Nhọc nhằn nữ bác sĩ giám định tâm thần

07:00 | 11/03/2013

1,468 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Là những người phụ nữ chân yếu tay mềm, họ hoàn toàn có thể lựa chọn một công việc nhẹ nhàng, nhàn hạ, nhưng họ lại quyết định gắn bó với những bệnh nhân, tội phạm bị tâm thần. Công việc mặc dù vất vả, nguy hiểm tính mạng, nhưng chưa bao giờ những người phụ nữ ấy chùn bước hay bỏ cuộc – vì tình thương đối với những bệnh nhân đặc biệt.

Giấu gia đình chọn nghề

Trong Trung tâm giám định pháp y tâm thần Trung ương có hơn 100 nhân viên thì có tới 80% là nữ, chủ yếu là điều dưỡng và có một số ít là bác sĩ. Cùng là bác sĩ, điều dưỡng, nhưng những người phụ nữ ở đây được gọi là những người có thần kinh “thép”, vì bệnh nhân của họ không chỉ là những người “điên” thông thường mà là những tội phạm giết người, hiếp dâm…

Hầu hết những bác sĩ, điều dưỡng nữ làm việc tại đây đều không lựa chọn ngành học Tâm thần hay Giám định pháp y tâm thần trong trường Đại học, mà chính nghề nghiệp này đã chọn họ.

Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương là nơi giám định và chữa bệnh cho những tội phạm bị tâm thần.

Bác sĩ Bùi Thị Luyến (Khoa Bắt buộc chữa bệnh) là một người như thế. Vốn được đào tạo tại ĐH Y Hải Phòng để trở thành một bác sĩ chuyên ngành sản khoa, nhưng khi ra trường và đi làm một thời gian, chị lại chuyển sang làm việc tại bệnh viện tâm thần thành phố Hải Phòng. Chị chia sẻ: “Cũng có nhiều người ngạc nhiên khi tôi chuyển từ khoa Sản sang ngành Tâm thần, có người độc mồm còn bảo tôi điên, nhưng tôi không nghĩ thế. Với tôi, bệnh nhân nào cũng như nhau, người điên thì còn đáng thương và cần giúp đỡ hơn cả”.

Nghĩ là làm, chị chuyển sang ngành Tâm thần và giấu tất cả mọi người, chỉ tới khi nhận được quyết định và đi làm, gia đình chị mới “ngã ngửa”. Chị cho biết: “Bố mẹ mình lúc ấy ngạc nhiên lắm và cũng không muốn mình theo nghề này, ai cũng can ngăn, mẹ chị còn khuyên chuyển về lại ngành cũ cho nhàn hạ. Thậm chí đến các bạn cùng nghề cũng khuyên can, cho rằng có bị “hâm” mới thích làm việc với bệnh nhân tâm thần”. Nghe những lời khuyên giải ấy, chị chỉ cười và không bận tâm nữa, đến năm 2008, chị chuyển về Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương và làm việc trong khoa Bắt buộc chữa bệnh từ đó.

Vì công việc đặc thù của mình, gia đình bác sĩ Luyến cũng phải chuyển từ Hải Phòng về Thường Tín để tiện cho việc khám và chữa bệnh cho bệnh nhân tâm thần. Cô chia sẻ, thời gian đầu chuyển về đây và làm việc tại Viện, nhiều lúc cô cũng bị gia đình, con cái phàn nàn vì công việc quá nhạy cảm và thời gian làm việc dày đặc của mình. Mỗi lần con gái về nhà giận dỗi mẹ vì bị bạn bè trêu chọc, đùa cợt, cô lại giải thích với con: “Mẹ nói cho con, cũng là bác sĩ, người ta chữa cái chân cái tay, cái gan cái phổi dễ hơn, mẹ còn chữa được cái đầu đấy”, lâu dần, gia đình cũng chấp nhận và ủng hộ sự lựa chọn của cô.

Chị Vũ Thị Ngọc - Điều dưỡng trưởng khoa GIám định.

Cũng như bác sĩ Luyến, điều dưỡng Vũ Thị Ngọc (Điều dưỡng trưởng khoa Giám định) đã phải vượt qua nhiều cản trở để gắn bó với Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương. Tốt nghiệp Cao đẳng Y Nam Định năm 1999, chị về làm việc tại Bệnh viện tâm thần Trung ương. Chị cho biết: “Bố mẹ mình cũng là y sĩ và y tá tại bệnh viện nên từ nhỏ, mình đã hiểu được tính chất công việc ở đây. Hơn nữa, mình cũng muốn nối nghiệp bố mẹ chăm sóc cho các bệnh nhân tâm thần. Cho đến năm 2007, khi Khoa Giám định pháp y tách ra thành Viện Giám định pháp y tâm thần, mình đã xin chuyển sang đây để làm việc”.

Thời gian đầu làm việc với những bệnh nhân tâm thần là tội phạm nguy hiểm, chị cũng bị gia đình và bạn bè ngăn cản. Trong gia đình, chỉ có mẹ chị ủng hộ chị theo ngành tâm thần, bởi bà hiểu rõ những bệnh nhân tâm thần cần điều gì ở các bác sĩ và điều dưỡng. Đến khi chị yêu và lập gia đình, bố mẹ và gia đình bên chồng cũng không hài lòng khi chị công tác tại bệnh viện tâm thần và lại làm việc trực tiếp với các bệnh nhân là tội phạm nguy hiểm.

Nói đến đây, chị chỉ cười: “Với những người chưa hiểu gì về tính chất của bệnh tâm thần thì họ phản đối cũng là chuyện dễ hiểu, nhưng mình đã phân tích và giải thích rõ với bố mẹ chồng và chồng, dần dần mọi người cũng chấp nhận. Không hài lòng, nhưng chấp nhận và cũng giúp đỡ mình rất nhiều. Với cái nghề nhạy cảm như chúng mình, chỉ chấp nhận đã là tốt rồi”.

Phải tự bảo vệ bản thân

Giám định pháp y tâm thần là một thành phần của hệ thống tổ chức giám định tư pháp và là chuyên ngành khoa học nghiên cứu khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của người bệnh tâm thần ở từng thời điểm nhất định hoặc trong suốt quá trình trị bệnh. Giám định pháp y tâm thần khác với giám định y khoa. Một bên là mổ xẻ những ý thức rất trừu tượng, còn một bên là mổ xẻ cơ thể người. Bác sĩ giám định phải nghiên cứu đối tượng trên cả 2 mặt: cắt dọc (sự phát triển tâm lý người đó từ bé đến lúc xảy ra án) và cắt ngang (thăm khám hiện tại).

Điểm đặc biệt của những đối tượng phạm tội tâm thần là vừa không kiểm soát được hành động vừa có tính cách côn đồ, do đó giám định viên phải đối diện với rất nhiều hiểm nguy. Vì là tội phạm, nhiều đối tượng từng ra tù vào tội, mắc các bệnh như HIV, lao nên khả năng lây nhiễm là rất lớn. Khi bị kích động, họ có thể bất ngờ đánh luôn giám định viên, hoặc trả thù.

Nhắc đến những khó khăn, vất vả với nghề, bác sĩ Bùi Thị Luyến chỉ cười hiền, chị cho rằng người bệnh tâm thần cũng không thể khống chế được tâm lý nên việc “nổi khùng” là rất dễ xảy ra, nhưng đó chỉ là một dạng bệnh lý chứ không phải chủ tâm của bệnh nhân. Chị vẫn còn nhớ rõ kỷ niệm một lần thăm khám bệnh nhân cùng một điều dưỡng nữ cách đây 2 năm. Các điều dưỡng ở đây thường làm tất cả các việc chăm sóc bệnh nhân, từ cắt móng tay, cạo râu đến vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân, không ngần ngại việc gì. Trong một lần thăm khám, nữ điều dưỡng đang cắt móng tay cho bệnh nhân thì đột nhiên bệnh nhân “nổi khùng”, giật lấy chiếc kéo đã được các bác sĩ cẩn thận mài cùn đi và đâm vào sườn của nữ điều dưỡng.

Bác sĩ Bùi Thị Luyến - Khoa Bắt buộc chữa bệnh.

Lần đầu tiên gặp tình huống nguy hiểm, các bác sĩ ở đây tập trung lại khống chế bệnh nhân và gấp rút đưa điều dưỡng đi cấp cứu. Do vết thương không trúng chỗ hiểm nên 1 tuần sau, nữ điều dưỡng đã được ra viện và sau đó đi làm bình thường. Nhắc đến những lần bị bệnh nhân chửi bới, dọa đánh, ném đồ, bác sĩ Luyến chia sẻ: “Mình là bác sĩ nên phải tự bảo vệ bản thân thôi. Bệnh nhân ở đây không có tâm lý bình thường như những bệnh ngoài xã hội khác, họ không khống chế được bản thân. Nhiều người bị ảo thanh, ảo giác chi phối, phải hăm dọa, phải gây sự với người khác mới được, nhưng không vì vài lần bị dọa đánh, mắng chửi mà chúng tôi bỏ nghề”.

Những bác sĩ nữ, điều dưỡng nữ ở đây không chỉ vất vả vì những lần nguy hiểm đến tính mạng, mà còn gặp nhiều khó khăn từ phía gia đình và công việc. Điều dưỡng Vũ Thị Ngọc nhớ lại: “Trong 6 năm làm việc ở đây, hầu như năm nào tôi cũng trực đêm 30 và ngày mùng 1 tết. Chỉ tính chuyện này thôi, gia đình, chồng con đã phải hi sinh và thấu hiểu quá nhiều rồi”.

Chị chia sẻ, thời gian đầu chị vẫn nhận lịch trực đêm 30 và mùng 1 tết, bởi chị nghĩ những đồng nghiệp khác cũng có lịch trực trong tết, mọi người đỡ đần nhau một chút cũng không sao. Do lịch trực khá đặc biệt nên việc sắm sửa, dọn dẹp nhà cửa, gia đình nhà chồng và chồng chị phải giúp đỡ phần lớn. Đến đêm 30, khi chị gọi điện về cho chồng, nghe anh kể lại hai cha con phải tự chăm nhau, tự làm mọi thứ kể cả cơm nước, chợ búa và đón Giao thừa trong sự thiếu thốn bàn tay, hơi ấm của người phụ nữ. Nghe đến đây, chị đã bật khóc và chạnh lòng nghĩ về công việc của mình. Chị cười buồn: “Đêm Giao thừa là lúc gia đình quây quần bên nhau, thế mà nhà tôi vợ chồng mỗi người một nơi. Bố và con đón giao thừa với nhau, còn mẹ thì đón giao thừa cùng những bệnh nhân tâm thần”.

Thế nhưng công ciệc như cái “nghiệp” quấn lấy chị, vì vậy dần dần, gia đình và chồng con cũng hiểu và thông cảm cho chị; và chị cũng cố gắng hết sức để chăm sóc cho gia đình nhỏ của mình một cách trọn vẹn nhất.

Những bác sĩ, những điều dưỡng nữ ở nơi đây, mỗi người một hoàn cảnh, một công việc, nhưng điểm chung của họ là sự hi sinh vì công việc và hết lòng vì bệnh nhân. Kể về những lần nguy hiểm đến tính mạng, họ cũng chỉ coi đó là tai nạn nghề nghiệp và chưa bao giờ có ý định chuyển ngành hay bỏ việc. Đơn giản, việc chăm sóc, lo lắng cho những bệnh nhân – tội phạm tâm thần đã trở thành trách nhiệm và cuộc sống của họ. Mặc kệ những lời dèm pha, những lời can ngăn, thậm chí là cười nhạo, những nữ nhân viên nơi đây vẫn ngày ngày làm tròn nhiệm vụ của mình, nhiệm vụ thầm lặng nhưng đầy cao cả.

Vương Tâm