Thực phẩm hay liều thuốc độc "mạn tính"?

07:00 | 25/07/2013

2,006 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Gần đây, câu chuyện bún, bánh canh, bánh phở… chứa hóa chất độc hại được phát hiện đã một lần nữa làm dấy lên lo ngại về tình trạng sử dụng hóa chất trong thực phẩm một cách tùy tiện. Đáng sợ nhất, nhiều người tiêu dùng vẫn đang phải sử dụng những “liều thuốc độc” này vì không thể nhận biết được đâu là thực phẩm an toàn.

>> Người dân TP HCM “điểm tâm” bằng... chất làm trắng Tinopal

Độc tố trong bún

Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) vừa công bố kết quả khảo sát nhanh chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của các loại sản phẩm tươi chế biến từ gạo dùng để ăn liền như: bún, bánh canh, bánh phở, bánh hỏi… và phát hiện chất làm trắng huỳnh quang (Tinopal) trong nhiều mẫu kiểm nghiệm.

Theo đó, từ ngày 15 đến 25/6/2013, Trung tâm trên đã lấy 30 mẫu khảo sát từ 6 loại: bún, bánh canh, bánh hỏi, bánh phở, bánh cuốn và bánh ướt được mua ngẫu nhiên tại 9 cơ sở bán thực phẩm (4 siêu thị, 4 chợ ở trung tâm thành phố và 1 cửa hàng). Nhiều mẫu được xác định sự hiện diện của Tinopal bằng đèn cực tím ở khoảng bước sóng 366 nm.

Có đến 24/30 mẫu, chiếm tỷ lệ 80% số lượng mẫu  khảo sát có sự hiện diện của chất làm trắng quang học. Cụ thể: 5/9 mẫu bún (56%); 4/4 mẫu bánh ướt (100%); 5/5 bánh hỏi (100%), 3/4 mẫu bánh phở (75%), 7/7 mẫu bánh canh (100%) có sự hiện diện của chất Tinopal. Đặc biệt, 100% các mẫu bánh ướt, bánh canh, bánh hỏi có sự hiện diện của chất này.

Nhiều mẫu bún vừa được phát hiện chứ hóa chất Tinopal (ảnh minh họa)

Các sản phẩm nói trên được xếp vào danh sách nhóm thực phẩm thường xuyên dùng của người dân nên mức độ nguy hại rất lớn, bởi sử dụng bún có chất làm trắng huỳnh quang sẽ gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng, làm hư hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, có thể dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày. Đặc biệt có thể làm tổn thương những mao mạch khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ, tiêu hóa thức ăn và các chất dinh dưỡng. Ngoài ra, nếu ăn thực phẩm chứa chất huỳnh quang lâu dài sẽ gây suy gan, suy thận, cơ thể mệt mỏi và cả bệnh ung thư.

Hơn nữa, Tinopal là một chất dùng trong công nghiệp nên khó tránh khỏi trong đó có chứa các tạp chất gây hại cho sức khỏe. Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) thì các chất làm trắng quang học có khả năng gây độc cho con người là các hợp chất dẫn xuất từ aminotriazine và stilbene, các chất này ảnh hưởng đến sự phát triển và khả năng sinh sản của con người.

Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng, khi mua các sản phẩm bún tươi có thể dùng đèn cực tím như đèn soi tiền chiếu vào, nếu thấy bún phát sáng thì có nhiễm chất Tinopal. Đặc biệt, cần chú ý quan sát, nếu thấy thực phẩm có màu trắng bất thường thì không nên mua. Bên cạnh đó cũng không nên mua các thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không nhãn hiệu, bao bì, không địa chỉ, tên của nhà sản xuất, cơ sở chế biến, không hạn sử dụng.

Ông Đỗ Ngọc Chính – Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng cho biết: Các hợp chất Tinopal có khả năng phát huỳnh quang (fluorescence) cho nên chúng hấp thu các ánh sáng vàng của chất liệu mà chất này bám vào và phát ra ánh sáng màu xanh từ đó làm mắt con người nhận thấy sản phẩm sáng trắng hơn.

Các hợp chất Tinopal bám vào sợi bún và làm cho các sợi bún thấy sáng hơn nhưng trên thực tế các chất này không làm cho bún trắng hơn mà chỉ tạo cảm giác của mắt thấy sáng và trắng hơn, tạo sự hấp dẫn hơn cho người mua. Ngoài ra, chất Tinopal cũng được dùng trong sản xuất bún với mục đích cải thiện độ bóng bề mặt sợi bún, làm cho sợi bún hấp dẫn về mặt hình thức.

Khó kiểm soát hóa chất trong thực phẩm

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM cho biết: Nghị định số 38/2012/NĐ-CP “Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điểm của Luật an toàn thực phẩm” thì Bộ Công Thương là cơ quan được giao quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị. Do đó, hiện nay Chi cục đang phối hợp với Sở Công Thương TP HCM tổ chức các đoàn liên ngành, mở rộng thanh tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của các loại bún, bánh canh… trên địa bàn.

Sắp tới UBND TP HCM cũng tổ chức cuộc họp cùng với 3 đơn vị quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm là: Sở Công Thương, Sở Y tế và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để bàn công tác tăng cường quản lý việc sử dụng hóa chất trong thực phẩm.

Không riêng gì bún, trước đó hàng loạt các loại thực phẩm đã từng bị phát hiện chứa hóa chất công nghiệp, phụ gia độc hại như: nước tương chứa 3-MCPD, cháo dinh dưỡng cho trẻ sử dụng quá mức chất bảo quản Natribenzoat, hạt dưa chứa phẩm màu công nghiệp Rhodamine B… hay việc dùng hóa chất biến thịt “thối” thành thịt tươi ngon, biến thịt lợn thành thịt bò, thịt cá sấu…

 Ngâm hóa chất biến thịt lợn thành thịt bò, đà điểu…

Tình hình trên cho thấy, việc sử dụng hóa chất trong thực phẩm không còn là chuyện hiếm mà trở nên khá phổ biến. Đây là điều rất đáng lo ngại bởi việc sử dụng hóa chất gây mức độ nguy hại cao cho sức khỏe nhưng bằng mắt thường người tiêu dùng hầu như không thể nhận biết được thực phẩm có hóa chất. Đây cũng là một khó khăn trong công tác kiểm soát, phát hiện vi phạm trong lĩnh vực này.

Theo GS. Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, phần lớn “bệnh theo miệng mà vào”. Sử dụng thực phẩm bẩn, nhiễm độc cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng bệnh tật, đặc biệt là các bệnh mạn tính không lây. Bởi nếu sử dụng thực phẩm chứa hóa chất độc hại thì tùy theo lượng độc tố vào cơ thể mà có thể gây ra ngộ độc cấp tính và hoặc tích tụ gây ngộ độc mạn tính cho người tiêu dùng.

Hóa chất được bày bán tràn lan tại chợ Kim Biên, TP HCM

Để hạn chế tình trạng sử dụng hóa chất độc hại trong thực phẩm, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng đề nghị Bộ Y tế cần tăng cường phổ biến, hướng dẫn thực hiện và kiểm tra, giám sát việc tuân thủ dùng phụ gia trong sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm.

Bộ Công Thương cần chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc tại địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật an toàn thực phẩm và các văn bản quy định về quản lý hoạt động của các chợ, siêu thị và trung tâm thương mại có liên quan đến quản lý an toàn thực phẩm; tuyên truyền nâng cao đạo đức  kinh doanh và ý thức chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng và pháp luật về chất lượng và an toàn của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Mai Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.