Hóa chất thúc chín trái cây: Nguy hiểm khó lường

07:00 | 21/10/2013

4,935 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi người dân và dư luận đang hoang mang, lo ngại về việc người lái buôn và đầu ra của hoa quả sử dụng tràn lan các loại thuốc ép chín như chuối, sầu riêng, na, xoài… có thể gây ung thư, độc hại thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) lại khẳng định rằng, thuốc không gây ung thư mặc dù chưa được kiểm định và lưu hành tại Việt Nam.

Năng lượng Mới số 265

Hóa chất dễ mua, dễ kiếm

Mới đây nhất, chiều 7/10, Đội Thanh tra chuyên ngành số 2, Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội đã bất ngờ kiểm tra một cơ sở chuyên kinh doanh vật tư nông nghiệp lớn trên địa bàn huyện Ba Vì. Cơ sở này là cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp Dũng Hà ở thị trấn Quảng Oai, Tây Đằng, Ba Vì đang kinh doanh các mặt hàng như: phân bón, thuốc trừ sâu… Kiểm tra kho hàng phía sau, lực lượng thanh tra đã phát hiện một bao tải chứa thuốc thúc chín hoa quả bằng tiếng Trung Quốc. Số lượng thuốc lên tới 1.500 ống. Khi Cơ quan Thanh tra đề cập đến nguồn gốc số thuốc được mua ở đâu, bà Lê Thị Thu Hằng chủ cửa hàng cho biết: “Mua của một người qua đường, không biết là ai”. Hiện tại, các loại thuốc thúc chín hoa quả vẫn chưa có trong danh mục thuốc được phép sử dụng của Bộ NN&PTNT.

Việc Đoàn kiểm tra phát hiện cả nghìn gói thuốc thúc chín hoa quả không rõ nguồn gốc nói trên khiến người dân nơi đây rất lo lắng. Một người dân ở thị trấn Quảng Oai cho hay, họ đã sử dụng loại thuốc trên từ khá lâu và khá phổ biến, thường dùng để dấm chín nhiều loại hoa quả và xem như chuyện bình thường.

Tai chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội, từ đêm đến sáng với hàng nghìn xe hoa quả “nhập khẩu”. Các hộ kinh doanh tại đây đều nhộn nhịp, đông nghịt người. Chỉ cần trong vai người mới vào nghề buôn hoa quả, thủ thỉ, tỉ tê là có thể biết được những bí kíp giữ cho hoa quả tươi hay làm hoa quả nhanh chín mặc dù khi cầm vào quả vẫn còn xanh lét.

Cô Hoa, chuyên buôn “cam Úc” cho biết: “Cam của tôi đã ủ và tẩm hết thuốc rồi, chỉ việc ngả ra bán thôi. Còn với xoài, na hay chuối thì họ sẽ nhặt ra những quả lành lặn, đẹp đẽ rồi xếp vào thùng còn những quả nào giập xấu để riêng dành cho các nhà bán sinh tố hay hoa quả dầm đến lấy buôn như thế vừa rẻ lại vừa đỡ phí”. Giờ nhiều nhà cũng dùng “đất đèn” nhưng nhiều nơi cũng dùng thuốc F9 để thúc tố hoa quả. Nhưng đa phần những người buôn hoa quả ở chợ này đều chẳng dám ăn hoa quả chính mình bán (!?).

Hay một chị lái buôn khác có chia sẻ với chúng tôi rằng, các loại hoa quả đổ về đây bao giờ cũng được phân thành hai loại: quả xanh chưa chín và loại đã có dấu hiệu giập nát, chín nẫu. Với loại quả đã chín, chủ hàng thường bán “siêu rẻ” cho những người chế biến hoa quả bán sẵn làm nước uống giải khát, còn những quả chưa chín sẽ được “ngậm hóa chất” để nhanh chín và bảo quản lâu hơn. Loại hóa chất phổ biến là đất đèn. Sau khi đóng hoa quả chưa chín vào thùng, người bán sẽ rắc bột đất đèn lên trên để “ép chín”. Nhưng để hoa quả thực sự “đẹp mắt”, tươi nguyên, nhiều chủ cửa hàng còn ngâm hóa chất gồm bột đất đèn, chất chống thối để vừa chín nhanh vừa không thối.

Ngay tại chợ Đồng Xuân, Long Biên cũng bán các loại thuốc chống thối trên với giá rất rẻ, 30.000-45.000 đồng/kg. Đây là hóa chất rất độc hại có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng công dụng giữ hoa quả rất “thần kỳ”. Theo kinh nghiệm thì, 1kg có thể hòa tan được 200 lít nước, đủ ngâm hàng trăm cân hoa quả các loại. Nếu ngâm với nồng độ đậm đặc, hoa quả có thể để vài ba tháng đến nửa năm mà vẫn “tươi roi rói”. Ngoài ra còn có những chất như ethephon, bột sắt làm chín hoa quả nhanh, thuốc diệt cỏ 2,4D chống vi sinh vật thâm nhập vào hoa quả gây nhanh thối rữa.

Việc sử dụng các loại thuốc thúc chín hoa quả không chỉ là lo ngại của người dân mà ngay cả Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cũng đưa ra hàng loạt câu hỏi với các ngành chức năng quản lý: “Vừa qua có một số vấn đề liên quan sử dụng thuốc ép chín sầu riêng, trái cây…Vậy, cần phải làm rõ quy trình sử dụng của người dân hiện nay có tác hại nào không, có được phép sử dụng không?”.

Có độc nhưng hại ít!?

Trả lời những thắc mắc trên, trong cuộc họp mới nhất về an toàn vệ sinh thực phẩm, đại diện hai cục quản lý chuyên ngành của Bộ NN&PTNT là Cục Bảo vệ thực vật và Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản khẳng định: Thuốc thúc chín hoa quả không gây ung thư và không gây nhiều tác hại cho người ăn hoa quả đã sử dụng thuốc để dấm như dư luận lo ngại.

Cụ thể, ông Phùng Hữu Hào, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho hay: Thuốc ép chín hay còn gọi là thúc tố, chúng tôi đã giao các phòng kiểm nghiệm phân tích sâu và đã cho kết quả. Đó chủ yếu là chất ethephon, tinh thể màu trắng, rắn, tỷ lệ hòa tan rất tốt. Phần lớn các sản phẩm bán trên thị trường hiện nay là các ống thuốc rất bé bằng ngón tay út đựng hóa chất này. Đây là chất diệt côn trùng, gây cay mắt, là chất không gây ung thư được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào nhóm D, là nhóm không gây ung thư. Giới hạn cho phép sử dụng là 5/1 tỉ ml.

“Như vậy, ethephon về bản chất gây nguy hại với sức khỏe con người không cao, mặc dù ở Việt Nam chưa được đăng ký trong danh mục thuốc được sử dụng trong nông nghiệp”, ông Hào chỉ rõ. Tuy nhiên liều dùng thế nào là an toàn thì cũng không thể biết.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Trưởng phòng An toàn thực phẩm, Cục Bảo vệ thực vật cũng cho hay, Cục đã tổng hợp toàn bộ các hoạt chất điều hòa sinh trưởng đối với nông sản. Một số thuốc ép chín trên thị trường lại của một số công ty sinh học sản xuất chỉ đăng ký giấy phép kinh doanh, không đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật. “Do vậy, tuy chất này không có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nhưng họ không đăng ký nên không có chỉ dẫn cụ thể về cách sử dụng trên bao bì, nhãn mác và gây lo ngại cho người tiêu dùng”, ông Đạt nói.

Trên thực tế, hiện nay tất cả những loại thuốc thúc chín hoa quả, hay các loại làm “tươi mát” hoa quả trên thị trường đều chưa được cấp phép. Người lái buôn và buôn bán hoa quả thấy cái lợi trước mắt nên vẫn sử dụng tràn lan và cũng với tâm lý tham rẻ nên việc dùng đến các loại hóa chất của Trung Quốc cũng “không cấm được họ”. Thế là người tiêu dùng vẫn chịu chung số phận “vừa ăn, vừa lo chết”.

Phan Linh

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...