Những lợi ích khi người dân đi xe chính chủ

13:30 | 08/09/2013

890 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Sang tên đổi chủ” góp phần siết chặt lại công tác quản lý phương tiện, phòng ngừa hiệu quả tai nạn và ùn tắc giao thông. Đặc biệt, giúp lực lượng chức năng sớm điều tra, phá án nếu phương tiện là chính chủ.

“Sang tên đổi chủ” là thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước

Theo Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông Đường bộ - Đường sắt, việc sang tên đổi chủ sau khi mua bán, chuyển nhượng là thật sự thiết thực. Chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định hướng tới mục tiêu đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, trách nhiệm của các bên khi mua bán, trao tặng, tránh những tranh chấp dân sự.

Hiện nay trên cả nước có khoảng 40% (10 triệu phương tiện) trong tổng số phương tiện đang lưu hành đã mua bán, chuyển nhượng nhưng không chấp hành việc “sang tên đổi chủ”. Việc này gây thất thoát đối với ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, việc “sang tên đổi chủ” khi mua bán, chuyển nhượng giúp người dân thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước sau khi mua bán xe.

Người dân làm thủ tục "sang tên đổi chủ" phương tiện

Ngoài ra, phương tiện giao thông là nguồn nguy hiểm cao độ khi tham gia giao thông, vì vậy việc đăng ký quyền sở hữu phương tiện với cơ quan nhà nước là quy định bắt buộc, một mặt đảm bảo chủ phương tiện giao thông phải ý thức rõ ràng về trách nhiệm pháp lý của mình khi sử dụng phương tiện tham gia giao thông và cũng để Nhà nước dễ dàng kiểm soát các trách nhiệm này. Ví dụ: Phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn, nếu thực hiện đầy đủ việc “sang tên đổi chủ” thì cơ quan chức năng dễ dàng truy tìm chủ phương tiện. Nếu không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu này mà gây tai nạn rồi chủ xe bỏ trốn thì rất khó cho cơ quan chức năng trong việc truy tìm chủ xe và trách nhiệm với vụ việc.

Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an Hà Nội), quy định “sang tên đổi chủ” sẽ giúp cơ quan công an thuận tiện trong công tác điều tra, phá án. Nếu có một vụ cướp giật tài sản xảy ra, chỉ cần thông qua biển kiểm soát của đối tượng gây án và lời khai của các nhân chứng chứng kiến vụ việc, cơ quan chức năng sẽ dễ dàng lần ra được chủ phương tiện.

Sẽ gặp rủi ro nếu không chuyển quyền sở hữu phương tiện

Còn theo các chuyên gia về pháp lý, chủ sở hữu ô tô, xe máy nếu không chuyển quyền sở hữu cho người mua thì sẽ gặp rất nhiều rủi ro về mặt pháp lý. Chẳng hạn trong trường hợp người mua sử dụng phương tiện đó gây tai nạn hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác thì chủ sở hữu phải bồi thường hoặc liên đới bồi thường cho người bị hại. Kể cả việc, cơ quan chức năng có truy tìm được chính người đang sở hữu phương tiện gây tai nạn hay vi phạm pháp luật thì người đứng tên sở hữu phương tiện cũng gặp phải một số rắc rối trước pháp luật.

Điển hình là việc, nếu một phương tiện giao thông đã mua bán qua nhiều đời chủ, khi chủ cuối cùng này gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn. Khi cơ quan chức năng xác định được người đứng tên đăng ký sở hữu phương tiện sẽ yêu cầu người này phải có trách nhiệm phối hợp tìm ra chủ nhân cuối cùng. Còn người mua, nếu không chuyển quyền sở hữu phương tiện để mang tên mình cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, rủi ro trong quá trình quản lý, sử dụng, không thể tự mình quyết định việc mua bán, trao đổi, hay thế chấp.

Để người dân thực hiện tốt việc "sang tên đổi chủ" phương tiện, công an huyện Phúc Thọ (Hà Nội) xuống tận cơ sở xã để giúp người dân.

Như vậy, quy định bắt buộc thực hiện “sang tên đổi chủ” phương tiện chỉ có lợi cho người dân và đã quy định này có từ lâu chứ đây không phải là việc mới. Nếu chỉ xét ở phạm vi Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự giao thông cho thấy, quy định phải chuyển quyền sở hữu phương tiện có tính xuyên suốt trong tất cả các văn bản được Chính phủ ban hành, từ Nghị định 39/2001 đến Nghị định 34/2010 và bây giờ là Nghị định 71/2012. Điều này không chỉ phục vụ công tác quản lý phương tiện, tài sản đối với cơ quan chức năng mà quan trọng hơn là nhằm hạn chế, triệt tiêu các tranh chấp về tài sản của người dân.

Cách “sang tên đổi chủ” phương tiện qua nhiều đời chủ

Liên quan đến việc phương tiện mua bán, chuyển nhượng qua nhiều đời chủ, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 12 sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 20 Thông tư 36 quy định về đăng ký xe. Theo Thông tư, từ ngày 15/4/2013 – 31/12/2014, việc giải quyết đăng ký xe đối với trường hợp xe đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều đời chủ, sẽ thực hiện qua các bước sau:

Thứ nhất: Trường hợp sang tên đổi chủ trong cùng tỉnh, trường hợp người đang sử dụng xe không có chứng từ chuyển nhượng xe thì hồ sơ đăng ký sang tên xe gồm: Giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (theo mẫu hiện hành) có cam kết của người đang sử dụng xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của công an xã, phường, thị trấn nơi người đang sử dụng xe thường trú; Chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe theo quy định; Giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký xe hoặc biển số xe phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký xe).

Trường hợp người đang sử dụng xe có chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng, ngoài các giấy tờ trên, phải xuất trình thêm chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng.

Thứ hai: Đối với trường hợp đăng ký sang tên, di chuyển xe từ tỉnh này sang tỉnh khác, hồ sơ sang tên, di chuyển xe cũng không yêu cầu nộp chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng nếu người đang sử dụng xe không có loại chứng từ này.

Về thời hạn giải quyết việc sang tên đổi chủ xe, Thông tư 12 quy định: Trường hợp làm thủ tục sang tên xe trong cùng tỉnh, đối với trường hợp người đang sử dụng xe có chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng, cơ quan đăng ký xe tiếp nhận hồ sơ đăng ký sang tên xe, kiểm tra đủ thủ tục quy định, viết giấy hẹn cho người sử dụng xe.

Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký xe phải giải quyết cấp biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe cho người đang sử dụng xe.

Thứ ba: Trường hợp người đang sử dụng xe không có chứng từ chuyển nhượng xe, cơ quan đăng ký tiếp nhận hồ sơ đăng ký sang tên xe, kiểm tra đủ thủ tục quy định, thu giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe; viết giấy hẹn cho người sử dụng xe. Giấy hẹn do lãnh đạo cơ quan đăng ký xe ký, đóng dấu và có giá trị được sử dụng xe trong thời gian 30 ngày chờ cơ quan đăng ký xe trả kết quả.

Cơ quan đăng ký xe gửi thông báo đến người đứng tên trong đăng ký xe biết và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan đăng ký xe, tra cứu tàng thư xe mất cắp và dữ liệu đăng ký xe. Sau 30 ngày kể từ ngày gửi thông báo và niêm yết công khai, cơ quan đăng ký xe giải quyết cấp biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe cho người đang sử dụng xe.

Đối với trường hợp làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe từ tỉnh này sang tỉnh khác, cơ quan đăng ký xe nơi làm thủ tục sang tên, di chuyển xe tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục trong vòng 2 ngày đối với người có chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng. Trường hợp không có chứng từ trên, cơ quan đăng ký xe nơi làm thủ tục sang tên, di chuyển xe giải quyết sang tên, di chuyển xe trong 30 ngày.

Để việc cấp giấy chứng nhận cho chủ xe được thuận tiện, thông tư nêu rõ trách nhiệm của Công an cấp xã là tiếp nhận giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe có cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký của người đang sử dụng xe. Kiểm tra, xác minh địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe. Sau khi kiểm tra xác minh, nếu đúng thì xác nhận địa chỉ đăng ký thường trú của người đang sử dụng xe. Thời gian giải quyết không quá 3 ngày làm việc.

Quang Dương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc