Rước bệnh vì thói quen "bạ đâu ăn đấy"!

10:45 | 21/07/2013

1,067 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Người Việt có một số thói quen mà nếu so với sự phát triển của xã hội hiện tại cùng với sự văn minh đang ngày một tiến xa hơn của cuộc sống thì rõ ràng phải nói là xấu. Bởi nó ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ về mỹ quan ở những nơi dân cư sinh sống mà còn về cả sức khỏe, sinh lực của con người. Đó là những thói quen “ăn đường uống chợ”, vệ sinh bừa bãi, bạ chỗ nào phóng uế chỗ ấy, thậm chí “xuống” cả những nơi được coi là nước đầu nguồn sinh hoạt của dân cư vùng nông thôn…

Chẳng cần nói đâu xa, ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội, trung tâm Văn hóa, thể thao, chính trị, xã hội… “bộ mặt” của cả nước, đáng lẽ xứng đáng với tầm vóc ấy, phải là  một sự văn minh của đời sống con người.

Nhưng chỉ cần bước chân ra đường, ra chợ, hàng quán la liệt bày bán từ sáng đến đêm với đủ các món “sơn hào hải vị”, mặc cho bụi bẩn của phương tiện qua lại, mặc cho sự ô nhiễm của không khí từ môi trường xung quanh như rác thải, nước cống… bám vào.

Nhưng đó vẫn là chuyện nhỏ, hơn nữa là tác động khách quan tới chất lượng thực phẩm, còn quan trọng là ngay cả con người cũng chủ động làm cho nó trở nên nguy hiểm hơn.

Như ngay từ khâu đầu vào, nguyên liệu hoặc đã được sơ chế hoặc chưa song không được lựa chọn kỹ lưỡng  trên cơ sở chất lượng sản phẩm mà chỉ trên cơ sở… tiền, nếu “mua rẻ bán đắt” mới mua, không thì thôi. Sau đó, đến chế biến thì ôi thôi, lấy tiêu chí “bắt mắt” là chính chứ còn an toàn hay không, ảnh hưởng đến sức khỏe thực khách hay không là chuyện khác, khỏi cần quan tâm!

Người Việt có thói quen ăn uống ngoài đường.

Cả chuyện lưu giữ nguyên liệu, thức ăn nữa, tha hồ đổ vào đó vô tội vạ hóa chất độc hại để bảo đảm “đồng vốn” cũng như tiếp tục sinh lời nữa. Cứ đổ cho Trung Quốc mới có thực phẩm độc hại tuồn vào nước ta. Tuy nhiên, trên thực tế chính “quân ta” cũng đang hại “quân mình” vì như thịt quay lợn sữa là ví dụ, toàn thịt lợn chết, đóng đông lạnh các nhà  hàng mua về quay rồi bán ra cho chính “đồng bào” ăn.

Hay nước lẩu, nước phở… món ẩm thực phổ biến và khoái khẩu của nhiều người dân Việt, nhất là giới trẻ tưởng rằng được đun sôi, ninh nhừ kỹ lưỡng từ xương gia cầm, gia súc. Ai ngờ cũng chế biến “siêu tốc” theo kiểu hòa với hóa chất cò mùi vị giống như loại nước dùng ninh từ xương để vừa tiết kiệm thời gian vừa trục lợi nhanh. Và nói chung còn rất nhiều kiểu chế biến “ẩm thực” như vậy.

Nhưng điều đáng nói là nhiều thực khách biết vậy vẫn “vô tư” ăn uống mặc dù đã có quá nhiều thông tin về vấn đề này được đề cập, đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Vì họ cho rằng, thói quen ăn uống chỉ đề cao hình thức, vị giác mà không chú trọng đến chất lượng thực phẩm đã khiến họ “lao đầu” vào một cách bất chấp như vậy. Hay thói quen “thưởng thức” ẩm thực phải trong môi trường đông đúc xen lẫn tiếng xe cộ, phải đông người qua lại, kể cả khi chỗ ngồi thưởng thức đó sát nguồn nước thải v.v… cũng “ok”, miễn sao thói quen của họ được thỏa mãn là được.

Điển hình như việc tụ tập ở những quán “trà chanh chém gió”. Trong khi cơ quan chức năng đã phát hiện ra loại trà “sành điệu” này thực ra “bí quyết” pha chế để cho hấp dẫn cũng chỉ là nhờ… hóa chất độc hại.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, có tới 70 - 80% thực phẩm đường phố là nhiễm khuẩn trong đó có E.coli, loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả.

Thế mới biết vì sao tình trạng ngộ độc thức ăn ngày một nhiều hơn và những bệnh liên quan đến đường tiêu hóa tăng đột biến, đặc biệt là bệnh ung thư. Thống kê của Tổ chức Ghi nhận ung thư toàn cầu cho thấy, với ung thư gan, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 20 nghìn bệnh nhân mắc mới, trong đó có 19 nghìn người tử vong vì căn bệnh này.  Đây là tỷ lệ tử vong vì ung thư liên quan đến đường tiêu hóa nhất. Sau đấy là ung thư dạ dày, trực tràng, thực quản…

Bộ Y tế cho biết, mỗi năm Việt Nam có từ 11 – 12 nghìn người mắc mới ung thư dạ dày và trong đó, 8 nghìn người tử vong. Ung thư trực tràng cũng với số bệnh nhân mắc mới tương tự nhưng số bệnh nhân tử vong chỉ khoảng 6 nghìn bệnh nhân.

"Trà chanh chém gió", món khoái khẩu ngoài đường của giới trẻ.

Theo PGS.TS Phạm Duy Hiển, Bệnh viện K thì: “Với tốc độ công nghiệp hóa và tình trạng an toàn thực phẩm, kiến thức, hành vi (thói quen) về an toàn thực phẩm của người Việt Nam hiện nay, đặc biệt là các loại thức ăn đường phố không có quản lý và thiếu vệ sinh thực phẩm thì trong vài năm tới, ung thư liên quan tới đường tiêu hóa trong vài năm tới sẽ tăng mạnh và vượt lên dẫn đầu về danh sách các loại bệnh phổ biến”.

Bên cạnh thói quen xấu về ăn uống thì người Việt, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu xa đang đi vệ sinh (gồm cả đại tiện và tiểu tiện) không đúng cách dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường sống và làm lây lan với tốc độ chóng mặt những bệnh truyền nhiễm.

Tổ chức UNICEF cho biết, cứ 4 người Việt Nam thì có 1 người sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, (tương ứng với 26,2%). Và đó là  nguyên nhân gây ra nhiêu dịch bệnh ở các tỉnh thành. Trong đó, phải kể đến dịch chân tay miệng, cúm H1N1, H5N1… Chỉ tính đến tháng 5, đã có 14.200 ca nhiễm chân tay miệng, có 45 ca tử vong.

Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho báo giới biết: “Với tình hình dịch bệnh như vậy, vấn đề phòng chống tại cộng đồng, hộ gia đình trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết. Việc xây dựng nhà tiêu hợp chuẩn, hợp vệ sinh góp phần quan trọng trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh cho người dân. Bởi…”.

Ông Long nói tiếp: “Nhà vệ sinh được đánh giá là môi trường rất nhạy cảm, có hơn 200 loại vi khuẩn gây các bệnh về hô hấp, tiêu hóa… Loại vi khuẩn này luôn đe dọa tính mạng của con người”. Ông Long cũng cho biết thêm: “Hiện nay, việc xây dựng nhà vệ sinh và xử lý phân người, đặc biệt là ở khu vực nông thôn chưa tốt cho nên phải vận động toàn dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi”.

Nói tóm, môi trường, năng lượng sống của con người, tốt hay xấu đều do chính con người quyết định. Bởi vậy, vì mạng sống của mỗi người, vì sức khỏe cộng đồng, những gì được coi là thói quen xấu, con người hãy và phải gạt bỏ, thay đổi theo hình thức văn minh, tiến bộ đúng như sự phát triển của xã hội, đất nước.

Hưng Trịnh