Tai nạn giao thông tăng hay giảm là do người thực thi công vụ

07:00 | 07/07/2013

575 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Vấn đề thực thi công vụ là mấu chốt quyết định đến việc tai nạn giao thông có giảm hay không. Nếu lực lượng thực thi không làm tốt thì mọi giải pháp đưa ra đều vô tác dụng” – Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Triển khai Chỉ thị số 12/CT- TTg ngày 23/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong giao thông đường bộ, ngày 6/7, tại Văn phòng Chính phủ đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc bàn các giải pháp ngăn chặn tai nạn giao thông.

“Vi hành” kiểm tra người thực thi công vụ

Khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh, từ đầu năm đến nay, tai nạn giao thông giảm về số vụ, số người bị thương nhưng lại gia tăng số người chết, điều này rất nghiêm trọng, cần phải tìm ra biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng vi phạm về trật tự an toàn giao thông ở các tỉnh thành, nâng cao trách nhiệm của từng thành viên Ủy ban An toàn giao thông và Ban An toàn giao thông ở các địa phương.

“Tôi đã yêu cầu Giám đốc Công an thành phố Hà Nội phải cải trang thành người dân để tìm ra sai phạm và xử lý nghiêm tiêu cực trong lực lượng thực thi công vụ. Đồng thời tiến hành các giải pháp cụ thể, khắc phục hiện tượng làm chung chung như lâu nay để ngăn chặn và đẩy lùi tai nạn giao thông. Đề nghị tại hội nghị này các đồng chí là Trưởng Ban An toàn giao thông, các đồng chí là Giám đốc Sở, Phó Ban An toàn giao thông của các tỉnh thành cũng phải đưa ra được những sáng kiến, cách làm mạnh mẽ có hiệu quả thiết thực” - Phó Thủ tướng cho hay.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tai nạn giao thông tăng hay giảm là do người thực thi công vụ.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Đinh La Thăng cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2013, tai nạn giao thông giảm về số vụ và số người bị thương, nhưng tăng 244 người chết so với cùng kỳ năm trước”.

Nguyên nhân dẫn đến việc này là do số vụ tai nạn nghiêm trọng từ xe khách và xe tải gây ra tăng cao. Công tác tuần tra, xử lý vi phạm ở nhiều địa phương chưa hiệu quả, vi phạm nhiều song xử lý ít. Đặc biệt có nơi, một số người vi phạm ngang nhiên thách thức pháp luật, dư luận. Sự buông lỏng trong công tác quản lý Nhà nước về vận tải, cũng như những hạn chế về hiệu lực và hiệu quả của công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải. Thậm chí có nơi, có chỗ còn có dấu hiệu đỡ đầu, dung túng, bao che cho những vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải cũng như các quy định an toàn giao thông trong hoạt động vận tải. Các đơn vị kinh doanh, lái xe bằng mọi giá giành khách để tăng doanh thu, bất chấp các quy định về an toàn giao thông.

Nói về việc này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an) cho biết, công an các địa phương đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, tập trung xử lý lái xe vi phạm các lỗi có nguy cơ gây tai nạn cao như chạy quá tốc độ, đi sai làn đường, tránh vượt xe sai quy định, vi phạm nồng độ cồn, chở quá tải, quá số người quy định. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng đã xử lý gần 3 triệu trường hợp vi phạm giao thông với số tiền phạt khoảng 1.500 tỉ đồng.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên kiến nghị thay đổi một số điều của Luật Giao thông đường bộ để có thể khởi tố, đưa ra xét xử một số trường hợp vi phạm giao thông điển hình. Với các vụ tai nạn nghiêm trọng, cần thành lập Hội đồng khám nghiệm hiện trường tại địa phương để đảm bảo kết luận khám nghiệm nhanh chóng và chính xác.

Sau khi nghe báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lực lượng này phải tăng cường kiểm tra hệ thống cảnh sát giao thông chốt trạm để phát hiện và xử lý tiêu cực, ngăn chặn mãi lộ, chủ trương phạt nhiều nhưng thu ít. Nếu xử lý nghiêm thì cả hệ thống cảnh sát giao thông trên cả nước đều tốt hơn.

“Vấn đề thực thi công vụ là mấu chốt quyết định đến việc tai nạn giao thông có giảm hay không. Nếu lực lượng thực thi không làm tốt thì mọi giải pháp đưa ra đều vô tác dụng” - Phó Thủ tướng khẳng định.

Giải pháp đẩy lùi tai nạn giao thông

Nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn giao thông nghiêm trọng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô theo hướng vận tải ô tô là ngành kinh doanh có điều kiện đặc thù, đặc biệt với vận tải hành khách bằng ô tô đường dài và vận tải hàng hoá bằng ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc chở container và hàng quá khổ quá tải.

Theo đó, các điều kiện kinh doanh phải khắt khe hơn, như quy mô của doanh nghiệp, chất lượng phương tiện, trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ nhân viên để cho phép vùng hoạt động của từng đơn vị vận tải. Đơn vị đạt loại cao được phép hoạt động đường dài còn loại thấp chỉ được hoạt động nội tỉnh.

Tại Hội nghị, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng tham luận về công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định trong quản lý hoạt động vận tải khách bằng ô tô cho rằng: Để hạn chế tình trạng tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn, Sở đã tham mưu Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo quyết liệt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định trong quản lý hoạt động vận tải khách bằng xe ô tô ở địa phương trong thời gian qua.

Số người chết tăng so với cùng kỳ 2012 là do số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gia tăng.

Tuy nhiên, Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam tăng cường kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trong quá trình đăng kiểm phương tiện xe cơ giới, có biện pháp xử lý, chấn chỉnh ngay các hành vi tiêu cực, kiểm định không chính xác. Hầu hết các vụ tai nạn giao thông hiện nay chủ yếu do lỗi phóng nhanh, vượt ẩu, xe chở quá khổ, quá tải, đề nghị Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý triệt để.

Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Y tế có quy định về việc khám sức khỏe cho người học, người đổi giấy phép lái xe có tính thực tiễn, đặc biệt lưu ý có quy định định kỳ kiểm tra xét nghiệm máu 06 tháng một lần đối với lái xe chuyên nghiệp nhằm hạn chế người điều khiển phương tiện sử dụng chất kích thích gây tai nạn giao thông.

Còn ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nêu kinh nghiệm của thành phố mình, nhờ thế mà 6 tháng đầu năm tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí. Theo đó, không chỉ vận động tuyên truyền mà phải xử phạt nghiêm. Các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng phải xử lý hình sự để nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa, chỉ xử lý nhắc nhở bình thường sẽ không ngăn chặn được. Xử lý nghiêm chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp khi để lái xe vi phạm nhiều lần.

Đại điện TP Hà Nội, ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, trong thời gian qua trên địa bàn thành phố tai nạn giao thông giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao. Việc chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô được làm mạnh, đặc biệt là kiểm tra việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, xử lý nghiêm xe dù, bến cóc. Do xử lý nghiêm, nên kết quả bước đầu khá tốt.

Ông Khôi cũng kiến nghị nâng mức thù lao từ nguồn xử phạt cho lực lượng làm nhiệm vụ, sửa đổi một số điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô.

Trước ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các ngành siết chặt công tác kinh doanh vận tải, không phải chỉ có giấy phép mà phải phối hợp kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, để không được có vùng cấm trong hoạt động kinh doanh vận tải, không có bảo kê taxi…

Đặc biệt, ngành giao thông cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý cấp phép, lắp thiết bị giám sát hành trình, lắp đặt camera để có thể giảm được 30% số vụ tai nạn. Đăng kiểm phải kiểm tra chặt chẽ, đúng quy trình, chấm dứt ngay tình trạng tiêu cực trong hoạt động này.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an có những giải pháp cấp bách để kéo giảm tai nạn nghiêm trọng như tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm mọi người vi phạm, luân chuyển cán bộ trong tuần tra kiểm soát. Đặc biệt, lãnh đạo ngành công an phải thường xuyên mặc thường phục đi kiểm tra thực tế. Kết quả kiểm tra được công khai, xử phạt vi phạm không trừ một ai.

Một lần nữa, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh thành nghiêm khắc với tình trạng cán bộ uống rượu bia buổi trưa để không tốn kém thời gian, vừa góp phần bảo đảm an toàn giao thông.

PV (tổng hợp)