TP HCM chống ngập úng như thế nào?

07:00 | 07/08/2013

900 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Triều cường, mưa, sạt lở... trở thành nỗi ám ảnh của người dân trong khu vực trũng thấp, ven sông. Nhưng muốn giải được bài toán chống ngập, cần nhiều cơ quan và địa phương tham gia.

Nỗi lo vì ngập

Thời gian qua, trên địa bàn TP HCM thường xuất hiện hiều cơn mưa lớn, kéo dài, dẫn đến tình trạng ngập úng gây nhiều khó khăn trong đi lại, sinh hoạt của người dân. Thậm chí đe dọa đến tính mạng con người.

Chỉ sau một cơn mưa, đường Nguyễn Xí (Bình Thạnh) đã ngập nặng

 

Nhận thấy được những khó khăn đó, TP HCM đã có nhiều biện pháp giúp người dân ngăn ngừa như đưa vào sử dụng hơn 319 công trình bờ bao chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước tránh ngập úng do mưa.

Các công trình hoàn thành đã phát huy hiệu quả ngăn triều cho gần 11.000 hecta đất sản xuất nông nghiệp; chống ngập úng, bảo vệ cho trên 17.000 hộ dân, góp phần đảm bảo đời sống người dân ngoại thành TP HCM được ổn định, an toàn.

Hiện nay, các tuyến đê bao xung yếu đang được gia cố, hệ thống công trình thủy lợi tại các quận Bình Thạnh, 8, 12, Thủ Đức, huyện Nhà Bè đang được đẩy nhanh để đồng thời vừa ứng phó với triều cường vừa chống ngập do mưa lớn.

Để đối phó kịp thời với sạt lở, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP HCM đã tổ chức nhiều nhóm đi kiểm tra các địa bàn xung yếu, chủ động cùng các địa phương đề ra giải pháp phù hợp, đồng thời hỗ trợ địa phương trong việc gia cố, xử lí các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng cao.

Trên thực tế, vẫn còn rất nhiều nơi triển khai thực hiện chậm, chưa đảm bảo tiến độ các công trình bờ bao phòng, chống triều cường, phòng chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước. Vì vậy, tình trạng ngập vẫn hoàn ngập.

Ngoài ra, hầu hết các quận, huyện ở TP HCM sau một cơn mưa lớn, đường phố đã ngập nặng. Tình trạng càng nghiêm trọng hơn khi cùng lúc thủy triều dâng cao khiến các con đường gần như tê liệt, nước tràn vào nhà gây khốn khổ cho người dân.

Chi hơn 70 tỉ chống ngập

Vừa qua, thực hiện công tác chống ngập úng, Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP HCM (gọi tắt là Trung tâm chống ngập) đã chi 40,5 tỉ đồng để xóa 7 điểm ngập; TP HCM cũng chấp thuận cho quận Thủ Đức tạm ứng 30 tỉ đồng để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án xây dựng kè chống ngập úng, sạt lở ven sông Sài Gòn (khu phố 8, phường Linh Đông).

Người dân khốn khổ vì nước thường xuyên tràn vào nhà

Trong gói 40,5 tỉ đồng, Trung tâm chống ngập sử dụng vào việc cải tạo, khai thông, nâng cấp các điểm ngập trên đường Trang Tử, Trần Hưng Đạo, Dương Tử Giang (quận 5), Phạm Đình Hổ, Tân Hòa Đông (quận 6), 3/2 (quận 11).

Theo Trung tâm chống ngập, trong lúc chờ rót vốn đợt 2 để thực hiện các dự án chống ngập thì thành phố cho trung tâm tạm ứng 40,5 tỉ đồng. Nhưng đơn vị thi công đã tự bỏ tiền ra hơn 60 tỉ đồng để khởi công các dự án.

Trung tâm Chống ngập cho rằng, nguyên nhân gây ngập tại các tuyến đường trên là do đường bị thấp trũng nên ảnh hưởng của triều cường, hệ thống thoát nước không đáp ứng được khi có mưa.

Trong gói 30 tỉ đồng, theo nhận định của Ban quản lý Đô thị Thủ Đức, sau khi đưa vào sử dụng, công trình này sẽ chống sạt lở cho 678m bờ sông, chống ngập cho khoảng gần 5.000 người, bảo vệ 45 hecta đất và hoa màu trong khu vực quận Thủ Đức.

Ngoài ra, những khu vực khác thuộc Thủ Đức cũng thường xuyên phải đối mặt với ngập úng khi có triều cường và mưa như đường Kha Vạn Cân, đường Gò Dưa, đường Bình Chiểu...

Trong đó, đường Gò Dưa thường xuyên bị ngập do tuyến cống thoát nước xuống cấp, nhỏ, không thoát nước khi có mưa. Do vậy, thành phố cần tiếp tục hỗ trợ kinh phí để địa phương cải tạo, góp phần đảm bảo cuộc sống người dân ổn định.

Nguyễn Hiển