Hoang mang trước những scandal về sữa

18:30 | 07/08/2013

2,564 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những scandal về thị trường sữa trên thế giới nối đuôi nhau bùng nổ đã khiến các bà mẹ cho con dùng sữa bột như ngồi trên đống lửa. Và cuối cùng nạn nhân là người tiêu dùng phải lĩnh đủ mọi hậu quả…

Khủng hoảng melamine ở Trung Quốc

Nội vụ đổ bể sau khi trong năm 2007, một số gia đình bỗng nhiên thấy một số trẻ sơ sinh bị mắc bệnh sau khi dùng sữa bột của công ty Tam Lộc (Sanlu) có hình 3 con nai. Mặc dù có tin báo động vào tháng 6/2007 rằng các vụ ngộ độc kể trên có thể do bị nhiễm melamine nhưng mãi đến tháng 11/ 2007 công ty Tam Lộc mới chịu xác nhận và ra lệnh thu hồi các hộp sữa lại nhưng đã có 4 em bị chết, 40.000 em phải nằm bệnh viện và con số vẫn ngừng gia tăng.

Dư luận quần chúng hết sức phẫn nộ vì việc làm cẩu thả này, nhất là tại Trung Quốc có chính sách một gia đình chỉ có một con nên khi cha mẹ thấy đứa con duy nhất trong gia đình bị đau ốm thì họ đã lên tiếng đòi chính phủ phải có biện pháp trừng phạt. Sau đó, hơn 20 người đã bị bắt và truy tố về tội đã pha trộn melamine vào sữa bột hòng kiếm lời.

Sự kiện này đã gây nên những mối lo ngại về an toàn thực phẩm và tham nhũng chính trị ở Trung Quốc, và gây thiệt hại cho danh tiếng của thực phẩm do Trung Quốc xuất khẩu; ít nhất 11 quốc gia đã ngừng nhập khẩu sản phẩm sữa từ Trung Quốc ngay sau đó.

Melamine có thành phần giàu nitơ vốn được dùng để sản xuất chất dẻo và phân bón. Loại chất này được một số kẻ ở Trung Quốc trộn vào thực phẩm để khiến chúng có vẻ giàu chất đạm hơn, qua đó tăng giả tạo hàm lượng protein trong thức ăn

Nestlé chocolate Nesquik gây tiêu chảy

Sau sự việc sữa công thức I Nan HA của Nestle gây dị ứng cho trẻ tại Úc, ngày 9/11/2012, hãng sữa bột Nestle tại Mỹ ra quyết định thu hồi khẩn cấp 200.000 hộp sữa bột Nesquik, hương vị sôcôla, do nghi ngờ có khả năng bị nhiễm khuẩn salmonella.

Nestle đã ra lệnh thu hồi khẩn cấp những hộp sữa bột Nesquik trên sau khi Omaya Inc., nhà cung cấp thành phần sữa bột của hãng này, đã tiến hành thu hồi một số sản phẩm sữa bột có chứa cacbonat canxi vì lo ngại nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella.

Triệu chứng phổ biến khi nhiễm khuẩn Salmonella là tiêu chảy, đau bụng, sốt. Bệnh thường kéo dài 4-7 ngày, phần lớn người bệnh có thể tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh có thể trở nên nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa tính mạng nếu xảy ra ở trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai hoặc người có hệ miễn dịch yếu.

Thông tin sữa nhiễm khuẩn bị thu hồi khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng (ảnh minh họa).

Sữa bột Meiji có chất phóng xạ

Đây là lần thứ 3 xảy ra vấn đề chất lượng đối với sữa bột Meiji (1 lần sữa không đủ hàm lượng I-ốt; 2 lần nhiễm phóng xạ xảy ra cách nhau 1 năm, cụ thể là ngày 6/12/2011 và 7/12/2012).

Meiji nói rằng, sữa bột kiểm tra có cesium bán trên toàn quốc. Những sữa bột này đều do cty Meiji ở Kasukabe thực hiện. Sữa bò dùng để chế ra bột sữa nguyên chất là sữa sản xuất trước khi sự cố hạt nhân ở Fukusima xảy ra. Công ty Meiji hoài nghi có thể là khi xử lý sấy khô nguyên liệu, cesium trong khí quyển đã bị lẫn vào.

Những sản phẩm này của Meiji được sản xuất tại nhà máy cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima 320km.

Những mẫu thử được kiểm tra cho kết quả về hàm lượng censium 30.8 bp/kg sữa, dù lượng phóng xạ trong sữa bột trẻ em "Meiji Step" vẫn thấp hơn nhiều so với mức tiêu chuẩn cho phép của Chính phủ Nhật Bản là 200bq/kg, tuy nhiên hãng Meiji vẫn có kế hoạch đổi khoảng 400.000 hộp sữa có thể nhiễm xạ cho những khách hàng đã mua sữa thuộc các lô có hạn sử dụng đến ngày 4, 21, 22 và 24/10/2012 để xóa bỏ lòng hoài nghi cho người tiêu dùng.

Sữa bột nhiễm côn trùng

Ngày 23/9/2010, Tập đoàn Abbott của Mỹ đã ra thông báo về việc có thể có côn trùng trong sản phẩm sữa bột Similac dành cho trẻ sơ sinh.

Các sản phẩm bị thu hồi bao gồm loại sữa bột hộp nhựa 300gr, 350gr và 400gr. Chương trình thu hồi này áp dụng với khoảng 5 triệu hộp sữa bột hiệu Similac đã được bán ở Mỹ, Puerto Rico, đảo Guam và một số quốc gia khác thuộc vùng biển Caribbe.

Lý do thu hồi được hãng giải thích là sản phẩm có thể đã bị nhiễm bẩn với một số loại côn trùng như bọ cánh cứng, ấu trùng. Những tạp chất này có khả năng khiến người sử dụng đau dạ dày hoặc gặp vấn đề với bộ máy tiêu hóa. Sản phẩm Similac trong diện thu hồi được đựng trong hộp nhựa với nhiều kích cỡ khác nhau. Abbott chỉ thu hồi sữa dạng bột, khẳng định sản phẩm dạng lỏng vẫn an toàn.

Abbott phát hiện thấy những mẩu nhỏ côn trùng trong một khâu sản xuất sữa Similac tại nhà máy ở Sturgis, bang Michigan, Mỹ. "Ngay lập tức chúng tôi đã cho đóng cửa khu vực trên và tiến hành điều tra", đại diện của Abbott nói. Ngoài nhà máy ở Michigan, hãng còn sản xuất sữa Similac tại một số nhà máy khác.

Sữa nhiễm khuẩn độc nhập từ New Zealand

Gần đây nhất là ngày 3/8, Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam đã gửi thông báo đến Bộ Y tế Việt Nam về việc Bộ Công nghiệp cơ bản (Ministry of Primary Industry) - New Zealand phát hiện các sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ nhỏ có chứa Whey Protein Concentration do Công ty Fonterra New Zealand sản xuất bị nhiễm Clostridium Botulinum xuất khẩu sang Việt Nam, Trung Quốc, Australia và Ả rập Xê út.

Các lô sản phẩm có thể bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum bao gồm 2564G54114, 2564G54115, 2564G54116, 2564G54117, 2564G54118, 2565G54118, 2565G54119, 2566G54119, 2567G54119, 2567G54120.

Sau khi nhận được báo cáo của Văn phòng đại diện Abbott Labolatories S.A tại Việt Nam, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành Công văn số 1579/ATTP-SP ngày 3/8 gửi Văn phòng Đại diện Abbott tại Việt Nam yêu cầu dừng ngay việc lưu thông và tiến hành thu hồi các sản phẩm có liên quan trên thị trường bao gồm các lô Similac GainPlus Eye-Q nói trên và báo cáo kết quả về Cục An toàn thực phẩm trước ngày 9/8.

Sau hàng loạt thông tin về sữa nhiễm độc, nhiễm phóng xạ, gây ngộ độc tiêu chảy thậm chí tử vong khiến các mẹ đang cho con uống sữa bột ở Việt Nam hết sức lo lắng, nhiều bà mẹ cảm thấy bối rối, không biết chọn loại sữa nào cho con để đảm bảo an toàn bởi sữa ngoại thì liên tục nhiễm độc còn sữa nội thì cũng dính không ít scandal, đó là chưa kể sữa nội còn mập mờ nguồn gốc, chất lượng.

Với những trường hợp con họ lỡ uống rồi, hướng giải quyết ra sao và ai là người chịu trách nhiệm với sức khỏe các cháu?

Trên diễn đàn của Hội những bà mẹ nuôi con nhỏ, phụ huynh có nickname Sunflower chia sẻ đầy lo lắng: “Con của mình đã uống 4 hộp loại 400g của mẫu mới này mất rồi. Mình đang thực sự rất hoảng hốt. Không biết phải làm thế nào, đành phải đợi người ta kiểm tra, kết luận xem sao đã. Mỗi ngày ngồi chờ là một ngày ngồi trên đống lửa”.

Chị Mai Thanh Hải (Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội) có con gái 10 tháng tuổi đang sử dụng sữa Similac GainPlus Eye-Q số 3 bức xúc: “Ngay sau khi biết thông tin, mình về tra dưới đáy hộp thì thấy không trùng với lô nhà sản xuất đưa ra. Tuy nhiên, ai dám đảm bảo rằng các lô này không ảnh hưởng hay chỉ là thông tin mà họ trấn an dư luận thôi. Giờ nhà mình vẫn còn 2 hộp sữa Similac nữa, cho con uống thì lo, vứt đi thì tiếc vì những hộp này không trùng với 10 lô nhà sản xuất đưa ra nên không thể đổi lại được”.

Những hãng sữa có vấn đề trong thời gian qua như Nestlé, Abbott đều là thương hiệu nổi tiếng, sữa của hãng này chiếm phần lớn ở nước mình thế mà còn bị nhiễm khuẩn như vậy thì không biết các hãng khác ra sao. Không biết phải cho con em mình nên ăn uống ra sao nữa, chị Thu Trang đang nuôi con nhỏ bức xúc.

Trước phản ứng mạnh mẽ của người tiêu dùng, ông Jullian Caillet, Trưởng đại diện Abbott Việt Nam cho biết: “Chúng tôi lấy làm tiếc về sự việc này. Chúng tôi đang làm việc với Fonterra và tất cả các bên liên quan để giải quyết thấu đáo sự việc trong thời gian sớm nhất”.

 

Nguyễn Linh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.