Nỗi đau “người đưa đò” thành “bóng ma học đường”

16:25 | 17/12/2013

1,315 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Liên tiếp những vụ xâm hại tình dục trong học đường bị phát giác nhưng sau đó lại lắng xuống khiến dư luận không khỏi bất an. Những câu chuyện xâm hại vốn đã đau lòng, nay lại xảy ra ở một nơi những tưởng tuyệt đối an toàn như trường học lại càng khiến chung ta phải suy ngẫm!

Thầy giáo "yêu râu xanh" Lê Minh Sơn bị bắt giữ vì hiếp dâm nữ sinh 15 tuổi sau khi kèm học bài tại nhà riêng

Khi người thầy “vượt rào”

Chắc hẳn dư luận vẫn chưa quên, chỉ sau ngày kỷ niệm nhà giáo Việt Nam ít hôm thì các ngành chức năng huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp nhận được lá đơn tố cáo của gia đình em T.N.D (SN 2003, học sinh Trường Tiểu học Mỹ An A) tố thầy giáo Tổng phụ trách Đội của trường có hành vi xâm hại thân thể. Cũng theo thông tin từ ngành chức năng, đối tượng là Nguyễn Trung Tín (SN 1987, Tổng phụ trách Đội của Trường Tiểu học Mỹ An A).

Theo đó, ngày 29/11/2013, Nguyễn Trung Tín thông báo em T.N.D gặp Tín để làm hồ sơ nhận học bổng 1 triệu đồng theo chương trình “Thắp sáng niềm tin tri thức cho học sinh nghèo” do Huyện đoàn Tháp Mười trao tặng. Cùng ngày, sau khi D đến trường làm hồ sơ nhận thưởng, Tín gọi T.N.D qua nhà vệ sinh của trường rồi thực hiện hành vi xâm hại đến thân thể của em. Sau đó, gia đình phát hiện và tố giác vụ việc đến ngành chức năng.

Hay trước đó, gã thầy giáo già đồi bại Lê Minh Sơn ở Đoan Hùng, Phú Thọ đã bị bắt giam vì hành vi hiếp dâm trẻ em. Nạn nhân là hàng xóm và cũng là học sinh cũ của ông Sơn. Nhân lần cô bé sang nhờ thầy giáo giảng bài tập khó thì ông Sơn đã có hành vi hiếp dâm ngay tại nhà riêng.

Đó là những vụ việc bị phát giác và đưa ra pháp luật, tuy nhiên dư luận không khỏi lo lắng về tình trạng khi những người thầy đội lốt “yêu râu xanh” đang có xu hướng gia tăng. Mở đầu câu chuyện, GS. Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục chia sẻ: “Bây giờ thỉnh thoảng đọc báo, nghe đài, nhắc đến giáo viên này “ăn tiền”, giáo viên khác “gạ tình lấy điểm” tôi lại giật mình”.

GS. Viện sĩ Phạm Minh Hạc.

Theo GS Hạc, những sự việc này đã gây ấn tượng rất xấu cho nghề nhà giáo. “Tôi cho rằng chúng ta phải dứt khoát, có thái độ rõ ràng đối với những giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Đó là điều cần thiết nhất lúc này để bảo vệ hình ảnh của nhà giáo”, GS Hạc thẳng thắn.

Còn PGS. TS Nguyễn Văn Nhã, nguyên Trưởng ban Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) tâm sự: “Cùng làm nghề, cùng lao động, nhưng những người được gọi bằng “thầy” phải đạt tiêu chí hàng đầu là tự trọng bản thân. Nếu thầy mà không biết tự trọng sẽ khó tránh khỏi bị người ta nói là “lưu manh giả danh trí thức”.

Nếu lương tâm mình không trong sáng sẽ chẳng dạy được ai. Nếu chưa dứt được gốc người thường, chưa dứt được những ham mê cá nhân thấp hèn thì không thể làm một người thầy tốt được”.

 PGS.TS Nguyễn Văn Nhã

Vẫn còn khoảng trống của pháp luật?!

Tại cuộc khảo sát của trung tâm Trung tâm nghiên cứu Giới Gia đình và Môi trường ở 3 trường THCS và THPT tại Hà Nội cho thấy mặc dù 74,3% học sinh cho rằng giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục là cần thiết nhưng, gần 1/2 các em lại không hứng thú với chương trình này tại nhà trường. Điều mà nhiều giáo viên cùng chung nhận định là chương trình giáo dục giới tính của chúng ta hiện nay chưa đậm đặc.

Thế nên nhiều trường đã phải tổ chức các lớp ngoại khóa để bù đắp kiến thức cho học sinh. Nhiều giáo viên lo lắng là dạy kiến thức giới tính, sức khỏe sinh sản của học sinh cũng cần như học chữ, nay lại đang trông chờ theo kiểu “hay nhờ, rủi chịu” của từng trường.

Thực tế cho thấy, càng ngày càng có nhiều vụ trẻ em bị xâm hại tình dục, trong đó có những bé gái bị xâm hại khi đang học cấp 1. Các vụ án xảy ra rất đa dạng nhưng đa phần có sự chủ quan của người lớn, nhất là người mẹ, vô tình đẩy các nữ sinh thành nạn nhân.

Một điều cũng đáng nói là có không ít vụ vì xấu hổ, mặc cảm, muốn cho êm chuyện nhiều gia đình đã đi đến thương lượng, hòa giải và bồi thường mà không tố cáo, đưa ra pháp luật. Điều này vô tình làm cho nạn xâm hại tình dục trẻ em và đặc biệt xâm hại tình dục trong nhà trường có cơ hội phát triển.

TS Nguyễn Hải Hữu (Cục trưởng Cục Chăm sóc Bảo vệ trẻ em).

Quy định pháp luật hình sự đối với hành vi hiếp dâm trẻ em là rất nghiêm khắc. Cụ thể khoản 4 Điều 112 quy định, mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em và có khung hình phạt tù từ 12 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Với tính nhân văn cần bảo mật thông tin cho nạn nhân nên những vụ án này không thể đưa đi xét xử lưu động để tuyên truyền, giáo dục pháp luật được. Cùng với đó là hệ thống tuyên truyền ở cơ sở chưa tốt nên tính răn đe, cảnh báo chưa phổ biến rộng rãi được cho người dân. Trong khi ở nhiều nơi, nhất là vùng nông thôn, hiểu biết pháp luật của người dân còn rất nhiều hạn chế.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Hải Hữu (Cục trưởng Cục Chăm sóc Bảo vệ trẻ em - Bộ LĐTB&XH), một nguyên nhân gây nên tình trạng xâm hại trẻ em là việc thiếu quy định hoặc chế tài xử phạt tuy có nhưng không tương xứng. Có thể thấy qua việc pháp luật chưa bắt buộc những người phát hiện, nghi ngờ trẻ em bị bạo lực, xâm hại phải khai báo, trừ phi các hành vi đó có yếu tố hình sự, chưa qui định về việc bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng hay thủ phạm…

Sự băng hoại về đạo đức của "người đưa đò”

Chia sẻ với PV, bà Ninh Thị Hồng, Ủy viên Thường vụ, Thường trực - Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam bày tỏ sự bức xúc trước rất nhiều vụ xâm hại tình dục trong học đường xảy ra vừa qua.

“Từ trước đến nay chúng ta luôn lên án gay gắt đối với những người có hành vi xâm hại tình dục trẻ em, thế nhưng những người thầy được ví như người “đưa đò”, “kỹ sư tâm hồn” mà cũng phạm tội thì đó là sự tha hóa và xuống cấp đạo đức nghiêm trọng. Cần phải xử lý nghiêm và đưa những “con sâu” đó ra khỏi ngành giáo dục”, bà Hồng nói.

Bà Ninh Thị Hồng, Ủy viên Thường vụ, Thường trực - Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

 

Nhận định của bà như thế nào về rất nhiều vụ xâm hại tình dục trong trường học mà nạn nhân chủ yếu là các bé gái ở tuổi mới lớn trong thời gian vừa qua?

Thực sự tôi rất buồn và bất bình về một số vụ việc này. Đây là sự xuống cấp đạo đức trong xã hội nói chung, đặc biệt là sự xuống cấp đạo đức nghiêm trọng của một số thầy giáo, những người làm công tác giáo dục.

Nguyên nhân sâu xa là ngay cả việc chúng ta khi tuyển cán bộ vào ngành sư phạm, chúng ta chưa chú ý về mặt đạo đức dẫn đến để lọt nhưng người không đủ phẩm chất trong vị trí đó. Họ đã không dạy cho các cháu kiến thức mà còn lợi dụng sự trong trắng, ngây thơ của các em nữ sinh để xâm hại.

Vậy còn trách nhiệm của phụ huynh trong trường hợp này, thưa bà?

Thẳng thắn mà nói hiện nay phụ huynh chưa quan tâm đầy đủ đối với con trẻ. Họ chưa trang bị kỹ năng sống và cách ứng phó cho các em. Đặc biệt với những phụ huynh vùng sâu vùng xa, họ không bao giờ dám nói với con là phải chú ý đến thầy giáo của mình khi có hành động vượt quá giới hạn. Vì họ nghĩ thầy cô giáo như người cha người mẹ thứ hai của mình. Những vụ việc này tuy chưa xảy ra nhiều nhưng đáng báo động với chúng ta.

Bà có nghĩ rằng phải chăng chính sự dễ dãi, sống buông thả của các em nữ sinh vô tình tạo điều kiện cho kẻ xấu phạm tội. Vì cũng đã có không ít vụ những học sinh nam phải hầu tòa vì quan hệ với bạn gái cùng trường?

Một phần cũng do chúng ta chứ không đổ tội hết cho các em. Vì chính chúng ta thiếu quan tâm dẫn đến các bạn trẻ tò mò về chuyện “người lớn” khiến các bạn nam đang trong ghế nhà trường không giữ được chừng mực đã phạm tội. Rồi cũng có những bạn gái lười học mà muốn hơn bạn khác nên thấy thầy có những biểu hiện quan tâm thì lấy làm vui. Các em nghĩ rằng thầy giáo quan tâm sẽ được ưu ái, được điểm cao. Đó là suy nghĩ lệch lạc của các cháu nên bị người khác lợi dụng.

Có một số vụ việc mà thấy giáo bị tố giác có hành vi đáng trách nhưng nhà trường lại muốn làm lắng xuống và chỉ xử lý bằng cách kỷ luật, kiểm điểm. Phải chăng sự quản lý dễ dãi của nhà trường, sợ mất uy tín khiến sự việc càng trở nên nghiêm trọng, thưa bà?

Tâm lý chung nhà trường sợ mang tiếng nên cũng có những trường hợp như vậy. Chính vì thế chúng ta phải làm quyết liệt và cương quyết đưa những “con sâu” ấy ra khỏi ngành giáo dục.

Xin cảm ơn bà!

 

Thảo Phượng

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc