Nên “vẽ đường cho hươu chạy”?

06:40 | 04/08/2013

1,471 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không phải ngẫu nhiên mà Ngày Dân số Thế giới năm nay Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc lấy chủ đề “Có thai ở tuổi vị thành niên”, còn ở Việt Nam, vấn đề có thai vị thành niên nóng trở lại khi tiếp tục nằm trong top 5 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Vì đâu nên nỗi?

Một lần nữa vấn đề giáo dục giới tính và tình dục được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết, nhưng trong hơn 30 năm qua chưa bao giờ giáo dục tình dục ở nước ta được nói đến một cách rõ ràng cụ thể mà thường được lồng ghép với các chủ đề liên quan trong môn sinh học, dân số, kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản (SKSS) và phòng chống HIV. Còn nhớ, vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi chúng tôi là học sinh cấp 2, môn sinh có phần về sức khỏe sinh sản nhưng đến tiết học thì cả giáo viên và học sinh đều ngượng ngùng, cứ nói đến chuyện “nhạy cảm” ai cũng đỏ mặt, đỏ tai. Tuy nhiên giai đoạn này HIV/AIDS bùng phát trên toàn thế giới nên Nhà nước bắt buộc đưa giáo dục HIV/AIDS như một phần rất quan trọng trong chương trình SKSS trong trường học.

Trong khoảng thời gian trẻ học THCS, sự gần gũi và chia sẻ của cha mẹ với con xung quanh vấn đề giới tính, tình dục là rất quan trọng (Ảnh mang tính minh họa)

Vấn đề tiếp tục nhấn mạnh từ năm 2002 đến 2006, khi Viện Chiến lược và Chương trình Giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) hỗ trợ hoạt động của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam nhằm lồng ghép các chủ đề sức khỏe sinh sản và tình dục (SKSS&TD) vào trong chương trình phòng chống HIV quốc gia tại các trường THCS. Đến năm 2006, một đánh giá do Tổ chức Cứu trợ trẻ em Hoa Kỳ thực hiện đã kết luận: Trong khi các chính sách của Chính phủ Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ để thực hiện thì chương trình giáo dục SKSS và phòng chống HIV vẫn chưa được lồng ghép có hiệu quả. Ngoài ra, có nhiều trường không bị bắt buộc dạy các môn học theo yêu cầu của chương trình này. Do sự không đồng bộ trong quá trình thực hiện nên hiệu quả của chương trình SKSS và phòng chống HIV có hiệu quả hay không chủ yếu phụ thuộc vào sự cam kết của các nhà quản lý giáo dục cấp tỉnh, cùng hiệu trưởng và giáo viên các trường trung học.

Báo cáo cũng nhấn mạnh đến việc Sở Y tế cấp tỉnh và các trường học thiếu những hướng dẫn cụ thể, rõ ràng trong việc thực hiện chương trình này. Thêm một rào cản nữa là chính giáo viên và cả học sinh thấy không thoải mái hay tự tin với các chủ đề liên quan tới SKSS&TD và HIV. Có thể lý giải nguyên nhân một phần do sự khác biệt về thế hệ. Tuy nhiên, cản trở lớn nhất của giáo viên và học sinh đưa ra là SKSS&TD không phù hợp với văn hóa Việt Nam, đặc biệt là với học sinh THCS. Do đó, đến năm 2007 với sự hỗ trợ của UNFPA và Tổ chức Cứu trợ trẻ em, Bộ GD&ĐT phê duyệt chương trình hành động về SKSS và phòng chống HIV/AIDS cho học sinh THCS giai đoạn 2007-2010, thiết lập một chương trình mới về giáo dục SKSS và phòng chống HIV quốc gia trong các trường THCS.

Với bao nhiêu nỗ lực của Chính phủ, Bộ GD&ĐT cùng các tổ chức của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam trong hơn 30 năm qua nhưng theo một thống kê mới đây, tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên (nhóm 15-19 tuổi) trong năm 2011 ở Việt Nam là 46/1.000, cao hơn nhiều nước cùng khu vực như Malaysia 12/1.000, Singapore 5,2/1.000. Điều này dẫn đến tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ gái vị thành niên Việt Nam cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 5 thế giới với khoảng 300 ngàn ca/năm. Trong đó, chiếm khoảng 70% số ca là học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp. Và nếu những năm trước tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên chiếm 5-7% số ca thì vài năm gần đây đã tăng lên 10%. Trẻ vị thành niên mang thai có một số em đã sinh con và dẫn đến hậu quả đau lòng là bỏ con, sản phụ bị băng huyết sau sinh và nhiều bệnh nhiễm trùng liên quan đến bộ phận sinh dục khác rất nguy hiểm...

Nhắc đến đây hẳn nhiều người nhớ đến câu chuyện ngày 3/3/2013, Khoa Bệnh lý sơ sinh của Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM) cấp cứu một bé trai sơ sinh 36 tuần tuổi trong tình trạng không thở được khi hai cánh mũi của bé bầm dập, trầy xước (do bị bóp mũi). Sau đó bé được xác định là con của Nguyễn Thị Uyên T (sinh năm 1994, quê Bình Thuận). Sau khi cứu chữa, bé qua cơn nguy kịch nhưng có thể chịu những di chứng nặng nề về sau do não thiếu ôxy quá lâu. Trước đó không lâu, chiều 3/10/2012, nhiều người dân tại khu nhà trọ phường Bình Hòa (Bình Dương) phát hiện một trẻ sơ sinh bị vứt vào thùng rác và được đưa đi cấp cứu. Người mẹ cũng được phát hiện trong tình trạng nguy kịch do những vết thương không được chăm sóc cẩn thận sau khi sinh. Đứa bé là con của một công nhân tên H (16 tuổi, quê Nghệ An). Những câu chuyện đau lòng này được báo chí đăng tải làm cho dư luận rất xót xa. Có người sẽ trách các bà mẹ trẻ sao nhẫn tâm bỏ rơi hoặc cố tình giết con ruột của mình, nhưng suy nghĩ cho kỹ thì người lớn cũng có trách nhiệm trong chuyện này.

Đáng chú ý, trong số trẻ vị thành niên nạo phá thai, số ca tại TP HCM chiếm tỷ lệ cao nhất nước. Theo thống kê mới nhất của Sở Y tế TP HCM, năm 2011, có 3.876 ca của nữ vị thành niên (chiếm 4,1% số ca), năm 2012 có 3.523 ca (chiếm 4,03% số ca) đó là chưa kể những ca nạo phá thai chui mà Sở Y tế chưa thống kê được. Tỷ lệ này gần gấp đôi tỷ lệ những năm trước. Ngoài ra, theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM về thực trạng giáo dục và trang bị kỹ năng sống về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cho vị thành niên tại TP HCM cho kết quả là có 3,2% từng có quan hệ tình dục với độ tuổi trung bình là 14. Đây là tuổi còn quá trẻ mà nếu các em chưa được trang bị những kiến thức về SKSS, cũng như việc bảo vệ mình trước những bệnh lý lây qua đường tình dục thì hậu quả trẻ gái vị thành niên phải gánh chịu là rất cao. Và các bác sĩ sản khoa cho biết, nếu trẻ vị thành niên có thai ngoài ý muốn thì có đến 87% ca bị biến chứng khi nạo phá thai như sót nhau, sót màng... dẫn đến phải nạo buồng tử cung. Chưa kể có những trường hợp vô sinh về sau.

Các nhà xã hội học cho rằng, mang thai tuổi vị thành niên không đơn thuần chỉ là vấn đề giáo dục tình dục ở nước ta chưa thực sự hiệu quả mà còn phản ánh nhiều vấn đề xã hội khác như nghèo đói, đô thị hóa, bất bình đẳng giới, bạo lực và phân biệt đối xử, tảo hôn… Do đó, qua những con số về việc tỷ lệ mang thai và tỷ lệ nạo phá thai tuổi vị thành niên ngày càng nhiều cũng chứng minh một điều rằng công tác bảo vệ quyền cho trẻ em gái vị thành niên chưa thực sự tốt.

Đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề, không nên né tránh cụm từ giáo dục tình dục nữa. Đây phải là một chiến lược căn cơ, bài bản của ngành giáo dục nước ta. Còn theo kiểu lâu nay trong gia đình cha mẹ né tránh trước những câu hỏi của con cái liên quan đến tình dục nhưng lại tỏ thái độ cấm đoán chúng. Ở nhà trường thì phương pháp giảng dạy còn cổ điển với những thông điệp mang tính áp đặt, điều này làm cho trẻ vị thành niên cảm thấy rất bối rối. Trong khi các em có nhu cầu tìm hiểu thực sự về giới tính, về tình dục thì chính gia đình và nhà trường lại không tạo cơ hội cởi mở và sẵn sàng chia sẻ khúc mắc cùng các em. Nên chuyện tìm đến các nguồn tin không chính thức khác như Internet, phim ảnh hoặc học hỏi từ bạn bè là điều khó tránh khỏi của trẻ vị thành niên hiện nay.

Do đó, nhiều người cho rằng, nên vẽ đường cho “hươu” chạy, chứ đừng “nhốt hươu” hay “đuổi hươu” như lâu nay. Hướng dẫn “hươu” biết cách chạy hơn là để “hươu” tự chạy và phải trả giá cho chính sự thiếu hiểu biết. Mà nói như một nhà báo lão thành ở Việt Nam: “Bắt chước các nước khác đi, đến giờ học giới tính và SKSS thì cho nam học riêng, nữ học riêng. Thế mà trong bao năm qua, ngành giáo dục chúng ta vẫn chưa làm được”. Vì chúng ta thiếu cơ sở vật chất, thiếu kinh phí, thiếu nhân lực, thiếu sự đồng thuận trong hành động… hay thiếu cái gì nữa mà bao năm qua để tỷ lệ nạo phá thai vị thành niên ở nước ta năm sau cứ cao hơn năm trước?

T. Thanh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.