Vì sao bệnh cận thị ngày càng nhiều?

07:00 | 02/12/2013

27,958,100 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, hiện có khoảng 3 triệu trẻ em trên cả nước mắc tật khúc xạ về mắt, trong đó 2/3 là bị cận thị, tập trung chủ yếu ở đô thị với tỷ lệ chiếm 30-35%. Như vậy, trung bình cứ 10 học sinh thì có ít nhất 3 học sinh bị cận thị hoặc bị các tật khúc xạ về mắt.

Năng lượng Mới số 278

Có một điểm rất mâu thuẫn ấy là so với trước kia, thời kinh tế bao cấp chẳng hạn, tỷ lệ cận thị trong giới trẻ, nhất là học sinh thấp hơn hẳn bây giờ trong khi những nguyên nhân được coi là dẫn đến nguy cơ cận thị lại cao hơn như dinh dưỡng, ánh sáng… Bởi thời đó, ánh sáng điện, nhu cầu thiết yếu tưởng như là phải có thế mà nếu không tối lờ mờ thì cũng bị cắt thường xuyên do ngành điện chưa phát triển như bây giờ. Hay dinh dưỡng lấy đâu ra để vừa ăn no vừa ăn ngon, đầy đủ các chất bổ dưỡng. Vậy mà số học sinh bị cận thị không nhiều mà nếu bị thì hoặc là theo gien di truyền hoặc là đọc sách quá nhiều trong điều kiện thiếu ánh sáng và đây cũng bỗng dưng trở thành một đặc điểm để nhận ra những “con mọt” sách thời đó.

Còn thời nay, đèn sáng trưng, dinh dưỡng thì thừa đến nỗi tỷ lệ béo phì tăng cao đến mức chóng mặt, nhưng tỷ lệ cận thị như vừa nói phải chiếm tới 1/3 số học sinh ở đô thị. Và một điểm dễ dàng nhận ra, càng ở đô thị, thành phố lớn, tỷ lệ cận thị càng cao. Các bệnh viện chuyên khoa sau khi khảo sát và dựa trên thực tế số bệnh nhân đến khám chữa bệnh, đã thống kê: Riêng Hà Nội, số trẻ em phải đeo kính dày trên 2 đi-ốp chiếm đến 20%, một trong những tỷ lệ cao nhất toàn quốc. Vậy tại sao lại như vậy?

Theo Bệnh viện Mắt Trung ương, những nguyên nhân dẫn đến cận thị gồm: thiếu ngủ, tư thế ngồi học không đúng, học tập và làm việc trong môi trường thiếu ánh sáng, trẻ sinh non, nhẹ cân… Tuy nhiên, quan trọng nhất trong số nguyên nhân ấy phải nói đến là việc xem vô tuyến, trong đó có cả khoảng cách và thời gian, các em bị cận thị do ngồi quá gần và xem quá nhiều. Thói quen của nhiều bố mẹ hiện nay là dùng tivi như một công năng “trông trẻ” để con khỏi nghịch ngợm, để con ăn uống thun thút, để con không đeo bám v.v… và vì thế làm cho mắt của trẻ quen với cường độ ánh sáng phản chiếu trên màn hình, quen với với việc ngồi hằng giờ theo dõi tivi, dẫn đến nhẹ nhất là loạn thị, nặng là cận thị. Trong số các bệnh nhân đến điều trị mắt tại Bệnh viện Mắt Trung ương, có rất nhiều bé, dù mới 3-4 tuổi nhưng mắt đã bị các tật khúc xạ chỉ vì lý do… xem tivi. Các bác sĩ ở đây cho biết: “Nếu trẻ em xem tivi quá 2 giờ/ngày với khoảng cách giữa tivi và mắt dưới 3 mét thì thị lực của bé sẽ suy giảm rất nhanh. Rất nhiều bé đã bị như vậy”.

Cùng với tivi, Ipad, máy tính hiện nay nếu được tận dụng… “công năng” như tivi thông qua các trò chơi điện tử cài đặt hoặc tải về trên đó thì cũng đã là nguyên nhân làm cho tỷ lệ trẻ em cận thị tăng cao. Không ít em mới 4-5 tuổi đã gắn tuổi thơ của mình với công nghệ hiện đại này để rồi hậu quả là thị lực không còn nguyên vẹn như lúc cha mẹ sinh ra. Thử đến bất kỳ một nơi nào nếu có Ipad hoặc điện thoại sử dụng hệ điều hành Android ngay lập tức sẽ thấy cảnh: trẻ dán mắt vào màn hình mà không quan tâm đến bất kỳ thứ gì khác xung quanh.

Bên cạnh việc xem tivi, chơi Ipad… theo các nhà khoa học, học nhiều cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng cận thị ở học sinh. Một nghiên cứu cho biết, có tới 90% học sinh tốt nghiệp tại các thành phố lớn ở châu Á bị cận thị. GS Morgan, ĐH Quốc gia Australia, người đứng đầu nghiên cứu này còn nói cụ thể: “20-30% từng là mức trung bình của số học sinh bị cận thị. Nhưng đến nay con số này đã lên hơn 80%. Trong đó, tỷ lệ ở trẻ em Đông Nam Á cao nhất”.

Ông phân tích, việc phải dành quá nhiều thời gian học tập tại trường và làm bài tập ở nhà đã tạo áp lực lên mắt, làm mắt không được nghỉ ngơi, không tiếp xúc tới ánh sáng mặt trời trong khoảng thời gian cần thiết dẫn đến bị cận thị. Đáng tiếc là trong đó có cả Việt Nam. Và trên cơ sở những gì đang diễn ra trong nền giáo dục nói chung và trên học đường nói riêng thì nghiên cứu trên… hoàn toàn đúng!

Cận thị thực ra là sự bất thường của hệ thống khúc xạ, nghĩa là nếu như hình ảnh đi qua hệ thống quang học của mắt rồi hội tụ đúng trên võng mạc, giúp mắt nhìn thấy rõ thì đằng này hình ảnh lại hội tụ trước võng mạc cho nên mắt không thể nhìn rõ. Cận thị được chia thành 2 loại: cận thị khúc xạ và cận thị trục.

Cận thị khúc xạ là do lực khúc xạ của mắt quá lớn trong khi chiều dài trục nhãn cầu bình thường. Khi mắt phải nhìn gần với cường độ lớn và trong một thời gian dài, thể thủy tinh bị phồng lên làm tăng độ hội tụ của mắt. Vì vậy muốn nhìn rõ vật gì phải nhìn gần. Học sinh thường bị cận thị loại này. Còn cận thị trục: lại xảy ra do nhãn cầu quá dài bởi cấu trúc của thành nhãn cầu bị giãn mỏng trong khi lực khúc xạ của mắt bình thường. Những người bị cận thị loại này thường theo gien và bị rất sớm, thậm chí lúc chưa đi học. Tuy nhiên, nguy hiểm hơn cận thị khúc xạ, cận thị trục dễ dẫn tới nguy cơ thoái hóa hắc võng mạc, rách, bong võng mạc rồi làm mù lòa.

Để tránh cận thị: Cần nghỉ ngơi thị giác từng lúc, cứ làm việc khoảng 20 phút (trên máy tính) lại cho mắt nghỉ ngơi bằng cách nhìn xa 1-2 phút hoặc nhắm mắt khoảng 30 giây. Nếu có cảm giác mắt mờ, nhòe thì phải nghỉ lâu hơn. Còn học sinh, chỉ sau 45 phút học phải để cho mắt thư giãn.

Không đọc sách trong tình trạng thiếu ánh sáng, “sấp” bóng. Khoảng cách đọc sách phải 25-40cm, tùy theo độ tuổi của học sinh.

Xem truyền hình chỉ mỗi ngày 1 tiếng với khoảng cách gấp 4 lần đường chéo của màn hình và không tắt đèn khi xem. Nếu đã bị cận thị, bắt buộc phải đeo kính khi xem.

Chế độ dinh dưỡng: Cung cấp đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất…


Nguyễn Bách

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.