Những đứa trẻ không có tết Thiếu nhi

07:00 | 01/06/2013

870 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Vào thời điểm này, khắp nơi đang rộn ràng lo cho trẻ em một cái tết Thiếu nhi thật chu đáo. Các em được đi chơi, được tặng quà, được đi xem phim, xem xiếc… Nhưng trong góc khuất của phố thị hay nơi rừng núi của Quảng Nam vẫn còn rất nhiều em nhỏ vẫn lặng lẽ mưu sinh. Với các em thì ngày tết Thiếu nhi là một điều gì đó quá xa vời.

Mưu sinh quanh năm

Cậu bé khoảng 11 tuổi có nước da đen nhẻm trên tay là bộ đồ nghề đánh giày đi dọc các quán cà phê trên các con phố, thấy chúng tôi liền sà đến mời: “Đánh giày đi chú!”. Chúng tôi ái ngại nhưng cũng đồng ý. Ra ngồi một góc khuất, cậu bé vừa dõi theo chiếc ôtô sang trọng đang khuất dần trong dòng người tấp nập rồi quay sang nói với cậu bạn đi cùng: “Con nhà giàu thích nhỉ? Được bố mẹ chiều chuộng thích mua gì được nấy. Cứ như chúng mình từ khi sinh ra, chưa một lần được bố mẹ mua cho đồ chơi!”. Sự so sánh rất trẻ con nhưng quả thật cuộc sống còn đó biết bao những cảnh đời khốn khó, đôi khi chỉ một chút vô tình mà chúng ta quên mất.

Những đứa trẻ miền núi chịu biết bao thiệt thòi, không được hưởng một ngày tết Thiếu nhi

Cậu bé tên Sơn chỉ khoảng 10 tuổi gầy gò ở bãi biển Tam Thanh (TP Tam Kỳ) bưng một rổ bim bim đi chào mời. Tôi gọi em lại, mua cho em mấy gói bimbim và hỏi: “Bé tẹo thế này mà cũng đi bán hàng à?”. Đôi mắt em thoáng buồn: “Em mồ côi cha mẹ, từ nhỏ đã theo các anh chị đi bán bimbim kiếm tiền sống qua ngày thôi!”. Cậu bé đặt rổ hàng xuống tay lấy cho tôi mấy gói bimbim nhưng vẫn không quên quay ra mời chào khách qua lại. Đôi mắt em liên tục liếc nhìn những đứa trẻ cùng độ tuổi hớn hở theo bố mẹ, ông bà chơi đủ thứ đồ chơi ở cửa hiệu. Sơn chép bâng quơ: “Bọn trẻ này sướng mãi quen rồi, muốn gì được nấy. Từ bé tới giờ em chưa bao giờ được bố mẹ dẫn đi chợ mua quà bánh gì hết. Hồi nhỏ tới giờ cũng chả biết tết Thiếu nhi là gì, cũng thèm mùi bánh kẹo lắm nhưng lấy đâu tiền mà mua!”. Và vẫn bằng cái giọng bâng quơ, đi bán hàng thế này cả ngày tiền lãi không đủ ăn thì tiền đâu để mua đồ chơi nữa. Nhìn rổ hàng của Sơn, chúng tôi ước chừng số vốn sơn có chưa quá 50 nghìn đồng, vậy thì một ngày bán lời được bao nhiêu?!

Lặng lẽ ngồi một góc đường Phan Chu Trinh, em Nguyễn Thị Minh (13 tuổi) đượm buồn nhìn dòng người đi lại khi trên tay em là tập xé số còn nguyên. Nhà em quá nghèo, mẹ thì bệnh tật triền miên, kiếm được ít tiền em đều gửi về cho mẹ mua thuốc. Cô bé cứ nhìn vào những chiếc tủ bán đầy các loại bánh kẹo và đồ chơi rồi thầm thì với chúng tôi: “Trẻ em thành phố thích thật, được bố mẹ mua cho nhiều quà, nhiều bánh, còn như chúng em thì…”. Khi chúng tôi mua tặng cô bé một chiếc bánh, cô bé giương đôi mắt tròn còn đầy nét thơ ngây lên nhìn chúng tôi nhưng nhất quyết không nhận, cô bé chỉ tay ra phía đằng xa có mấy đứa trẻ trông nhếch nhác đang ngồi chơi, cô bảo: “Anh mang cho mấy đứa kia đi. Chúng nó còn khổ hơn em nhiều!”.

Chiếc kẹo cắn đôi

Cũng như nhiều đứa trẻ miền núi, vùng sâu, vùng xa khác trên khắp cả nước, trẻ em miền núi xã Trà Linh, Nam Trà My, Quảng Nam chỉ lờ mờ hiểu rằng 1-6 là ngày tết của trẻ em, nhưng rồi có lẽ những điều giải thích của chúng tôi là thừa, bởi nhìn lũ trẻ miền núi này cơm ăn còn chưa đủ no, áo mặc còn rách vá, sách bút trường lớp còn chưa ra hồn thì lấy đâu ra những thứ như trẻ em dưới thành phố.

Sau phút đầu rụt rè bỡ ngỡ, chúng đã hồn nhiên vây quanh chúng tôi khi anh bạn cùng đi đã nhanh tay chia cho các em mấy gói kẹo mà anh mang theo. Nhìn những đứa trẻ nơi núi rừng chia nhau nửa chiếc kẹo một, anh bạn đi cùng xoa đầu chúng rồi nói với tôi: “Có nơi người ta ăn bánh ăn kẹo không hết. Ở đây đến cái kẹo nhỏ lũ trẻ này cũng biết chia nhau, thế mới thấy trong cái sự nghèo mà thảo hiền lắm!”. Chúng tôi biết rằng rất nhiều đứa trẻ ở đây phải lao động giúp gia đình, không có thời gian dành cho học tập. Không ít em bữa ăn chỉ có rau rừng, thậm chí có những bữa phải nhịn đói vì nhà không còn gạo, áo ấm mùa đông còn thiếu thì lấy đâu ra điều kiện để các em có một ngày tết Thiếu nhi theo đúng nghĩa được…

Hiện nay số trẻ em nghèo khó còn chiếm một số lượng lớn chủ yếu ở miền núi, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số. Đa phần các em đều thiếu thốn điều kiện học hành cũng như sinh hoạt hằng ngày. Nhiều em không có có một manh áo lành lặn sạch sẽ, không có đủ cơm ăn khi đến lớp học. Đó là những em có hoàn cảnh khó khăn, những trẻ em ở miền núi hải đảo xa xôi, những em không may bị tật nguyền, chỉ có sự quan tâm của địa phương của các tổ chức đoàn thể mới bù đắp được nhưng thiệt thòi này. Làm sao để tất cả trẻ em đều được hưởng một ngày tết Thiếu nhi? Làm sao để các em có được một ngày trẻ em theo đúng nghĩa trong điều kiện có thể, đó là sự cố gắng của từng người và của cả xã hội. Chúng tôi không sao trả lời được tất cả câu hỏi này!

Gia Ly

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc