Từ sự kiện trường THPT Nguyễn Hiền:

Trăn trở của một thầy hiệu trưởng nhân "nỗi đau xé đề cương môn Sử"

11:00 | 11/04/2013

1,476 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thầy giáo Tạ Quang Sum (Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo, TP Cam Ranh – Khánh Hòa) viết cho Petrotimes nhân sự kiện đau lòng của ngành giáo dục: Học sinh xé đề cương môn Sử.

>> Học sinh xé đề cương Lịch sử: Lỗi của cả hệ thống giáo dục!

>> Bi kịch 'lịch sử' của ngành giáo dục!

>> Các nhà giáo dục lên tiếng về nỗi đau 'xé đề cương môn Sử'

>> TỪ VIỆC BỎ THI TỐT NGHIỆP THPT MÔN LỊCH SỬ: Nền giáo dục Việt Nam đang sụp đổ?

>> Đừng để tương lai là một 'khẩu đại bác'!

 

Học sinh trường THPT Nguyễn Hiền ở TP HCM đã biểu diễn một trò chơi tập thể: xé giấy và tung rải trắng sân trường. Có thể chỉ là giấy vở học trò, cũng có thể là tài liệu ôn tập các môn không thi mà môn Sử chịu nhiều lời tiếng, nhưng dù sao đó cũng là sự bồng bột của tuổi học trò. Tuy nhiên, nó sẽ lây lan nhanh chóng nếu chúng ta chỉ nhìn nhận nó một cách đơn giản như vậy.

Từ sự việc "xé đề cương lịch sử", ngành giáo dục nên xem lại hệ thống giảng dạy của mình.

 

Liên kết nhiều sự việc và hiện tượng, hoàn toàn có thể nhận thấy sự bất hợp lý, mất tương thích của chương trình giảng dạy và giải pháp thực hiện chiến lược giáo dục ở mọi cấp học hiện hành, điều này thể hiện rõ rệt nhất là toàn bộ chương trình được hình thành và duy trì từ thời kỳ chưa có sự hỗ trợ của CNTT. Cả người dạy lẫn người học đều là những con người đặt ra nhiệm vụ phải tiêu hết thời gian cho các việc dạy và học theo lối từ duy và cách giảng dạy sách vở sáo mòn. Mục đích là tìm cách ghi khắc vào đầu rất nhiều dữ liệu và số liệu, cái giỏi ở mỗi cá nhân được đánh giá đơn điệu thông qua khối lượng kiến thức ghi nhớ và tái hiện.

Thời và thế nay đã khác, phải tỉnh táo và khách quan để nhận diện được đối tượng học sinh hiện có điều kiện tiếp cận dễ dàng với hệ thống thông tin cực nhạy và đa dạng qua mạng truyền thông. Cái biết, cái cảm nhận, khả năng khám phá và kết luận vấn đề ở họ chưa sâu sắc, nhưng đa dạng và phong phú hơn trước đây rất nhiều. Họ không còn chỉ là những khối thể lặng yên chờ đợi sự ban phát khai mở trí tuệ như nhiều người nhầm tưởng. Ở nhiều vấn đề nổi cộm hiện nay của xã hội, người học đã vượt xa tầm quản nhiệm và đối ứng của người dạy. Nếu không kịp đổi thay thì lạc hậu là chuyện tất nhiên, cái kéo theo từ lạc hậu còn nghiêm trọng hơn nhiều.

Tuy nhiên, hiện nay các nhà giáo dục vẫn chưa thể làm gì để thay đổi thực trạng đó vì lộ trình cải cách giáo dục của Bộ GD-DDT đặt ra bắt đầu từ 2015. Mặc dù vậy, các nhà hoạch định giáo dục, các nhà quản lý vẫn có thể đặt ra một số giải pháp linh hoạt nhằm góp phần cải thiện tình hình và tạo tiền đề cho việc cải cách được nhanh chóng và hoàn thiện hơn. Đặc biệt, nhiệm vụ của mỗi nhà trường là phải tăng cường thời gian, chủ đề và nội dung giáo dục kỹ năng sống cho lớp trẻ bằng những chương trình phát triển sinh hoạt học đường phù hợp với lứa tuổi và giới.

Cụ thể, nhà trường phải tìm cách đào tạo lại lực lượng giáo viên bằng các lớp ngắn và dài hạn, để mỗi thầy cô giáo là một chuyên gia tư vấn tâm lý có khả năng giáo dục kiểu tích hợp cao tạo ra hiệu quả thiết thực hơn. Phải đưa lớp học từ phòng ra sân và núi đồi dã ngoại,  phải chuyển đổi mỗi trường học là một sân chơi thân thiện chứ không phải tu viện.

Không nên kéo dài lãng phí thời gian của nhiều thế hệ trẻ bằng sự học tập chỉ với các bộ môn căng thẳng như hiện nay, trong đó tập trung vào nghe và ghi chép nhiều thông tin đã lỗi thời trong bốn bức tường ngột ngạt. Giảm tải không thể chỉ là sự co bóp tiết học bộ môn, mà phải cắt giảm khối lượng kiến thức cần truyền đạt, đồng thời dành thời lượng cho nhiểu chủ đề giáo dục quan trọng khác mang đậm nét biểu trưng cho tính thời đại và bản sắc dân tộc, rất cần thiết để xây dựng và hình thành con người mới như : Âm nhạc – hội họa – tôn giáo – lễ hội dân gian – phong tục - nữ công gia chánh – hạnh phúc gia đình – giao tiếp cộng đồng – văn hoá giao thông….Hiện chưa có mặt đầy đủ trong tổng thể chương trình giáo dục.

Bộ GD-ĐT nên cho phép giáo viên được cắt gọt bài giảng theo hướng nêu chủ đề và cách tiếp cận, còn đi sâu vào nội dung là việc của người học với sự trợ giúp từ mạng thông tin, lúc đó thầy cô giáo đóng vai người hướng đạo – chỉ đường. Các môn học không phân biệt chính – phụ đều phải được dạy và học đủ, kiểm tra theo chuẩn mực chung, bảo đảm người đi học hoàn tất chương trình để được cấp giấy chứng nhận hoàn thành bậc học phổ thông. Giấy chứng nhận này có giá trị của một chứng thư hành chính để xin việc làm – học nghề - dự thi tốt nghiệp….

Về vấn đề thi cử - vấn đề gây nhức nhối nhất hiện nay, kỳ thi tốt nghiệp quốc gia nên tách khỏi kế hoạch và nhiệm vụ năm học của mỗi đơn vị trường học phổ thông. Sau khi kết thúc năm học vào gần cuối tháng 5, Bộ GD-ĐT sẽ chọn ngẫu nhiên từ 4 đến 5 môn thi từ 11 môn học hiện nay, thông báo vào đầu tháng 6. Ngày thi bắt đầu 15 tháng 6 cố định hàng năm, tất cả thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Kỳ thi tốt nghiệp chính là công đoạn sau cùng để xã hội kiểm định chất lượng học tập của mỗi con người tham dự kỳ thi, cũng như kiểm định chất lượng GD nói chung.

 

Thầy giáo Tạ Quang Sum bên lề một buổi hội thảo khoa học

 

Nhà nước ta đang theo đuổi chính sách tạo ra một xã hội học tập, cơ hội với mỗi người trải dài theo thời gian sống và làm việc của họ. Đừng để xã hội và cá nhân định kiến về sự nhất thời phải có do chế độ thi cử. Một kỳ thi tốt nghiệp nghiêm túc nhưng không nặng nề căng thẳng sẽ đặt mỗi con người vào đúng vị trí xuất phát của họ khi tham dự cuộc đua. Không nên biến những kỳ thi thành loại phúc lợi xã hội, ai cũng tìm cách ghé vào chung hưởng mà không có mục đích rõ rệt phù hợp năng lực tự thân.

Tại sao nhiều biểu hiện tha hóa khác của giới trẻ học đường ngày mỗi nhiều hơn, được sao chép với tốc độ nhanh hơn? Tại sao học sinh lại có những hành vi tự phát như ở trường Nguyễn Hiền? Xã hội đã phát triển đến mức đại bộ phận thanh thiếu niên đều được đến trường. Nhưng nhà trường với tư duy giáo dục hiện nay chỉ mới hoàn thành công đoạn tập hợp đám đông, còn thì chưa tích cực định chuẩn để lập thành nhóm tiêu biểu mà mỗi cá thể là thành viên tích cực.

Trong nhiều sinh hoạt nói chung của giới trẻ hiện thiếu chuẩn mực văn hóa đạo đức. Bởi các nhà trường bận chạy đua với thành tích và thi cử nên đã co hẹp phạm vi và mục tiêu giáo dục, chỉ tập trung dạy và học để thi đậu nhiều và lấy đó làm thành tích cho mỗi ngôi trường. Chưa kể những biến tướng từ dạy thêm học thêm và thương mại hóa đang ngày càng khoét sâu cái hàm ếch dưới những chân đê giáo dục. Trong hoàn cảnh đó sự xâm thực xảy ra từ những dòng văn hóa ngoại lai là hiển nhiên.

Đã đến lúc những nhà quản lý vĩ mô phải nghĩ nhiều đến những giải pháp tình thế mà căn cơ xen lẫn trường cửu, kịp thời điều chỉnh để bổ sung hoàn thiện chiến lược trồng người của quốc gia.

Tạ Quang Sum

(Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo, TP Cam Ranh – Khánh Hòa)

 

 

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.