Kinh hoàng ẩm thực học đường

06:45 | 15/11/2013

2,528 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ẩm thực trước cổng trường rất đáng lo ngại, không chỉ là thực phẩm kém chất lượng mà nguồn gốc xuất xứ còn không rõ ràng, không được kiểm định về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, thậm chí là sản phẩm thiu thối được biến hóa bằng gia vị, hóa chất… Vậy mà bao nhiêu năm nay, khi hết thế hệ học sinh này đến thế hệ học sinh khác ra trường, những đồ ăn bán trước cổng trường vẫn “an nhiên tự tại” như là “một phần không thể thiếu” của ẩm thực học đường.

Đi khắp các trường ở nội thành Hà Nội, dù ở bất kỳ cấp học nào, người ta cũng thấy trước cổng trường ít nhất phải có 2-3 quầy lưu động bán đồ ăn với những thực phẩm được coi là “fast food” (đồ ăn nhanh). Nào là xúc xích nướng, bánh mì que nhân patê, hamburger, nào là sandwich, bánh mì trứng kèm sa lát… cùng các loại nước uống đủ màu xanh, đỏ nhưng không biết do ai sản xuất do trên bao bì rặt tiếng Trung Quốc. Nhưng bên cạnh đó lại còn những món quà vặt mà lịch sử ẩm thực Việt Nam, đặc biệt là ẩm thực đường phố chắc chắn cũng sẽ không bao giờ “dung nạp” khi dưới góc độ dinh dưỡng, chẳng hữu ích gì cho sức khỏe, lại còn lừa đảo người tiêu dùng về thành phần nguyên liệu, sử dụng hóa chất, phẩm màu độc hại…

Phải kể đến đầu tiên loại thực phẩm này là món “sườn bò thơm cay” được bán nhan nhản ở khắp cổng trường học. Với bao bì bắt mắt là nền đỏ tươi pha trắng, trên đó in hình miếng thịt bò được trình bày hấp dẫn sau khi đã qua chế biến, miếng “sườn bò thơm cay” bên trong thực tế chỉ là bột nhào nặn rồi tẩm ướp gia vị, hương vị bò kèm theo chút ớt với màu thực phẩm sau đó hấp lên chứ không phải “sườn bò” thực sự. Nhưng không hiểu “chế biến” thế nào, dù chỉ làm từ bột như đã nói, miếng "sườn bò thơm cay” khi xé lại dai rất giống thịt bò thật, thậm chí có người lầm tưởng thay vì bột phải chăng nó được làm từ nilon hay xốp chuyên dùng để bao bọc đồ điện tử nên mới dai như vậy. Học sinh, nhất là bậc tiểu học rất khoái khẩu món “sườn bò thơm cay” này bởi không những rẻ tiền chỉ 3 nghìn đồng/gói mà chính các gia vị tẩm ướp đã làm cho nó trở nên… hấp dẫn.

Như “sườn bò thơm cay”, coca chai “siêu nhỏ” cũng là loại ẩm thực bán trước cổng trường và được học sinh “chuộng” bởi ngoài việc 2 nghìn đồng/chai, nó dễ cầm dễ “giấu” vào cặp để uống giữa giờ học. Nhưng “hấp dẫn” hơn cả chính là vị chua chua, ngọt ngọt như loại nước được làm từ hoa quả chứ không phải coca, mặc dù vỏ chai đề “coca”, màu nước hệt nước coca. Vì coca phải có ga, có vị ngọt sắc mà không có vị chua. Trên vỏ chai nước “coca” ấy tìm mãi không thấy một chữ tiếng Việt nào, cũng không thấy ngày sản xuất hay hạn sử dụng… Chỉ thấy mỗi… tiếng Trung Quốc. Chiều tan học hay sáng sớm trước khi vào lớp, nhiều học sinh cứ mở nắp chai, “tu tu” ừng ực như thể chưa bao giờ được uống loại nước “thơm ngon bổ dưỡng” đến thế. Có em còn “găm” mấy chai vào cặp để tối về nhà tiếp tục “thưởng thức”! 

Cùng với coca chai siêu nhỏ, còn nhiều loại nước uống khác được đóng túi nilon với sắc màu xanh, đỏ. Còn cả “kem sữa” được đựng vào túi nilon nhỏ bán với giá 2 nghìn đồng/túi. Trước cổng trường tiểu học Kim Đồng, người bán “kem” cho kem vào thùng xốp rồi chỉ việc đặt lên đó tấm biển “kem sữa túi” thế là học sinh chen chúc nhau trở thành… “thượng đế” của người bán hàng. Túi “kem” đó khi cầm thực ra chỉ là túi nước đường đóng thành đá, không có chút sữa nào bởi màu trong suốt. Tuy nhiên, điều đáng nói là vị ngọt của loại kem này sắc, hơi đắng đúng như đường hóa học được bàn đầy rẫy ở chợ… Đồng Xuân.

Bên cạnh những ẩm thực trên đây còn nhiều “đặc sản” nữa được bán trước trường học mà không thể thống kê hết ra đây. Nhưng từ thực trạng này, mới thấy công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm còn lỏng lẻo như thế nào nếu như không  muốn nói bị bỏ ngỏ đặc biệt với loại thực ẩm thực đường phố. Mặc dù cũng có những lần kiểm tra, thanh tra, có cả giấy chứng nhận chất lượng vệ sinh thực phẩm song dường như nó chỉ là phong trào, “thiên” về hình thức. Bởi chất lượng thực phẩm bán trước cổng trường đã cảnh báo từ lâu và nhiều lần nhưng minh chứng là chúng vẫn tồn tại và tồn tại một cách ngang nhiên.

Các chủ quầy lưu động bán đồ ăn trước cổng Trường tiểu học Kim Đồng, THCS Giảng Võ, THPT Phan Đình Phùng cho biết, chưa bao giờ cơ quan quản lý kiểm tra chất lượng thực phẩm bán ở đây. Họ bảo: “Bán ở đây bao nhiêu năm rồi nhưng chưa thấy ai (cơ quan quản lý) kiểm tra chất lượng thực phẩm cả. Có chăng chỉ là chính quyền phường (địa phương) dẹp đuổi mà thôi. Nhưng vì lưu động nên dẹp chỗ này, chúng tôi lại bán chỗ khác hoặc đuổi chán họ lại… thôi”. Vậy là đã quá rõ về công tác quản lý trong khi lĩnh vực này có tới 3 bộ, ngành gồm Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý. Mà đối với ẩm thực đường phố nói chung, bán trước cổng trường học nói riêng chính là Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Nội, Cục Quản lý Nông lâm thủy sản… quản lý.

Ngay như đợt kiểm tra năm ngoái, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Nội cũng đã khẳng định: 100% mặt hàng đồ ăn kinh doanh lưu động (bằng xe đạp, xe đẩy, quang gánh…) đều không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phần lớn đều chế biến từ nguyên liệu nguồn gốc không rõ ràng, không đủ nước sạch khi chế biến, điều kiện cơ sở và vệ sinh cá nhân… Vậy mà không hiểu sao các cơ quan này vẫn để các cửa hàng như vậy hoạt động? Có người cho rằng, nguyên nhân chính là do chính các vị phụ huynh tiếp tục “nuôi sống” các quầy hàng này bằng cách liên tục tiêu thụ sản phẩm của họ. Nói vậy, không sai bởi chắc chắn những phụ huynh sẵn sàng rút hầu bao tiêu thụ đồ ăn vỉa hè phải chịu trách nhiệm một phần nhưng dưới góc độ cơ quan quản lý thì vẫn phải làm đúng chức năng, trách nhiệm của mình.

Đơn cử như “sườn bò thơm cay” được bán công khai bao nhiêu lâu mà cơ quan chức năng không biết, chỉ đến khi một số cơ quan báo chí nghi ngờ về chất lượng của thực phẩm ấy, Cục Quản lý Nông lâm thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới vào cuộc và phát hiện ra: Công ty SaSa, Hà Nội nơi sản xuất ra thành phẩm “sườn bò thơm cay” vi phạm pháp luật, lừa đảo khách hàng khi “treo đầu dê bán thịt chó”, “qua mắt” các nhà quản lý bằng cách đề trên bao bì: “Sản phẩm đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm”; “Sản phẩm mới nhất tại Việt Nam” trong khi sản phẩm chưa bao giờ được kiểm định qua các cơ quan hữu trách. Các nguyên liệu sản xuất lại có hóa chất độc hại như sử dụng chất tạo ngọt cyclamate, phẩm màu hữu cơ tổng hợp là những chất nghiêm cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm do có thể gây ung thư cho người tiêu dùng. Chưa kể đến cơ quan quản lý còn thu giữ hơn 6 tấn nguyên phụ liệu Trung Quốc…

Thế mới thấy, con số thông kê Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đưa ra  mới đây nhất: tính từ đầu năm đến nay cả nước có 25.000 trường hợp mắc bệnh chân - tay - miệng, trong đó 7 trường hợp tử vong, 14.000 trường hợp sốt xuất huyết, 82 trường hợp mắc bệnh thương hàn, 43 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 1.000 người nhiễm độc, trong đó 15 ca tử vong… không phải vô lý. Bởi đau đớn thay, trong số bệnh nhân ấy, trẻ nhỏ chiếm tỷ lệ lớn. Mà nguyên nhân không loại trừ đều liên quan đến thức ăn đường phố, vỉa hè.

Vì vậy, để bảo đảm sức khỏe cho trẻ nhỏ, bảo đảm cho thế hệ “vàng” sẽ làm chủ đất nước trong tương lai, cũng như chất lượng nguồn nhân lực mai này rất cần một công tác quản lý hiệu quả từ phía cơ quan chức năng, cần một sự tẩy chay nhất định từ phía các vị phụ huynh - “nguồn sống tiềm năng” của thực phẩm bẩn và cần cả sự hợp tác của các em học sinh thông qua ý thức gìn giữ bảo vệ sức khỏe của mình.

Theo PGS Hồ Bá Do - Phó chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng: Đồ ăn vỉa hè có rất nhiều độc tố, trong đó đặc biệt là khuẩn E.coli, có thể gây ngộ độc cấp tính. Tiếp đến là chì, một chất gây ức chế enzym tổng hợp máu dẫn đến phá vỡ hồng cầu, tương tác cùng với các vitamin và khoáng chất khác trong cơ thể gây độc và trọng bệnh. Thủy ngân, cũng có trong thực phẩm bẩn gây độc tế bào dẫn đến nhiều bệnh hiểm nghèo. Hay cadmi làm rối loạn chức năng gan, thiếu máu… Nếu người sử dụng là trẻ nhỏ thì sự nguy hại còn hơn gấp bội lần do cơ thể, bộ phận tiêu hóa, hấp thụ của trẻ còn trong giai đoạn non nớt.

Nguyễn Bách

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.