Thông điệp nóng về an ninh môi trường

22:48 | 26/07/2017

4,877 lượt xem
|
Cuốn sách “Vị tướng với an ninh môi trường” ra đời đúng ngày 27-7-2017 không chỉ có ý nghĩa với riêng Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), người có ngày sinh trùng với Ngày Thương binh - Liệt sĩ, mà còn mang đến thông điệp nóng về an ninh môi trường đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Từ một vị tướng quan tâm tới môi trường

Tận mắt thấy cây cối dọc dài đất nước, nhất là cây rừng ở Quảng Trị, bị hủy hoại dưới bom đạn chiến tranh, anh lính Nguyễn Huy Hiệu ngày ấy đã thầm nguyện khi chiến tranh kết thúc, mình sẽ góp phần tái tạo màu xanh cho những vùng đất bị trụi cây cỏ này.

Năm 1977, sau khi kết thúc chiến tranh, tướng Hiệu được cử đi một số nước công tác. Đối với ông, đó là cơ duyên để học hỏi những kiến thức sâu sắc và mới mẻ về môi trường, các giải pháp tiên tiến của nước bạn. Tướng Hiệu đã rất ấn tượng với cuộc cách mạng Xanh của Ấn Độ và cho rằng, Việt Nam cũng có thể học tập để nhanh chóng hàn gắn những vết thương trên cơ thể đất nước sau chiến tranh. Chính Thủ tướng Indira Gandhi đã tặng tướng Hiệu một cây đa và ông nâng niu mang về Việt Nam, trồng tại Thành đội Quảng Trị để tưởng nhớ, tri ân đồng chí, đồng đội đã hy sinh. Cây đa ấy sống khỏe và giờ đây đã rất to lớn.

thong diep nong ve an ninh moi truong

Cuộc cách mạng sinh học của người Ấn Độ để lại cho tướng Hiệu nhiều suy nghĩ. Ông tự đặt ra những câu hỏi, tại sao cũng là cây lúa mà họ trồng cho năng suất cao như vậy? Tại sao cũng cây hoa hồng, mà mỗi nhánh có tới ba bông? Con người bằng trí óc sáng tạo, bằng những thành tựu khoa học có thể tác động vào thiên nhiên tích cực ra sao? Việt Nam, một đất nước thuần nông, có thể làm gì để phủ xanh đất nước, để vụ mùa bội thu?...

Có thể do cái duyên, nhưng cũng có thể do mối quan tâm sâu sắc tới môi trường, tướng Hiệu có nhiều cơ hội tham gia những công tác liên quan tới môi trường. Đặc biệt là thời gian ông phụ trách Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, giúp ông càng quyết tâm theo đuổi ý tưởng thực hiện nghiên cứu môi trường Việt Nam, đúc kết lại thành một công trình, thuyết phục các nhà khoa học và toàn dân cùng tham gia bảo vệ màu xanh đất nước.

Tướng Hiệu là một trong những người đề ra “phương châm 4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai và chiến lược bảo vệ môi trường. Đây là dấu ấn sâu sắc của một vị tướng trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước ở thời bình.

Tôi từng tự hỏi, vì sao một vị tướng của Việt Nam lại được Viện Hàn lâm Khoa học quân sự Liên bang Nga - một viện khoa học quân sự danh giá vào bậc nhất, nhì thế giới - bầu làm Viện sĩ (nghệ thuật chiến tranh)? Hẳn là cuộc đời binh lửa nơi chiến trường cũng như những nghiên cứu khoa học của ông đã đạt tới giá trị lớn lao trong ngành khoa học quân sự?

Quả vậy, những tiêu chí mà ông đạt được để được bầu làm Viện sĩ, tính cho đến nay, ở Việt Nam chưa có ai đạt tới. Tướng Hiệu từng đến nước Nga năm 1977, tới đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Bộ Quốc phòng giao cho ông đưa 4 Sư đoàn trưởng của Việt Nam sang đào tạo tại Học viện Quân sự Frunze (Nga) và bản thân ông đã đạt bằng giỏi của học viện. Sau đó ông về nước, vận dụng những kiến thức khoa học quân sự học được ở Nga vào đào tạo, huấn luyện, xây dựng lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Hòa bình lập lại, tướng Hiệu đã có hơn một thập niên làm công tác đối ngoại quốc phòng giữa Việt Nam với Nga, là đồng Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kỹ thuật quân sự Nga - Việt, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và Nga lên tầm đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện. Với cương vị là đồng Chủ tịch Ủy ban Điều hành trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga trong gần 10 năm, tướng Hiệu đã tham gia 3 đề tài nghiên cứu lớn về độ bền nhiệt đới, y sinh nhiệt đới và sinh thái nhiệt đới, giúp nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang Việt Nam.

thong diep nong ve an ninh moi truong
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu

Thời gian sau đó, tướng Hiệu làm Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và ông có cơ hội tham dự nhiều hội thảo quốc tế về môi trường. Trực tiếp chứng kiến những thiên tai, thảm họa do biến đổi khí hậu, do sự tàn phá của con người, ông càng thấy rằng, với kinh nghiệm thực tế, kiến thức và tầm nhìn của mình, cần hành động ngay để góp phần cảnh báo về mối nguy hại cho an ninh quốc gia đến từ thảm họa môi trường.

Tới người trồng cây tích cực

Tướng Hiệu nhận thức rõ, môi trường Việt Nam chịu hậu quả chiến tranh rất nặng nề. Bom đạn, chất độc dioxin vẫn còn tiếp tục gây tác hại sau hơn ba thập niên kết thúc chiến tranh. Bên cạnh đó, thiên tai không ngừng hoành hành trên dải đất hình chữ S, nhất là miền Trung. Rừng đầu nguồn không chỉ bị tàn phá do chiến tranh, mà đến nay còn bị phá bởi lòng tham của con người và nhu cầu phát triển kinh tế nóng trong thời bình, khai thác rừng thiếu quy hoạch. Hậu quả là khi những trận mưa lớn trút xuống, không còn đủ cây che chắn, nước đổ dốc xuống biển nhanh chóng, lại gặp thủy triều hoặc bão sẽ tạo nên sức tàn phá khủng khiếp.

Tướng Hiệu là người nêu ý tưởng và giúp khởi động cuộc thi “Hoa trái đồng bằng” trong các đơn vị thuộc Đại đoàn Đồng Bằng. Cuộc thi cứ 5 năm tổ chức một lần, thu hút các đơn vị từ 7 tỉnh khu vực đồng bằng tham gia.

Là người trực tiếp tham gia chiến tranh, tướng Hiệu rất lo ngại về ảnh hưởng của chất độc hóa học còn lại trong rừng miền Trung. Khi mưa bão lớn, rừng không che chắn nổi, nước sẽ cuốn chất độc đổ ra sông, biển làm ô nhiễm cả nguồn nước. Con người dùng nguồn nước ô nhiễm ấy thì hậu quả thật khó lường. Tệ hại nhất là di chứng cho nòi giống người Việt.

Còn ở miền Bắc, chúng ta đã và đang chịu hậu quả của lũ quét, lũ ống, lũ bùn và những trận mưa đá chưa từng có, kèm thời tiết cực đoan. Do rừng bị chặt phá, nước mưa, bùn đất trên núi cao không được lớp cây và lá giữ lại sẽ phụt ra thành ống. Dòng nước, dòng bùn với sức công phá mạnh quét đi không chỉ hoa màu mà còn cả nhà cửa, tính mạng người dân.

Ở miền Nam, do đặc điểm địa lý, trước kia thường ít bão. Nhưng ngày nay, do biến đổi khí hậu toàn cầu, bão cũng đã chuyển dịch về Nam. Trong khi đó, người dân miền Nam lại chưa có nhiều kinh nghiệm phòng chống bão. Hơn nữa, có những cơn bão khủng khiếp, trăm năm mới xuất hiện một lần thì nay lại xuất hiện thường xuyên tại miền Nam, kèm theo cả lốc xoáy.

thong diep nong ve an ninh moi truong
Tướng Hiệu trồng cây sala

Khi chiến tranh kết thúc, tướng Hiệu đã quan tâm cải tạo môi trường. Năm 1980, với cương vị của mình trong quân đội, ông phát động chiến dịch “Màu xanh đồng bằng”, trồng 600ha rừng tại Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Với công việc hay phải di chuyển của mình, cứ đi tới đâu ông trồng cây ở đó. Những cây được ông chọn trồng là cây ăn quả, cây bồ đề, cây đa, cây lấy gỗ. Tới các vùng, ông luôn vận động mọi người trồng cây, trò chuyện để thay đổi nhận thức của người dân về môi trường. Tướng Hiệu kể, vận động người khác thay đổi thói quen thiếu trân trọng cây cối cũng khó lắm, nhưng cứ kiên trì giải thích, phân tích tác hại lớn từ những hành động hủy hoại nhỏ, dần dần người ta cũng hiểu ra, làm theo mình.

Chính tướng Hiệu là người nêu ý tưởng và giúp khởi động cuộc thi “Hoa trái đồng bằng” trong các đơn vị thuộc Đại đoàn Đồng Bằng. Cuộc thi cứ 5 năm tổ chức một lần, thu hút các đơn vị từ 7 tỉnh khu vực đồng bằng tham gia. Sự kiện này đã thực sự khuyến khích các đơn vị, cá nhân trồng cây, hoa, rau, củ quả mang lại lợi ích cao cho sinh hoạt, đời sống hằng ngày.

Và thông điệp nóng cho tương lai

Với sự chấp bút của tác giả Lục Hường, ngày 27-7-2017, cuốn sách “Vị tướng với an ninh môi trường” sẽ ra mắt bạn đọc. Cuốn sách là tâm huyết của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, người nhiều năm nghiên cứu môi trường Việt Nam, chắt lọc những tài liệu khoa học môi trường quý giá mà ông sưu tầm từ tinh hoa nhân loại, cùng kinh nghiệm bảo vệ môi trường của cha ông để truyền thông điệp bảo vệ môi trường, giữ lấy cái nôi trái đất và bảo toàn sự sống cho nhân loại.

thong diep nong ve an ninh moi truong
Cây đa tướng Hiệu trồng do Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi tặng

Cuốn sách cũng tổng hợp những thực tiễn và kinh nghiệm về thảm họa môi trường trong chiến tranh và cả thời bình mà tướng Hiệu đúc kết. Ông chia sẻ, nếu không ra được cuốn sách gói gọn vốn quý thu thập được từ suốt cuộc chiến tranh và từ sau năm 1975 tới nay về môi trường, ông thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm. Ông mong qua cuốn sách này, đóng góp phần nhỏ của mình, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh người dân trước nguy cơ tiềm ẩn và khủng khiếp nhất cho sinh tồn - thảm họa môi trường - mà con người sẽ phải đối mặt rất sớm, để các nhà khoa học vào cuộc rốt ráo hơn, để toàn dân chung tay bảo vệ môi trường. Chỉ có sự thấu hiểu nguy cơ, thay đổi hành vi và ý thức rõ về trách nhiệm với môi trường, toàn dân chung tay thực hiện giải cứu môi trường, thì mới mang lại hiệu quả.

Dự kiến, cuốn sách “Vị tướng với an ninh môi trường” sau khi ra đời sẽ tiếp tục được tái bản với những bổ sung ý kiến phản hồi tích cực từ các nhà khoa học. Sau đó, cuốn sách sẽ được dịch sang tiếng Nga và phát hành tại Nga vào năm 2018.

Chuyên gia môi trường Phạm Văn Sơn, Giám đốc điều hành SOS Environment:

thong diep nong ve an ninh moi truong
Tướng Hiệu nhận hàm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học quân sự Liên bang Nga

“Tôi từng trách mình, một người vô tâm khi đã không hề biết tới tác giả của “phương châm 4 tại chỗ” cực kỳ hữu ích với hoạt động ứng phó sự cố môi trường của SOS Environment. Sau nhiều năm, tôi mới biết đó là Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu, khi chúng tôi đã thành công vì vận dụng phương châm này trong hoạt động ứng phó 67 sự cố tràn dầu - hóa chất tại nhiều địa phương (tính đến thời điểm tháng 7-2017).

Thật tuyệt khi ở thời bình, vị tướng tài ba lại bộc lộ khả năng mới rất xuất sắc, đặc biệt là “phương châm 4 tại chỗ” mang tính khoa học, hiệu quả thực tiễn cao trong hoạt động cứu hộ cứu nạn. Phương châm này sau đó đã nhanh chóng được thể chế hóa trong Nghị định Chính phủ về cứu hộ cứu nạn từ năm 2010.

Cuốn sách “Vị tướng với an ninh môi trường” thể hiện tầm nhìn xa của tướng Hiệu từ 50 năm trước về hậu quả bởi chất độc da cam đối với môi trường lâu dài sau này, trong khi phần lớn mọi người chỉ cảm nhận sự hy sinh xương máu của những người lính chiến trường lúc đó.

Đọc “Vị tướng với an ninh môi trường” để hiểu rõ hơn tầm nhìn xuyên suốt của vị tướng đối với các vấn đề môi trường. Ông đã đưa ra những tín hiệu báo động để Quốc hội, Chính phủ và cộng đồng kịp thời nhận thức sâu sắc, có kế hoạch hành động phù hợp, tránh những hậu quả khó lường đối với an ninh môi trường quốc gia”.

Minh Hải