Thầy thuốc - người bệnh: Phân biệt đối xử ngay từ cái công trình phụ!

07:00 | 01/04/2013

1,230 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Nằm sát nhau tại các bệnh viện, nhưng nhà vệ sinh của bệnh nhân không được vệ sinh thường xuyên và cẩn thận, còn khu của y, bác sĩ thì ngược lại.

10 năm, bệnh nhân nam và nữ chung WC

Hơn 10 năm nay, tại Trung tâm Y tế huyện Gia Lâm, Hà Nội (gần UBND huyện Gia Lâm được xây khang trang), các bệnh nhân đến đây khám đều phải dùng chung một nhà vệ sinh (WC). Nhà vệ sinh này, theo ghi nhận của chúng tôi, rất không sạch sẽ.

Nhà vệ sinh chung cả nam và nữ ở Trung tâm y tế huyện Gia Lâm, Hà Nội. Bệnh nhân nam này không dám vào vì bên trong đang có bệnh nhân nữ. Ảnh chụp sáng 27/3.

Nhưng ngay ở tầng trên, các y bác sĩ ở đây lại có 2 WC riêng biệt cho nam và nữ, được quét dọn thường xuyên, nên khá đảm bảo. Đáng lưu ý là bệnh nhân khó có thể lên 2 WC này, vì đường lên đó có tấm biển: “Khu vực văn phòng, không phận sự miễn lên”.

Biển "hạn chế" bệnh nhân lên 2 phòng vệ sinh sạch.

Hai phòng WC riêng biệt dành cho cán bộ Trung tâm Y tế huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Trả lời câu hỏi tại sao có việc này, nhiều cán bộ ở đây nói rằng, vì đây chỉ là Trung tâm y tế, chứ không phải bệnh viện!

Theo ghi nhận của PV, không gian của nơi khám, chữa bệnh này hoàn toàn có thể xây thêm một WC nữa cho bệnh nhân.

Bệnh viện Trung ương: WC là nỗi khiếp sợ của bệnh nhân

Không chỉ ở các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới, mà ở các bệnh viện Trung ương, nơi “ngốn” hàng đống tiền ngân sách mỗi năm, WC cũng là nỗi khiếp sợ của bệnh nhân và người nhà.

Nhiều bệnh viện phân làm 2 loại: miễn phí và thu tiền. Các khu vệ sinh miễn phí thường rất bẩn với hệ thống nước hỏng hóc, thiết bị cáu bẩn. Vòi vặn nước thường được thay thế bằng một thùng nước lớn có gáo múc để trên nắp thùng. Tuy nhiên, không phải lúc nào chiếc gáo múc nước cũng được đặt đúng vị trí. Đôi khi, nó “đi lạc” địa điểm và “hạ cánh” ngay trên nắp của thùng rác chuyên đựng giấy vệ sinh.

Nhà vệ sinh đóng cửa (có khóa mới mở được) là của cán bộ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Phòng mở cửa là dành cho bệnh nhân. Ảnh chụp chiều 27/3

Bên trong WC dành cho bệnh nhân bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh chụp chiều 27/3

Cửa WC có "lỗ nhìn".

Tại một số bệnh viện, nhà vệ sinh miễn phí dùng luôn cho cả nam và nữ. Như tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, ở cuối mỗi tầng sẽ có hai phòng vệ sinh, một cho nhân viên và một cho bệnh nhân. Nhà vệ sinh cho nhân viên “cửa đóng then cài” và chỉ y bác sỹ có chìa khóa thì mới vào trong được. Ngay sát đó là nhà vệ sinh cho bệnh nhân (cả nam và nữ) với tay nắm cửa hỏng hóc, mất chốt bên trong.

Trong tình trạng nam nữ đều có thể xộc thẳng vào WC vì chốt bảo vệ bên trong bị hỏng, chị Hồng Hà (Thanh Trì, Hà Nội) buộc phải đứng ngoài canh cho bạn mình đi vệ sinh. Chị bày tỏ bức xúc: “Đã dùng chung WC lại còn hỏng khóa cửa nên rất “hớ hênh”. Nếu không có ai đứng ngoài canh giúp chắc bạn tôi cũng không dám một mình đi vệ sinh ở đây”.

Các bệnh viện tuy khác nhau song chúng đều có chung bệnh: WC có cửa không an toàn. Đa phần nắm khóa cửa đều không còn, tạo thành lỗ hổng lớn nhìn được vào bên trong, chốt cửa nơi thì rơi rụng, nơi thì bị kênh không thể khóa được. Một vài nơi, nước từ các thùng chảy tràn ra lênh láng trên nền nhà khiến mọi người đều rùng mình bước từng bước một.

Các khu vệ sinh có thu phí (thường là 2.000 đồng/lượt) tuy chất lượng phục vụ tốt hơn (tách biệt WC nam và WC nữ) song tình trạng mùi hôi thối, bồn cầu dơ bẩn, cửa hỏng khóa vẫn còn.

Khu lưu trú của người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thì sở hữu một WC kinh hoàng. Cửa gỗ mối mọt, long bản gỗ, bồn cầu cáu bẩn tưởng như cả năm chưa có ai cọ rửa. Để bước được đến chiếc bồn cầu ấy, người ta phải trải qua một đoạn đường nước lênh láng. Ai đó còn tinh ý kê thêm viên gạch để nước khỏi tràn vào chân.

Đối lập với thực trạng trên, một số nhà vệ sinh ở các khu vực điều trị tự nguyện (đóng phí cao) hoặc chỉ dành cho nhân viên bệnh viện thì WC sạch bong, sáng bóng.

Chị Thu Hà (quê Duy Tiên, Hà Nam) đang chăm sóc người nhà điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội ngao ngán: “Nói thì bảo buồn cười nhưng đúng là mỗi lần đi vệ sinh tôi đều phải đấu tranh tư tưởng. Thật khó chịu với tình trạng nhà vệ sinh bốc mùi rồi khóa cửa hết lung lay lại hỏng hóc”.

Lời hứa của Bộ Y tế?

Khi "đòi tăng" viện phí vào giữa năm 2012, Bộ Y tế cho biết, chất lượng khám chữa bệnh sẽ ngày một được nâng lên. Bộ này cũng từng có văn bản, yêu cầu các cơ sở y tế dành tối thiểu 15% số thu khám, tiền giường theo giá mới để mở rộng khoa khám, buồng bệnh, mua bổ sung, thay thế dụng cụ khám, điều hòa nhiệt độ, quần áo bệnh nhân... Nhiều người dân đặt câu hỏi: Sau bao nhiêu thứ tăng, sao bao nhiêu lời hứa và phát biểu "có cánh" thì đến bao giờ, cái đơn giản nhất là WC cho bệnh nhân, sẽ được phục vụ chu đáo?

 

Hoàng Lan – Thanh Thu

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc