Nương nhẹ và khó hiểu

07:00 | 23/05/2013

679 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sau gần 3 tháng thu giữ sản phẩm thực phẩm bổ sung sữa dê Danlait (gọi tắt là sữa dê Danlait) để xác minh sai phạm, chiều ngày 15/5/2013, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã trả lại 5.600 hộp sữa Danlait loại 400g (gồm 280 thùng, mỗi thùng 20 hộp) cho Công ty TNHH Mạnh Cầm.

Như vậy, quyết định trả lại sản phẩm này cho doanh nghiệp đã khép lại những thắc mắc, ồn ào trong dư luận suốt một thời gian dài. Nhưng dù mọi việc đã khép lại thì niềm tin của người tiêu dùng vào doanh nghiệp và cách xử lý của các cơ quan chức năng đã bị lung lay. Sự mập mờ về nhãn mác của doanh nghiệp, kiểm nghiệm sai sót rồi đến việc chậm trễ, tắc trách của một số cơ quan quản lý Nhà nước khiến vụ việc bị ì trệ, kéo dài gây tâm lý hoang mang, hoài nghi cho người tiêu dùng.

Kiểm định có sai sót

Mở màn cho vụ việc sữa dê Danlait gian dối về hàm lượng đạm có trong sữa khi người tiêu dùng gửi mẫu xét nghiệm lên Viện Pasteur và con số được công bố gây sửng sốt dư luận khi chênh lệch giữa 4,13% (kết quả Viện Pasteur kiểm nghiệm) và 17,6% (chỉ số ghi trên nhãn hộp sữa dê Danlait). Kết quả kiểm nghiệm vừa được công bố đã tạo làn sóng tranh luận, hoài nghi, xôn xao trong dư luận và trên các trang mạng, diễn đàn của bà mẹ - trẻ em.

Ngay sau đó, Cục An toàn Thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế đã bác bỏ giá trị của kết quả kiểm nghiệm này, vì phiếu kiểm nghiệm ghi sai phương pháp. Đồng thời, Phòng Hóa Lý - Vi sinh của Viện Pasteur cũng có công văn chính thức trả lời về kết quả kiểm nghiệm mẫu sữa dê Danlait tới Viện trưởng Viện Pasteur và Cục ATTP - Bộ Y tế, trong đó thừa nhận sai sót dẫn đến kết quả kiểm định một số thành phần chưa chính xác.

Tại buổi họp báo ngày 23/4, ông Lê Văn Giang, Phó cục trưởng Cục ATTP một lần nữa khẳng định, sản phẩm sữa dê Danlait hoàn toàn đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh ATTP. Điều này cũng đã được khẳng định trong văn bản của Cục Thực phẩm, Vụ Điều phối các vấn đề an toàn vệ sinh, thuộc Bộ Nông nghiệp, Nông lương, Nông sản Cộng hòa Pháp gửi đến Cục ATTP Việt Nam ngày 28/2/2013.

Thực phẩm bổ sung - sữa dê Danlait trong lô hàng QLTT trả lại Công ty Mạnh Cầm

Trước đó, Cục ATTP với vai trò là cơ quan chức năng và là đơn vị chịu trách nhiệm trước Nhà nước và người dân về vấn đề vệ sinh ATTP đã nhiều lần khẳng định về chất lượng cũng như nguồn gốc của sản phẩm sữa dê Danlait đúng như Công ty Mạnh Cầm đã đăng ký.

Thế nhưng, vợ chồng chị Cao Ngân Hà có nickname là Hà Galaxie - người đưa vụ việc lên mạng vẫn quyết tâm đưa sản phẩm đi kiểm nghiệm ở một cơ quan kiểm nghiệm độc lập ở nước ngoài và 4 chỉ tiêu chị quan tâm là hàm lượng chì, protein, kali và natri. Bởi theo chị đến giờ phút này thì chị không còn tin vào bất cứ kết quả xét nghiệm nào, chị cho rằng, việc “nhầm lẫn” hoàn toàn có thể lặp lại. Chị Hà sẽ đưa sản phẩm Danlait đi kiểm nghiệm ở nước ngoài và đây sẽ là việc làm cuối cùng của chị cho dù kết quả có như thế nào.

Sau bao nhiêu lùm xùm quanh vụ này, cuối cùng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã có kết luận chính thức: Công ty TNHH Mạnh Cầm bị xử phạt 15 triệu đồng do vi phạm điểm a khoản 2 Điều 28 Nghị định số 91/2012/NĐ-CP về quy định ghi nhãn thực phẩm. Cụ thể, sai phạm ở đây của Công ty Mạnh Cầm là “lưu thông sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ mà không thể hiện cụm từ bắt buộc theo quy định”.

Sai phạm này do doanh nghiệp thiếu hiểu biết hay họ đang lập lờ về nhãn mác phụ? Bởi không ít người tiêu dùng cho rằng, nếu Công ty Mạnh Cầm ghi đúng nhãn mác sản phẩm này là “thực phẩm chức năng” hay “thực phẩm bổ sung” ngay khi ra thị trường thì có lẽ số lượng người mua sản phẩm này không thể nhiều như cái tên thay thế ngắn gọn: Sữa dê Danlait.

Xử lý ỡm ờ

Bắt nguồn từ thông tin gây sốc được công bố sau khi Viện Pasteur kiểm định hàm lượng đạm (protein) trong sữa chỉ là 4,13% (chênh lệch hẳn với con số ghi trên nhãn mác là 17,6%). Mặc dù ngay sau đó, Phòng Hóa Lý - Vi sinh của Viện Pasteur đã có công văn chính thức gửi tới Viện trưởng Viện Pasteur và Cục ATTP - Bộ Y tế thừa nhận sai sót dẫn đến kết quả kiểm định mẫu sữa dê Danlait chưa chính xác. Cụ thể: Phiếu xét nghiệm số 020313-87536 của Viện Pasteur TP HCM có sai sót của tổ kiểm định hóa trong việc tính toán kết quả cuối cùng (không chia khối lượng mẫu cân nên báo cáo kết quả gửi khách hàng là 4,13%.

Đồng thời, tổ kiểm định hóa còn “nhầm lẫn” trong việc ghi phương pháp áp dụng là TCVN 3705:90, một phương pháp áp dụng kiểm nghiệm protein trong thủy sản. Không những thế, tổ kiểm định hóa còn ghi sai chỉ tiêu kali và natri, đơn vị tính (mg/l) thay vì mgkg hoặc % (kl/kl). Cuối cùng, kết quả chính xác được Phòng Hóa Lý - Vi sinh của Viện Pasteur đưa ra chỉ tiêu protein của sữa dê Danlait là 13,2%, chứ không phải là 4,13% và được kiểm nghiệm theo đúng phương pháp TCVN 5537:1991. Vẫn theo đơn gửi Cục ATTP và Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM thì tổ kiểm định hóa khẳng định sẽ liên lạc với khách hàng để thu hồi phiếu kết quả ngày 14/3 vừa qua.

Sau những lời giải thích, xin lỗi và đính chính của Viện Pasteur TP HCM về kết quả ngày 14/3, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa thỏa đáng với cách trả lời “đơn giản” như vậy. Nếu Viện nói là do sai sót thì một viện lớn như Pasteur đã bao nhiêu lần sai sót như vậy? Điều đáng nói là kết quả kiểm nghiệm do Viện thực hiện không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp chủ quản mà còn gây ra hoang mang, hoài nghi cho người dân. Và sau khi được đính chính, thì mối hoài nghi này vẫn tiếp diễn với kết quả của Cục ATTP - một đơn vị chuyên môn trong việc đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng. Và trên các trang mạng, diễn đàn nhóm “bà mẹ bảo vệ quyền lợi của trẻ em” vẫn không ngừng xôn xao, hoài nghi về kết quả mới công bố này.

Nhưng gây “khó hiểu” nhất có lẽ là cách xử lý của Chi cục QLTT mà ở đây là Đội QLTT số 12 (thuộc Chi cục QLTT TP Hà Nội), đơn vị thu giữ lô hàng của Công ty Mạnh Cầm. Sau khi có kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia về chất lượng sản phẩm sữa dê Danlait, những tưởng bên QLTT sẽ công khai thông báo cho người tiêu dùng và giới truyền thông cả nước. Nhưng điều đó lại không hề xảy ra. Chỉ đến khi thời gian tạm giữ hàng gần hết, Chi cục QLTT mới “cuống cuồng” ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, mời đại diện của Công ty Mạnh Cầm đến làm việc để trả lại hàng.

Trong Quyết định xử phạt số 0165977QĐ-XPVPHC về vi phạm hành chính, Chi cục QLTT Hà Nội đã chỉ rõ sai phạm của Công ty Mạnh Cầm là vấn đề tem nhãn phụ. Điều này không có gì khác so với phát biểu của ông Đặng Quang Mạnh, Giám đốc công ty trong buổi họp báo ngày 23/4.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Ngọc Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, việc QLTT “sốt sắng” trong việc ra quyết định sau một khoảng thời gian dài “nghiên cứu”, xác minh và kết luận vi phạm là điều hoàn toàn dễ hiểu. Bởi trong quy định tại khoản 5, Điều 46 Pháp lệnh số 04/2008/PL-UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì thời gian tạm giữ hàng hóa không được quá 60 ngày. Tính đến thời điểm này (lô hàng bị tạm giữ từ ngày 21/2/2013), Chi cục QLTT bắt buộc phải đưa ra kết luận cuối cùng, nếu không thì vô hình trung họ chính là người đầu tiên vi phạm pháp luật.

Đáng nói, khác với thái độ khi vạch ra những sai phạm của Công ty Mạnh Cầm sau khi thu giữ lô hàng trước các phóng viên, nhà báo. Lúc trả hàng, QLTT lại cư xử “khó hiểu” khi không cho các phóng viên báo đài chứng kiến và tham dự việc trả hàng. Thông tin kết luận chính thức về sai phạm của Công ty Mạnh Cầm cũng không được công bố rộng rãi và công khai như nhiều người kỳ vọng.

Không những thế, cho dù đã có trong tay phiếu kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia từ giữa tháng 3/2013 nhưng họ lại chưa muốn công khai thông báo cho người tiêu dùng và dư luận. Điều này gây hoài nghi không những cho người tiêu dùng mà còn ngay cả chính doanh nghiệp. Không biết vì sao cơ quan QLTT phải làm như vậy? Họ đang đặt trách nhiệm quản lý của mình ở đâu?

Vụ việc đến nay có thể nói là đã khép lại nhưng câu chuyện niềm tin về sự minh bạch ở nguồn gốc, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, sự tắc trách của các cơ quan chức năng, mà ở đây tắc trách từ việc kiểm nghiệm sai xót cho đến xử lý vụ việc, chậm trễ, khó hiểu của Chi cục QLTT. Và người tiêu dùng Việt Nam lại có thêm một bài học nữa về niềm tin đối với chất lượng sản phẩm tiêu dùng và chế tài xử lý “tắc trách” của một số cơ quan chức năng.

Ngọc Trân