nào, thiếu tá, nhà báo,  cựu chiến binh Lê Bá Dương lại không trở về bến sông Thạch Hãn (Quảng Trị) ít nhất một lần, bởi đó là con sông đồng đội. Nơi đồng đội đã ngã xuống, máu đã nhuộm đỏ cả lòng sông, để viết nên bản anh hùng ca bi tráng mà không một ai là con dân đất Việt có thể nguôi quên.

Lê Bá Dương sinh ra và lớn lên đúng vào những tháng năm “dầu sôi lửa bỏng” của dân tộc (1953), trong một gia đình có truyền thống văn học nghệ thuật và ở một vùng đất được xem là cái nôi của cách mạng (Nghệ An). Năm 1968, giữa khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang trong giai đoạn ác liệt, để được ra chiến trường trực tiếp chiến đấu, cậu bé Lê Bá Dương đã xin sửa lý lịch, khai tăng thêm 3 tuổi, tìm mọi cách nhập ngũ. Ngày 10/4/1968, cậu đã được toại nguyện, trở thành chiến sĩ quân đội nhân dân khi vừa tròn 15 tuổi.

Tuổi nhỏ, sức vóc cũng nhỏ, cậu bé Lê Bá Dương khoác balô hành quân vào chiến trận, đối diện tiếng súng chát chúa, tiếng máy bay gầm gào và nỗi đe dọa cận kề của cái chết từng giây từng phút. Sau hai tuần huấn luyện tại Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 22, Quân khu IV, Lê Bá Dương cùng đơn vị được lệnh hành quân vào mặt trận phía nam.

Gần một tháng hành quân vào chiến trường, cậu được biên chế về Đại đội 3, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 27 Xôviết Nghệ Tĩnh thuộc mặt trận B5 (nay là trung đoàn 27 Triệu Hải, sư đoàn 309 – Quân đoàn 1) tham gia chiến đấu tại mặt trận đường 9 Quảng Trị. Ngay sau khi về đại đội, Lê Bá Dương đã được tham gia trận đánh đầu tiên vào cụm địch tại thôn Tây Trì, thị trấn Đông Hà. Trong trận đánh đầu đời này, tân binh Lê Bá Dương vừa tròn 15 tuổi 49 ngày, nhưng đã lập công, được tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ cấp II, dũng sĩ diệt cơ giới, từng được báo Quân đội trong một bài viết nhỏ mệnh danh là “Cù Chính Lan của miền Nam”.

Từ năm từ 1968 đến hết chiến tranh, Lê Bá Dương trải qua nhiều cương vị khác nhau, từ chiến sĩ đến cán bộ chỉ huy đại đội, tham gia chiến đấu trực tiếp hàng trăm trận trong hàng chục chiến dịch then chốt trên mặt trận Quảng Trị.

Chiến tranh một mất một còn, chứng kiến biết bao đồng đội ngã xuống ngay trước mắt mình, trên lưng mình nên giữa bộn bề cuộc sống đời thường thời hậu chiến, Lê Bá Dương vẫn dành mối quan tâm rất lớn của mình cho đồng đội.

Chỉ một năm sau khi hòa bình lập lại, anh lặng lẽ trở về chiến trường xưa, lặng lẽ thả những nhành lá xanh ngắt xuống dòng sông máu như muốn làm dịu đi nỗi đau. Một việc làm tự nhiên, tự nguyện nhưng đã khơi nguồn nên một lễ hội đặc biệt, lễ hội thả hoa trên dòng Thạch Hãn.

Có một thời và cho đến bây giờ, nhắc đến Lê Bá Dương, mọi người vẫn gọi anh là “Người thả hoa trên dòng Thạch Hãn”. Đã ngót 40 năm, cùng với nó là rất rất nhiều hành động việc làm ý nghĩa để “trả nợ” quá khứ nhưng lòng của người lính ấy vẫn chưa nguôi ngoai một lời thề. Lê Bá Dương bùi ngùi kể: “Trong những trận chiến đấu khốc liệt, mỗi khi gạt nước mắt chôn cất đồng đội tôi vẫn tự thề rằng: Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước hòa bình, chúng tôi sẽ trở lại tìm đưa đồng đội về với gia đình, quê hương! Vậy nhưng 40 năm sau chiến tranh, lời thề sẽ tìm đưa đồng đội trở về quê hương vẫn đau đáu mà không thể…”.

Không thể, nên lời thề đó lại trở thành tâm nguyện đầy ý nghĩa: không đưa được các đồng đội đã hy sinh về quê hương, thì đưa quê hương vào cho đồng đội. Đó chính là khởi nguồn của chương trình hành hương “Đưa quê hương vào cho đồng đội” bắt đầu từ năm 2007 do Lê Bá Dương khởi xướng.

Tuy là cuộc hành hương do một số cựu chiến binh đứng ra tổ chức với sự tự nguyện của các đồng đội từ nhiều địa phương cả nước tham gia, song với các chương trình “Đón bộ đội về làng”; “Đêm ấm rừng đồng đội”; “Hòa nước sông quê vào lòng Thạch Hãn”; “Góp hương hoa” cùng đồng bào Quảng Trị giữ ấm nơi đồng đội yên nằm… đã được tổ chức chặt chẽ, an toàn, hiệu quả nên nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo Đảng, chính quyền nhân dân các địa phương – trực tiếp là đồng bào, chiến sĩ Quảng Trị – những người đã và đang thay mặt cả nước trực tiếp giữ ấm hương khói cho các liệt sĩ nằm lại tại 72 nghĩa trang tại đây.

Tính đến thời điểm 10/4/2012, đã có 540 đồng đội và thân nhân liệt sĩ đăng ký qua Ban Liên lạc đồng đội các tỉnh thành đề nghị tiếp tục thực hiện và tham gia chương trình hành hương “Ấm rừng đồng đội” lần thứ 3.

Từ thiếu niên anh hùng năm 1968 đến người thả hoa trên dòng Thạch Hãn năm 1976 rồi người “Đưa quê hương vào cho đồng đội” năm 2007, hơn 40 năm một đời người, Lê Bá Dương thực sự là một “anh hùng” đối với nhân dân Quảng Trị và đối với hàng nghìn đồng đội may mắn còn sống sau cuộc chiến.

Gần 40 năm một đời người, Lê Bá Dương đã và vẫn lặng lẽ âm thầm góp nhặt từng nghĩa cử cao đẹp, cho những người đồng đội đã ngã xuống, dành tuổi xuân của mình cho đất nước, cho dân tộc, và cho cả những người lính như anh, trở về viết tiếp khúc tráng ca “sóng nước tuổi 20” của một thời và mãi mãi…

Chương trình hành hương “Đưa quê hương vào cho đồng đội” 2012 bắt đầu từ ngày 27/4 đến hết ngày 1/5, với các nội dung chính: Trao Quỹ học bổng “Lấy quá khứ dưỡng tương lai” cho học sinh địa phương các nơi đoàn hành hương đi qua, bắt đầu từ xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; chương trình giao lưu “Tri ân đồng bào đồng đội, một thời cơm Bắc giặc Nam” tại Lệ Thủy, Quảng Bình; chương trình “Trở lại một thời giới tuyến” tại Vĩnh Linh, Quảng Trị; đêm thắp nến, “tiếp lửa truyền thống” tại Cam Lộ, Quảng Trị; đêm ngủ rừng “Ấm rừng đồng đội”; lễ nhập thủy, tiến hành hòa đất và nước giếng vườn nhà lấy các địa phương đoàn đã đi qua vào lòng đất, nước chiến trường xưa tại xã Hải Phú và Hải Thượng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị; dâng hương tại Đài hóa thân Khu di tích Thành cổ; thực hiện nghi lễ thả hoa, phóng đăng tại bến thả hoa phía Bắc Thạch Hãn; đêm giao lưu tại Bến thả hoa với chủ đề “40 năm thức cùng Thạch Hãn; giã bạn…

Lê Chi

Báo Năng lượng Mới số 115-116 ra ngày 27/4/2012