Nhiều doanh nghiệp phản ứng kết quả "bún bẩn"

07:00 | 26/07/2013

486 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Sau thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) về bún nhiễm hóa chất Tinopal được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, nhiều doanh nghiệp, sở ngành đã phản ứng lại kết quả kiểm tra của trung tâm này.

>> Thực phẩm hay liều thuốc độc 'mạn tính'?

>> Người dân TP HCM “điểm tâm” bằng... chất làm trắng Tinopal

Ngày 25/7, Sở Công Thương TP HCM tổ chức cuộc họp với một số sở ngành và doanh nghiệp liên quan trước thông tin bún nhiễm hóa chất Tinopal. Đa số các ý kiến trong cuộc họp đều không thừa nhận tính hợp pháp của các mẫu mà Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng đã đưa đi kiểm nghiệm và không thừa nhận kết quả mà trung tâm này công bố.

Ông Nguyễn Thành Nhân – Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Co.op bày tỏ: “Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng đã làm sai luật. Do đó, các mẫu mà trung tâm này cho rằng đã lấy từ hệ thống siêu thị Co.op Mart chúng tôi có quyền không công nhận là mẫu của chúng tôi. Theo quy định của pháp luật Việt Nam khi lấy mẫu phải có sự chứng kiến và xác nhận của đơn vị bị lấy mẫu nhưng trung tâm đã “âm thầm” lấy mẫu và đem đi kiểm nghiệm là không đúng quy định. Do đó, chúng tôi không có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm với kết quả kiểm nghiệm đưa ra”.

Ông Nhân cho biết thêm: “Chỉ với một mẫu được kiểm nghiệm chưa biết có đúng quy trình hay không mà kết luận chúng tôi không làm tròn trách nhiệm của một đơn vị phân phối thì chúng tôi không đồng tình”.

Cùng thời điểm Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng công bố kiểm tra mẫu bún ở Co.op Mart, siêu thị cũng lấy mẫu kiểm nghiệm vào ngày 17/6, kết quả đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và đến đầu tháng 7 siêu thị tiếp tục gởi mẫu kiểm nghiệm cũng đạt chất lượng. Thực tế, hàng hóa vào hệ thống siêu thị Co.op Mart đã được kiểm tra, kiểm soát chất lượng rất chặt chẽ để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Trong 6 tháng đầu năm, Sài Gòn Co.op đã tự kiểm nghiệm và gởi đi kiểm nghiệm đến 3.666 mẫu.

Bà Lê Ngọc Đào – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM phát biểu tại cuộc họp

Trong quá trình kinh doanh, Sài Gòn Co.op luôn sẵn sàng tẩy chay những hàng hóa không đảm bảo chất lượng, doanh nghiệp gây hại cho môi trường… bởi họ cũng nhận thức rằng, vệ sinh an toàn thực phẩm là điều kiện tiên quyết để hàng hóa của siêu thị Co.op Mart được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.

Cũng như Sài Gòn Co.op, nhiều đơn vị kinh doanh khác như Big C, Maximark… bày tỏ, họ rất ủng hộ có một trung tâm độc lập làm công tác giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm như Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng bởi doanh nghiệp làm ăn chân chính, không ngại gì sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, họ yêu cầu các hoạt động giám sát phải đúng luật và phải phối hợp với các cơ quan chức năng.

Theo bà Bùi Thị Minh Thu – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP HCM, chức năng của Hội Bảo vệ người tiêu dùng là vừa bảo vệ người tiêu dùng vừa bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp làm tốt, làm đúng, chứ không thể bỏ qua quyền lợi của doanh nghiệp. Trong trường hợp của Trung tâm Nghiên vứu và Tư vấn về tiêu dùng đã đơn phương kiểm nghiệm và sau khi kiểm nghiệm không gởi kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước để xem xét trước khi công bố thì điều này là trái với quy định của pháp luật.

Phát biểu kết luận cuộc họp, bà Lê Ngọc Đào – Phó giám Sở Công Thương TP HCM nhận định: Việc bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất và người tiêu dùng là vấn đề đang được xã hội rất quan tâm. Trong thời gian qua nhiều thông tin đã khiến người tiêu dùng rất hoang mang với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, không biết sử dụng thực phẩm như thế nào mới đảm bảo an toàn. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước ở đâu?

Sở Công Thương TP HCM rất ủng hộ các cảnh báo từ các hội, các cơ quan liên quan về các vấn đề xã hội. Nếu Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng thu thập được những thông tin như công bố mà thông báo lại với cơ quan quản lý nhà nước thì các sở ngành liên quan sẽ tổ chức kiểm tra ngay. Tuy nhiên, việc trung tâm này tự lấy mẫu, tự đi kiểm tra, công bố đích danh của đơn vị vi phạm thì chưa đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, khi đã công bố đích danh từng doanh nghiệp thì phải hết sức thận trọng và phải đảm bảo tính chính xác bởi nếu thông tin không chính xác sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của doanh nghiệp.

Hiện nay, Sở Công Thương thành phố đã tổ chức các đoàn thanh tra ở từng quận, huyện và kiểm tra rất quyết liệt về chất lượng các loại bún, từ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đến doanh nghiệp lớn và các đơn vị phân phối… Sắp tới Sở cũng sẽ có cuộc gặp gỡ với Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng để làm rõ các thông tin mà trung tâm đã công bố.

Đồng thời, chiều thứ hai tuần sau, Sở Công Thương TP HCM sẽ cùng với Sở Y tế thành phố tổ chức một chương trình để các nhà sản xuất cam kết sản xuất đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và khuyến khích doanh nghiệp sản xuất bún phải có đóng gói, bao bì, nhãn mác khi đưa ra thị trường để đảm bảo an tâm cho người tiêu dùng.

Hiện nay, trên địa bàn TP HCM có khoảng 400 cơ sở sản xuất các loại sản phẩm tươi chế biến từ gạo dùng để ăn liền như: bún, bánh canh, bánh phở, bánh hỏi… UBND TP HCM cũng chỉ đạo ở mỗi quận huyện phải có nhân viên về an toàn thực phẩm có chứng chỉ kiểm nghiệm để thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu ngẫu nhiên trên thị trường.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa – Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Sở Y tế TP HCM đề nghị Sở Công Thương thành phố tăng cường kiểm tra tận gốc tại các đơn vị sản xuất chứ không chỉ ở các đơn vị phân phối vì hóa chất trong thực phẩm rất khó nhận biết bằng mắt thường, chỉ có những đơn vị sản xuất mới biết rõ họ đã bỏ hóa chất gì vào thực phẩm, không ít trường hợp đơn vị kinh doanh, phân phối cũng bị đơn vị sản xuất “đánh lừa” mà không thể nào nhận biết được.

Mai Phương

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc