Sống ở Thủ đô mà cả ngàn người đêm mơ thấy... nước

06:00 | 27/05/2013

695 lượt xem
|
Cứ đến hè, người dân xã Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội lại lao đao vì thiếu nước. Có đến 2/3 số hộ của xã thiếu nước trầm trọng. Do nguồn nước ngầm tại Chàng Sơn đang cạn kiệt nên hàng ngàn hộ dân đang khát nước và mòn mỏi chờ dự án cấp nước sạch.

>> Cả xã 'khát nước' giữa lòng Thủ đô

Người dân “khát nước”

Đã nhiều năm nay, người dân nơi đây quen với sự tập nập, nhộn nhịp của “chợ” nước vào mỗi buổi sáng sớm và chiều tối. Gọi là “chợ” vì đó là nơi mà những hộ gia đình có giếng khoan bơm nước lên lọc và bán cho người dân trong làng. Cứ vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối, người dân Chàng Sơn lại nối đuôi nhau đi mua nước.

Nghề bán nước ở Chàng Sơn

 

Bác Sinh, người dân thôn 5 cho biết: “Lúc người ta đi mua nước thì đường làng đồng nghịt người, có người dùng xe đẩy cho tiện, có người thồ bằng xe đạp, có người gánh thùng…Trong ngày thì ít người mua hơn, chỉ có khi cần thiết thì mới mua thôi”. Ngoài ra, đến Chàng Sơn sẽ bị thu hút bởi “hệ thống” ống dẫn nước chằng chịt ở đường làng, ngõ xóm.

Có đến 2/3 số hộ trong xã lâm vào tình trạng thiếu nước trầm trọng do nguồn nước ngầm đã cạn kiệt khoảng 10 năm. Những năm trước, nhiều gia đình đổ xô đào giếng lấy nước sinh hoạt. Tuy nhiên, hiện tại có nhiều hộ chi cả chục triệu đồng để đào giếng nhưng đào sâu xuống mấy chục mét nhưng cũng không thấy giọt nước nào.

Bà Nguyễn Thị Thảo (thôn 7, Chàng Sơn) tâm sự: “Trước kia giếng khơi có nước nhưng gần chục năm trở lại đây đều trở nên cạn kiệt, nếu có chỉ là nước đục, nước bẩn không dùng được nên đành phải đi mua”.

Chính vì nguồn nước khan hiếm như vậy, nên người dân sử dụng nước phải dè chừng, tiết kiệm. Bà Thảo cho biết thêm “Nhà tôi có 7 người nhưng mỗi ngày chỉ dám dùng 2 thùng nước thôi. Nước mua chỉ để ăn, uống… còn tắm, giặt thì chịu khó dùng nước đục”. Có những gia đình, nước được “tái sử dụng” nhiều lần. Nước vo gạo dùng để rửa rau, rồi rửa chân tay. Thậm chí, có những  gia đình có máy giặt nhưng không dám dùng vì sợ tốn nước.

Đối với người dân Chàng Sơn, những cơn mưa rào là “cứu cánh” cho họ trong một vài ngày. Bởi lẽ, có mưa họ sẽ không phải lục đục dậy sớm, xếp hàng mua nước mà có thể lấy nước ở giếng công cộng của thôn. Tuy nhiên, ngày càng ít người sử dụng nước mưa vì “nước mưa bị nhiễm độc do nước sơn nhiều quá vì đây là làng nghề làm mộc” – một người dân thôn 7 cho biết. Chính vì vậy, có một số hộ dân trong thôn mua máy lọc nước RO để đảm bảo an toàn.

Giá của mỗi thùng nước là 10.000 đồng. Tính trung bình, mỗi tháng mỗi hộ mất khoảng 500.000 – 700.000 đồng tiền nước. Đối với những gia đình khá giá thì đó là không đáng kể. Song, với những gia đình khó khăn thì đó lại là vấn đề lớn.

Đứng trước tình trạng thiếu nước, nhiều hộ gia đình tại xã Chàng Sơn buộc phải thực hiện chính sách "tiết kiệm nước triệt để".

Mòn mỏi chờ nước sạch

Thực trạng thiếu nước sạch ở Chàng Sơn diễn ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có dự án cấp nước sạch nào được thực hiện để hỗ trợ người dân. Người dân vẫn phải tự xoay xở để có nước sinh hoạt.

Khi phóng viên hỏi về dự án cấp nước sạch, nhiều người dân tỏ vẻ ngán ngẩm. Bác Hòa, thôn 6 cho biết: “Tình trạng thiếu nước có bao nhiêu năm nay nhưng chưa thấy có dự án cấp nước sạch để người dân đỡ khổ, không phải dùng nước bẩn nữa”.

Bao giờ mới có nước sạch? Là câu hỏi mà phóng viên nhận được nhiều nhất khi hỏi về tình trạng thiếu nước ở Chàng Sơn. Nhiều người tỏ ra bức xúc vì mòn mỏi chờ dự án nước sạch. Cô Lý, người dân buôn bán tại chợ, ở thôn 5 bày tỏ: “Năm nào cũng thấy báo, đài về đưa tin, làm phóng sự về thiếu nước sạch nhưng mãi không thấy có nước sạch cho dân dùng là thế nào?”.

Trong khi “chờ” dự án nước sạch thì người dân Chàng Sơn đang phải từng ngày, từng giờ sử dụng nguồn nước bẩn với nhiều bệnh tật tiềm ẩn: Bệnh ngoài da, bệnh đường ruột… Không chỉ có vậy, thiếu nước sản xuất sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của địa phương nhất là đối với Chàng Sơn – một làng nghề mộc khá nổi tiếng. Hi vọng rằng, trong thời gian sớm nhất, nước sạch sẽ về với Chàng Sơn để người dân không còn “khát nước” như hiện nay. 

Nguyễn Hoan – Lưu Nhạn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc