Thực phẩm bẩn - chuyện của mỗi người, mỗi ngày!

10:10 | 23/06/2013

1,516 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giờ đây, câu chuyện thực phẩm bẩn không là chuyện của riêng ai mà là câu chuyện của mỗi người trong mỗi ngày. Mỗi người nội trợ đi chợ và chế biến món ăn cho gia đình mình khó chấp nhận chuyện thực phẩm bẩn hằng ngày, hằng giờ len lỏi vào bữa cơm của gia đình. Tuy nhiên làm thế nào để giảm thiểu tình trạng này là một điều không dễ dàng chút nào.

Thực phẩm bẩn

Gặp bà Nguyễn Thị Dung ở quận Bình Thạnh đang đi chợ, tôi hỏi bà nghĩ gì về vấn đề thực phẩm bẩn hiện nay. Bà nói rằng, bà cũng thấy hoang mang khi hằng ngày thực phẩm bẩn được báo đài đưa tin, nhưng bản thân bà cũng chẳng hiểu làm sao báo đài ra rả nói mà nó vẫn cứ tồn tại.

“Nên giờ phải phạt thật nặng những người vi phạm. Chúng tôi đi chợ cũng không biết cái nào là thật, cái nào là giả. Có lần tôi  mua 1kg táo đỏ, giá 65 ngàn đồng/kg để trong tủ lạnh 2 tháng trời vẫn tươi và cuối cùng không dám ăn”. Có lẽ nỗi lo của bà Dung cũng là nỗi lo thường trực của hàng triệu người làm nội trợ khác trước những thông tin thực phẩm bẩn được phát hiện trong thời gian gần đây.

Riêng tại TP HCM hiện nay, trung bình một ngày tiêu thụ gần 1.000 tấn thịt, trong đó số lượng thịt các nơi chuyển về khoảng 600-700 tấn. Tuy nhiên, thời gian qua trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức thường xuyên phát hiện thịt bẩn, chính nguồn thực phẩm bẩn đó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.

Vụ nhập lậu thịt thối được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý

Còn mặt hàng trái cây thì mỗi ngày Việt Nam nhập khoảng 1.000 tấn, đây là chưa kể con đường tiểu ngạch. Trong khi mới đây Cục Bảo vệ thực vật thông báo, nho Trung Quốc (TQ) chứa chất bảo vệ vượt ngưỡng 3-5 lần bán tại Việt Nam gắn nhãn mác là nho Mỹ để đánh lừa người tiêu dùng với giá 40-60 ngàn đồng/kg, trong khi giá trên hóa đơn chỉ 6.000 đồng/kg, táo TQ chứa thuốc trừ sâu bằng công nghệ bọc túi, tẩm thuốc trừ sâu độc hại, lê TQ chứa thuốc trừ sâu có tính độc cao và có thể phá vỡ hệ nội tiết và gây ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản của con người.

Hiện nay, với lợi thế giá rẻ và không ràng buộc về chất lượng, các mặt hàng phổ thông có tác động trực tiếp đến người dân như rau, củ, quả, trái cây “Made in China” được nhập về Việt Nam theo đường tiểu ngạch với số lượng rất lớn.

Nhiều người cho rằng, đối với những người buôn thịt bẩn hay nhập lậu trái cây nhiễm hóa chất độc hại với giá rẻ dường như câu chuyện đạo đức kinh doanh không nằm trong tư duy kinh doanh của họ. Và nếu xét kỹ về tính nhân bản thì kinh doanh thực phẩm bẩn là tội ác. Do đó những hành vi cung cấp thực phẩm bẩn phải được xử phạt bằng hình sự chứ không chỉ là dân sự phạt tiền rồi đâu lại vào đó.

Để tự cứu mình, giờ đây nhiều người tiêu dùng quay lại mô hình tự cung tự cấp. Người bán heo có thịt heo riêng cho gia đình mình ăn, người trồng rau có rau riêng cho gia đình mình ăn. Nhưng cuối cùng, người không trồng rau cũng phải mua rau và người không nuôi gia súc, gia cầm cũng phải mua thịt, nên qua trao đổi mua bán thì tất cả cũng sử dụng sản phẩm độc hại như nhau.

Qua trao đổi, ông Phan Xuân Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM cho rằng, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang hết sức nhạy cảm ở TP HCM nói riêng cũng như cả nước nói chung. Thực phẩm bẩn vào TP HCM đang ở mức độ ngày càng nhiều nên việc cần kíp trước mắt là phải hạn chế tối đa việc đưa thực phẩm bẩn vào nội thành.

Ông Thảo cũng cho biết, 6 tháng đầu năm 2013 có tín hiệu khả quan khi số lượng có kiểm soát và có xử lý vi phạm thực phẩm bẩn ở TP HCM là 2.197 trường hợp, giảm 26% so năm ngoái. Tiến hành xử lý vi phạm, có trường hợp buộc phải tiêu hủy chứ không chỉ là xử phạt khoảng 3.830 trường hợp, giảm 15% so với năm trước. Như vậy việc kiểm soát và xử lý mạnh tay đã làm giảm thấy rõ lượng thực phẩm bẩn vào TP HCM.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác lại cho rằng, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về sự suy đồi đạo đức chứ không chỉ là chuyện thực phẩm bẩn. Nhìn rộng ra nó là vấn đề xã hội. Nên hiện nay nhiều người truyền tai nhau rằng, để tránh ăn phải thực phẩm bẩn thì mỗi người, mỗi gia đình phải là người tiêu dùng thông minh. Nhưng liệu chúng ta có đủ kiến thức và sự thông minh để biết rằng những thực phẩm mình mua hằng ngày là thật sự sạch.

Đạo đức là trên hết

Nói thì nói vậy, nhưng trong bối cảnh vàng thau lẫn lộn như hiện nay thì đòi hỏi làm người tiêu dùng thông minh không dễ, thậm chí là “lực bất tòng tâm”. “Vì chúng ta không cung cấp đủ lượng kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho họ thì làm sao người tiêu dùng biết để lựa chọn. Hơn nữa, họ không thể tự cung tự cấp cho mình tất cả thực phẩm mà dẫu như thế nào vẫn phải phụ thuộc vào sự cung cấp của người khác.

Do đó, giải pháp có thể trong hoàn cảnh này là phải định hướng cho người dân biết phân biệt cái nào tốt cái nào xấu để trên cơ sở đó lựa chọn thực phẩm sạch” - ông Phan Xuân Thảo nhấn mạnh. Như vậy, lời khuyên của các nhà quản lý dành cho người tiêu dùng: Chỉ nên lựa chọn những sản phẩm đã được kiểm duyệt về chất lượng, có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…

Để giải đáp cho những bức xúc của người tiêu dùng xung quanh việc sao vẫn còn nhiều lượng thực phẩm bẩn tràn vào nước ta, ông Thảo cho biết thêm: “Mới đây, Nhà nước ban hành luật xử lý vi phạm mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, mức phạt lên đến 100 triệu đồng. Trong các điều chỉnh mới đây thì mức phạt sẽ cao hơn, không chỉ xử phạt tiền mà có thể còn rút giấy phép kinh doanh, kể cả nếu vi phạm nặng thì có thể xử lý hình sự; tuy nhiên, xử lý hình sự thì rất khó khăn chứ không hề đơn giản như chúng ta nghĩ”.

Tuy nhiên, bên cạnh những quy định của pháp luật, xử phạt, chế tài thì điều quan trọng nữa là vấn đề đạo đức kinh doanh. Và nhiều người kinh doanh nhỏ thì cho rằng, khái niệm đạo đức kinh doanh to tát quá, có lẽ nó dành cho doanh nghiệp, doanh nhân lớn nhưng trên thực tế thì ai tham gia kinh doanh đều phải suy nghĩ đến vấn đề này.

Tiến hành khảo sát vài tiểu thương ở chợ Tân Định TP HCM về quan niệm đạo đức kinh doanh thì phần lớn không quan tâm lắm. Cái họ quan tâm là làm sao bán được nhiều hàng. Trong vai người đi mua trái cây, tôi được người bán chỉ cho các loại nho, táo, lê và được giới thiệu là có nguồn gốc từ Mỹ chứ không phải TQ. Nhưng tôi cũng dễ dàng nhận thấy người bán giải thích mập mờ về xuất xứ.

Quả thật lòng tin của người tiêu dùng đối với đạo đức kinh doanh ngày càng lung lay. Đã có những người vì lợi nhuận trước mắt mà sẵn sàng đạp bằng tất cả những nguyên tắc cơ bản của đạo đức kinh doanh.

Còn chuyện để thực phẩm bẩn lọt được vào lãnh thổ Việt Nam thì ông Thảo cho rằng, việc đầu tiên là trách nhiệm pháp lý của các cơ quan quản lý xuất nhập khẩu. Vấn đề thứ hai, nước ta có đường biên giới rất dài, cửa khẩu nhiều trong khi nhập khẩu chính ngạch chúng ta quản lý còn chưa xong thì nói gì đến chuyện quản lý con đường tiểu ngạch.

Kế tiếp là chính quyền tại các tỉnh biên giới, quản lý hành chính của các đơn vị giáp ranh với các vùng biên giới còn lỏng lẻo. Đi sâu vào bên trong nội địa có rất nhiều trạm kiểm dịch động vật và cuối cùng là nơi tiêu thụ phải kiểm dịch, giám sát. Do đó nếu chúng ta làm tốt ở tất cả các khâu nói trên thì sẽ giảm thiểu rất nhiều lượng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc được tuồn vào nước ta.

Chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ, từ cửa khẩu đến chính quyền các tỉnh biên giới, trong nội địa có kiểm soát, kiểm dịch hiệu quả và nơi cuối cùng phải chứng minh nguồn gốc của sản phẩm từ đâu thì thực phẩm bẩn mới không còn đất sống.

Như vậy, không chỉ người làm kinh doanh phải có đạo đức kinh doanh mà bản thân những nhà quản lý, kiểm tra, kiểm soát cũng phải có đạo đức trong vấn đề này. Nếu họ làm tốt công tác chuyên môn, nghiệp vụ của mình thì thực phẩm bẩn không thể dễ dàng lọt vào nước ta hay dễ dàng qua mắt các trạm kiểm dịch mà nghiễm nhiên hiện diện trên bàn ăn của chúng ta hằng ngày.

T. Thanh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc