Trí thức đi bán nước, sửa xe: Bằng đại học đang dần "mất giá"!

07:00 | 15/05/2013

2,718 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã công bố số lượng hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2013 đã giảm gần 10.000 bộ so với năm ngoái. Điều này cho thấy giáo dục ĐH không còn là con đường duy nhất để thanh niên lập thân, lập nghiệp.

>> Thí sinh cân nhắc chọn trường, hồ sơ 'ảo' giảm mạnh

>> Thi ĐH, CĐ khu vực phía Nam: Trường tỉnh lên ngôi

>> Nộp hồ sơ thi ĐH, CĐ 2013: Nhiều tín hiệu mừng!

>> Số thí sinh đăng ký thi ĐH-CĐ giảm mạnh: Đáng mừng!

 

Thí sinh đã “chán” ĐH

 

Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, tổng số hồ sơ dự thi ĐH, CĐ của năm 2013 khoảng hơn 1,71 triệu hồ sơ, giảm 100.000 bộ so với năm 2012. Cá biệt như Sở GD-ĐT Thanh Hóa giảm tới 16.000 hồ sơ, Sở GD-ĐT Thái Bình giảm khoảng 5.000 hồ sơ...

Đại diện nhiều sở GD-ĐT cho rằng, lý do là TS đã có kinh nghiệm hơn trong việc chọn trường, chọn ngành, không chạy theo số lượng như những năm về trước. Bên cạnh đó cũng là sự giảm số lượng cơ học (do số lượng học sinh tốt nghiệp THPT năm nay ít hơn năm 2012). 

ĐH không còn là con đường duy nhất lập nghiệp.

 

Tuy nhiên, dù là nguyên nhân nào nhưng đặt trong xu thế các trường ĐH vẫn không ngừng được thành lập mới, chỉ tiêu tuyển sinh của những trường đang hoạt động vẫn tăng, việc số lượng thí sinh giảm mạnh cho thấy tín hiệu đáng lo ngại của giáo dục ĐH Việt Nam.

Từ trước đến nay, quan niệm “phi đại học bất thành nhân” đã in sâu trong suy nghĩ của nhiều thế hệ học sinh và phụ huynh. Điều này dẫn tới hệ quả là người người, nhà nhà phải “tranh đấu” để bước vào cổng trường ĐH; và cũng có một thời gian rất dài, tấm bằng ĐH được coi là thước đo đánh giá khả năng của một con người.

Trong buổi bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ 2013 tại miền Bắc, ông Nguyễn Văn Long - Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp- Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã chia sẻ: Hiện nay ở bậc ĐH có nhiều hình thức đào tạo như liên thông, tại chức, từ xa… Các trường bị cuốn vào cuộc đua chạy theo số lượng. Họ được quyền tự xác định chỉ tiêu tính trên số lượng giảng viên hiện có. Do vậy, các trường chỉ quan tâm tới việc đào tạo, còn sau đào tạo, tương lai sinh viên thế nào, đi đâu về đâu thì lại không được quan tâm chú ý. Dẫn đến tình trạng sinh viên thất nghiệp, không xin được việc làm ngày càng tăng.

"Thực tế đáng báo động đó, dẫn đến một bộ phận người dân không còn niềm vui khi con mình đậu ĐH. Bản thân những thí sinh đỗ ĐH cũng không cảm thấy trân trọng thành quả của mình. Xã hội cũng đặt dấu hỏi với những cử nhân có trong tay mảnh bằng ĐH. Đau xót hơn khi hiện nay ở Thanh Hóa có nhiều cử nhân ra trường thất nghiệp, đi làm công nhân, nhưng phải cố giấu tấm bằng ĐH, hoặc thạc sỹ vì sợ DN không nhận", ông Nguyễn Văn Long than thở.

Thực tế này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo là một bộ phận người dân không tin vào chất lượng giáo dục ĐH, không còn thấy sự hấp dẫn của mảnh bằng cử nhân, bỏ qua việc học ĐH để đi tìm cho mình một hướng đi phù hợp, một công việc phù hợp với bản thân và điều kiện gia đình.

Đã đến lúc nhìn lại giáo dục ĐH

Chất lượng giáo dục sa sút một thời gian dài, nhất là ở ĐH, CĐ và dạy nghề, khiến nhân lực đào tạo ra còn rất xa mới đáp ứng được đòi hỏi thực tế về cả ngành nghề, chất lượng và số lượng, do đó đang trở thành nhân tố kìm hãm nghiêm trọng sự phát triển kinh tế. Ngoài ra, chất lượng giáo dục quá thấp là nguyên nhân quan trọng gây ra nạn chảy máu chất xám đang làm xã hội mất đi những nguồn lực trí tuệ quý giá.

Tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp hàng loạt đã được phản ánh trong thời gian vừa qua đã một lần nữa thể hiện thực tế, chất lượng ĐH đang đi xuống, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng nhân lực của xã hội.

Cũng bàn về vấn đề này, bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, hiện công tác quy hoạch nguồn nhân lực của nước ta đang yếu kém.

"Quy hoạch phải đi trước một bước, quy hoạch phải bài bản, bám theo dân số, bám theo địa bàn của các tỉnh, đặc biệt nên chú trọng các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng miền. Không nên để tình trạng quy hoạch nguồn nhân lực mãi chỉ nằm trên giấy", bà Ngô Thị Minh nhấn mạnh.

Đào tạo ĐH hàng loạt đã khiến chất lượng kéo tụt xuống.

 

Trong phiên trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đã thừa nhận, sản phẩm của giáo dục ĐH đang “thiếu thợ lành nghề” và “thừa thầy chưa đạt chuẩn”.

Bộ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận, tình trạng sinh viên thất nghiệp hàng loạt là “do chất lượng đào tạo trong trường ĐH chưa tốt và chưa đáp ứng yêu cầu công việc mà doanh nghiệp (DN) cần, vì vậy sinh viên ra trường tìm việc khó và thiếu những kĩ năng cơ bản như tin học, ngoại ngữ hay kỹ năng mềm. Đồng thời, sự gắn kết giữa các trường ĐH, CĐ và DN cùng thị trường lao động chưa chặt chẽ, chưa có kinh nghiệm nên hiên nay cần phải thiết lập bằng cơ chế chính sách.

Ngoài ra, quy mô đào tạo của các nhà trường chưa được tính toán theo cân đối vĩ mô, số lượng sinh viên đào tạo quá đông gây nên tình trạng thừa thãi nguồn nhân lực”.

Ý thức được việc này, Bộ GD-ĐT đã có những điều chỉnh trong quy hoạch các trường ĐH và quy hoạch quy mô đào tạo theo hiệu quả; đồng thời, Bộ cũng tổ chức hệ thống thông tin cho xã hội, cung cấp số liệu về những những ngành nghề đang thừa hoặc bão hòa nhân lực. Gần đây, Bộ GD-ĐT cũng đã phát cảnh báo cho thí sinh về các ngành thừa nhân lực như Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Ngân hàng, Tài chính, điều dưỡng và đang thống kê với ngành Xây dựng.

Tuy nhiên, trái với những hi vọng cân đối lại nguồn nhân lực của Bộ GD-ĐT, số lượng thí sinh đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm nay đã giảm đáng kể, cùng với đó là hiện tượng khối A và ngành kinh tế “mất nhiệt”.

Hiện nay thí sinh rất thiếu, rất "khát" thông tin về việc xã hội cần bao nhiêu nhân lực cho từng ngành nghề cụ thể. Từ thực tế đó dẫn tới việc chọn ngành, chọn nghề chỉ mang tính chất "may rủi", may thì ra trường có việc, không may thì thất nghiệp. Hệ quả là hiện nay số lượng sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ ra trường thất nghiệp phải đi làm công nhân, bán trà đá, sửa xe... ngày càng đông.

Để thay đổi thực tế này, bên cạnh việc Bộ GD-ĐT cần có bản quy hoạch cụ thể và dài hơi về các ngành, nghề đào tạo; thì bản thân các trường ĐH, CĐ cũng phải đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng sức hút của mình với sinh viên và khẳng định thương hiệu với xã hội. 

 

Khánh An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.