Trẻ sơ sinh nhẹ cân do… ô nhiễm môi trường

06:56 | 08/12/2013

1,969 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi thực hiện 14 nghiên cứu trên 74 nghìn cặp mẹ và bé sơ sinh tại 12 quốc gia khác nhau, các nhà nghiên cứu khoa học châu Âu đã rút ra kết luận, môi trường ô nhiễm dù chỉ ở mức nhẹ cũng có khả năng làm trẻ sơ sinh nhẹ cân khi sinh ra.

Năng lượng Mới số 279

Nghiên cứu này cho thấy, ô nhiễm không khí với các hạt bụi bay lơ lửng trong không trung đã là nguyên nhân khiến cho các bà mẹ đang mang thai sinh con thiếu cân, mặc dù đủ tháng. Cụ thể, nồng độ các hạt vật chất chuyển động trong không khí thấp vào khoảng 20microgram/1m3 đã đủ để “sát thương” đối với thai nhi trong bụng mẹ. Các nhà khoa học đã ước tính cứ 5microgram/1m3 nồng độ các hạt vật chất chuyển động tăng lên thì nguy cơ trẻ sinh nhẹ cân lại tăng lên đến 18%. Còn khi giảm nồng độ các hạt vật chất chuyển động xuống 10 microgram/1m3, nguy cơ trẻ sơ sinh nhẹ cân giảm xuống 22%.

Như vậy có thể thấy, ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống về kinh tế, xã hội mà còn tới thể chất của con người ngay từ khi nằm trong bụng mẹ. Bà Resmy Slama, trưởng nhóm nghiên cứu đang làm việc tại Viện Sức khỏe và Nghiên cứu dược tại Grenoble, Pháp cho biết: “Chúng tôi có bằng chứng xác thực từ rất nhiều nghiên cứu để chứng minh rằng, những hạt vật chất nhỏ li ti ngoài môi trường sẽ lọt qua đường hô hấp đi vào máu người mẹ rồi đến thai nhi. Tới đây, chúng tôi sẽ phải nghiên cứu sâu hơn nữa để tìm hiểu ngoài việc làm trẻ sinh nhẹ cân, ô nhiễm môi trường sẽ gây nên hậu quả gì nữa đối với sức khỏe trẻ em.  

Ảnh minh họa

Trên cơ sở nghiên cứu trên đây, liên tưởng tới Việt Nam, đáng buồn là nước ta lại nằm trong số 10 quốc gia ô nhiễm không khí nặng nề nhất, thậm chí 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh còn được đánh giá là ô nhiễm không khí nhất khu vực châu Á. Vậy phải chăng đây là nguyên nhân góp phần làm cho trẻ sinh thiếu cân tăng vọt trong suốt những năm qua? Theo thống kê của ngành y tế, mỗi năm Việt Nam có 10-150 nghìn trẻ sơ sinh sinh thiếu tháng, nhẹ cân dưới 2.500g, tăng đáng kể theo thời gian. Ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, ô nhiễm môi trường từ lâu đã trở thành vấn đề nhức nhối, gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe và sự phát triển sạch của đất nước.

Cụ thể, nồng độ bụi ở những khu vực đông dân cư cao hơn mức cho phép tới 7 lần và sẽ tiến tới cao gấp 10 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tức là nồng độ bụi sẽ ở mức 200mg/m3. Một nghiên cứu khác cho thấy, trung bình, ở Hà Nội trong một mét khối, có 80 microgram bụi khí PM10, vượt tiêu chuẩn quy định 50microgram, bụi khí SO2 cũng vượt tiêu chuẩn châu Âu 20microgram, nồng độ bụi thì lơ lửng cao hơn tiêu chuẩn cho phép 2,5 lần. Mà nguyên nhân để dẫn đến tình trạng ô nhiễm này chủ yếu bắt nguồn từ giao thông, xây dựng phát triển đô thị… 

Trở lại với vấn đề trẻ sơ sinh nhẹ cân, theo thống kê tại Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương: Trẻ sinh non và có cân nặng dưới 2.500g hiện chiếm 50-52%. Trong đó có trẻ sơ sinh nhẹ cân do sinh non và trẻ sơ sinh đủ tháng nhẹ cân. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh nhẹ cân do sinh non không chịu nhiều tác động từ ô nhiễm môi trường mà chỉ trẻ sơ sinh đủ tháng nhẹ cân mới chịu ảnh hưởng (chiếm 17-70%). Giới y khoa đã phân chia thành 3 loại: lúc sinh nặng dưới 2.500g gọi là nhẹ cân, nặng từ 1.000-1.499g gọi là rất nhẹ cân và dưới 1.000g là cực nhẹ cân. Khi sinh nhẹ cân vì nguyên nhân môi trường như vậy, theo nghiên cứu của Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh, trẻ sơ sinh sẽ có nhiều chức năng thay đổi so với một đứa trẻ sơ sinh trọng lượng bình thường như sản phẩm nitrogen trong máu cao gồm: ammonia, urea, acid uric. Từ đó dẫn đến tăng dị hóa protein.

Đồng thời trẻ sơ sinh nhẹ cân còn rối loạn tân tạo glucose và phân hủy glycogen. Do đó, trẻ có khuynh hướng hạ đường huyết kéo dài trong nhiều tuần. Khi ở bào thai, suy dinh dưỡng tim; phổi, thận to hơn trẻ bình thường. Trong khi gan, thượng thận, tuyến ức thì nhỏ. Dự trữ glycogen trong tim và gan thì giảm, sợi cơ tim nhỏ hơn bình thường. Với những đặc điểm không bình thường ấy cho nên thể trạng của trẻ sơ sinh nhẹ cân không thể khỏe mạnh như trẻ bình thường, điển hình như hệ thần kinh.

Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy: trẻ nhẹ cân có chỉ số thông minh thấp hơn trẻ đủ cân. Ví dụ, những năm đầu, trẻ sinh nhẹ cân dưới 1.500g có tỷ lệ phát triển thần kinh bất thường, chậm phát triển tâm thần hơn trẻ đủ cân. Còn ở lứa tuổi học đường, trẻ nhẹ cân có chỉ số thông minh, chỉ số phối hợp nhìn - vận động thấp hơn trẻ đủ cân, dễ bị kích động, khó tập trung… Bởi vậy, việc nuôi dưỡng một trẻ nhẹ cân rất vất vả, để sống được đã khó, để phát triển khỏe mạnh lại càng khó hơn.

Nhằm giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống và con người, ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm không khí nói riêng, nhất thiết, môi trường phải được cải thiện bằng những biện pháp cấp bách, hiệu quả. Cụ thể như tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động xây dựng, giao thông vận tải là những nguyên nhân gây ô nhiễm nghiêm trọng; Xây dựng các giải pháp cụ thể để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí như ứng dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn…

Nguyễn Bách