Tử hình bằng tiêm thuốc độc: Y, bác sĩ chỉ hỗ trợ xác định tĩnh mạch

11:36 | 25/12/2013

3,930 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày này dư luận trong nước rất quan tâm đến vụ việc bác sĩ và điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã bị “sốc” khi được cơ quan thi hành án hình sự nhờ hỗ trợ đưa kim tiêm vào tĩnh mạch một tử tù bị thi hành án tại Đắk Lắk. Từ đây, câu chuyện nhân sự và năng lực chuyên môn phục vụ công tác thi hành án tử hình theo hình thức tiêm thuốc được nhắc đến như một bài toán khó.

Năng lượng Mới số 285

Có phương pháp tiêm thuốc tự động

Về quy trình thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, theo quy định tại Nghị định 47/2013 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 82/2011), thuốc đưa ra sử dụng cho thi hành án tử hình phải được hội đồng thi hành án kiểm tra, mở niêm phong và lập biên bản theo quy định. Người bị thi hành án tử hình được cố định vào giường với tư thế nằm ngửa, bảo đảm không làm cản trở sự lưu thông máu. Sau đó, cán bộ trực tiếp thi hành án tử hình chuẩn bị đủ 3 liều thuốc (trong đó có 2 liều dự phòng) và xác định tĩnh mạch để chuẩn bị tiêm. Trường hợp không xác định được tĩnh mạch thì cán bộ thi hành án báo cáo chủ tịch hội đồng thi hành án để yêu cầu bác sĩ hỗ trợ xác định tĩnh mạch. Sau khi kim tiêm đã nối sẵn với ống truyền thuốc được gắn vào tĩnh mạch của tử tù, cán bộ thi hành án sẽ lần lượt tiêm 3 loại thuốc khác nhau.

Đầu tiên tử tù sẽ được tiêm thuốc làm mất trí giác. Sau đó, cán bộ chuyên môn thực hiện thi hành án tử hình kiểm tra, nếu tử tù chưa mất trí giác thì tiếp tục tiêm thuốc. Tiếp đến, cán bộ sẽ lần lượt tiêm thuốc làm liệt hệ vận động và thuốc làm ngừng hoạt động của tim. Sau khi tiêm ba loại thuốc trên, hoạt động tim của tử tù sẽ được kiểm tra qua máy điện tâm đồ. Trường hợp sau 10 phút mà tử tù chưa chết, cán bộ kiểm tra phải báo cáo chủ tịch hội đồng thi hành án để ra lệnh sử dụng thuốc dự phòng, tiếp tục thực hiện tiêm lần thứ hai. Trong trường hợp đã tiêm hết hai liều thuốc mà tử tù vẫn chưa chết, thì đội trưởng đội thi hành án phải báo cáo chủ tịch hội đồng thi hành án ra lệnh tiêm lần thứ ba.

Nghị định 47/2013 quy định việc tiêm thuốc có thể tiến hành theo phương pháp tự động hoặc trực tiếp. Các cơ quan thi hành án hình sự đã chọn phương pháp tiêm thuốc tự động. Ống truyền thuốc được gắn vào một thiết bị có nhiều nút bấm, cán bộ thi hành án sẽ cùng lúc bấm vào những nút trên nhưng trong đó chỉ có một nút bấm có tác dụng tiêm thuốc cho tử tù. Điều này giúp cho những cán bộ thi hành án giảm được áp lực về tâm lý.

… nhưng cũng có lúc cần bác sĩ hỗ trợ

Vừa qua, một bác sĩ và một điều dưỡng đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã rất sốc khi được cơ quan thi hành án hình sự nhờ hỗ trợ xác định tĩnh mạch và đưa kim tiêm vào người một tử tù bị thi hành án tại Đắk Lắk. Theo quy định tại Nghị định 47/2013, chủ tịch hội đồng thi hành án được yêu cầu bác sĩ hỗ trợ xác định tĩnh mạch nếu cán bộ thi hành án không xác định được. Điều đáng nói trong vụ việc lần này là cơ quan thi hành án hình sự tỉnh Phú Yên đã không nói trước với bác sĩ, điều dưỡng để họ chuẩn bị tâm lý mà chỉ nói mục đích của chuyến công tác là hỗ trợ sức khỏe cho đoàn. Bởi vậy, hai cán bộ y tế này đã rất sốc trước yêu cầu công việc mà mình không lường trước.

Ngày 9/12, Hội đồng Thi hành án tử hình tỉnh Phú Yên đưa phạm nhân Nguyễn Thành Khâu (33 tuổi, ở thôn Trung Lương 2, xã An Nghiệp, huyện Tuy An) phạm tội giết người, hiếp dâm trẻ em, cướp tài sản từ Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Yên đến Trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk để thi hành án tử hình. Ngày 11/12, khi thi hành án, hội đồng thi hành án yêu cầu bác sĩ và điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên theo đoàn xác định tĩnh mạch và đưa kim tiêm vào người phạm nhân để thi hành án. Sau đó, người của đội thi hành án công an tỉnh nhấn nút máy tiêm thuốc độc. Chia sẻ với đồng nghiệp, tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phú Yên thể hiện sự bức xúc đối với việc hội đồng thi hành án tử hình buộc bác sĩ và điều dưỡng viên đưa kim tiêm vào người phạm nhân để truyền thuốc độc, nhất là khi bác sĩ và điều dưỡng viên này đều còn trẻ với thời gian công tác trong ngành chưa lâu. Dù ngay từ khi nhận được đề nghị hỗ trợ, hai cán bộ y tế này đã từ chối, nhưng rồi họ vẫn phải thực hiện công việc đó do yêu cầu cấp thiết của hội đồng thi hành án.

Ngày 15/12, bác sĩ Phan Vũ Nhân, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên cho biết, trong công văn của TAND tỉnh Phú Yên gửi Sở chỉ đề nghị cử bác sĩ và điều dưỡng viên tham gia đoàn công tác đi Đắk Lắk thi hành án tử hình phạm nhân, chứ không nói rõ làm việc gì. Sau đó, Sở đã đề nghị cử bác sĩ pháp y tham gia nhưng phía tòa không đồng ý. Bác sĩ Nguyễn Thanh Trúc, Phó giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên nói thêm: “Nếu biết trước nhiệm vụ phải đưa kim tiêm vào tĩnh mạch phạm nhân để thi hành án tử hình, chúng tôi đã báo cáo ngay cho Sở Y tế để xin ý kiến trước khi tham gia, vì việc này chưa từng có”.

Đại diện Hội đồng Thi hành án tử hình TAND tỉnh Phú Yên, ông Nguyễn Phi Đô thì khẳng định: Các y, bác sĩ đi cùng để xác định, đưa kim tiêm vào tĩnh mạch còn việc nối ống vào kim tiêm và bấm nút bơm thuốc độc vào người phạm nhân là do đội thi hành án thực hiện. Bên cạnh đó, việc bác sĩ tìm và tiêm kim vào tĩnh mạch đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2013 của các Bộ Y tế, Công an, Quốc phòng, VKSND và TAND tối cao hướng dẫn tổ chức thi hành án tử hình bằng thuốc độc.

Tuy nhiên, tại Điều 9 của thông tư trên nêu rõ, bác sĩ do Sở Y tế cử tham gia với đoàn thi hành án để hỗ trợ việc xác định tĩnh mạch của người bị thi hành án tử hình trong trường hợp cần thiết, không yêu cầu tự tay tìm và tiêm kim vào tĩnh mạch phạm nhân để hội đồng tiến hành thi hành án tử hình bằng thuốc độc.

Y, bác sĩ chỉ “hỗ trợ xác định tĩnh mạch”

Khi được hỏi, các luật sư đều khẳng định: Việc xác định tĩnh mạch tử tù để tiêm thuốc độc thi hành án thuộc trách nhiệm của đội thi hành án. Luật sư Lương Khải Ân (Đoàn Luật sư TP HCM) trả lời báo chí: Nghị định 82/2011 quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh là “Lập đội thi hành án tử hình làm nhiệm vụ trực tiếp thi hành án tử hình gồm đội trưởng và các tổ; áp giải, xác định tĩnh mạch và tiêm thuốc”. Theo nghị định này, cán bộ trực tiếp thi hành án tử hình chịu trách nhiệm xác định tĩnh mạch, tiêm thuốc. Như vậy nghĩa là sự có mặt của các bác sĩ hoặc điều dưỡng thuộc Sở Y tế chỉ nhằm “hỗ trợ xác định tĩnh mạch” theo yêu cầu của chủ tịch hội đồng thi hành án và chỉ thực hiện công việc khi cán bộ trực tiếp thi hành án (thuộc đội thi hành án) không tìm được tĩnh mạch của tử tù để tiêm thuốc.

Luật sư Khải Ân nói thêm: “Theo chúng tôi, nếu Hội đồng Thi hành án tử hình TAND tỉnh Phú Yên chưa qua quy trình trên thì cán bộ y tế có quyền từ chối thực hiện. Về lâu dài, chúng ta cần làm rõ và luật hóa việc tìm tĩnh mạch nếu không dùng kim trực tiếp đưa vào thì có xác định được hay không? Các sở y tế cũng cần có đội ngũ y tế chuyên trách để hỗ trợ công tác thi hành án tử hình theo quy định mới, nhằm tránh những cú sốc với cán bộ y tế trẻ”.

Xét một cách toàn diện thì ý kiến của luật sư Khải Ân cũng là ý kiến của đa số những người quan tâm, nhằm làm rõ hơn và chi tiết hơn các vấn đề liên quan đến một việc hệ trọng là thi hành án tử hình. Đó là trách nhiệm đối với tính mạng một con người dù đã bị tước quyền công dân và cũng là trách nhiệm đối với toàn xã hội trong việc điều hành thực thi các quyết định của pháp luật.

Minh Hiền

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc