TP HCM: Bệnh viện thiếu thuốc vì chậm đấu thầu

07:00 | 20/08/2013

1,016 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiện nay, nhiều bệnh viện trên địa bàn TP HCM đang gặp phải tình trạng thiếu nhiều loại thuốc, biệt dược cho quá trình điều trị, trong khi đó đến thời điểm này Sở Y tế thành phố vẫn chưa hoàn thành đấu thầu thuốc tập trung năm 2013 để làm căn cứ cho các bệnh viện mua thuốc.

Bệnh viện thiếu thuốc

Theo bệnh viện Ung Bướu TP HCM, từ nhiều tháng nay bệnh viện đã lâm vào tình trạng thiếu thuốc và đã có báo cáo gửi Sở Y tế TP HCM thống kê số lượng các loại thuốc sử dụng cho bệnh nhân đã hết và một số thuốc thiết yếu, rất cần cho bệnh nhân ung thư nhưng còn rất ít, chỉ có thể cung cấp đến hết tháng 8/2013.

Để tạm thời giải quyết tình trạng thiếu thuốc, bệnh viện đã gửi công văn đề nghị các công ty dược gia hạn thêm thời gian hợp đồng và bệnh viện sẽ cố gắng thanh toán nhưng đa số các công ty dược từ chối với lý do sợ rủi ro nếu bệnh viện không có khả năng thanh toán.

Nhiều bệnh viện trên địa bàn TP HCM đang trong tình trạng thiếu thuốc

BS. Nguyễn Thanh Hùng – Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM cho biết: Trước đó, UBND TP HCM đã có công văn cho phép kéo thêm thời hạn mua thuốc theo giá đấu thầu 2012 đến ngày 30/6, bệnh viện đã chỉ đạo mua dự trù thuốc nhưng cũng như các bệnh viện khác, bệnh viện Nhi đồng 1 cũng không dám mua nhiều, chỉ dự trù thuốc đến tháng 9 là tối đa vì không có nơi bảo quản số lượng thuốc lớn. Đồng thời, cũng phải phòng ngừa trường hợp mua thuốc vào nhiều mà giá thuốc mua vào không đúng với giá đấu thầu mới năm 2013 thì sẽ không được bộ phận bảo hiểm xã hội duyệt.

Hiện nay, bệnh viện Nhi Đồng 1 có khoảng 300 mặt hàng thuốc sử dụng cho bệnh nhân nhưng trên 50 loại thuốc đã sắp hết chỉ còn đủ dùng cho bệnh nhân đến khoảng hết tháng 8.

Tương tự, bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cũng cho biết chỉ còn vài loại thuốc tới cuối tháng 8/2013, còn lại đa số hết. Bệnh viện Nhi Đồng 2 thì 86/500 mặt hàng thuốc cũng đã hết, trong đó có nhiều loại dịch truyền và kháng sinh rất cần cho bệnh nhi.

Để tạm thời đối phó với tình trạng thiếu thuốc, nhiều bệnh viện đã phải giãn lịch mổ để chờ nguồn thuốc; tìm cách mua thuốc từ những nguồn khác nhau để cung ứng kịp thời cho bệnh nhân; bán thuốc với số lượng hạn chế hơn…

Chậm đấu thầu

Hằng năm, thông thường từ tháng 6 đã có kết quả đấu thầu thuốc cho các bệnh viện mua thuốc dùng và dự trữ cho năm tới. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã là tháng 8 nhưng Sở Y tế TP HCM vẫn chưa hoàn thành đấu thầu thuốc tập trung. Và dự kiến đến khoảng tháng 11 mới có có kết quả đấu thầu thuốc tập trung năm 2013. Điều này khiến nhiều bệnh viện lo lắng nguy cơ thiếu thuốc sẽ xảy ra trên diện rộng vì ngay thời điểm này rất nhiều bệnh viện đã trong tình trạng thiếu thuốc, khó có thể duy trì thêm vài ba tháng nữa chờ Sở Y tế hoàn thành đấu thầu tập trung.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP HCM thừa nhận, vì nhiều lý do nên chưa thể hoàn thành việc đấu thầu thuốc 2013. Hiện nay, Các bệnh viện tạm thời sử dụng kết quả trúng thầu 2012 và kéo dài thời hạn hợp đồng giữa các bệnh viện với các công ty dược. Sở Y tế đã có báo cáo cụ thể lên UBND thành phố về tình hình khó khăn của các bệnh viện để có cách giải quyết nhanh nhất. Đồng thời, Sở cũng đang khẩn trương triển khai công tác đầu thầu thuốc tập trung và đấu thầu trang thiết bị y tế 2013, bằng mọi cách không để kéo dài tình trạng thiếu thuốc ở các bệnh viện.

Trong những năm qua, việc đấu thầu thuốc riêng lẻ ở từng bệnh viện bộc lộ nhiều bất cập, giá cả cùng một mặt hàng thuốc nhưng có sự chênh lệch rất lớn giữa các bệnh viện, ảnh hưởng đến chi phí điều trị của bệnh nhân và việc thanh toán của bảo hiểm y tế. Do đó, năm 2013, Sở Y tế thành phố tiến hành đấu thầu thuốc tập trung.

Bà Phạm Khánh Phong Lan – Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho rằng: Đấu thầu tập trung trên nguyên tắc là tốt, quy về một mối, giá cả thống nhất. Với một số lượng cung ứng chung lớn cho nhiều bệnh viện như vậy giá cả cung ứng cũng sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, cũng có khó khăn là nếu chỉ có một thuốc trúng thầu cho toàn bộ hệ thống bệnh viện trên địa bàn thành phố thì khó có đơn vị nào cung ứng nổi. Do đó, cần phải có quy định mở như đàm phán giá đối với một nhóm mặt hàng, sau khi đàm phán giá xong thì gởi kết quả cho các bệnh viện để tùy theo kinh nghiệm của bệnh viện và bác sĩ mà có thể lựa chọn loại thuốc phù hợp, không vượt quá mức giá đã đàm phán.

Ngày 19/8, Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức hội thảo lấy ý kiến về đấu thầu mua thuốc cho các cơ sở y tế để hoàn thiện dự án Luật Đấu thầu sửa đổi. Theo đó, trong dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi sẽ có một chương riêng quy định về việc đấu thầu thuốc vì thuốc là hàng hóa đặc biệt liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người nên phải đảm bảo cung ứng đầy đủ với giá cả hợp lý nhất.

Qua ý kiến đóng góp của các cơ sở y tế cho thấy, rất nhiều vấn đề còn vướng mắc cần làm rõ trước khi đưa vào luật như: Việc các cơ sở y tế tư nhân có phải thực hiện đấu thầu thuốc theo Luật Đấu thầu hay không, nếu có áp dụng thì ở mức độ nào? Đấu thầu theo giá từng mặt hàng thuốc hay theo giá của cả gói thầu gồm nhiều mặt hàng? Áp dụng đấu thầu tập trung như thế nào cho phù hợp nhằm tránh tình trạng các công ty dược trúng thầu sẽ không cung ứng đủ thuốc cho tất cả các bệnh viện trên một địa bàn lớn như Hà Nội hoặc TP HCM, trong khi các công ty không trúng thầu rất dễ lâm vào tình trạng phá sản.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, trong năm qua, thuốc nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan trúng thầu vào các cơ sở điều trị của nước ta rất nhiều vì giá rẻ, nhưng việc thuốc rẻ trúng thầu nhiều cũng đặt ra một số vấn đề: Thuốc rẻ chất lượng ra sao? Mua thuốc rẻ thì tiết kiệm ngân sách hay tăng ngân sách trong tương lai nếu phải kéo dài thời gian điều trị vì thuốc không đảm bảo chất lượng? Uy tín của các cơ sở điều trị, người thầy thuốc và kể cả cơ quan bảo hiểm xã hội. Do đó, việc đấu thầu thuốc không thể chỉ dựa vào tiêu chí giá rẻ để chọn thuốc trúng thầu mà phải đảm bảo song song yêu cầu về mặt chất lượng và giá cả.

Mai Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc