Mướt mải chạy theo giá xăng tăng...

17:37 | 14/08/2012

793 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chiều 13/8, giá xăng tăng thêm 1100 đồng/lít, dầu tăng 500 - 800 đồng/lít. Và chỉ mới đây vào ngày 1/8, giá xăng vừa tăng thêm 900 đồng/lít. Các đợt tăng giá xăng dầu liên tiếp khiến đời sống của người dân bị xáo trộn.

Giá xăng tăng cao tạo áp lực tăng giá đối với hầu hết các mặt hàng vì chi phí vận chuyển gia tăng. Đặc biệt, xăng tăng giá đã tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp ngành vận tải.

Ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM cho biết: Do tăng giá xăng lần này khá cao nên giá taxi có thể tăng vào thời gian sắp tới. Nhiều đợt tăng giá xăng trước các hãng taxi vẫn kiềm chế không tăng giá cước vì chi phí cho 1 lần kiểm định rất đắt đỏ nhưng đợt tăng gái này khá cao buộc doanh nghiệp phải nâng mức giá, có khả năng giá cước taxi sẽ tăng khoảng 500 đồng/km.

Ngoài các doanh nghiệp taxi, các doanh nghiệp vận tải hành khách và vận tải hàng hóa cũng có kế hoạch tăng giá để không bị lỗ.

Ngành vận tải bị tác động trực tiếp bởi giá xăng tăng.

 

Không chỉ có dịch vụ vận tải chuẩn bị gia tăng mà nhiều mặt hàng khác cũng nhanh chóng tăng theo giá xăng dầu. Tại Chợ đầu mối Bình Điền (quận 8), một số mặt hàng rau xanh đã tăng 1000 – 2000 đồng/kg. Riêng mặt hàng hải sản có mức tăng cao hơn như: cá nục 26.000 đồng/kg, tăng 3000 đồng/kg, cá thu 130.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg.

Tại các chợ lẻ, sau một đợt tăng giá nhẹ khi xăng tăng giá 900 đồng/lít vào ngày 1/8 thì đến nay, giá cả thực phẩm tiếp tục leo thang. Cụ thể: cải bó xôi 20.000 đồng/kg, tăng lên 30.000 đồng/kg, thịt heo tăng thêm 5000 đồng/kg (thịt ba rọi 95.000 đồng/kg, thịt đùi 80.000 đồng/kg), cá điêu hồng 42.000 – 45.000 đồng/kg, tăng 3000 – 5000 đồng/kg.

Nhiều tiểu thương khẳng định, do sức mua giảm nên giá cả một số mặt hàng chỉ có thể nhích lên chứ không tạo được một “làn sóng” tăng giá mới, song mức tăng nhiều mặt hàng dù rất nhỏ cũng khiến người tiêu e ngại vì trong tình hình kinh tế khó khăn, người dân đang thắt lưng buộc bụng thì việc tăng giá sẽ tiếp tục kéo giảm sức mua.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định: “Tăng giá xăng đợt này là khá cao, Nhà nước nên giảm thuế xăng dầu cùng chia sẻ khó khăn với người dân, vì tăng giá xăng dầu dẫn đến phí vận tải tăng và khi đó sẽ tác động đến giá cả hàng hóa. Tác động tăng giá xăng có thể sẽ đi ngược với kết quả kiềm chế lạm phát”.

Trong tình hình kinh tế khó khăn, doanh nghiệp chưa vượt qua được khủng hoảng, người dân phải tiết kiệm chi tiêu, thì việc tăng giá xăng một lần nữa đã đẩy gánh nặng về phía người tiêu dùng và doanh nghiệp, khiến cho họ càng khó khăn hơn. Đó là chưa kể trong thời gian qua giá điện, gas, viện phí… đều tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến người dân. Do đó, cần có cơ chế quản lý giá cả một cách hợp lý hơn để giảm bớt khó khăn cho người dân và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất trong tình hình hiện nay.

 

Mai Phương