Xác chết cũng bị… phân biệt đối xử

20:02 | 19/01/2014

4,032 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có một điều lạ rằng, thi thể người nước ngoài chết ở Việt Nam lại bị thu một mức phí lưu trữ trong “ngăn lạnh” cao gấp 3 đến 5 lần so với người Việt.

Theo điều tra của PetroTimes, người nước ngoài tử vong tại Việt Nam được lưu thi thể ở các bệnh viện còn mắc hơn… khách sạn thuộc hạng 3 sao. Việc lưu thi thể người nước ngoài tại các bệnh viện là cần thiết cho công tác khám nghiệm tử thi để làm rõ cái chết đột ngột của nạn nhân.

Từ thông tin của độc giả người Nga, tháng 9/2013, vị độc giả này có bạn thân thiệt mạng tại TP Phan Thiết, nạn nhân tử vong được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận lưu thi thể để chờ khám nghiệm.

“Tủ lạnh” dùng để lưu thi thể người tử vong tại một bệnh viện.

Nỗi đau của gia đình chưa qua, gia đình của nạn nhân ngoại quốc lại phải chịu một mức phí cao vô lý. Người này viện dẫn về việc Bệnh viện Bình Thuận đối xử với thi thể giữa người ngoại quốc và người Việt có sự chênh lệch là không công bằng.

Tại Bệnh viện Bình Thuận, tiền lưu thi thể người nước ngoài 720 ngàn trong 24 tiếng và thi thể mang quốc tịch Việt Nam cũng chỉ dao động 200 ngàn đồng.

Không chỉ ở bệnh viện Bình Thuận mới có việc “đối xử” lạ với thi thể người tử vong như thế. Tại bệnh viện Khánh Hòa được xem là nơi thu phí lưu thi thể gấp 5 lần so với nhiều bệnh viện khác.

Nếu một người Việt tử vong, phí lưu xác trong 24 giờ là 240 ngàn đồng. Người nước ngoài được tính bằng giá USD và trong 24 tiếng đồng hồ, một thi thể được lưu lại, người thân phải mất 240 USD, tương đương 5,3 triệu đồng.

Ngay ở bệnh viện Chợ Rẫy, phí lưu thi thể người nước ngoài cũng bị phân biệt đối xử. Qua tìm hiểu, đối với thi thể người Việt Nam được tính ở mức 200 ngàn đồng thì thi thể người nước ngoài là 1 triệu đồng mỗi ngày.

Để hợp thức việc xuất hóa đơn tiền lưu thi thể, nhiều bệnh viện đã lập hóa đơn theo kiểu “Phiếu tính giá điều trị khám chữa bệnh người nước ngoài”. Trong mục “Diễn giải” để kê khai thành tiền, Bệnh viện Khánh Hòa đã nêu “Khám điều trị và các dịch vụ chuyên môn: Tiền tủ lạnh; Đơn vị tính: 1 giờ 5 USD; Tiền ăn theo bệnh lý: Phòng mổ tử thi…”.

Đối với Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận, phí lưu xác được tính như một hóa đơn bán hàng. Trong mục “Tên hàng hóa, dịch vụ: Lưu xác tủ lạnh”.    

Những thi thể phải đợi người thân, gia đình ở nước ngoài đến Việt Nam để làm các thủ tục và đợi cấp công hàm tại các Đại sứ quán, lãnh sự quán, thời gian lưu giữ khá lâu, có khi kéo dài từ 3 đến 15 ngày. Nhiệt độ trữ thi thể thường dao động từ âm 3 độ đến dương 3 độ.

Cách tính phí lưu trữ thi thể người nước ngoài quá cao và bất bình đẳng đã tạo không ít bức xúc cho gia đình thân nhân có người bị nạn. Phải chăng, việc “phân biệt đối xử” với thi thể người chết là chuyện chỉ có ở Việt Nam?

Hưng Long