Ngành giáo dục liên tiếp đưa ra những hình thức... phạt tiền

11:14 | 20/03/2013

908 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Nhiều mức phạt cụ thể đã Bộ GD-ĐT đưa ra tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục được công bố trong hội thảo ngày 19/3 tại Hà Nội.

Xúc phạm người học, người dạy

Thầy cô đánh, hành hạ học sinh sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng. Trong khi đó, hành vi xâm phạm nhân phẩm, thân thể nhà giáo có mức phạt cao hơn, từ 5-20 triệu đồng.

Đây là một trong nhiều điểm mới của Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Bộ GD – ĐT vừa bạn hành. Ngoài ra, Dự thảo còn đề cập đến nhiều vấn đề nhức nhối trong xã hội, trong đó một số điểm đáng lưu ý sau:

Thời gần đây dư luận rất bức xúc về việc một số giáo viên có những hành vi xử phạt học sinh trái luật như đánh, mạt sát, dán miệng trẻ vì nói chuyện… 

Bên cạnh đó cũng có không ít trường hợp giáo viên bị chính học trò hành hung thậm chí dẫn đến thương tích. Để bảo vệ người học, người dạy, và góp phần ngăn chặn những hành vi này, Bộ GD – ĐT đã đưa ra dự thảo quy định phạt tiền những hành vi sai trái này.

Cụ thể: đối với người ngược đãi, hành hạ học sinh mức phạt từ 3 triệu đến 5 triệu đồng; còn xâm phạm nhân phẩm, thân thể, danh dự của nhà giáo, nhân viên cơ sở giáo dục mức phạt sẽ cao hơn, từ 5-20 triệu đồng.

Đại diện ĐH Luật Hà Nội băn khoăn về mức xử phạt đối với hành vi xúc phạm người dạy và người học.

 

Đến nay, quy định xử phạt này vẫn đang trong quá trình thảo luận và sẽ được đưa vào thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong Hội thảo, đại diện trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng mức phạt như vậy là quá chênh lệch, phân biệt giữa người dạy và người học quá nhiều.

Theo đại diện này, việc đưa ra mức tiền phạt 3-5 triệu đối với việc hành hạ học sinh và 5-20 triệu với việc hành hạ, xâm phạm danh dự, thân thể giáo viên và nhân viên cơ sở giáo dục là bất hợp lý.

“Phải chăng việc hành hạ, xúc phạm học sinh lại bị coi nhẹ hơn giáo viên?” – đại diện ĐH Luật Hà Nội nêu ý kiến. Theo cô, Nghị định cần bổ sung và phân biệt hành vi ngược đãi học sinh hoặc giáo viên của cá nhân và của cơ sở giáo dục. Nếu là hành vi ngược đãi của cá nhân và cá nhân thì mức phạt cần nhẹ bớt, còn hành vi ngược đãi của cơ sở giáo dục với cá nhân thì cần biện pháp mạnh, mang tính răn đe.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh thanh tra Bộ GD - ĐT cho biết quy định này sẽ không nêu rõ từng hành vi và mức phạt tương ứng mà căn cứ vào từng vụ việc để đưa ra quyết định. Tuy nhiên, mức xử phạt phải nằm trong khung phạt đã quy định.

Sĩ số lớp vượt quy định: phạt đến 20 triệu đồng

Theo quy định tại điều lệ trường tiểu học, trường trung học hiện hành, sĩ số lớp ở cấp tiểu học tối đa là 35 em/lớp và bậc THCS, THPT không quá 45 em/lớp.

Theo ông Nguyễn Huy Bằng - chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, Nghị định số 49/2005/NĐ-CP và Nghị định số 40/2011/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục chưa đề cập đến những xử phạt cụ thể này, nên dù đây là hành vi vi phạm đã xảy ra nhưng chưa có quy định để xử phạt.

Theo đó, mức xử phạt dự kiến được đưa ra tùy thuộc vào số học sinh vượt so với quy định chung. Phạt từ 5-10 triệu đồng đối với lớp có số học sinh vượt quá mức quy định từ 15-25%, từ 10-15 triệu đồng đối với lớp vượt 26-40% và từ 15-20 triệu đồng đối với lớp vượt từ 41% trở lên.

Sĩ số học sinh vượt quá quy định sẽ bị xử phạt nghiêm.

 

Theo ông Bằng, nghị định mới được xây dựng nhằm tăng cường quản lý về giáo dục để cụ thể hóa luật (cụ thể hóa mức phạt tiền, các biện pháp khắc phục hậu quả...).

Trong bản dự thảo này cũng đưa ra mức xử phạt cao nhất đối với tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục là 100 triệu đồng/hành vi. Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT mới được ra quyết định xử phạt cao nhất này.

Mức xử phạt tối đa có thể được áp dụng cho những vi phạm như: thành lập trường ĐH, các tổ chức, đơn vị thuộc trường ĐH không đúng quy định; các trường ĐH, học viện không chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc đình chỉ hoạt động hoặc giải thể, hoạt động ngoài thời hạn quy định của giấy phép, tự ngừng hoạt động khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép… Cùng một hành vi vi phạm, mức phạt đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức.

Ngoài việc phạt tiền, các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục còn đi kèm những hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả rất chặt chẽ tùy theo tính chất, mức độ như: tước quyền sử dụng quyết định cho phép thành lập, tịch thu phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, buộc giải thể cơ sở giáo dục hoặc chấm dứt hoạt động giáo dục, buộc hủy bỏ kết quả các môn thi hoặc chấm lại bài thi, buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất các sách giáo khoa, tài liệu, thiết bị giáo dục đã nhập khẩu trái phép…

Nhã Anh