Người lao động kiệt sức

07:00 | 20/06/2013

655 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Kinh tế khó khăn khiến các doanh nghiệp ngưng hoạt động hoặc phá sản. Điều này đã khiến cho hàng chục nghìn lao động lâm vào tình cảnh thất nghiệp. Để mưu sinh, người lao động phải chuyển qua các ngành phi chính thức làm việc. Tuy nhiên, do không được đào tạo bài bản nên có được việc làm với người lao động trong thời buổi hiện nay là vô cùng khó khăn.

Thất nghiệp tràn lan

Theo kết quả điều tra lao động việc làm năm 2012 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hiện tại cả nước có gần 1 triệu người thất nghiệp bởi nền kinh tế khó khăn không tạo đủ việc làm cho cả lao động mới gia nhập thị trường và bộ phận lao động thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị cao hơn khu vực nông thôn. Đáng chú ý, TP HCM đứng đầu cả nước về tỷ lệ thất nghiệp năm 2012 với mức 4,9%. Năm 2012, số người đăng ký thất nghiệp tại địa phương này lên đến 139.400 người (tăng gần 34% so với năm 2011). Riêng một tháng qua, số người lao động thất nghiệp lên đến gần 14.000 người. Thế nhưng, rất ít người thất nghiệp được tái đào tạo miễn phí hay giới thiệu việc làm mới.

Tình trạng trên cũng là vấn đề chung của lao động trong thời buổi thất nghiệp tràn lan như hiện nay. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin lao động TP HCM, mặc dù tình trạng nhảy việc trong lực lượng lao động trên địa bàn thành phố đã giảm nhưng một vấn đề đặt ra là tình trạng lao động mất việc và chuyển sang làm ở các ngành phi chính thức đang khiến người lao động kiệt sức vì phải làm việc với tần suất cao mà hiệu quả lại thấp.

Người lao động TP HCM đăng ký thất nghiệp

Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam: Đa số lao động trong khu chế xuất - khu công nghiệp trình độ thấp và làm nghề giản đơn, họ thường chỉ làm một chi tiết hoặc công đoạn nào đó trên dây chuyền sản xuất. Lương và phụ cấp thấp, phần lớn thu nhập của công nhân dành cho ăn uống. Họ đang làm việc để tồn tại, không quan tâm sức lao động có giới hạn! Về lâu dài, điều này gây hệ lụy là người lao động không có điều kiện nâng cao năng suất lao động, tái đào tạo nghề, chuyển đổi công việc khác. Sức khỏe của họ ngày càng cạn kiệt nhanh và dễ bị thải loại, khó tái hòa nhập vào thị trường lao động. Theo Bảo hiểm Xã hội TP HCM, chỉ trong vòng 30 ngày cuối quý I đầu quý II đã có hơn 3.700/14.000 người đăng ký thất nghiệp đề nghị chuyển hưởng trợ cấp thất nghiệp về các tỉnh, thành khác.

Ăn xổi ở thì

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, tình trạng thất nghiệp là do ngày càng có ít chỗ làm việc hơn vì doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn phải ngừng sản xuất hoặc giải thể. Bên cạnh đó, dù số lượng chỗ làm việc nhiều nhưng người tìm việc làm không đáp ứng được hoặc không phù hợp cơ cấu đào tạo nghề và nhu cầu nhân lực. Đặc biệt là tình trạng thừa thầy thiếu thợ khiến cho doanh nghiệp dù có nhu cầu nhiều nhưng vẫn khó khăn trong việc tuyển lao động. Trong khi lực lượng lao động kỹ thuật có tay nghề cao thiếu trầm trọng thì lực lượng lao động có trình độ đại học, cao đẳng lại dư thừa.

Điển hình nhất là trong tháng 5 này, Trung tâm Giới thiệu việc làm TP HCM tổ chức hai sàn giao dịch việc làm với tổng nhu cầu cần tuyển dụng trên 3.000 người. Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng chỉ mang về được 995 lao động (tương đương gần 1/3 nhu cầu) và bằng 1/14 số lao động vừa thất nghiệp trong tháng trước đó. Bên cạnh đó, tình trạng lao động dịch chuyển việc sang khu vực phi chính thức càng khiến bức tranh lao động ngày càng xám xịt.

Ông Trần Hiếu Liêm, Phó trưởng phòng Lao động Tiền lương - Tiền công (Sở LĐ-TB&XH TP HCM) cho biết, hiện thành phố có khoảng 270.000 lao động làm việc trong các khu chế xuất - khu công nghiệp. Đi kèm theo là có gần 200.000 lao động làm việc phi chính thức quanh khu vực, khiến cho tình hình lao động luôn có sự xáo trộn. Tình trạng này khiến chất lượng người lao động ngày càng bị đánh giá thấp trong mắt các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Tấn Định, Phó trưởng ban Quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp TP HCM, hệ lụy của việc lao động thất nghiệp; nhảy việc tràn lan là rất lớn, nó khiến bản thân họ bị mất giá trị trước doanh nghiệp. “Các doanh nghiệp nước ngoài rất kỵ với lao động nhảy việc, bởi cái họ cần là sự ổn định để đảm bảo việc sản xuất. Trong khi lao động chúng ta quen với kiểu làm việc “ăn xổi ở thì” nên rất khó đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy người lao động phải tự khẳng định năng lực và phẩm chất của mình trong quá trình làm việc có như thế mới thay đổi được cách nhìn của doanh nghiệp nước ngoài đối với lao động Việt Nam hiện nay.

Theo Sở LĐ-TB&XH TP HCM, tình trạng cung - cầu lao động chưa gặp nhau là do ở cả hai phía, người lao động và người sử dụng lao động chưa thỏa thuận được các chế độ đãi ngộ thỏa đáng và hợp lý theo đúng cơ chế thị trường. Vấn đề này không hoàn toàn do các chính sách của nhà nước, nếu người sử dụng lao động không quan tâm đến các chính sách về tiền lương, điều kiện làm việc… sẽ khó tìm lao động đáp ứng được yêu cầu. Còn phía người lao động, nếu không chủ động nâng cao kiến thức, tay nghề và kỹ năng nghề thì cũng khó thỏa mãn được các yêu cầu của doanh nghiệp.

Thùy Trang

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc