10 năm chờ công lý

09:41 | 23/09/2019

872 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Một vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” kéo dài hơn 9 năm với hàng chục lần mở phiên tòa nhưng vẫn không thể đi đến hồi kết, người bị truy tố, kết án vẫn một mực kêu oan trong khi nguyên đơn chưa một lần có mặt tại tòa. Dư luận không thể không đặt câu hỏi, liệu việc điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan bảo vệ pháp luật đã thực sự công minh, đúng người đúng tội, đảm bảo không có oan sai?      

Hơn 9 năm qua, vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” truy tố hai bị cáo Nguyễn Huy Khang (SN 1959 ở Bắc Giang) và Nguyễn Đình Bang, nguyên Giám đốc Cty TNHH Trường Sinh (SN 1951 ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) được dư luận xã hội quan tâm bởi tính chất phức tạp, liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, vấn đề đầu tư, chuyển nhượng cổ phần dự án bất động sản, vốn là những vấn đề “nóng” nổi cộm trong xã hội. Nhiều tờ báo như Công Lý, Nhà báo & Công luận, Hà Nội Mới, Lao Động, Dân Trí, Công an nhân dân, Tuổi trẻ Thủ Đô… đã có cả tuyến bài theo dõi, phân tích về vụ án này.

10 nam cho cong ly
Phiên tòa xét xử vụ án, ngày 16/9/2019

Được biết, quá trình điều tra, thụ lý kéo dài, suốt từ tháng 8/2010, sau nhiều lần lần mở phiên tòa bất thành, phải trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung vì nhiều tình tiết, chứng cứ bị bỏ sót hoặc không được xem xét đúng quy định của pháp luật, tháng 11/2016 Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mới đưa được vụ án ra xét xử sơ thẩm.

Sau khi án sơ thẩm được tuyên, các bị cáo kháng cáo, ngày 12/10/2017, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử phúc thẩm và bản án phúc thẩm số 683 ngày 13/10/2017 của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, xét xử lại.

Ngày 16/9/2019 vừa qua, TAND TP Hà Nội tiếp tục mở phiên tòa, nhưng chỉ sau phần làm thủ tục, tòa đã tiếp tục phải trả hồ sơ để điều tra xác minh vì vụ án lại phát sinh tình tiết mới…

Từ những giao dịch dân sự…

Tóm tắt sự việc như sau, năm 2007, ông Nguyễn Đình Bang cùng với ông Duy Đức Tuấn chung tiền mua cổ phần của Công ty TNHH Trường Sinh. Ngày 25/8/2008, Sở Kế hoạch Đầu tư TP. Hà Nội cấp chứng nhận thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp. Theo đó, ông Nguyễn Đình Bang là người đại diện theo pháp luật của Công ty Trường Sinh theo Giấy đăng ký kinh doanh số 07031. Công ty Trường Sinh được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hơn 6.300m2 đất tại Khu công nghiệp Bắc An Khánh.

Tại dự án Bắc An Khánh, ông Bang và ông Tuấn sở hữu 50% cổ phần; 50% cổ phần còn lại là của Công ty ADIS do ông Nguyễn Kim Hải làm Giám đốc. Sau khi tiếp nhận Công ty Trường Sinh, ông Bang đã đầu tư thêm gần 1 tỷ đồng bằng tiền cá nhân để triển khai và thực hiện dự án. Đến năm 2009, do tuổi cao sức yếu nên bị ông Bang muốn chuyển nhượng lại cổ phần của mình cho ông Tuấn. Tuy nhiên, trong quá trình thương lượng, ông Tuấn ép giá và không có tiền mua cổ phần (Tất cả các khoản tiền để triển khai dự án cũng như phục vụ cho hoạt động của công ty trường sinh thì ông Tuấn đều phải lấy từ ông Bang) nên ông Bang không đồng ý bán cho ông Tuấn.

Cuối năm 2009, ông Nguyễn Kim Hải, Giám đốc Công ty ADIS thoả thuận với ông Bang để bán 50% của ông Hải tại dự án Bắc An Khánh và 30% của ông Bang, tổng cộng bán ra là 80% cổ phần (không bao gồm cổ phần của ông Tuấn). Việc bán cổ phần do ông Hải tìm người mua và soạn thảo hợp đồng mua bán. Trước khi bán, vào ngày 10/10/2009, ông đã ra thông báo mời họp các cổ đông về việc chuyển nhượng cổ phần của ông Bang và của Công ty ADIS tại dự án Bắc An Khánh. Ngày 17/10/2009 ông Bang và Công ty ADIS đã họp và cùng ký bản thoả thuận về việc đồng ý chuyển nhượng cổ phần của Công ty ADIS và của ông Bang cho ông Nguyễn Huy Khang. Tuy nhiên đến ngày họp cổ đông, ông Tuấn không có mặt. Tại phiên họp này, các cổ đông đều nhất trí chuyển nhượng 80% cổ phần tại dự án Bắc An Khánh và thống nhất uỷ quyền cho người mua được phép tìm đối tác huy động vốn cho Công ty thực hiện dự án Trung tâm Thương mại và nhà ở cao cấp mà UBND tỉnh Hà Tây giao cho Công ty Trường Sinh làm chủ đầu tư.

Ngày 23/10/2009, ông Hải đưa Nguyễn Huy Khang, cũng là bị cáo trong vụ án (người mua cổ phần) đến địa chỉ số 79 Hàng Bồ gặp ông Bang để cùng ký kết hợp đồng số 09 về việc chuyển nhượng 80% cổ phần nói trên. Hợp đồng do ông Hải soạn thảo có nội dung “chuyển nhượng lại 100% cổ phần tại dự án Bắc An Khánh cho Khang”. Tuy nhiên ông Bang đã không đồng ý với nội dung của hợp đồng với lý do là ông chỉ có 30% cổ phần nên ông chỉ đồng ý chuyển nhượng 30% cổ phần của ông, phần còn lại của ông Tuấn thì người mua gặp trực tiếp ông Tuấn để thoả thuận việc chuyển nhượng.

Ba bên thống nhất chỉnh sửa hợp đồng chuyển nhượng bằng một phụ lục hợp đồng với nội dung: chỉ bán cổ phần của ông Bang và ông Hải, không bán phần của ông Tuấn. Sau khi ký kết hợp đồng thì ông Khang đặt cọc cho ông Hải 500 triệu đồng và đặt cọc cho ông Bang 300 triệu đồng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, ông Khang đã chuyển cho ông Hải gần 4 tỷ đồng (tất cả đều có chứng từ).

Tháng 3/2010, ông Hải và ông Bang đã tiến hành ký thanh lý hợp đồng chuyển nhượng số 09 ký ngày 23/10/2009 với lý do ông Khang không thanh toán tiền theo đúng tiến độ đã quy định trong hợp đồng.

Ngày 15/4/2010, ông Khang thông báo cho ông Bang biết đã chuẩn bị đủ tiền và muốn tiến hành việc mua lại cổ phần. Ngày 16/4/2010, ông Khang cùng một người nữa đến địa chỉ số 79 Hàng Bồ gặp ông Bang để làm thủ tục chuyển nhượng cổ phần. Sau khi thống nhất các điều khoản, ông Bang yêu cầu ông Khang chuyển 19 tỷ đồng vào tài khoản của ông Bang tại ngân hàng Techcombank bao gồm 4,05 tỷ đồng tiền mua cổ phần và 15 tỷ đồng tiền ông Khang trả nợ vay ông Bang trước đây. Sau khi ông Bang nhận đủ tiền thì hai bên thống nhất làm thủ tục chuyển nhượng.

Ngày 20/4/2010, ông Khang thông báo đã chuyển đủ số tiền nói trên vào tài khoản của ông Bang tại ngân hàng Techcombank. Ngày 24/4/2010, ông Bang và ông Khang cùng ký vào hợp đồng chuyển nhượng cổ phần (viết tay). Sau khi ký xong, ông Bang đã bàn giao cho ông Khang: 01 sổ đỏ, 01 con dấu công ty, 01 Đăng ký kinh doanh và các giấy tờ liên quan đến Công ty Trường Sinh. Trong biên bản bàn giao có ghi rõ: "Ông Khang chỉ được phép sử dụng con dấu để làm các thủ tục tại Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc sang tên người đại diện theo pháp luật cho Công ty Trường Sinh". Ngoài ra trong hợp đồng còn ghi rõ “ông Khang không được sử dụng con dấu vào bất cứ việc gì khác khi chưa được Sở Kế hoạch và Đầu tư công nhận”.

Sang vụ án hình sự

Theo ông Bang trình bày: “Đầu tháng 6/2010, tôi bất ngờ nhận được “giấy triệu tập” của Công an quận Đống Đa (TP Hà Nội)”. Nội dung việc triệu tập ông Bang của Công an quận Đống Đa là nhằm làm rõ nội dung đơn tố cáo của ông Thái Khắc Toàn (là người đi cùng ông Khang đến nhà ngày 16/4/2010) tố cáo ông Bang và ông Khang lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Khi làm việc với Công an quận Đống Đa, ông Bang mới biết qua các mối quan hệ, ông Khang gặp ông Thái Khắc Toàn, Phó giám đốc Công ty Huy Phát. Ông Khang tự nhận là Gíam đốc Công ty Trường Sinh và đặt vấn đề huy động vốn vào dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ và nhà ở cao cấp An Khánh. Nếu ông Toàn góp 18 - 22 tỷ đồng, Công ty Huy Phát sẽ được tham gia dự án.

Ông Toàn được ông Khang cho xem mọi giấy tờ liên quan và dẫn đi xem nhà xưởng ở khu An Khánh. Ông Thái Khắc Toàn sau đó đã thuê Văn phòng luật sư Việt Luật soạn thảo hợp đồng góp vốn ngày 8/4/2010 với ông Nguyễn Huy Khang (Trong nội dung hợp đồng được ghi “góp vốn với Công ty Trường Sinh do ông Nguyễn Huy Khang làm Giám đốc”) dù biết rõ ông Khang chưa phải là giám đốc Công ty Trường Sinh. Ông Toàn sau khi ký hợp đồng góp vốn và thỏa thuận với ông Khang đã chuyển 19 tỷ đồng vào tài khoản của ông Bang và đưa 3 tỷ đồng, 17.000 USD tiền mặt cho ông Khang, đồng thời nhận quản lý toàn bộ giấy tờ của Công ty Trường Sinh: con dấu, đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (dự án) và cùng ông Khang đến Phòng ĐKKD để thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty Trường Sinh từ ông Nguyễn Đình Bang sang ông Nguyễn Huy Khang.

Sau khi không thấy dự án tiến triển, ông Toàn đòi lại tiền và làm đơn tố cáo ông Nguyễn Huy Khang và ông Nguyễn Đình Bang ra Cơ quan Cảnh sát điều tra.

Tại phiên tòa sơ thẩm tháng 11/2016, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Huy Khang 18 năm tù, bị cáo Nguyễn Đình Bang 16 năm tù về cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đến tháng 10/2017, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm sau khi các bị áo kháng cáo. Tại phiên tòa này, tòa đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vì hồ sơ vụ án “còn nhiều vấn đề quan trọng chưa được cấp sơ thẩm làm rõ”.

Đáng chú ý là sau khi tham dự phiên tòa sơ thẩm, một nhân chứng quan trọng trong vụ án, ông Nguyễn Đức Thành ở Phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội, đã có đơn gửi đến Tòa án báo cáo lại toàn bộ sự việc. Ông Thành là người trực tiếp chứng kiến từ đầu đến khi kết thúc giao dịch giữa ông Khang và ông Toàn về việc mua bán cổ phần của ông Bang ở Công ty Trường Sinh. Trong đơn này, ông Thành khẳng định bản án kết tội bị cáo Bang có rất nhiều điều không đúng với thực tế, ông Bang hoàn toàn không hay biết gì về giao dịch giữa ông Khang và ông Toàn.

Bản án phúc thẩm số 683 ngày 13/10/2017 của TAND Cấp cao tại Hà Nội cho rằng, ông Bang và ông Toàn không có quan hệ quen biết nhau. Việc ông Khang và ông Toàn ký hợp đồng góp vốn, ông Bang không biết và không được ai báo cho biết.

Việc chuyển tiền vào tài khoản của ông Bang, không ai báo trước cho bị cáo... Trong hồ sơ không có tài liệu nào thể hiện ông Khang cùng ông Bang bàn bạc, thống nhất ý chí để cùng thực hiện hành vi phạm tội. Tại cơ quan điều tra, bị cáo Bang nói sẽ trả lại số tiền này và yêu cầu trả lại giấy tờ tài liệu, sổ đỏ, dự án và hủy hợp đồng mua bán để bảo đảm an toàn cho mình nhưng không được xem xét giải quyết.

Vì vậy, tòa cấp phúc thẩm cho rằng cần xem xét lại ý thức đồng phạm của ông Bang trong vụ án này. Tòa cũng xác định “Dự án nhà ở và khu thương mại dịch vụ Bắc An Khánh là sự án có thật, hiện dự án vẫn đang tồn tại và chưa bị thu hồi”.

Về nội dung đơn tố cáo của ông Thái Khắc Toàn, bản án phúc thẩm nhận định, các lời khai của ông Toàn tại Công an quận Đống Đa có nhiều điểm mâu thuẫn với các lời khai tại CQĐT - Công an TP Hà Nội và mâu thuẫn với các chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, nhưng những mâu thuẫn này không được đề cập xử lý.

Cũng theo kết luận tại bản án phúc thẩm, bản án sơ thẩm hầu như không xem xét đánh giá chứng cứ thu thập tại Công an quận Đống Đa. Điều này vi phạm nguyên tắc phải đánh giá đầy đủ toàn diện các chứng cứ liên quan đến vụ án. Những sai sót trên của cấp sơ thẩm không thể khắc phục ở cấp phúc thẩm.

Sau khi bản án phúc thẩm được tuyên, Cơ quan cản sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã tiến hành điều tra lại vụ án theo quy định của pháp luật và ngày 14/5/2019 Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội ra quyết định truy tố ra trước Tòa án nhân dân TP. Hà Nội để xét xử đối với các bị can Nguyễn Huy Khang, Nguyễn Đình Bang về tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại điểm a, Khoản 4, Điều 139 BLHS năm 1999.

Vừa qua, ngày 16/9, TAND TP Hà Nội tiếp tục đưa vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ra xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo Nguyễn Huy Khang và Nguyễn Đình Bang.

Tại phiên tòa này, bị cáo Nguyễn Đình Bang đã cung cấp cho tòa 6 đoạn video và các tài liệu được cho là cuộc trao đổi giữa bị cáo và nguyên điều tra viên trực tiếp điều tra vụ án đến xin lỗi và bày tỏ sự ân hận vì đã làm oan cho bị cáo. Theo bị cáo Bang, những đoạn video này nói lên bản chất của vụ án với những khai báo không đúng sự thật, tạo dựng chứng cứ để làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Trước những chứng cứ mới mà bị cáo Bang cung cấp, TAND TP Hà Nội đã tạm dừng xét xử để hội ý. Sau khi hội ý, TAND TP Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ để điều tra làm rõ các chứng cứ mới của vụ án.

Một thập kỷ chờ đợi phán xét công minh của pháp luật

Trong đơn kêu cứu gửi đến báo PetroTimes, ông Nguyễn Đình Bang, một trong hai bị cáo của vụ án cho biết: “Tôi nhập ngũ ngày 04/9/1969, bị thương tại Tây Nguyên ngày 21/12/1971 và xuất ngũ tháng 10/1973. Trước khi bị bắt tạm giam (tháng 12/2010), tôi được hưởng trợ cấp thương binh hạng 4/4. Từ đó đến nay, tôi bị cắt chế độ thương binh. Hiện nay sức khỏe tôi đã yếu, vết thương sọ não liên tục hành hạ. Trong vụ án này tôi thật sự là nạn nhân. Tôi chỉ mong Tòa án Cấp cao xem xét lại toàn bộ vụ án để minh oan cho tôi”. Ông Bang đã bị giam giữ để điều tra 5 năm rưỡi, đến tháng 6/2016 được tạm tha. Hơn ai hết, ông Bang mong muốn vụ án được điều tra lại một cách khách quan theo đúng quy định của pháp luật, xét xử công bằng để ông có thể được minh oan, sớm ổn định cuộc sống lúc tuổi già, được phục hồi các chế độ và danh hiệu thương binh mà Nhà nước cấp cho ông.

Công cuộc cải cách tư pháp trong những năm gần đây được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm và được đặt trong mối quan hệ với việc đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, hướng tới xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ trong lĩnh vực tư pháp theo hướng công khai, minh bạch, nguyện vọng của ông Nguyễn Đình Bang là chính đáng, cần phải được các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét để bảo đảm xét xử theo đúng quy định của pháp luật, không để án quá hạn theo luật định và đặc biệt là không để bị kết án oan người vô tội.

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn ghi nhớ, tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với nước, đó là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” nhân văn truyền thống của dân tộc; xem xét vụ án, hành vi của ông Bang, một thương binh, lại càng cần thấu tình đạt lý, bảo đảm khách quan, công bằng để người dân tin tưởng vào chính sách pháp luật nghiêm minh và nhân đạo của Nhà nước.

Minh Lê

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc