Thanh tra đồ chơi trẻ em - bài học từ cây xăng và mũ bảo hiểm

17:21 | 12/05/2013

1,061 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Sẽ có những cửa hàng vi phạm nhưng rồi… đâu lại vào đấy.

Bài  học từ cây xăng và mũ bảo hiểm

Năm ngoái, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ sau khi tiến hành kiểm tra các trạm xăng trên cả nước đã hoan hỉ tổ chức họp báo công bố thành tích của mình. Nhưng bên cạnh hàng loạt các con số tiền phạt của cơ quan chức năng, người dân không hề thấy nhắc đến tên (dù chỉ một) trạm xăng vi phạm.

Cây xăng nào đã cho nước vào nhiên liệu? Nơi nào đã gắn chip để “đong điêu”, đánh lừa khách hàng? Xăng nơi nào chuẩn nhất?... Tất cả những thông tin đó đều “nằm trong bóng đêm” dù chúng tôi đã đặt câu hỏi với Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Người dân mong muốn, các cơ quan chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ hãy nêu cao tinh thần vì dân, chủ động kiểm nghiệm và công bố những sản phẩm đồ chơi không đảm bảo chất lượng

 

Mới đây, trong hội thảo về mũ bảo hiểm, ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã thừa nhận, dù có dán tem hợp chuẩn nhưng chưa chắc mũ bảo hiểm đó đã… hợp chuẩn. Thực tế, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, dù mũ bảo hiểm có dán tem nhưng chỉ khoảng 46% đảm bảo an toàn.

Điều đó có nghĩa là đồ uống mà bạn hay dùng hàng ngày, dù có trang trí trên mình bao nhiêu “dấu chiện” của các cơ quan kiểm nghiệm của Nhà nước, thì vẫn có thể khiến bạn bị bệnh, nếu công ty sản xuất không chấp hành quy trình xử lý, hoặc chỉ chọn những mẫu an toàn nhất đến kiểm nghiệm, còn lại, những sản phẩm bán ra thị trường thì tha hồ để chất lượng “be bét”.

Điều đó có nghĩa là chiếc quạt, nồi cơm điện, phích đun nước… hay bất cứ vật dụng nào, dù có dán tem nhưng chưa chắc chất lượng đã như nhà sản xuất quảng cáo.

Xin hãy vì dân!

Trước ngày Quốc tế Thiếu nhi và dịp Trung thu, các vị phụ huynh được “tung” một tín hiệu an ủi là sẽ thanh tra đồ chơi trên toàn quốc trong 2 tháng liền.

Nhưng kết quả thanh tra ra sao, đồ chơi nào nhiễm chất cấm, liệu có được công khai, công bố?

Người ta nhớ đến dịp này năm ngoái, chờ mãi, chả thấy cơ quan chức năng nào công bố kiểm nghiệm đồ chơi, mấy tờ báo ở TP HCM đã tự mua đèn lồng và tự bỏ tiền túi để xét nghiệm. Kết quả là những vật đó có chất gây ung thư. Vậy những cán bộ vẫn đi xe ôtô, ngồi máy lạnh, được Nhà nước giao cho nhiệm vụ này đã làm gì lúc đó, mà không hành động được như tờ báo kia?

Lẽ nào, đợt thanh tra đồ chơi sắp tới, kịch bản cũng diễn ra tương tự khi hàng trăm cửa hàng bị phạt vì không có “mác hợp chuẩn, hợp quy”, vi phạm sở hữu trí tuệ. Nhưng đồ chơi nào chứa chất độc thì lại lui vào “ẩn số”?

Người ta có thể biện minh rằng, lực lượng của mình mỏng, không đo lường được hết các sản phẩm trên thị trường. Thế sao lực lượng đó vẫn nhiệt tình cấp các tem chứng nhận cho doanh nghiệp? Liệu có lợi ích gì từ việc này hay không?

Cũng dịp này, thông tin về các sản phẩm nông nghiệp nhiễm chất cấm (xoài, lựu, táo… từ Trung Quốc) thường xuyên được cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn loan báo kịp thời tới người dân.

Vì vậy, những người đóng thuế cho Nhà nước mong muốn, các cơ quan chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ hãy nêu cao tinh thần vì dân, chủ động kiểm nghiệm và công bố những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, để dân được nhờ và tin tưởng vào những người được giao nhiệm vụ này.

Quang Minh