Những bóng nhỏ mưu sinh bên rìa con nước

06:31 | 09/05/2013

1,405 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ở vùng biển thuộc xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) này, không ít trẻ em tuổi thơ lớn lên cùng sông nước. Không chỉ có người lớn mà những “công dân trẻ” của vùng biển cũng đã bắt đầu hành nghề từ khi tuổi lên 5, lên 6. Nghề này là thế đó, không ai biết nó có từ bao giờ chỉ biết mẹ dẫn con đi, chị dẫn em đi và nghề cứ thế, cứ thế tiếp tục phát triển như con nước mải miết lên xuống mỗi mùa…

Ngụp lặn thân hàu

Chiều, ánh nắng chiếu xiên khoai xuống ghềnh biển cận Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, phía bãi cát ven bờ xuất hiện những đứa trẻ nghèo. Lần theo con nước thủy triều, những đứa trẻ ấy lặng lẽ bắt ốc, bắt hàu mưu sinh trong tiếng ồn ào của sóng. Tuổi thơ của những đứa trẻ nơi ghềnh biển này gắn với ốc, cá mà các em bắt được dưới dòng nước biển mặn chát.

Ở nơi này cũng có những người mẹ già mỗi chiều dắt con đi bắt ốc ở biển để mưu sinh và “nuôi con chữ” cho con. Bờ biển ven Nhà máy Lọc dầu Dung Quất không ngày nào vắng bóng những đứa trẻ thơ lặn ngụp. Đây là nơi mưu sinh của hàng trăm dân nghèo, trong đó, có nhiều em nhỏ. Thu nhập chẳng đáng là bao, nhưng các em đã phải trải qua những chuỗi ngày cơ cực, thậm chí đánh đổi cả mạng sống do bị đuối nước.

Sau những giờ lên lớp, em Hoàng Hữu Tuấn (14 tuổi) lại lặn lội ra ghềnh để nhặt từng con hàu mang bán kiếm tiền phụ giúp mẹ lo cho cuộc sống gia đình. Sau mỗi buổi dầm mình trong làn nước lạnh, em nhặt được khoảng 0,5kg hàu với giá dao động từ 20.000 – 30.000 đồng. Có những hôm rét lạnh tím tái, nhưng lượng hàu nhặt được chẳng đáng là bao, chỉ đủ nấu bát canh rau để bữa cơm đạm bạc có thêm chất tanh.

Mặc những con sóng đánh vào ghềnh, em cứ mò mẫm tìm kiếm khiến cho nhiều người mưu sinh trên đầm phải ái ngại.

Không chỉ người lớn, nhiều đứa trẻ còn ít tuổi cũng ra đây

Những người lớn tuổi luôn ngăn cản vì lo ngại em sẽ bị ngã xuống hố nước sâu, nhưng bước chân của em vẫn tìm đến mép nước. “Em muốn kiếm đủ tiền mua chiếc xe đạp và sắm quần áo mới để mặc đến trường…” - Tuấn chia sẻ.

Gia cảnh của Tuấn rất khó khăn, cha mất sớm, nguồn thu nhập chính của gia đình chỉ dựa vào những gánh cá bán rong của mẹ mua lại từ những ngư dân trong vùng. Vì vậy, anh trai của Tuấn chỉ mới 16 tuổi phải nghỉ học vào TP HCM gõ hủ tiếu thuê. Cả năm, em chỉ có mỗi một bộ quần áo đã sờn rách để mặc đến trường…

Không chỉ riêng Tuấn, nhiều em học sinh khác phải cáng đáng những công việc nặng nhọc và nguy hiểm để phụ giúp gia đình. Vừa tròn 12 tuổi, em Nguyễn Văn Bình đã có thâm niên hơn 1 năm cào sò, bắt ốc và hàu trên ghềnh biển này. Cha mất sớm vì bị tai nạn khi đi biển cho một chủ tàu cá ở địa phương. Khoản thu nhập chính của gia đình từ việc làm thuê của mẹ chẳng đáng là bao. Vì vậy, em đành phải lặn lội trên ghềnh, kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi hai em ăn học.

“Cứ nước thủy triều rút xuống thấp là em lại ra ghềnh để bắt sò, ốc và hàu rồi mang về phân loại bán cho những quán nhậu gần nhà. Mỗi bữa em cũng kiếm được từ 30.000 – 50.000 đồng cho mẹ đong gạo nuôi các em. Lớn thêm vài tuổi nữa, em sẽ xin theo mấy bác gần nhà đi biển để kiếm nhiều tiền giúp mẹ nuôi các em ăn học!” - Bình nói vội rồi xoay người chạy về phía đám bạn đang cào bới ở khu vực vừa cạn nước.

Tuấn trầm mình trong nước để bắt hàu

 

Bà Nguyễn Thị Bảy, một người dân xã Bình Hải chuyên bắt hàu tại đây cho biết, hiện có rất nhiều em nhỏ tham gia bắt ốc và hàu tại đây. Nhiều khi có hàng trăm em lặn lội trên mặt đầm, nhất là vào những ngày nghỉ cuối tuần. Những em ở độ tuổi 13 – 15 thì còn dùng pin đi soi cua cả ban đêm.

“Để có được vài chục nghìn đồng mỗi ngày, bàn chân thường bị tóe máu khi giẫm phải vỏ hàu, vỏ ốc hay những mảnh thủy tinh vỡ, các ngón tay luôn bị trầy xước khi gỡ từng con hàu ra khỏi hốc đá. Nhìn những cháu nhỏ bật khóc mỗi khi bị như thế trông thật tội nghiệp!” - bà Bảy  nói.

Tôi đã nghe nhiều chuyện về những đứa trẻ không may bị đuối nước khi đi bắt ốc, bắt hàu, như chuyện ở đầm Nước Mặn, hai em nhỏ là Võ Thị Đây và Lê Thị Mỹ Trinh (cùng SN 2001) đã bị sụp hố nước sâu dẫn đến tử vong. Những người lặn tìm thi thể hai em rơi lệ kể lại: Khi phát hiện, cả hai em đều đưa tay hướng về nhau như muốn níu kéo bạn thoát khỏi tay thủy thần. Buổi sáng hôm ấy, Trinh chỉ kịp nhai sống nửa gói mỳ tôm rồi vội ra đầm và khi trở về chỉ còn là tấm thân không hồn, tím tái trên đôi tay của những người hàng xóm.

Thái ngồi nhặt ốc, phụ mẹ trong cuộc mưu sinh

 

Nhọc nhằn đổi một ước mơ

Chiều đầu hạ, mặt biển Bình Hải như tấm gương khổng lồ soi bóng những em nhỏ lặn lội chân trần nhặt từng con ốc, bắt từng con sò, con hàu để mưu sinh. Phúc - một học sinh ngoài giờ đi học cũng theo mẹ đi cào ốc, nghêu. Việc của Phúc là dầm mình xuống dòng nước để bắt những con ốc, con hàu to rồi mang lên.

Dầm mình cả ngày dưới nước môi tím tái, Phúc nói hai hàm răng bập vào nhau phát ra từng tiếng: “Em đi cào ốc với mẹ, để lấy tiền mua sách vở, quần áo chuẩn bị cho năm học mới!”. Phúc kể, mới học hết mẫu giáo lớn đã biết theo mẹ ra đây cào ốc, sò… rồi bây giời Phúc cũng như bao người lớn, một rá, một xô, một thau và cũng ngâm mình ngụp lặn cả ngày dưới nước.

Đến khi nào đầy thau thì sẽ mang lên bờ để đãi sạch hoặc trút vào bao để trên bờ, rồi lại tiếp tục ngụp lặn. Dùng cào sắt để cào thì khỏe hơn, vừa được nhiều, vừa đỡ phải ngụp xuống nước.

Phúc lên bờ sau một thời gian ngụp lặn dưới nước

 

Đến giờ Phúc được coi là anh cả của nhóm “công dân nhí” vì là người kiếm được nhiều nhất từ 3 - 5kg ốc, sò… mỗi ngày.

“Nhà em nghèo, lại đông anh em. Bây chừ em đi cào ốc gom tiền mua sách vở, quần áo. Đặng đi học lấy cái chữ thì đời mới bớt khổ được anh ạ!” - câu triết lý cả cậu bé khiến tôi không khỏi ngậm ngùi. Cách đó không xa, em Đặng Thị Thái (13 tuổi) cũng đang bắt hàu trên những rạn đá sóng đánh ràn rạt.

“Nhà có năm người con, ngày chăm chỉ cũng kiếm được bảy đến mười nghìn thôi, gia đình em đông anh em. Cha em làm thợ đụng, làm thuê nuôi 5 anh em còn ăn học vất vả lắm nên chúng em phải cố học giỏi để cha mẹ vui lòng. Những lúc rảnh rỗi thì ra đây kiếm ốc cùng mẹ và chúng bạn phụ cha mẹ thôi!” -Thái buồn buồn nói.

Khổ! Rõ rồi. Những người dân và cả lũ trẻ nơi đây vẫn bám lấy những con sóng bởi đây là “cần câu cơm” của họ. Cuộc sống khó khăn là thế nhưng chuyện học hành của con thì luôn được họ quan tâm. Mẹ của Thái thì nói chắc nịch: “Khổ rứa chứ khổ nữa cũng phải làm thì mới có điều kiện cho con ăn học, may ra mới thoát nghèo được. Tui cực mấy cũng được nhưng mần răng con mình không “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nữa là được! Phải đi vay, đi mượn cho con ăn học, chỉ có học mới mong thoát được cảnh nghèo này thôi chú ạ, mình làm cho đời con không phải gắn với con nước như thế này nữa!".

Chiều trên ghềnh chao chát, phía bên kia là ngọn đuốc của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

 

Một ngày ướt sũng với những người làm nghề này, chuyện đó thật bình thường. Cực khổ cả ngày nhưng thu nhập chẳng được là bao, dù làm liền tay, thu nhập của một ngày cũng chỉ được vài ba chục ngàn. Sau khoảng thời gian cố định bắt ốc, bắt hàu là những đứa trẻ lại lên bờ.

Bóng nắng đã xế, thân người lúc nào cũng ướt đẫm, ngồi nhặt hàu, nhặt ốc lâu lâu lại rùng mình lên một cái, hai hàm răng cứ va vào nhau sau mỗi cơn gió biển. Cái cảm giác ớn lạnh vì dầm mình quá lâu dưới nước. Những cái lạnh đang ập đến cuối ngày nhưng không thể ngăn được bước chân mưu sinh của những đứa trẻ nơi đây.

Những bóng người vẫn sớm tối đi về vượt qua cuộc mưu sinh đầy gai góc này, để xây đắp một tương lai tươi sáng hơn.

 

Gia Ly – Thúy Nga

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc