Tại sao cụ Nguyễn Trãi không dùng “song viết” [双曰] thay cho “xương"

10:21 | 08/11/2015

|
“Phương pháp mới” của ĐVT về “chiết tự” đã không ổn mà cách “chế tạo ngữ nghĩa” của tác giả này cho chữ “xương” cũng chỉ là một sự pha trộn “không đồng chất”.

ĐVT đưa ra cho chữ “xương” 7 nghĩa sau đây lấy từ 漢語大詞典 Hán ngữ đại từ điển (La Trúc Phong chủ biên, 1990): “– 1.明, 光明. Sáng, sáng rõ; – 2. 善; 正当. Thiện, chính đáng; – 3. 佼好貌. Vẻ tốt đẹp; – 4. 兴盛; 昌盛. Hưng thịnh; – 5. 庆. Phúc lành; – 6. 指有生命之物. Vạn vật có sự sống; – 7. 显明. Tỏa sáng”. Rồi ĐVT còn dẫn  Hán Việt tự điển của Thiều Chửu với 5 nghĩa sau đây: “– 1. Tương đang, lời nói hay. Nói thẳng không kỵ húy gì; – 2. Sáng sủa; – 3. Thịnh; – 4. Tốt đẹp, đẫy đà; – 5. Vật được thỏa sự sinh sản gọi là xương”. Rồi căn cứ vào hai hệ nghĩa trên đây, ĐVT tiếp tục hùng biện.

 “Như vậy XƯƠNG 昌 bao gồm các ý nghĩa: “lời hay ý đẹp, trực ngôn (chân thật)”; “thiện, chính đáng”; “hưng thịnh, sáng sủa, tốt đẹp”; “phúc lành, thỏa sinh”... Có thể thấy trong chữ Hán hiếm có chữ nào như chữ XƯƠNG 昌 hội tụ ý nghĩa thực hay và tốt đẹp đến thế (…). Qua Nguyễn Trãi, XƯƠNG 昌 nói lên một lý tưởng cao đẹp của một kẻ sĩ đạt đạo, sống chân thật, hài hòa với tự nhiên, hướng đến một cuộc sống tươi sáng, một xã hội thịnh vượng, tốt đẹp”.

Vì mải mê hùng biện mà ĐVT đã quên rằng mình đang trộn lẫn những thứ không được phép trộn chung về ngữ nghĩa: vị từ và danh từ. Trong Hán ngữ đại từ điển  thì các nghĩa 3, 5, 6 thuộc về danh từ còn các nghĩa 1, 2, 4, 7 thì thuộc về vị từ; trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu thì nghĩa 5 thuôc về danh từ; các nghĩa 2, 3, 4 thuộc về vị từ còn nghĩa 1 thì chính Thiều Chửu cũng giảng mập mờ giữa danh từ và vị từ rồi ĐVT còn chế biến thành “xương có nghĩa là nói thẳng không kỵ húy gì” trong khi Thiều Chửu thì giảng rõ là “nói thẳng không kỵ húy gì gọi là xương ngôn”. Tóm lại, để lăng-xê phương pháp mới của mình là “chiết tự”, ĐVT đã làm một sự chế biến không được phép nên kết quả chỉ là một món ăn gồm những nguyên liệu kỵ nhau mà cứ nhìn bề ngoài thì có thể ngỡ là cao lương mỹ vị. Đã thế, ĐVT còn “củng cố” thêm cho lập luận của mình:

“Trong thư pháp, các nhà Nho vẫn thường hay dùng chỉ một chữ duy nhất như chữ TÂM 心, NHẪN 忍, NHÂN仁... để gói ghém tâm tư, tình cảm, lý tưởng của mình. Cho nên có thể nói chữ XƯƠNG 昌 thông qua cách viết 双 曰 SONG VIẾT chính là một “nhất tự” tâm đắc của Nguyễn Trãi (xuất hiện lần đầu tiên trong Quốc âm thi tập)”.< /p>

Nhưng “tâm”, “nhẫn”, “nhân” là những chữ có nghĩa hoàn toàn xác định còn chữ “xương” thì lại được ĐVT gán cho một thứ hỗn hợp ngữ nghĩa rối rắm, không xác định thì làm sao có thể gọi là là “nhất tự tâm đắc của Nguyễn Trãi”? Ấy là ta còn chưa nói đến chuyện Nguyễn Trãi đâu có dốt đến độ không biết chữ “xương” [昌] là hai chữ “nhật” [日] , tức “lưỡng nhật/song nhật”, chồng lên nhau (nên trong từ điển nó mới thuộc bộ “nhật” [日]). Và chính vì thuộc bộ “nhật” nên nó mới có nghĩa gốc là “sáng sủa” như cũng đã cho trong Hán ngữ đại từ điển do La Trúc Phong chủ biên và Hán Việt tự điển của Thiều Chửu. Còn sở dĩ nó bị biến thành “song viết” (hai chữ “viết” [曰], chữ này chồng lên chữ kia) thì đơn giản chỉ là vì người ta phải “bóp bẹp” hai chữ “nhật” [日] xuống để cho khi chữ này chồng lên chữ kia thì mới tạo được một phương khối tự (chữ vuông) dễ nhìn chứ nếu không thì chữ “xương” sẽ trở thành một chữ cao nghều nghệu. Nguyễn Trãi đâu có dốt mà không biết “xương” là “lưỡng nhật/song nhật”. Vậy ta không nên suy bụng ta ra bụng người mà ép Nguyễn Trãi phải dùng hai chữ “song viết” thay cho “nhất tự tâm đắc” là chữ “xương”.

Bài “tiểu luận” này của An Chi chỉ mới có 2.988 chữ nên chưa nói hết được những gì cần nói về bài đại luận 8.439 chữ của ĐVT nhưng chúng tôi phải dừng lại ở đây vì ta hãy còn có những dịp khác nữa mà, phải không bạn Nguyễn Thế Hiển và các bạn?

 

Năng lượng Mới 472