Yên Hòa: Làng khoa bảng

19:00 | 03/08/2013

1,679 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một ngôi làng với những trang sử gắn liền truyền thống hiếu học từ bao đời nay. Nằm trong cái nôi của nền văn hóa Thăng Long, Yên Hòa (làng Cót xưa) là một trong hai mươi “Làng khoa bảng” Việt Nam và là một trong năm “Làng khoa bảng” của đất kinh thành. Đến nay, những người con của Yên Hòa luôn gìn giữ danh thơm đó để phấn đấu học tập.

Phát huy truyền thống hiếu học

Cứ đến ngày 25/8 hằng năm, Hội Khuyến học phường Yên Hòa lại tổ chức Ngày hội Khuyến học để tuyên dương, động viên những học sinh giỏi, học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập. Ngày này đã trở thành ngày truyền thống của người dân phường Yên Hòa nhằm tìm kiếm, khích lệ, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Qua hơn 10 năm duy trì và phát triển, phong trào khuyến học của phường đã đi vào từng gia đình, dòng họ, ngõ xóm với những con số ấn tượng: 14 học sinh giỏi cấp quốc tế, 41 học sinh giỏi cấp quốc gia, 258 học sinh giỏi cấp thành phố và 900 lượt học sinh đỗ đại học...

“Chúng tôi luôn gắn kết với nhau bằng cách khích lệ từng dòng họ trong làng hãy quan tâm và động viên con cháu học tập tốt. Bởi ở đây, từ xa xưa, trong các dòng họ đều có các danh nhân, tiến sĩ, thậm chí có người còn được khắc tên trên bia đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Cho nên việc động viên, khuyến khích của những người cùng dòng tộc sẽ rất hữu ích, tạo động lực để con cháu tiếp bước truyền thống hiếu học của cha ông. Không chỉ những người học giỏi mới được quan tâm như vậy, mà ngay cả những cháu có kết quả học tập chưa xuất sắc nhưng có hoàn cảnh khó khăn đều được sự hỗ trợ của cả dòng họ và Hội Khuyến học phường Yên Hòa”, bà Hoàng Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Yên Hòa cho biết.

Nguyễn Kim Lâm tại lớp học dành cho các em có hoàn cảnh khó khăn

Các dòng họ ở Yên Hòa đã lấy truyền thống hiếu học của quê hương để giáo dục con cháu. Nhiều dòng họ trong những ngày giỗ tổ, thường xuyên nêu lại truyền thống của tổ tiên ông cha, nhắc nhở con cháu đùm bọc giúp đỡ nhau, răn dạy những điều hay lẽ phải. Trước sự chứng kiến của tổ tiên, người ta trao cho con cháu những giấy khen và quà của dòng họ, khen thưởng các cháu học sinh, sinh viên giỏi, tài năng, các cháu đỗ đại học, cao đẳng hoặc đạt thành tích cao về mọi mặt; đồng thời còn trợ cấp cho các gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn, tạo điều kiện cho các cháu học tập tốt.

Với truyền thống hiếu học được truyền từ đời này qua đời khác, các dòng họ lâu đời của làng Yên Hòa đều tự khuyến khích con em mình học tập theo tấm gương của cha ông. Như dòng họ Nguyễn Vân Sơn, việc học tập được cả dòng họ thống nhất làm theo 8 điều tộc ước từ xa xưa của tổ tiên để lại nhằm gắn kết quan hệ huyết thống. Dòng họ đặt phần thưởng: Nếu đỗ tiến sĩ thưởng chữ “Nguyễn”, đỗ thạc sĩ thưởng chữ “Phúc”. Trong Ngày hội Khuyến học của dòng họ Hoàng, sau lễ tế tổ, một tiến sĩ khoa học của dòng họ đã truyền lại cho con cháu mình ý chí vươn lên, quyết tâm vượt khó và phương pháp học tập của mình để đạt được kết quả. Dòng họ Nguyễn Như Uyên có bức tường tranh đắp nổi kể chuyện cụ Nguyễn Như Uyên từ ngày còn bé đi học, đến khi thành danh để luôn nhắc nhở con cháu noi gương học tập, nối tiếp truyền thống tổ tiên. Dòng họ Nguyễn Quang đã tập hợp con cháu tổ chức những buổi ôn tập văn hóa nên kết quả đỗ đại học trong dòng họ rất cao. Dòng họ Doãn cấp học bổng cho các sinh viên nghèo trong dòng họ, hỗ trợ các cháu làm các đề tài khoa học...

Một trong những trường hợp được hỗ trợ, khuyến khích của Hội Khuyến học Yên Hòa và dòng họ phải kể đến em Nguyễn Kim Lâm. Em là người thuộc dòng họ Nguyễn Kim, thủ khoa Đại học Ngoại thương năm 2011 với thành tích học tập xuất sắc. Cho đến bây giờ Lâm vẫn giữ vững sức học của mình.

“Bí quyết” chỉ đơn giản là cách học

Đến nhà Lâm vào một buổi chiều hè, lúc Lâm đang chuẩn bị đẩy xe cá ra đầu ngõ giúp mẹ bán, tôi không nghĩ đó là hình ảnh một thủ khoa ngày nào. Khi nhắc đến hai từ “thủ khoa”, em ngượng ngùng và khiêm tốn: “Em không thích hai từ đấy tí nào. Em đi thi cũng như các bạn khác thôi. Chẳng qua, nếu có hơn thì em nghĩ có thể là em tự tin và may mắn hơn các bạn”.

Mặc dù hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, cha làm công nhân tại Nhà máy in Tiến Bộ, mẹ ở nhà làm nội trợ và bán cá cảnh nhưng cả hai anh em rất chăm học và dành thời gian giúp đỡ bố mẹ. Nhà có hai anh em trai nhưng mẹ Lâm không nuông chiều hay “gánh” hết việc nhà mà rèn hai “cậu ấm” theo hình thức biết sắp xếp, tổ chức những việc nhỏ như: dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, giặt giũ quần áo... Mẹ Lâm bảo, có biết sắp xếp thời gian biểu của mình một cách khoa học thì sẽ tính toán, mạch lạc trong học tập. Và “chân lý” ấy của mẹ Lâm đã không sai khi cả 12 năm, Lâm đều là học sinh giỏi xuất sắc. Bà Nguyễn Thị Vân Lan, mẹ Lâm chia sẻ: “Rất may mắn là hai đứa con trai của tôi đều có ý thức trong học tập và tự lập trong cuộc sống. Bố mẹ không bao giờ phải lo lắng, đôn đốc nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không tạo áp lực học tập cho các cháu, bởi nếu có áp lực, e rằng việc học tập trở nên nặng nề, dẫn đến không hiệu quả”.

Khi hỏi về bí quyết học tập thì thật ngạc nhiên khi Lâm cho rằng, việc học hành của cậu rất nhẹ nhàng, chẳng có gì vất vả như suy nghĩ của nhiều người. Quan trọng là mình biết cách học mà thôi. Lâm kể, năm lớp 10, 11, điểm Văn của Lâm luôn ở dưới mức 8,0, thế nhưng lên lớp 12 tăng lên 8,4, làm cho nhiều người phải kinh ngạc, trong đó có giáo viên dạy văn của Lâm.

Lâm cho biết: “Suy nghĩ mãi rồi em cũng tìm ra cách học hiệu quả. Đó là với mỗi tác phẩm, em đọc thêm những cuốn sách về nó, lên mạng tìm thêm tài liệu rồi tổng hợp tất cả thông tin liên quan lại thành một cuốn vở. Cứ như thế, mỗi tác phẩm em đều có thông tin tổng quát cho đến chi tiết và sự so sánh”. Với môn tiếng Anh thì theo Lâm đòi hỏi sự kiên trì, học hằng ngày, hằng tháng chứ không chỉ vài ba tuần là giỏi ngay được. “Mỗi ngày em học một trang A4 từ mới, sau đó em tìm ví dụ là những câu có từ đó và phải nhớ cách sử dụng. Khi luyện thi, em lấy 2 tờ đề về, 1 tờ em sẽ làm và 1 tờ còn lại để lúc khác mang ra làm lại cho nhớ lâu”.

Lâm chia sẻ về thành công của mình: “Để có được sự thoải mái trong học tập và đạt kết quả cao cũng như vượt qua kỳ thi đại học, em nghĩ các bạn nên xác định mục tiêu và phấn đấu đạt mục tiêu đó. Chẳng hạn, những năm cấp 3 em chỉ dành mục tiêu duy nhất của mình là học tập ngoài ra không quan tâm tới các hoạt động khác. Còn nếu như cầu toàn và cái gì cũng “ham” thì đôi khi kết quả sẽ không được như mình muốn”.

Năm nay, Lâm đã bước sang năm thứ 3 đại học. Em vẫn giữ nguyên vị trí “hàng đầu” như năm nào. Bên cạnh việc học tập, em còn tham gia và trải nghiệm cuộc sống sinh viên với Câu lạc bộ Hanoikids, một câu lạc bộ tiếng Anh chuyên hướng dẫn du lịch cho khách quốc tế, tự lập nhóm tình nguyện dạy học cho trẻ em nghèo tại một số phường trên địa bàn Hà Nội và làng trẻ em SOS... Theo Lâm, tham gia những công việc này giúp em năng động, nhạy cảm hơn trong cuộc sống.

Lâm tâm sự về ước mơ của mình: “Em sẽ cố gắng trau dồi học tập để có thể tự mình làm chủ được tương lai sau này với dự định có thể thành lập một doanh nghiệp xã hội mà trong đó giáo dục và trẻ em là điều mà em quan tâm nhất”.

Chắc chắn với truyền thống hiếu học và những hoạt động thiết thực để khuyến khích con em mình học tập tốt hơn của người dân làng Yên Hòa, mảnh đất này sẽ mãi xứng đáng với tên gọi “Làng khoa bảng” cho đến những đời sau.

Diệu Thuần

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.