Nỗi niềm lao động cuối năm

07:00 | 17/12/2013

823 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuối năm là thời điểm tất bật của người lao động, từ người có việc ổn định đến người thất nghiệp, ai cũng phải "oằn" mình với công việc.

Người tăng ca triền miên

Cuối năm là thời điểm các công ty tăng tốc sản xuất nguồn hàng kịp giao trong năm mới nên đây cũng là thời điểm lao động bị vắt kiệt sức lao động nhiều nhất. Đặc biệt, tại những công ty có đơn hàng mới thì việc tăng ca làm thêm vào dịp cuối năm đối với người người lao động đã thành chuyện thường lệ.

https://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/dothuytrang/122013/16/17/IMG_1888.jpg

Nhiều lao động không tìm được công việc phù hợp vào thời điểm cuối năm

Chị Nguyễn Thị Hằng, công nhân KCX Linh Trung 2 cho biết: Cả tháng nay, vợ chồng em đều phải tăng ca liên tục, thời gian trước thì chỉ có chồng làm thêm ca, còn vợ thì làm hết giờ là về nhà giữ con, nhưng thời điểm này lượng hàng sản xuất nhiều nên công ty yêu cầu tăng ca. Hai vợ chồng đi làm đến tối mịt mới về, con phải nhờ bà từ quê vào chăm giúp.  “Hầu như năm nào cứ vào thời điểm gần tết, công nhân nào cũng phải tăng ca, vừa để có thêm tiền mà vừa không bị liệt vào danh sách thanh giảm lao động”- chị Hằng tâm sự.

Điều đáng nói ở đây là nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc tăng ca để cố tình bóc lột sức lực của người lao động một cách thậm tệ. Điều này khiến cho sức khỏe người lao động ngày càng đi xuống. Đây là một phần nguyên nhân khiến mới đây hơn 1.000 công nhân của công ty TNHH Nidec Copal Việt Nam (chuyên sản xuất các linh kiện điện tử, ở Khu công nghệ cao, quận  9, TP HCM) đã phải ngừng việc vì điều kiện làm việc quá khắc nghiệt.

Theo chị Nguyễn Thị Th. công nhân công ty cho biết: Chúng tôi phải tăng ca rất vất vả, đã thế công ty còn siết thời gian nghỉ trưa của công nhân khiến nhiều chị em bị căng thẳng, ăn bữa trưa chưa xong đã phải lao vào tăng ca, mỗi lần đi vệ sinh thì bị theo dõi kiểm tra nghiêm ngặt. “Do thời gian nghỉ ngơi, vệ sinh bị khống chế nên nhiều chị em trong dây chuyền của chúng tôi thường xuyên trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, có người còn bị viêm bàng quang, viêm dạ dày” - chị Th chia sẻ.

Kẻ mỏi mắt tìm việc

Mặc dù cuối năm nhiều doanh nghiệp việc làm không hết nên phải tăng ca, làm thêm giờ, nhưng cũng có rất nhiều lao động mỏi mắt tìm việc mà không được. Dù các thông báo tuyển lao động được treo nhiều nơi nhưng phần lớn chỉ tuyển lao động thời vụ. Một số khác tuyển lao động phổ thông làm việc tại các KCX - KCN, nhưng số lao động này rất khó để được tuyển vào. Bởi các công ty này chỉ tuyển số lượng rất ít, chủ yếu là để dự phòng, nhằm lấp vào chỗ trống của người lao động "nhảy việc" sau tết.

Bên cạnh đó, năm nay số lượng doanh nghiệp tại các KCX - KCN tuyển lao động cũng rất ít vì vậy để tìm được công việc tại đây không dễ. Nếu như cùng thời điểm này năm trước, các doanh nghiệp tại các khu chế xuất KCX - KCN trên địa bàn TP HCM đã bắt đầu treo băng rôn tuyển lao động thì hiện nay, không khí tuyển dụng tại các điểm này khá trầm lắng. 

Lý giải về điều này, anh Nguyễn Văn Năm, công nhân KCX Tân Thuận (Q.7) cho biết: Do kinh tế khó khăn nên nhiều doanh nghiệp chọn phương án cân đối lại nguồn lao động hiện có bằng việc sử dụng lao động hiện hữu để tăng ca chứ không chủ động tuyển thêm.

Không riêng gì lao động phổ thông, ngay cả lao động có chuyên ngành cũng lâm vào cảnh khốn khổ tìm việc dịp cuối năm. Tại Trung tâm giới thiệu việc làm TP HCM, lao động đến tìm việc rất nhiều, tuy nhiên nhu cầu lao động giảm khiến rất ít người có việc làm. Chị Nguyễn Thị Hạnh, 27 tuổi, cho biết: "Chuyên ngành của mình là Tài chính - kế toán, trước đây mình nghỉ việc để sinh con, cuối năm hi vọng sẽ nhiều việc nhưng cả tháng nay đi đến đâu cũng chỉ nghe câu trả lời đã đủ người. Giờ đành phải xin làm thời vụ mới hy vọng có tiền tiêu tết."

Lý giải về nhu cầu tuyển dụng lao động giảm, ông Nguyễn Cao Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm TP HCM cho rằng: Tình trạng kinh tế khó khăn trong năm qua là nguyên nhân chính khiến nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp vào thời điểm cuối năm không mấy khả quan. Việc doanh nghiệp đua nhau đóng cửa đã khiến một lượng lớn lao động thất nghiệp gia tăng. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm được đánh giá là chưa có dấu hiệu hồi phục tích cực nên nhu cầu lao động rất khiêm tốn.

Cũng theo bảng đánh giá của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM (FALMI) trong những tháng cuối năm cho rằng, càng vào thời điểm cuối năm, người lao động càng khó tìm được việc làm hơn do doanh nghiệp còn thiếu vốn và gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Thường trực FALMI nhận định: “Năm nay do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nên thời điểm cuối năm là khoảng thời gian khó khăn đối với lao động tìm việc làm. Nhu cầu tuyển dụng giảm đồng nghĩa với việc người lao động sẽ hẹp cửa hơn trong tìm kiếm công việc thích hợp”.

 

Thùy Trang