Vì sao tai nạn xe khách lại ngày càng thảm khốc?

07:00 | 14/06/2013

806 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, từ đầu năm đến nay, số người bị chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ năm trước chủ yếu là do các tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra mà nguyên nhân chủ yếu là liên quan đến xe khách.

Cụ thể, cả nước có 10 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bình Dương, Quảng Ninh, Long An, Bình Thuận, Lào Cai và Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Bà Rịa -  Vũng Tàu, làm chết 48 người, bị thương nhiều người.

Gửi tính mạng cho tài xế

Là một hành khách thường xuyên phải đi công tác, anh Phạm Trung Hòa vẫn nhớ như in trên hành trình từ Hà Nội - Nha Trang trên chuyến xe “bão táp”.

Anh Hòa kể, xe có lịch trình xuất phát từ 0 giờ ở Bến xe Nước Ngầm, Hà Nội, lái xe vừa rồ ga, luồn lách vượt các xe tải, xe container đi cùng chiều. Nhiều đoạn đường hẹp, xe container không chịu nhường đường, hai xe chạy song song. Thậm chí, ở những đoạn đường xấu, tài xế vẫn cho xe chạy tốc độ cao khiến hành khách trên xe không khỏi lo ngại.

Lái xe Nguyễn Quang Thắng, người Ninh Bình, anh có thâm niên nhiều năm chạy tuyến Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh cho biết, xe khách chạy Bắc - Nam dù xuất phát vào giờ nào thì vẫn phải chạy qua đêm. Quãng đường 1.700 cây số ít nhiều cũng phải có một đêm trắng trên đường.

Là dân lái xe thì chưa có một tài xế nào mà lại không vi phạm tốc độ, nhất là xe khách đường dài. Chỉ khi nào đến chốt kiểm soát của cảnh sát giao thông (CSGT), các xe khách đều có “chiêu” thông báo cho nhau bằng cách nháy đèn xi nhan hoặc đèn pha để giảm tốc độ theo đúng luật.

“Không chỉ chặng đường dài mà đường ngắn cũng vậy, các tài xế thường chạy với tốc độ kinh hoàng. Nhiều đoạn đường quy định của xe khách từ 30 chỗ ngồi trở lên chỉ được phép chạy tối đa là 60km/h, thế nhưng, cánh tài xế ít khi chạy dưới 100km/h và lúc nào cũng sẵn sàng vượt tất cả các loại xe trên đường”.

Bên cạnh đó theo anh Thắng thời gian mới vào nghề, do chưa thông thuộc đường và chưa có kinh nghiệm, anh cũng chấp hành nghiêm Luật. Phải mất 3 tháng ngồi cầm lái, anh mới có đủ dũng khí và can đảm cũng như thực tế trên đường để có thể trở thành tay đua “cự phách” mỗi khi cầm vô lăng.

Theo đánh giá của lực lượng CSGT, những vụ tai nạn nghiêm trọng thường xảy ra vào khoảng từ 18 đến 24 giờ, đây là thời điểm có ít lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường cho nên lái xe thường “tranh thủ” phóng nhanh, vượt ẩu nên gây hậu quả đau lòng.

Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam cho rằng, hệ lụy từ những tai nạn giao thông thảm khốc trong thời gian qua do cả doanh nghiệp và Nhà nước chưa có sự thay đổi cách nhìn nhận, cách quản lý, sử dụng đội ngũ lái xe.

Trong những năm qua, các doanh nghiệp quản lý đội ngũ lái xe này rất thiếu chặt chẽ và coi họ như đối tượng làm việc theo thời vụ. Khi cần, chủ xe gọi đi lái, không cần thì cho nghỉ ở nhà. Do đó, đội ngũ lái xe không gắn bó với nghề.

Bên cạnh đó, có một thực tế là lái xe không chạy vượt tốc độ để đủ doanh thu thì sẽ bị sa thải cho nên dù nguy hiểm người ta vẫn phải làm vì miếng cơm manh áo.

Các doanh nghiệp không quan tâm đến an toàn, vấn đề lái một xe chạy liên tục 18-20 tiếng trong một ngày thì rất dễ gây ra hậu quả nghiêm trọng.

“Giải mã” nguyên nhân

Đánh giá đến việc lái xe cố tình “rượt đuổi” tốc độ với thần chết, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, với tốc độ cao như vậy, người lái không thể làm chủ tốc độ, không thể xử lý được tình huống xuất hiện đột ngột trên đường, đó là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông thảm khốc trong thời gian qua.

Lý giải rõ hơn, ông Hiệp đưa ra kết quả nghiên cứu của các nước trên thế giới, tốc độ xe tăng lên 10km/giờ thì khả năng xảy ra tai nạn và mức độ xảy ra tai nạn tăng lên gấp 2 lần. Như vậy, xe khách chạy với tốc độ 125km/giờ so với tốc độ cho phép là 70km/giờ thì mức độ tai nạn tăng lên gấp 32 lần.

“Rõ ràng, với những xe chạy vượt quá tốc độ như vậy, việc xảy ra tai nạn thảm khốc là tất yếu. Điều đó cho thấy, việc đào tạo, giáo dục đạo đức đội ngũ lái xe vẫn đang là một vấn đề cần được quan tâm cấp bách”, ông Hiệp khẳng định.

Bên cạnh đó, nhiều đại diện các cơ quan chức năng cũng đưa ra nhận định nguyên nhân tai nạn xe khách tăng một phần là do kết cấu hạ tầng vẫn còn chạy dài theo sự gia tăng của phương tiện trên đường.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, 1 trong 9 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng cao khẳng định, hiện nay, tuyến Quốc lộ 1A là tuyến giao thông huyết mạch của cả nước có lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông lớn. Các vụ tai nạn đều xảy ra ở các điểm đen.

Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an chỉ ra những bất cập, các địa phương cần đi sâu vào kiểm tra thực trạng một số khâu trong công tác tổ chức, đào tạo sát hạch lái xe cần phải xem xét lại.

Đồng tình quan điểm đó, ông Hiệp cũng nghi ngờ khi đặt ra câu hỏi, các cơ sở sát hạch học viên để lấy bằng hay để lái?

Giải thích rõ hơn, ông Hiệp thẳng thắn nói, các trung tâm đào tạo chủ yếu đầu tư vào sát hạch lái xe sa hình (có trong các trung tâm, cơ sở đào tạo) mà chưa sát hạch lái xe đường dài. Thậm chí, có trung tâm chỉ làm thủ tục sát hạch và nếu có sát hạch thì cũng chưa đủ quãng đường cho người lái đi thực tế.

Ngoài ra, ông Hiệp khẳng định, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và lực lượng tuần tra kiểm soát vi phạm đóng vai trò “then chốt” trong việc kéo giảm tai nạn nghiêm trọng. Ông cho rằng: “Nếu tai nạn giao thông giảm thì cũng phải kể tới công tác tuần tra kiểm soát tốt, nếu tăng thì cũng do công tác này không tốt. Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, lực lượng CSGT đóng vai trò gần như quyết định của việc tai nạn tăng hay giảm trong điều kiện nước ta hiện nay.  

Dẫu vậy, ông Hiệp cũng nêu ra những khó khăn bởi hiện nay, CSGT ít tuần tra kiểm tra ban đêm hơn ban ngày. Trong năm 2012, mỗi tháng chiến sĩ CSGT chỉ được nghỉ một ngày. Mỗi ngày phải làm 12, 13 tiếng. Mặc dù, lực lượng CSGT bắn tốc độ kiểm tra trên đường nhưng cũng rất mỏng và không thể nào đứng 24/24 giờ ở tất cả các vị trí trên các tuyến đường.

Hộp đen “quản” lái xe

Nhằm kiềm chế thực trạng đáng báo động các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian qua, đại diện các cơ quan chức năng và nhiều địa phương đều nêu quan điểm cần tăng nặng thêm các hình phạt bổ sung, đặc biệt đối với những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng sẽ tước và thu hồi giấy phép lái xe vĩnh viễn để răn đe những tài xế hành nghề.

Ai cũng biết không thể tăng mãi lực lượng CSGT hay nhân viên tuần đường. Việc áp dụng công nghệ hiện đại vào tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm đóng vai trò rất quan trọng. Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có văn bản đề nghị một số đơn vị tính toán nghiên cứu thí điểm ở một số đoạn quốc lộ, đường ngang đường sắt để phát hiện vật cản, hỏng hóc bất thường, xử lý vi phạm thì chắc chắn vi phạm và tai nạn giao thông sẽ giảm.

Để kiềm chế tai nạn xe khách, một trong những biện pháp hữu hiệu mà đại diện Hiệp hội Vận tải, các cơ quan chức năng đều kiến nghị, phải dùng hệ thống camera quan sát và thiết bị giám sát hành trình nhằm “quản lý” lái xe và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc này muốn thật sự hiệu quả, Nhà nước phải đứng ra phải quản lý hệ thống camera và thiết bị giám sát giúp cho việc xử lý các vi phạm một cách khách quan.

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, để ngăn chặn nguy cơ gây tai nạn từ xe khách, cũng như xe tải trong quá trình tham gia giao thông, từ ngày 1-7 tới đây, 48.000 xe nằm trong diện bắt buộc lắp hộp đen sẽ được kiểm soát chặt chẽ.

“Đơn vị vận tải nào có lái xe vi phạm quá 30% lỗi thông qua việc trích xuất dữ liệu từ hộp đen thì doanh nghiệp đó cũng sẽ bị tước giấy phép kinh doanh”, ông Hiệp khẳng định.

Thêm nữa, ông Hiệp cũng nhìn nhận, qua hộp đen, người lái xe sẽ bị theo dõi 24/24 giờ, kiểm soát được toàn bộ tốc độ chạy xe, số lần dừng đỗ, số lần mở cửa, thời gian mở cửa… để tuân thủ quy định pháp luật giao thông. Như vậy, lực lượng chức năng có thể kiểm soát được điều kiện an toàn giao thông tốt hơn qua việc chiết xuất dữ liệu.

Đặt câu hỏi đến việc, hiện chưa có quy định hộp đen là phương tiện có thể sử dụng thông số lưu trữ ở đây để xử lý vi phạm, ông Hiệp quả quyết, về mặt quản lý phương tiện kinh doanh vận tải thì các sở giao thông vận tải có thể sử dụng thông tin từ hộp đen để xử lý vi phạm, cấp hay không cấp phù hiệu và nặng nhất là tước giấy phép kinh doanh vận tải.

“Doanh nghiệp hoạt động dựa trên lợi ích. Một khi không có giấy phép chạy tuyến sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và sẽ kéo theo cả lái xe nghỉ việc. Do đó, giải pháp lắp hộp đen và trích xuất dữ liệu từ thiết bị này sẽ giúp doanh nghiệp, lái xe điều khiển lại hành vi và chấp hành pháp luật tốt hơn”, ông Hiệp bộc bạch.

Văn Nguyễn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc